Người bác sĩ đưa kỹ thuật “phẫu thuật quý tộc” về Việt Nam
Chỉ 5 năm sau ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới, “ phẫu thuật quý tộc” đó đã được thực hiện tại Việt Nam.
GS.TS Trần Bình Giang Giang là một trong những người đầu tiên mổ nội soi tiêu hóa.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là “người tiên phong” của kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở Việt Nam, là người đã đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam. Đã gần 30 năm kể từ ca phẫu thuật nội soi đầu tiên ở Việt Nam ấy nhưng đến giờ ông vẫn nhớ như mới diễn ra vừa hôm qua.
Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, ông tiếp tục học nội trú với chuyên ngành ngoại khoa. Với thành tích đứng đầu lớp học tiếng Pháp, tháng 5/1990 ông được lựa chọn sang đào tạo ở Bệnh viện danh tiếng Cochin, Đại học PARIS 6, do GS. Yves Chapuis Viện sỹ Viện hàn lâm phẫu thuật Pháp, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật các tuyến nội tiết, làm chủ nhiệm.
Bệnh viện có Trung tâm ghép tạng lớn của Pháp, và GS Giang đã trở thành người Việt Nam đầu tiên học về ghép tạng.
GS.TS Trần Bình Giang Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Mạnh Quân).
Bệnh viện Cochin cũng là nơi GS Giang được tham gia vào nhóm triển khai phẫu thuật nội soi đầu tiên do GS Bernard Cadier đứng đầu. Đây là cơ duyên để sau này, GS Giang đã kết nối để Bệnh viện Việt Đức mời GS Delaitre và BS Bernard Cadier, những phẫu thuật viên nội soi tài hoa sang thực hiện ca phẫu thuật nội soi đầu tiên vào cuối năm 1992.
4 năm sau, ông tiếp tục được sang học tại Bệnh viện, Trường Đại học Nice-Sophia-Antipolis, một Trung tâm nổi tiếng ở Pháp để học chuyên sâu về phẫu thuật nội soi. Đây chính là dấu mốc để lĩnh vực phẫu thuật nội soi ở Việt Nam được mở ra và phát triển.
Mổ nội soi- kỹ thuật của tương lai
Năm 1910, nhà khoa học Thụy Điển Hans Christian Jacobous đã công bố về những ca nội soi ổ bụng trên người đầu tiên và sau đó là soi trên ngực. Lúc đầu, họ soi với mục đích chẩn đoán xem trong bụng có gì, rồi dần dần những kỹ thuật can thiệp từ đơn giản tới phức tạp được thực hiện qua soi ổ bụng như soi cắt ruột thừa, cắt túi mật. Thời gian đầu mọi thứ còn khá thủ công, khi mổ bác sĩ một tay cầm ống soi một tay làm việc, vì thế không thể làm những kỹ thuật phức tạp.
Đến năm 1987, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Phillip Mouret sử dụng camera để mổ. Báo cáo về phẫu thuật nội soi được đưa ra tại hội nghị ngoại khoa Pháp khi đó tạo sự chấn động trong giới y học, được ví như quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống TP Hirosima của Nhật. Điều đặc biệt là lúc này hầu hết các nhà khoa học trên thế giới phản đối kịch liệt, cho rằng đây là kỹ thuật dùng người bệnh làm thí nghiệm, chưa được thông qua bởi hội đồng đạo đức. Cũng vì lẽ đó, dù kỹ thuật này được khởi nguồn tại châu Âu nhưng nó chỉ thực sự phát triển tại Mỹ, để rồi sau đó phát triển tại châu Âu.
Video đang HOT
Từ sau những năm 1990, mổ nội soi mới thực sự phát triển trên toàn thế giới. Và với GS Giang điều may mắn là năm 1990, ông được cử sang Pháp học, tại một bệnh viện nổi tiếng. Những ca phẫu thuật nội soi đầu tiên được thực hiện tại đây. Ông được học với những bác sĩ nổi tiếng, những phẫu thuật viên hàng đầu châu Âu.
Ông vẫn nhớ cái cảm giác lần được xem mổ ca nội soi đầu tiên, giống như một sự khai sáng, một phương pháp mổ hoàn toàn mới, “đó là tương lai, là kỹ thuật của tương lai”.
Vì thế, khi về nước, thông qua nhiều mối quan hệ, ông đã đề nghị các thầy ở Việt Đức mời GS Bernard Delaitre sang Việt Nam mổ ca đầu tiên.
Một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: BVCC).
Dàn máy nội soi và ca mổ nội soi đầu tiên tại Việt Nam
Tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất khi đó chính là vấn đề chi phí mua trang thiết bị. Chi phí mua một dàn máy nội soi ở thời điểm đó cực đắt đỏ, khoảng 754 triệu, tương đương 2-3 tỷ đồng bây giờ. Chiếc máy đầu tiên Bệnh viện mua là tiền mua ô tô, cộng thêm bệnh viện bù vào hơn 100 triệu. Tiền mua máy đã lớn, nhưng còn vô số các điều kiện, thiết bị đi kèm cũng đắt, dễ hỏng.
“Đơn giản nhất là điện, bình thường đang mổ mà mất điện, thì dùng đèn pin, đèn bão còn với mổ nội soi mất điện là “tịt”. Hay như mổ mở có thể gây mê, gây tê… còn mổ nội soi nếu gây mê không tốt thì không làm được, kèm theo đó là hệ thống khí y tế, oxy… Các bạn có thể hình dung là cần trang thiết bị đầy đủ, chuẩn mực như bây giờ nhưng tại thời điểm mấy chục năm về trước là quá khó khăn”, GS Giang nhớ lại.
Tại Việt Nam, từ những năm 1970 các thầy đã làm soi ổ bụng, mục đích để xem chấn thương.
“Tôi thấy kỹ thuật này có quá nhiều ưu điểm, tuy tốn kém về máy móc, khó khăn nhưng lợi ích với người bệnh có quá nhiều. Thay vì vết mổ to, dài, chảy nhiều máu, cắt đứt cả cơ, vết mổ toang hoác thì nay chỉ một lỗ bé tí, không chảy máu, không bị nhiễm trùng, không phải đau, mổ bình thường người bệnh đau vô cùng, chưa kể các biến chứng nhiễm trùng… Nếu mình không nắm bắt thì sẽ lạc hậu, chúng ta cũng không phát triển”, GS Giang bồi hồi nhớ lại.
Khi làm thực tế, ông cùng các đồng nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không vì thế mà từ bỏ, quyết tâm đưa kỹ thuật mổ quý tộc về Việt Nam. Thậm chí có thầy còn bảo: “Mổ mở còn chẳng ăn ai nói gì mổ nội soi nhìn thấy gì mà cắt”. “Bây giờ, có thể thấy nản nhưng thời ấy đang thanh niên “hăng máu” nên vẫn mày mò làm, dần dần mọi thứ đi vào quỹ đạo, mọi người cũng dần hiểu ra, rất nhiều người động viên”, GS Giang cười.
Người đứng đầu Bệnh viện Việt Đức cũng thừa nhận khi đó mình có chút liều khi nhận mổ nội soi những ca cắt túi mật đầu tiên, rồi mổ thoát vị bẹn bằng nội soi.
Cũng theo ông, kỹ thuật mổ nội soi tại Việt Nam bắt đầu có sự phát triển bùng nổ từ năm 2010, thử thách với những kỹ thuật khó. Và “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều bạn bè quốc tế đã đến Việt Nam để học về cắt gan nội soi, mổ nội soi 1 lỗ tuyến thượng thận…
“Dần dần qua các chuyến đi học, hội nghị quốc tế họ cũng biết “chất” của bác sĩ Việt Nam, nên nhiều nước sang học về mổ nội soi như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan… Trong khu vực, trình độ phẫu thuật nội soi của Việt Nam thuộc top đầu châu Á” GS Giang tự hào nói.
Khi người ta trẻ, người ta sẽ có hoài bão, muốn chinh phục, muốn làm cái gì mới
“Có lẽ khi lần đầu tiên xem ca mổ nội soi trên thế giới ông không nghĩ rằng mình có thể triển khai sớm được vì không có tiền. Chính tại các nước phương Tây còn nói đây là loại hình phẫu thuật của nhà quý tộc. Nhưng khi người ta còn trẻ, người ta sẽ có hoài bão, muốn chinh phục, muốn làm cái gì mới”, GS Giang chia sẻ.
“Tuy nhiên, điều may mắn chúng ta có sự nâng đỡ của bậc thầy, những người không làm về nội soi. Đấy là điều cực kỳ quan trọng, không có sự ủng hộ đó tôi sẽ không bao giờ làm được. Trong ngành y thế hệ sau nối tiếp hệ trước, người đi sau đứng trên vai người đi trước thì mới đạt được thành tựu”, GS Giang chia sẻ.
Ông vẫn nhớ cảm giác thực hiện ca mổ nội soi đầu tiên sung sướng, thậm chí có một chút tự kiêu trong lòng nhưng không dám nói ra. Đây là một trường hợp bị trào ngược thực quản vì thế phải mổ tạo van để ngăn không trào ngược. Để mổ thực quản mà mổ mở cực khó, vì nằm sâu nấp dưới gan, lách nhưng mổ nội soi lại dễ hơn.
Ông cũng cho biết bản thân phải mang ơn những bệnh nhân đầu tiên vì đã chấp nhận mổ, vì đã tin tưởng vào ông.
Là người đứng đầu một bệnh viện ngoại khoa lớn, nguyên Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, ông sẽ giành đam mê truyền lửa cho lớp trẻ, để phát triển kỹ thuật mới ngày càng tốt hơn.
Câu chuyện về mổ nội soi cho thấy nền y học, bác sĩ ở Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia tiên tiến nào. Kỹ thuật nào tốt nhất, tiên tiến nhất chúng ta cũng đang vận dụng vào chữa bệnh. Đến nay, các trung tâm y tế lớn của đất nước đều đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu lớn, tay nghề của các bác sĩ tại các trung tâm lớn của Hà Nội, Huế, TPHCM được bạn bè quốc tế công nhận….
Với sự phát triển của công nghệ robot phẫu thuật và hệ thống công nghệ thông tin và truyền dẫn tốc độ cao, đã có một số trung tâm trên thế giới thực hiện những ca mổ với robot được điều khiển từ xa mà trường hợp đầu tiên đã được thực hiện với nhóm điều khiển tại thành phố Strassbourg, Pháp còn robot mổ bệnh nhân tại Newyork, Mỹ năm 2003. Khi công nghệ càng phát triển, ông cũng mơ có robot để mổ từ xa như ca mổ nội soi xuyên Đại Tây Dương này. Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ tư vấn mổ từ xa.
Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan từ người hiến sống ghép gan
Mới đây, tại Bệnh viện TWQĐ 108, kíp ghép gan của bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải từ người hiến sống tiến hành ghép gan thành công.
Đây là ca đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Ca nội soi lấy mảnh gan để ghép đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công sau 5 giờ
TS.Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan - mật - tụy, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết: Sau 5 giờ phẫu thuật, mảnh ghép gan đã được lấy thành công bằng phẫu thuật nội soi để ghép cho người nhận gan. Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ.
Kíp bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật lấy mảnh ghép gan phải.
Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như: Can thiệp ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở. Người hiến gan ra viện khoẻ mạnh sau 6 ngày phẫu thuật với chức năng gan bình thường. Người nhận gan sau 10 ngày chức năng gan ghép đã hoạt động tốt, ăn uống tốt, tự đi lại phục vụ các hoạt động sinh hoạt cá nhân.
Hiện nay cả nước đã có 09 trung tâm có thể thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan với hơn 300 bệnh nhân, trong đó Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tuy mới thực hiện ghép gan từ cách đây 4 năm nhưng hiện tại là trung tâm có số lượng ghép gan từ người hiến sống nhiều nhất Việt Nam với 91 trường hợp (trong tổng số 94 trường hợp ghép gan đã thực hiện tại BV TWQĐ 108).
Ghép gan đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân
Tuy thực hiện ghép gan muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng cho đến hiện nay các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này. Số ca ghép gan thành công ngày càng tăng lên theo từng năm, giúp trả lại cuộc sống và sức khoẻ bình thường cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý gan giai đoạn cuối, đồng thời chi phí thực hiện ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác.
Hình ảnh nội soi được phóng to qua màn ảnh.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về gan rất lớn, trong đó mỗi năm có khoảng 2000-2500 ca bệnh gan giai đoạn cuối có nhu cầu ghép gan. Hiện tại, Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện ghép gan thường quy với số lượng từ 40-50 ca/năm, dự kiến sẽ tăng lên 100-150 ca/năm với nhiều loại hình kỹ thuật ghép tiên tiến sẽ được triển khai.
Hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít các Trung tâm Gan mật và Ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống.
Vì vậy, với việc lần đầu tiên ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã ghi một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng Việt Nam và mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo tiếp tục đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho nhiều người bệnh.
Vinmec tái tạo chính xác dây chằng chéo trước khớp gối với phương pháp "ánh xạ giải phẫu" độc quyền Sử dụng các công nghệ hình ảnh 3D phân tích thông số khớp gối và tạo ra một "bản sao soi gương" của dây chằng chéo trước của khớp gối bên lành để tạo thành bản "thiết kế" cho phẫu thuật tái tạo lại dây chằng cho bên gối bị. Phương pháp này được gọi là "ánh xạ giải phẫu", là phương pháp...