Người Anh sống ở Bỉ lũ lượt xin nhập tịch
Bỉ nhận được hàng trăm yêu cầu nhập tịch từ công dân Anh, sau khi người Anh chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý tuần trước.
Hộ chiếu Anh đặt trên một lá cờ EU. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, gần 24.000 công dân Anh sống tại Bỉ, khoảng một phần ba trong số họ ở thủ đô Brussels, nơi nhiều người làm việc cho các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặt trụ sở tại đây.
Dominique Dufourny, thị trưởng thành phố Ixelles tại Brussels, cho biết khoảng 40 người đã đến xin tài liệu nhập tịch trong vài ngày qua. “Một số đã xếp hàng để xin thông tin từ 7h30 sáng nay”, bà nói.
Các thành phố khác thuộc Brussels cũng báo cáo con số tương tự công dân Anh xin thông tin để trở thành người Bỉ.
Khoảng 50 đơn yêu cầu đã nằm trên bàn làm việc chính quyền địa phương ở các vùng ngoại ô giàu có Uccle và Woluwe Saint Lambert.
“Thông thường, hiếm khi có ai xin thông tin về việc nhập tịch”, một phát ngôn viên của Woluwe Saint Lambert nói. “Kể từ thứ 6 (24/6) đã có một sự bùng nổ”.
Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh hôm 23/6, 52% số người đi bầu đã bỏ phiếu chọn rời khỏi EU, trong khi 48% chọn ở lại, với tỷ lệ người đi bầu 72,2%. Tuy nhiên, Anh chưa chính thức thông báo quyết định rời EU, hay còn gọi là Brexit, đến Hội đồng châu Âu.
Công dân nước khác đủ điều kiện xin nhập tịch Bỉ nếu họ đã sống và làm việc ở đất nước trong hơn 5 năm và có khả năng hiểu cơ bản một trong các ngôn ngữ chính thức là tiếng Hà Lan, Pháp hoặc Đức.
Những người không làm việc cần phải sống ở Bỉ trong hơn 10 năm, và phải chứng minh họ đã hòa nhập vào xã hội Bỉ đến một mức nào đó.
Video đang HOT
Khoảng 1,3 triệu người Anh sống ở các nước thành viên EU khác, trong khi khoảng ba triệu công dân EU đang sống ở Anh. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng sẽ không có sự thay đổi về tình trạng của họ trong thời gian tới. Các cuộc đàm phán về Brexit dự kiến kéo dài vài năm.
Dennis Landsbert-Noon, một công dân Anh tại Tervuren, cho biết ông đã thu thập tài liệu cần thiết để xin nhập tịch cho vợ và 4 đứa con.
“Tôi tin rằng hậu quả của Brexit với Anh sẽ thảm khốc trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tôi không muốn để các con tôi chỉ thuộc về một quốc gia đang trên con đường lụi bại”, ông nói.
“Tôi thấy nhiều người khác cũng đang làm điều tương tự”, ông nói thêm.
Phương Vũ
Theo VNE
Cuộc tháo chạy ồ ạt của người Anh hậu Brexit
Các phòng cấp hộ chiếu Ireland ở nhiều khu vực trở nên quá tải, khi người Anh hối hả kéo đến làm thủ tục nhập quốc tịch sau cuộc trưng cầu dân ý rời EU.
Nỗi thất vọng của nhiều người Anh về kết quả bỏ phiếu Brexit. Ảnh: AFP
Đứng trên bậc thềm đại sứ quán Ireland ở London, Alison Rayner, một nhạc công người Anh 63 tuổi, đang hối hả hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn xin cấp hộ chiếu Ireland giống như người bạn đời của mình, với hy vọng sẽ giữ lại được tư cách công dân của Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước Anh quyết định rời khỏi khối này (Brexit).
"Bạn đời của tôi giờ đây là công dân châu Âu, nhưng tôi thì không. Tôi đã bỏ công tìm hiểu xem có được nhập quốc tịch Ireland hay không, vì tôi vẫn muốn mình là người châu Âu", bà nói với Washington Post.
Giống như bà Rayner, rất nhiều người Anh khác đang hối hả nộp đơn xin cấp hộ chiếu ở các nước khác trong khối EU, như một cách để ở lại liên minh này dù đất nước của họ đã nói lời tạm biệt.
Ngoại trưởng Ireland Charlie Flanagan cho biết kể từ khi kết quả trưng cầu dân ý về Brexit được công bố, số lượng người xin cấp hộ chiếu nước này bỗng nhiên tăng vọt, và cảnh báo rằng làn sóng "tháo chạy" ồ ạt này của người Anh có thể làm ảnh hưởng đến những người có nhu cầu đi lại thực sự khẩn cấp.
"Sự tăng vọt không cần thiết về lượng đơn xin cấp hộ chiếu sẽ gây sức ép rất lớn lên hệ thống cũng như thời gian trả kết quả, và nhiều khả năng sẽ tác động đến những người thực sự cần đến hộ chiếu cho kế hoạch đi lại trước mắt của mình", ông Flanagan nói.
Theo luật, người Anh có thể xin cấp hộ chiếu Ireland nếu họ được sinh ra ở nước này, hoặc có bố mẹ, ông bà là người Ireland. Ước tính có khoảng 6 triệu người Anh, chiếm gần 10% dân số nước này, có quan hệ họ hàng, "dây mơ rễ má" với người Ireland.
Tại thời điểm này, khi chính phủ Anh chưa chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình rời khỏi EU, hộ chiếu của người Anh vẫn có dòng chữ "Liên minh châu Âu" ở phía trên. Thế nhưng viễn cảnh về việc không còn là một công dân EU, đồng nghĩa với việc mất đi quyền tự do đi lại trong khối, đã khiến nhiều người Anh hoảng sợ.
"Làm thế nào để xin hộ chiếu Ireland" là một trong những cụm từ được người Anh tìm kiếm trên Google nhiều nhất trong tuần qua. Hồi cuối tuần trước, Phòng Hộ chiếu Ireland ở Belfast (Bắc Ireland) đã phải ra thông báo tạm thời hết mẫu đơn xin cấp hộ chiếu do lượng người đến làm thủ tục quá đông.
Ngay cả những người lựa chọn phương án Anh rời khỏi EU cũng ủng hộ việc công dân Anh xin hộ chiếu Ireland. Ian Paisley Jr., một nghị sĩ Anh và là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, đã công khai hối thúc mọi người xin hộ chiếu thứ hai nếu có thể. "Lời khuyên của tôi là nếu bạn đủ điều kiện được cấp hộ chiếu thứ hai thì hãy làm đi", Paisley viết trên Twitter.
Tại phòng cấp hộ chiếu Ireland ở Tây London, dòng người xếp hàng dài dằng dặc để chờ tới lượt nộp thủ tục xin cấp hộ chiếu, trong đó có nhiều người khẳng định họ đến đây vì Brexit. Một phụ nữ và đứa cháu 14 tuổi còn ôm một chồng khoảng 20 bộ hồ sơ để phân phát cho bạn bè, người thân ở Bắc Ireland.
Cộng hòa Ireland có chung biên giới với vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Đồ họa:BBC
Một nhân viên giấu tên tại văn phòng này cho biết họ có thể phải mất tới ba năm mới giải quyết hết đống hồ sơ đó. "Mọi người không nhất thiết phải dồn tất cả tới trong một ngày như thế này", nhân viên đó than thở.
Bắc Ireland là một phần lãnh thổ của Liên hiệp Vương quốc Anh, do vậy người dân ở đây phải tuân thủ kết quả Brexit, dù đa số họ đều ủng hộ phương án ở lại với EU. Tuy nhiên, theo một hiệp định được ký năm 1998, bất cứ người dân Bắc Ireland nào đều có quyền nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu Anh hoặc Ireland.
Michael Walkington, một người gốc London sinh ra ở Bắc Ireland, nói rằng ông làm hồ sơ xin cấp hộ chiếu Ireland để hai đứa cháu của mình có thể được tiếp cận với cơ hội học hành, làm việc ở EU. Là một thành viên của EU, người dân Ireland có thể tự do sinh sống, làm việc tại 27 quốc gia châu Âu khác.
"Tất nhiên chúng tôi có thể xin cấp hộ chiếu trong tương lai, nhưng chúng tôi lo ngại rằng lúc đó tình trạng quan liêu sẽ gia tăng", ông nói.
Ông Dominic Allen, doanh nhân ở West Yorkshire, nhân chuyến công tác tới London cũng tranh thủ tới văn phòng này và xin một tập hồ sơ để làm hộ chiếu Ireland cho cả gia đình.
"Chúng tôi từng chần chừ trong việc kết nối trở lại với gốc gác Ireland của mình, và Brexit chính là động lực để chúng tôi thúc đẩy việc đó", Allen nói với Guardian. "Trong tương lai, tấm hộ chiếu Ireland sẽ hữu ích với chúng tôi khi đi lại khắp châu Âu hơn hộ chiếu Anh rất nhiều".
Tấm hộ chiếu Ireland với dòng chữ "Liên minh châu Âu" phía trên đang là mơ ước của nhiều người Anh. Ảnh: Alamy
Cậu thanh niên 17 tuổi Oscar Brennan cũng có suy nghĩ tương tự khi đến phòng cấp hộ chiếu ở Nam Kensington để xin mẫu đơn. "Tôi cũng từng ấp ủ dự định xin hộ chiếu Ireland để kết nối với gốc gác tổ tiên của mình. Brexit đã thôi thúc tôi hiện thực hóa điều đó".
"Khi nói về triển vọng việc làm, bạn không thể biết tương lai sẽ như thế nào, vậy nên cẩn tắc vô ưu, tốt nhất là cứ trang bị tấm hộ chiếu có thể giúp bạn làm việc tại châu Âu", Brennan tâm sự.
Bà Sheila Steele, chuyên viên nghiên cứu thị trường nghỉ hưu, cho biết bà quyết định đi làm hộ chiếu Ireland ngay sau khi biết kết quả trưng cầu dân ý. "Mẹ tôi là người Ireland, tôi đã từng tính tới việc nhập tịch theo mẹ, và khi Brexit xảy ra, tôi nghĩ đã đến lúc rồi".
Cầm tờ giấy hẹn trên tay, bà cho biết sẽ được nhận tấm hộ chiếu Ireland mới trong khoảng 8 tuần. "Tôi cảm thấy mình không còn là người Anh nữa, tôi là công dân châu Âu", bà nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Nỗi hoang mang của người Anh ở châu Âu hậu Brexit Việc Anh chọn rời EU khiến công dân nước này làm việc ở các quốc gia châu Âu khác điêu đứng vì những rắc rối họ chưa từng gặp phải đang hiển hiện. Một người biểu tình phản đối kết quả trưng cầu dân ý, khi người Anh chọn rời EU. Ảnh: AFP Theo luật pháp của Anh, bất kỳ công dân nào...