Người ấy chẳng xứng đáng làm mẹ
Bà đã không dám nhìn nhận, không dám yêu thương chính núm ruột của mình.
Tôi phát hiện mình không phải con nuôi mà là con ruột của mẹ năm tôi 12 tuổi. Lần đó cậu gọi điện thoại báo tin ngoại bệnh nhưng mẹ và cha dượng đi nghỉ mát ở nước ngoài, tôi quyết định thay mẹ về thăm ngoại.
12 tuổi, lần đầu đi xa một mình, tôi rất lo lắng. Tuy vậy, tôi tự nhủ, mình là con trai, phải cứng rắn, mạnh mẽ lên, không có gì phải sợ. Nghĩ vậy mà tôi lấy hết can đảm nhờ bác xe ôm gần nhà chở ra bến xe, mua vé xe cho tôi về thăm ngoại.
Con đường từ Sài Gòn về Mỹ Tho chẳng xa xôi gì nhưng vì là lần đầu đi một mình nên tôi rất sợ. Lên xe tôi khư khư ôm cái ba lô có mấy bộ quần áo và mấy trăm ngàn như một bảo vật. Tôi quan sát những người chung quanh xem có ai khả nghi, có ai có dáng vẻ như “mẹ mìn” hay không…
Có lẽ nhìn tôi lạ lắm nên người phụ nữ ngồi bên cạnh ân cần hỏi: “Cháu về tới đâu? Sao đi có một mình vậy?”. Tôi ngờ vực nhìn bà: “Cháu về thăm bà ngoại…”. Khi nghe tôi nói ra địa chỉ nơi mình sẽ đến, bà ta cười hiền lành: “Vậy hả? Bác cũng ở đó. Lát nữa xuống xe, còn phải đi xe ôm một chặng nữa mới tới nhà. Vậy chớ cháu là con cháu của ai?”. Tôi đã yên tâm hơn nên nói ra tên bà ngoại. Nghe xong, bà ta lại cười: “Ủa, vậy ra cháu là cháu ngoại bà Năm Thiên. Chắc là con của con Ngọc đây”. Tôi nói nhanh: “Dạ, không phải. Cháu là con của mẹ Châu”. Người phụ nữ nhíu mày: “Châu nào? Bà năm Thiên chỉ có con Ngọc với thằng Quân. Vậy thì không phải rồi”. Tôi bắt đầu hoang mang: “Dạ, cháu đúng là cháu ngoại bà Năm Thiên, dì ba con tên Ngọc, cậu út tên Quân; còn mẹ con là thứ hai, tên Châu. Mẹ con mất hồi mới sanh con…”.
Lúc đó xe đã tới bến nên câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang ở đó. Tuy vậy, tôi vẫn mang nỗi thắc mắc trong lòng. Khi lên xe ôm, tôi bị dồn vô giữa trên chiếc xe chở ba nên không kể thêm được gì. Xe chạy chừng 20 phút thì bà ta nói với chú xe ôm: “Em cho thằng nhỏ xuống chỗ Ngã ba Cây Khế nghen”.
Tôi không biết chỗ đó tên gọi là Ngã ba Cây Khế nhưng nhìn con đường đê ngoằn nghèo, hai bên là hàng trâm bầu, tôi nhớ ngay đường về nhà ngoại. Tôi cám ơn người phụ nữ đã chỉ đường, cám ơn bà đã trả tiền xe cho tôi rồi chạy một mạch về nhà ngoại.
Trong thấy tôi, cậu út hết hồn: “Trời ơi, tưởng cháu nói chơi, ai dè mày về thiệt. Vô đây, vô đây… Ngoại yếu lắm rồi”. Cậu kể mấy bữa trước ngoại đi ruộng về, tự dưng nằm lăn ra bất tỉnh. Sau đó ngoại tỉnh dậy nhưng rất yếu. Cậu đòi chở ngoại vô bệnh viện nhưng ngoại nhất quyết không chịu đi. Khi tôi về tới thì ngoại đã á khẩu, chỉ ú ớ chớ nói không thành lời. Tới tối thì ngoại mất.
Mẹ tôi không kịp về để thấy mặt ngoại lần cuối. Mãi đến hôm chôn ngoại mẹ và cha dượng tôi mới về. Mẹ khóc ngất, trách cậu sao không chờ mẹ về nhưng cậu bảo đã coi ngày giờ rồi, không chậm trễ được. Mẹ ở tới mở cửa mả xong thì quay về Sài Gòn, tôi muốn ở lại chơi với cậu nhưng mẹ nhất quyết không cho: “Về còn đi học nữa, ở lại làm gì?”. Cậu thấy vậy thì năn nỉ: “Đang nghỉ hè mà, cho nó chơi vài bữa nữa đi. Học gì mà học dữ vậy?”. Cuối cùng mẹ gia hạn thêm cho tôi 2 ngày.
Video đang HOT
Sự căm ghét, khinh bỉ của tôi đối với mẹ càng đầy lên (Ảnh minh họa)
Trong 2 ngày đó, đã đủ cho tôi tra vấn cậu về những lời nói mình nghe được trên xe. Cuối cùng, cậu tôi đành thú nhận: Mẹ tôi có thai với một người đàn ông đã có vợ, lúc sanh tôi thì bị băng huyết suýt bỏ mạng nên ngoại và cậu phải đem tôi gởi vô chùa… Lúc tôi được 6 tháng mẹ vô chùa xin lại rồi đem tôi lên Sài Gòn ở luôn tới giờ. Năm tôi 6 tuổi, mẹ quen với cha dượng tôi bây giờ và nói với ông tôi là con của người chị đã mất. Mẹ cũng dặn tôi như vậy. Lúc đó tôi cũng có buồn nhưng mẹ an ủi: “Dù con không phải do mẹ sinh ra nhưng mẹ đã nuối nấng con từ nhỏ, coi con như con ruột…”.
Mẹ còn nói rất nhiều nhưng lúc đó tôi không hiểu hết và cũng không nhớ rõ. Điều duy nhất đọng lại trong thâm tâm tôi là, tôi không phải do mẹ sinh ra. Tôi phải chấp nhận nhường nhịn hết tình yêuthương cho những đứa con ruột của mẹ với cha dượng sau này. Đổi lại tôi phải chịu đòn roi, chửi mắng, nhục mạ, của cả mẹ lẫn người đàn ông sau này của mẹ.
Ấy vậy mà 6 năm sau, sự thật lại bị lật ngược hoàn toàn. 12 tuổi, tôi đủ bất mãn để không muốn trở về với người đã rủ bỏ mình. Thế nhưng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác. Khi đưa tôi ra xe về Sài Gòn, cậu căn dặn: “Con đừng có nói với mẹ là cậu kể cho con nghe, nếu không mẹ con sẽ giận cậu”.
Tôi mang nỗi ấm ức của một đứa con bị từ bỏ suốt bao nhiêu năm qua. Mẹ không thể hiểu vì sao tôi từ một đứa trẻ ngoan hiền lại trở thành cứng đầu, cứng cổ, khó dạy, khó bảo như vậy… Mẹ không tìm hiểu mà chỉ biết trách móc, giận dữ, khóc lóc… Và mỗi khi như vậy, sự căm ghét, khinh bỉ của tôi đối với mẹ càng đầy lên.
Bây giờ tôi quyết định sẽ từ bỏ. Tôi đã nhận được học bổng ra nước ngoài du học. Tôi sẽ cố gắng học, sẽ ở lại bên đó làm việc và tìm một cơ hội để định cư ở nước ngoài. Tôi chỉ nói với mẹ điều này khi thủ tục đã xong xuôi. Mẹ tôi lại khóc lóc, lại trách móc, lại giận dữ. Cuối cùng mẹ gào lên: “Trời ơi sao tôi khổ thế này? Nuôi nấng nó mười mấy, hai chục năm trời, giờ nó nói đi là đi… Đồ vô ơn. Biết vậy hồi đó tôi bỏ nó luôn trong chùa”.
Câu nói vô tình của mẹ khiến cơn giận của tôi bùng lên. Tôi nhìn mẹ lom lom: “Đúng rồi, lẽ ra hồi đó mẹ phải bỏ con luôn trong chùa chớ đem về làm gì? Giờ mẹ hối hận rồi hả? Lương tâm của mẹ để đâu khi nỡ đem con của mình vứt bỏ như vậy?”.
Tôi còn nói nhiều lời rất cay nghiệt nữa trước khi vào phòng đóng sầm cửa lại. Không biết mẹ có hiểu hết những điều tôi nói hay không nhưng hôm sau mẹ ngã bệnh phải nhập viện cấp cứu. Cha dượng gọi cho tôi: “Con vô thăm mẹ đi, mẹ muốn gặp con”. Tôi trả lời cộc lốc: “Con không vô”.
Tôi cũng không ở nhà mà đăng ký tua du lịch Sapa, sau đó tôi quay về Mỹ Tho thăm cậu. Mẹ tôi lại gọi, cha dượng gọi, tôi không thèm nghe máy. Cho đến cách nay 2 ngày, tôi nhận được tin nhắn của cha dượng: “Mẹ con bị ung thư giai đoạn cuối, mẹ muốn gặp con. Đừng để sau này phải ân hận”.
Tôi chẳng có gì phải ân hận. Người ấy chẳng xứng đáng làm mẹ khi đã không dám nhìn nhận, không dám yêu thương chính núm ruột của mình. Thế nhưng cha dượng cứ bám riết quấy rầy tôi bằng những tin nhắn… Ông ta nói rằng mẹ tôi không thể nói chuyện, không thể ăn uống. Tôi biết ông ta chỉ cường điệu cho tôi mủi lòng…
Còn đúng một tuần lễ nữa tôi sẽ lên máy bay. Tôi đang mong cho giây phút đó nhanh đến để tôi thoát khỏi gánh nặng đang đè lên cuộc sống của mình; lấy đi của mình những bình yên, thanh thản mà lẽ ra tôi phải có được kể từ lúc sinh ra làm con người trên thế gian này…
Theo VNE
"Sau cùng, thế nào là đàn ông đích thực?"
Năm 12 tuổi, tôi đi xem bố chơi đá bóng và chứng kiến ông bị ngã toét cả gót chân. Cũng chính tôi thấy bố, sau đó, với cái gót chân rách cả thịt và đầm đìa máu, vẫn loay hoay đến được chỗ đậu xe và tự lái ô tô đến bệnh viện.
Bạn có thể hình dung rồi đó, lúc ấy, đàn ông đích thực trong mắt tôi là người như bố - gai góc, mạnh mẽ và không hề biết khóc.
Bố tôi sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, cả đời ông luôn phải tự phấn đấu. Bố không quen bộc lộ tình cảm, lúc nào ông cũng thật cứng rắn. Lần duy nhất tôi thấy ông yếu đuối là khi chị tôi lấy chồng. Ông ôm con gái khiêu vũ trong đám cưới, cố giấu những giọt nước mắt vào trong.
"Khóc là yếu đuối" - bố hay nói với chị em tôi như vậy. Và như để rõ ràng hơn, bố bảo: "Đàn ông đích thực thì không bao giờ khóc".
Đó là một trong những ấn tượng về khái niệm "đàn ông đích thực" theo chị em tôi lớn lên. Và trong suy nghĩ của bố, tôi tin chắc ông luôn hình dung một ngày nào đó, các con gái của ông sẽ mang về những chàng rể khỏe mạnh như Võ Tòng, đầy sức mạnh và lòng dũng cảm, những chàng rể thậm chí biết tự khâu vết thương của mình do quái thú (nếu có) gây ra.
Thực tế hơn, chàng rể như bố tôi mơ ước chắc chắn là người có thể kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, người có thể đảm đương việc lớn. Bố chắc chắn sẽ chau mày không bằng lòng nếu thấy con rể thay tã cho cháu hoặc làm bất cứ việc nhà nào nhiều hơn việc đổ rác.
"Các con cần để cho một người đàn ông được là đàn ông" - bố bảo với chúng tôi vậy.
Tôi đồng ý với bố, bởi thế chỉ hò hẹn với những "tuýp đàn ông đích thực" như bố đã xây dựng trong tưởng tượng của chị em tôi. Nhưng ở họ có một điểm chung, đó là tính gia trưởng, luôn muốn được làm chủ.
Hồi đại học, tôi gắn với một anh chàng. Anh ta thích chọn bạn cho tôi, anh ta đọc hết mọi tin nhắn trong điện thoại của tôi mà nghĩ rằng như thế chẳng vấn đề gì cả.
Sau tôi hẹn hò với một anh trong đội thể thao trường, người luôn yêu cầu tôi phải có mặt bất cứ khi nào anh ta gọi, người xem chuyện ân ái với tôi trên giường đơn giản chỉ là để thỏa mãn những nhu cầu của anh ta. Cuối cùng tôi nhận ra rằng, nếu phải gắn với một người thích điều khiển cuộc sống của tôi, tôi thà sống đơn độc cả đời.
Đó là lý do tại sao tôi đến với Brian, khác biệt hoàn toàn so với những người đàn ông của tôi trước đó. Brian là một nghệ sĩ tinh tế, anh có thể nấu bao nhiêu bữa tối cho tôi ăn cũng được, anh không ngại ngần để tôi thấy anh những lúc yếu đuối, anh biết tự giặt giũ quần áo, và nếu anh đã mua vé xem phim, anh không ngại để tôi trả tiền taxi khi hai người về nhà.
Brian sẵn sàng hỏi đến sự trợ giúp của tôi khi cần, bất kể là lúc đang sửa vòi nước hay đang thiết kế một trang web. Anh tôn trọng ý kiến của tôi như ý kiến của chính anh.
Nói ngắn gọn, Brian trái lập hoàn toàn với mẫu đàn ông lý tưởng bố đã vẽ ra cho chị em tôi hồi nhỏ. Tôi không biết bố sẽ nghĩ gì về tình yêu của tôi bây giờ, liệu ông có thất vọng vì con gái mình lại chọn cho ông một chàng rể như thế hay không?
Lúc nào trong đầu tôi, lời của bố: "Con cần gắn bó cả đời với một người đàn ông đích thực" cũng vang lên. Rồi tôi lại nhìn Brian, nghĩ về những gì anh đã mang đến cho tôi, nghĩ đến tình yêu rất đẹp của chúng tôi, cảm giác hạnh phúc tình yêu ấy mang lại, và tôi mỉm cười.
Brian luôn trân trọng tôi, đối xử với tôi bình đẳng. Tôi hiểu vậy là mình đã tìm thấy "người đàn ông đích thực". Dẫu anh không giống với hình mẫu lý tưởng bố đã vẽ ra, nhưng anh là người đàn ông đích thực phù hợp với tôi hơn cả.
Theo VNE
Mẹ và mối tình của cha tôi Từ ngày lớn lên tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ nặng lời với nhau. Ai cũng khen gia đình tôi hạnh phúc. Cha tôi hết việc ở công sở về tới nhà bao giờ cũng nở nụ cười với vợ con. Mẹ tôi cũng vậy, thấy chồng về là dù đang làm gì cũng chạy ra đón, dắt cho chồng chiếc xe...