Người anh hùng đi qua hai cuộc chiến
Trong chiến tranh, người ta biết đến Nguyễn Văn Nổi là chàng anh hùng bất khuất. Trong thời bình, ông được mệnh danh là cây đại thụ của đồng bào Chơro.
Già làng Năm Nổi với chiếc xà gạc ngụy trang tài liệu trong thời kháng chiến
Về thôn miền núi Lý Lịch xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hỏi già làng Nguyễn Văn Nổi thì không ai lại không biết. Người thì bảo rằng ông là người anh hùng duy nhất của làng đánh nhau với Pháp với Mỹ, người thì bảo rằng ông là vị thánh sống của núi rừng, của đồng bào Chơro.
Già làng Nguyễn Văn Nổi vẫn được người dân gọi với cái tên Năm Nổi đầy trìu mến. Dù đã bước sang tuổi 83 nhưng già vẫn giữ được phong thái khỏe mạnh của một người anh hùng. Bên bếp lửa bập bùng, già bắt đầu câu chuyện: “Người ta gọi tôi như vậy cũng vì quá trình hoạt động cách mạng của tôi. Năm tôi lên 7 tuổi cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bắt đầu bùng nổ. Ngày đó, Pháp về bản bắt thanh niên, người khỏe mạnh đi làm phu ở các hầm mỏ. Những người chống đối đều bị chúng đánh đập, chém giết. Chính vì vậy nên tôi rất căm ghét và quyết định theo các anh lớn tuổi hơn đi làm cách mạng”.
Tuy mới lên 7 nhưng Năm Nổi luôn là kim chỉ nam quan trọng cho bộ đội, chiến sỹ trong những cánh rừng già nguy hiểm. Ông nhớ lại: “Ngày ấy rừng còn rậm rạp, thú dữ nhiều. Chính vì không quen đường đi lối lại nên cán bộ của ta bị cọp, beo ăn thịt rất nhiều. Những lúc bộ đội cần di chuyển đến vùng sâu, nguy hiểm thì các anh lại gọi tôi để hỏi và nhờ tôi dẫn đi”. Ông cho biết thêm, người đi rừng không chỉ gan dạ mà còn phải biết nắm bắt tâm lý của thú dữ. Mỗi khi gặp hổ thì phải ôm gậy thẳng đứng cao hơn đầu người vì hổ bắt mồi theo cách nhảy lên chụp xuống. Khi thấy như vậy hổ sẽ không dám tấn công.
Cung tên là vũ khí chủ yếu của đồng bào Chowrro trong những năm kháng chiến
Video đang HOT
Chính sự kiên trung và gan dạ nên suốt những năm sau đó, Năm Nổi được cán bộ tin cậy và giao phó chức vụ giao liên. Thân hình nhỏ bé lại đen nhẻm nên Năm Nổi không phải là tầm ngắm của quân đội Pháp. Tuy vậy, Năm Nổi luôn ngụy trang mình một cách cẩn trọng để tránh tình huống xấu nhất xảy ra. Ông kể, mỗi khi được giao tài liệu là ông cho vào cán tre của chiếc xà gạc (dụng cụ để phát cành cây, cỏ dại của người Chơro) rồi cứ thế băng rừng lội suối. Cậu bé giao liên ngay tức khắc trở thành đứa trẻ người thiểu số lam lũ đi rừng đào khoai nên lính Pháp không để ý.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, Năm Nổi được tiếp xúc và hoạt động cách mạng cùng các cán bộ lão thành như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ (nhà chỉ huy quân sự tài ba), Trung tướng Nguyễn Bình (Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) ở chiến khu D.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Năm Nổi đã là một chàng trai khỏe mạnh hùng tráng. Những cuộc băng rừng, những cuộc chiến khốc liệt bắt đầu diễn ra và những chiến công cũng được dệt nên từ đó.
Tháng 1 năm 1960, khi bộ đội ta chuẩn bị tiến vào Tây Ninh thì bất ngờ bị địch vây hãm, cô lập trong rừng. “Lương thực đã hết nhưng không thể nhận được viện trợ từ phía ngoài. Lúc đó tôi đã cố gắng luồn lách để vào với bộ đội và đưa các anh đến một vùng đất gần đó để đào củ chụp làm lương thực. Nơi đó được mệnh danh là kho lương của người Chơro nên bộ đội có thể ăn hàng tháng trời vẫn chưa hết. Cũng chính vì vậy nên tôi được bộ đội đặt biệt danh là Năm củ chụp và sau này được thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tặng bằng khen”.
Không chỉ bí mật hoạt động cách mạng mà Năm Nổi còn vận động đồng bào mình góp sức vót chông, đặt bẫy kẻ thù. Giúp bộ đội lập căn cứ và cung ứng lương thực. Dưới sự lãnh đạo của Năm Nổi, vùng núi Lý Lịch trở thành vùng đất chết đối với kẻ thù. Chông được bày khắp rừng, bẫy thú đặt khắp nơi nên chỉ cần quân địch sơ hở là phải đánh đổi bằng tính mạng. “Không có súng đạn hiện đại thì người dân sử dụng cung, nỏ. Ngày đó, cả thôn bản đều rầm rộ chế kịch độc tẩm mũi tên. Mỗi khi quân địch lọt vào rừng Lý Lịch là cả làng kéo nhau đánh du kích” – Già làng Năm Nổi nhớ lại.
Mũi tên được tẩm kịch độc để sát thương quân thù
Già Năm Nổi luôn là lá cờ đầu của phong trào chống giặc, là lãnh tụ tinh thần của người Chơ Ro ở ấp Lý Lịch. Với những cống hiến và chiến công, nhà nước đã 2 lần phong tặng danh hiệu anh hùng cho già Năm Nổi. Bằng khen, huân huy chương kháng chiến của già thì không đếm nổi.
Những năm sau kháng chiến, già Năm Nổi là gương sáng trong hoạt động xã hội. Mang trên mình trọng trách của vị già làng, ông chưa bao giờ quên những cuộc chiến và luôn kể lại cho con cháu nghe để tinh thần bất khuất vì dân tộc không bị phai mờ.
Theo Dantri
Nghĩa cử cao đẹp của chàng sinh viên Lào 9 lần hiến máu
Xuất phát từ suy nghĩ muốn được sẻ chia giọt máu quý giá của mình cho những bệnh nhân nghèo cần tiếp máu, Nó Khăm Phăn Xu Khăn Thon - chàng sinh viên người Lào ở lớp Quản trị kinh doanh K51, Trường ĐH Quảng Bình đã 9 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Khăn Thon sinh ra trong gia đình đông anh em ở huyện Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (Lào). Bố mẹ đều là công nhân nên Khăn Thon sớm thấu hiểu được những vất vả lo toan của bố mẹ khi phải lao động mệt nhọc để nuôi nấng mấy anh chị em ăn học nên người. Và cũng chính từ đó, Khăn Thon càng cảm thông, chia sẻ những khó khăn trước những số phận kém may mắn trong xã hội.
Những ngày đầu sang Việt Nam theo học, Khăn Thon mới biết được hành động hiến máu tình nguyện ở đây mang ý nghĩa nhân văn cao cả là giúp đỡ những bệnh nhân nghèo cần được tiếp máu để kéo dài sự sống. Khi Đoàn trường, Hội Sinh viên phát động phong trào hiến máu nhân đạo trong toàn trường, Khăn Thon đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Khăn Thon luôn xem hoạt động hiến máu tình nguyện là một việc làm mang tính nhân văn cao cả.
Khăn Thon tâm sự: "Lần đầu tiên em hiến máu là xuất phát từ cuộc vận động của nhà trường chứ thực sự chưa hiểu gì nhiều về hiến máu nên cũng thấy lo lắng. Nhưng qua việc tuyên truyền cũng như tự tìm hiểu trên mạng, em thực sự mới thấy việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, dòng máu cho đi sẽ có dòng máu mới được hồi sinh trong cơ thể.
Qua mỗi lần hiến máu tình nguyện luôn để lại trong trái tim em một niềm vui khó tả. Em nhận thấy hiến máu tình nguyện là việc làm bình thường nhưng mang ý nghĩa nhân văn cao cả, bởi khi gửi một đơn vị máu vào ngân hàng máu, bạn không chỉ chia sẻ sự sống của mình cho mọi người mà còn được nhận lại đúng lượng máu đã hiến khi cần. Sống và học tập ở Việt Nam nhiều năm đã cho em biết được điều này", Khăn Thon trải lòng.
Không chỉ tham gia nhiệt tình trong phong trào hiến máu tình nguyện, Khăn Thon còn là một thành viên tích cực trong các hoạt động do Hội Sinh viên Trường ĐH Quảng Bình phát động. Mỗi khi có phong trào tình nguyện về giúp đỡ những miền quê nghèo, vùng lũ lụt là em lại nhiệt tình đăng ký tham gia. Không những thế, các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ do nhà trường tổ chức Khăn Thon cũng rất năng nổ. Khăn Thơn còn là thành viên tiêu biểu của Ban liên lạc Hội Sinh viên Lào tại Trường ĐH Quảng Bình.
Với những thành tích đáng ghi nhận, Khăn Thon là một trong số 10 sinh viên Lào được Hội Sinh viên Trường ĐH Quảng Bình tặng nhiều bằng khen về các hoạt động như: văn nghệ, tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Và với hoạt động hiến máu tình nguyện, em cũng được Hội Chữ thập đỏ trao tặng bằng khen.
Bên cạnh các hoạt động xã hội, Khăn Thon còn rất coi trọng chuyện học tập. Em chia sẻ: "Dù vốn tiếng Việt của em đã tiến bộ hơn rất nhiều nhưng vẫn chưa thành thạo để có thể hiểu hết những gì mà các thầy, cô giảng trên lớp. Vì vậy, có gì chưa hiểu em đều được các bạn giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Hơn nữa năm nay là năm cuối em chuẩn bị tốt nghiệp nên phải đầu tư cho thời gian học nhiều hơn."
Ngoài việc năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, những ngày này Khăn Thon đang miệt mài học tập.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Vương Kim Thành - Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Quảng Bình cho biết, Nó Khăm Phăn Xu Khăn Thon là một sinh viên năng động và có nhiều thành tích trong các hoạt động do Hội SV phát động. Vì là sinh viên nước ngoài nên các hoạt động bên ngoài của các em đều phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh các hoạt động chung, Khăn Thon là một trong những sinh viên có thành tích học tập khá, luôn được các thầy cô, bạn bè giành sự quan tâm đặc biệt.
Chia tay chàng sinh viên người Lào với những nghĩa cử thật cao đẹp, tôi nhớ mãi câu nói của Khăn Thon: "Trước khi ra trường, em sẽ cố gắng thuyết phục các thầy cô cho em hiến máu tình nguyện thêm lần 1 nữa để cho tròn 10 lần. Giúp được một người dân Việt Nam lúc khó khăn hoạn nạn là em luôn thấy vui và ý nghĩa".
Đức Tài
Theo dân trí
PTSC tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng là một trong những truyền thống tốt đẹp luôn được TCty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN (PTSC) coi trọng. PTSC lắp đặt chân đế và khối thượng tầng giàn khoan Tê Giác Trắng. Trong năm 2012, cán bộ nhân viên PTSC đã tham gia nhiều chương trình hoạt động xã hội hướng về...