Người 2 lần phải xa “giọt máu” của mình
Trong bóng chiều nhập nhoạng phủ kín trại giam, bóng Hiền rủ dài lê thê, não nề in mờ ảo góc tường. Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng nói lên rằng đã mấy đêm nay Hiền không ngủ được. Nỗi nhớ con cuộn trào trong lòng chị.
Vì chỉ mấy ngày trước thôi, con trai của Hiền đã được gửi về cho gia đình chăm sóc. Dẫu biết đó là cách tốt nhất đối với tương lai của con; dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày xa cách này, nhưng thực tế diễn ra vẫn bóp nghẹt trái tim người mẹ thổn thức của chị. Hai mẹ con, cách trở sẽ là 15 năm, xa cách vô vàn là song sắt chắn ngang lối giữa một bên là tự do, một đằng là tù tội. Nghĩ tới đây, Hiền lại khóc.
1. Nguyễn Thị Hiền không xinh nhưng ở chị toát lên vẻ chân chất, thật thà, gương mặt hiền lành dễ gây thiện cảm đối với bất kỳ ai. Vậy mà, có ai ngờ con người khoác trên mình vẻ dịu dàng ấy dám đi buôn hàng trắng – thứ độc dược chết người mang lại giá trị siêu lợi nhuận khủng khiếp. Hiền tham. Chị thừa nhận. Nhưng, cũng chỉ bởi khát khao thoát khỏi cuộc sống nghèo hèn, thoát khỏi cơn ác mộng về những năm tháng tận cùng khổ cực. Cơm không có mà ăn. Chỉ có thể cầm hơi nhờ củ mài, củ sắn đào được trên rừng.
Nói về cuộc đời Hiền, chẳng ngờ cũng sóng gió, lao đao đến tội nghiệp. 18 tuổi, Hiền mang thai và sinh con. Có điều, cha đứa trẻ không thừa nhận giọt máu. Không chồng mà chửa – ấy là nỗi sỉ nhục lớn nhất đối với gia đình Hiền. Bố mẹ bắt Hiền phải lánh mặt ở nhà bà cô ruột mãi tận sát bìa rừng. Thi thoảng họ lên thăm mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho một bà bầu sắp tới ngày trở dạ.
Theo như kế hoạch của bố mẹ Hiền, sau khi đứa trẻ chào đời, họ sẽ gửi nó cho một người bà con xa ở tận Huế. Hai vợ chồng họ hiếm muộn, mãi không có con nên rất thèm tiếng bi bô trẻ nhỏ. Hiền biết toàn bộ kế hoạch, cô khóc rưng rức, xin bố mẹ cho cô giữ lại đứa trẻ. Xin bố mẹ không chia lìa mẹ con Hiền.
Nhưng, chính những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau của bố cùng những lời khuyên can hết lời của anh chị, Hiền ngậm ngùi xác định trước ngày chia tay giọt máu của mình dù nó chưa thực sự chào đời.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình. Suy nghĩ ấy khiến Hiền lúc nào cũng buồn rượi. Không biết, có phải vì thế mà sau này, khi nhìn đứa con đỏ hỏn trên tay, nhìn đôi mắt của con, Hiền cũng thấy phảng phất nỗi buồn ấy. Bàn tay bé xíu, mềm mại đỏ hỏn áp vào má Hiền, những giọt nước mắt mặn chát đã kịp nóng hổi trên má người mẹ trẻ.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình (ảnh minh họa)
Bố mẹ Hiền bế đứa trẻ đi mất. Họ bảo rằng, đó là sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của Hiền và cho cả đứa trẻ. Bởi, Hiền còn quá trẻ. Hiền còn cả một tương lai phía trước. Ở mảnh đất xứ Mường này, chuyện không chồng mà chửa đã đủ động trời, lại thêm việc ôm đứa trẻ, thử hỏi tương lai của Hiền sẽ chảy về đâu? Có ai dám sống cả đời với một người đàn bà đèo bòng đứa trẻ không có bố?
Khi bóng bố mẹ Hiền và đứa trẻ mất hút vào chiều nhập nhoạng, Hiền bảo, chưa bao giờ cô cảm nhận trọn vẹn nỗi đau như thế. Có gì đó rất sâu, rất đau cứa vào ruột gan. Buốt nhói từng cơn không dứt. Ngay lúc ấy và cho tới sau này, cô luôn tự trách bản thân đã không giữ con lại. Cô nhận mình là người mẹ tồi. Người mẹ nhẫn tâm cho người ta khúc ruột, giọt máu của chính mình.
2. Hết ngày ở cữ, lánh mặt xóm giềng, Hiền trở về làng với bộ dạng xanh xao, mỏi mệt. Sự biến mất của Hiền vài tháng trời được hợp lý hoá bởi lý do làm ăn xa dưới Hà Nội. Ai cũng tin. Và trong mắt của người làng, Hiền vẫn là cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, củ mỉ cù mì như chính cái tên của cô ấy vậy.
Một thời gian dài, Hiền không ngủ được. Hễ nhắm mắt là nghe thấy tiếng trẻ thơ ỉ ôi thấp thoáng bên tai. Sự ám ảnh quá lớn khiến Hiền gầy rộc hẳn đi. Cô cầu xin bố mẹ nói cho cô biết địa chỉ người bà con xa ở Huế nhận nuôi đứa trẻ. Nhưng, bố cô giận dữ khẳng định: “Đứa trẻ đã có cuộc sống tốt. Đừng đảo lộn mọi thứ. Hãy bắt đầu cuộc sống mới của chính mình”.
6 năm không phải quá lâu, nhưng đủ để bố mẹ Hiền tin tưởng cô con gái đã nguôi ngoai với kí ức. Họ nghĩ Hiền đã thôi ý định tìm đứa trẻ sớm lìa mẹ từ khi mới lọt lòng, nhưng tận sâu trong đáy tim, Hiền tự thề với lòng: Phải tìm lại đứa con, hoặc chí ít cũng phải biết tình hình cuộc sống hiện tại của con như thế nào.
Với bản tính của bố và sự sợ hãi của mẹ, chắc chắn Hiền không thể có thông tin gì từ họ. Chỉ tới khi mắc cơn bệnh nặng, biết không thể qua khỏi, trước lúc từ giã cõi đời bố Hiền mới gọi cô tới bên và đặt vào tay cô mẩu giấy nhỏ. Nói rằng, chỉ cần tìm đến đúng địa chỉ này, sẽ nhìn thấy giọt máu của mình. Nhưng, hãy cân nhắc, liệu Hiền có đủ khả năng nuôi dạy con nên người, mang lại cho con một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hay không. Nói rồi ông ra đi, nặng trĩu muộn phiền.
Hiền tìm theo đúng địa chỉ, nhìn thấy một đứa trẻ đang chơi đùa với quả bóng nhựa trong sân. Một cảm giác vừa xốn xang, vừa ngậm ngùi len lỏi trong từng tế bào. Bóng một người phụ nữ chạy tới lau những giọt mồ hôi đọng trên đầu, trên trán thằng bé và nựng nó những lời âu yếm.
Hiền đứng ngoài cổng nhìn vào, cứ thế khóc nấc từng hồi. Rõ ràng đứa trẻ đã có cuộc sống tốt đẹp. Nó được yêu thương, chăm sóc, quan tâm như chính con ruột của gia đình đó. Điều ấy an ủi phần nào nỗi ám ảnh tội lỗi trong trái tim người mẹ trẻ này.
28 tuổi, Hiền yêu. Đó là một người đàn ông đang đứng bên bờ vực của hôn nhân tan vỡ. Sự dùng dằng trong mối quan hệ chưa dứt điểm của anh ta và vợ cũ lôi Hiền vào trận chiến mệt mỏi. Người ta bảo Hiền là loại đàn bà hư hỏng, quyến rũ đàn ông, phá hoại gia đình người khác. Chỉ Hiền hiểu trái tim cô thực sự run rẩy trước người đàn ông đó.
Mẹ Hiền phản đối quyết liệt, nhưng Hiền sợ, thêm một lần nghe theo sự sắp đặt của gia đình, cô sẽ để vuột mất tình yêu lớn lao của đời mình giống như giọt máu năm xưa, Hiền như con thiêu thân lao vào trận chiến ái tình. Mù quáng và điên rồ, Hiền bỏ nhà theo không người đàn ông đó. Bỏ mặc người mẹ vò võ mong ngóng, xót xa cho cô con gái dại dột, ngu ngốc.
3. Đi theo người đàn ông này, không lâu sau Hiền cảm nhận được một nhựa sống cựa mình trong bụng cô. Hiền và người đàn ông tên Quang hạnh phúc lắm. Dường như, sau quá nhiều đau khổ, mất mát, cuối cùng hạnh phúc đã tìm tới cô. Nhưng, Hiền không thể ngờ, đây mới là bi kịch thực sự chờ đón người đàn bà nhẹ dạ này.
Anh ta không giấu giếm công việc đổi hàng trắng vô lương của mình. Nhưng bằng lý lẽ dẻo quẹo của một gã đàn ông, anh ta nói rằng muốn lo cho cuộc sống của hai mẹ con Hiền thật tươm tất. Hiền tin và ngoan ngoãn nghe theo mọi sự sắp đặt của gã chồng hờ.
Video đang HOT
Trong một phi vụ làm ăn, lợi dụng Hiền bụng mang dạ chửa, Quang nhờ Hiền “đi” cho một mối. Hiền đồng ý, không hề hay biết mọi đường đi nước bước, kế hoạch, toan tính của vợ chồng Hiền đều không qua nổi mắt lực lượng điều tra. Khi bị bắt với chiếc làn chứa heroin trên tay, Hiền đã biết tương lai của mình chấm hết.
Hiền sinh con trong tù. Bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn dồn dập bủa vây cuộc sống hai mẹ con. Cũng may được cán bộ quản giáo thương, chị em cùng phòng chia sẻ, khi dành cho tấm vải nhỏ, chiếc áo cũ bạc màu làm tã cho con. Lúc này, hơn ai hết, Hiền mới thấm thía nỗi đau, nỗi ân hận cho sai lầm của mình.
Ròng rã hơn 3 năm nuôi con trong tù, Hiền luôn tự trách bản thân là người mẹ tồi tệ nhất thế giới. Đứa con đầu thì cho người ta. Đứa con thứ hai thì nuôi nó trong bần hàn, thiếu thốn nơi tù tội. Các cán bộ quản giáo và chị em phạm nhân cùng phòng khuyên Hiền nên gửi đứa trẻ về ở với bà ngoại. Bởi nó cũng gần 4 tuổi, cũng phải đi học, đến trường như chúng bạn.
Trong này khó khăn đã đành, nhưng không nên vì thương con mà giam cầm tuổi thơ của nó sau song sắt giống như mẹ nó. Hiền ngậm ngùi chia tay con. Lúc bà ngoại ôm con đi, Hiền khóc ngất. Mấy ngày trời Hiền bỏ bê cơm nước, cả đêm chong chong không ngủ nổi vì nhớ thương con. Ví như đêm nay, thêm một canh dài người mẹ này thao thức mơ về hình hài, vóc dáng, giọng nói bi bô thơ trẻ của con. Cái giá phải trả cho sự sinh ly này sao mà đắng đót quá?
Theo 24h
Nguyễn Đức Nghĩa: Tết biệt giam
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Rất lâu rồi, Hà Nội mới có một mùa đông rét mướt tê tái kéo dài đến như vậy. Tôi ngồi cùng bà Phạm Thị Chuân, mẹ của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa trong nhà thăm gặp người thân phạm nhân của Trại tạm giam Công an Hà Nội.
Nguyễn Đức Nghĩa được dẫn vào buồng. Bà Chuân nhào vào, chộp vội chiếc điện thoại, lắp bắp hỏi thăm con trai có khỏe không, có ăn, có ngủ được không, quần áo có đủ ấm không. Hai mẹ con họ nói chuyện với nhau bằng điện thoại qua một vách kính. Nếu không có vách kính kia, tôi nghĩ rằng, họ sẽ lao vào ôm chầm lấy nhau mà khóc. Bà Chuân đang ở rất gần thằng con trai tội lỗi, nhưng bà không thể chạm được vào người nó và nắm lấy đôi bàn tay của nó. Còn thằng con trai của bà, nó cũng đang cố rướn người để được nhìn thấy mẹ gần hơn. Bà Chuẩn run rẩy, nước mắt bà trào ra: "Con ơi, mùng 4 Tết này là 100 ngày bố con. Dù còn một ngày con cũng phải sống cho tử tế nhé". Nguyễn Đức Nghĩa khẽ gật đầu rồi cố cười để mẹ vui lòng.
Một tháng nay, bà Chuân khóa cửa ngôi nhà dưới Hải Phòng để lên Hà Nội ở cùng con gái. Ngôi nhà vốn trước đây chỉ có hai vợ chồng bà ra vào, giờ ông Hùng mất rồi, ngôi nhà càng thêm trống trải. Chị gái Nguyễn Đức Nghĩa thương mẹ, đưa bà Chuân lên Hà Nội ở cùng để tiện bề chăm sóc căn bệnh đau đầu kinh niên của mẹ. Nhưng lý do nữa khiến bà khóa cửa ngôi nhà và lên Hà Nội là để bà cảm thấy được ở gần hơn thằng con trai đang nằm trong trại tạm giam Hà Nội. Bà thấp thỏm chờ đợi đến ngày thứ sáu. Và mỗi tháng được một lần vào thăm nó.
- Con ơi, con khỏe không?
- Con khỏe mẹ ạ!
- Con có đủ ấm không?
- Con mới được cán bộ trại giam phát áo trấn thủ. Đủ ấm mẹ ạ!
- Con phải cố gắng lên nhé. Dù còn sống một ngày hay một phút cũng phải sống cho tử tế con nhé. Con đừng xích mích, mâu thuẫn gì với bạn tù. Cùng cảnh với nhau, phải yêu thương nhau chứ đừng chành chọe nhau làm gì.
- Vâng ạ! Mẹ đừng lo.
(Theo lời kể của một cán bộ quản giáo thì thời gian này, Nguyễn Đức Nghĩa thỉnh thoảng có xích mích với một phạm nhân cùng buồng vì những sinh hoạt nhỏ nhặt thường ngày. Tử tù này cũng phạm tội giết người cướp tài sản).
- Cái chị ở Quảng Ninh cứ đòi đi cùng gia đình lên thăm con. Chị ấy gọi điện cho mẹ khóc lóc nức nở. Chị ấy thương mẹ, muốn được chia sẻ với gia đình mình và lần nào gọi điện cũng đòi đi cùng vào trại.
Sau này, Bà Chuân có kể với tôi rằng, từ khi ông Hùng chồng bà bị tai nạn giao thông qua đời, có rất nhiều người biết tin qua đài báo, internet đã gọi điện tới hỏi han, chia sẻ sự mất mát này với bà. Không biết họ tìm đâu ra số điện thoại của gia đình bà. Có nhiều người ở nước ngoài cũng gọi điện về. Trong số ấy, đa phần là những người phụ nữ. Nỗi bất hạnh của bà, hẳn phải là những người đã từng làm vợ, làm mẹ mới cảm nhận hết. Một người phụ nữ ở Quảng Ninh chỉ biết câu chuyện của gia đình bà Chuân qua báo, từ bấy đến nay, chị luôn dõi theo hành trình đau khổ của bà và động viên tinh thần bà rất nhiều. Đó chính là những liều thuốc khiến trái tim bà Chuân dần ấm lại.
- Ở trong này, con phải giữ sức khỏe, đừng hút thuốc, hút men gì cả. Con không được tiêu cực, không được nghĩ quẩn, con mà có thế nào mẹ không sống được đâu.
Nguyễn Đức Nghĩa gật đầu. Đôi mắt kẻ tử tù chớp chớp. Nó mấp máy môi:
- Con nhớ rồi. Mẹ không phải lo gì cho con đâu.
- Phải cố gắng con nhé. Khi bố con còn sống cũng thường nhắc nhở, còn một phút nào sống cũng phải hy vọng. Không được tiêu cực.
- Con nhớ rồi.
- Mẹ vẫn giữ số điện thoại của bố con nên thỉnh thoảng vãn có người gọi tới số điện thoại của bố hỏi thăm, động viên mẹ.
- Vâng. Mẹ nhớ phải giữ gìn sức khỏe nhé.
Hôm nay, đi cùng bà Chuân vào thăm Nghĩa là chị gái của anh ta. Người chị này có nét hao hao giống Nghĩa với cặp kính cận trên gương mặt sáng. Tình cảm của người chị gái đối với em trai bao giờ cũng là thứ tình cảm bao dung, che chở. Tình cảm máu mủ ấy sẽ trở thành tình mẹ con nếu chẳng may cha họ mẹ qua đời. Hình như, chan chứa trong những lời nói của chị gái Nguyễn Đức Nghĩa cũng hiển hiện tình cảm ấy. Chị kể rằng, từ khi vụ án động trời do em trai chị gây ra, cứ một bước ra đường chị cũng phải đeo khẩu trang. Chị sợ cái cảm giác ai đó nhìn chằm chằm vào mặt mình và thốt lên những tiếng kinh ngạc: "Hình như là chị gái thằng Nguyễn Đức Nghĩa..." (Cái tên Nguyễn Đức Nghĩa có lẽ là một cái tên được nhiều người "search" nhiều nhất trên Google thời gian qua. Vì kinh hoàng, vì tò mò và vì đây là một vụ án gây cho dư luận nhiều cảm xúc nhất. Có khi là thông cảm, chia sẻ với ông Hùng, bà Chuân và đặc biệt là sau cái chết của ông Hùng. Có khi là thương xót gia đình nạn nhân, xót xa đến phẫn uất tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa khi chứng kiến gương mặt khắc khổ, héo úa của ông Ba - bố nạn nhân). Bởi thế, báo chí, dư luận đối với gia đình bà Chuân là một điều gì đó thật khủng khiếp. Với chị gái của Nghĩa, đến giờ cũng chưa thể quen được với những cay nghiệt của người đời. Cũng như bà Chuân, chị gái của Nghĩa vồ lấy máy điện thoại, hối hả hỏi cậu em trai những câu hỏi đã được sắp xếp sẵn trong đầu, bởi thời gian đối với họ giờ đây còn quý hơn vàng ngọc. Họ sợ rằng, mấy phút được nói chuyện theo quy định của trại giam mà họ phải chờ đợi, mong ngóng cả tháng trời sẽ trôi vuột mất.
- Nghĩa ơi, em ở trong đó thì tắm rửa thế nào?
- Em vẫn tắm bình thường, chị ạ. Vẫn tắm được mà.
- Mọi việc ngoài này, em không phải lo đâu. Chị sẽ thay em lo cho mẹ. Cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe.
- Cháu có ngoan không chị? Có lớn không, có bụ bẫm không?
- Cháu ngoan lắm, 18 tháng, bụ bẫm và biết nói rồi. Nó nói nhiều và bi bô nói suốt ngày.
Nghĩa cười. Mắt kẻ tử tù long lanh khi nghe chị gái nhắc tới đứa cháu bé nhỏ gọi Nghĩa bằng cậu. Khi chưa bị bắt, Nghĩa rất thích chơi với nó. Khi ấy, cháu bé mới vừa đầy tuổi. Nhìn hai chị em Nghĩa nói chuyện với nhau qua lớp kính, hai cặp kính dày chăm chú nhìn nhau, hai tấm lưng cố nhoài để được gần nhau hơn, tôi chợt thấy tiếc nuối. Họ đều là những con người trí thức, sinh ra trong một gia đình nề nếp. Nhưng Nghĩa đã không đi cùng con đường với người chị của mình, đến giờ đây chỉ ngồi cách nhau một vách kính nhưng chị em họ không thể cảm nhận thấy hơi ấm của nhau.
- Lúc bố còn sống vẫn luôn dặn, lúc nào em cũng phải cố gắng lên nhé. Mọi việc ngoài này chị sẽ lo cho mẹ.
Nghĩa gật đầu. Đôi mắt trũng sâu sau cặp kính cận dày chớp liên tục. Có lẽ đã nhiều đêm anh ta mất ngủ. Chỉ hỏi cậu em được vài câu là chị gái của Nghĩa đã nghẹn ngào. Những lời nhắc nhở, dặn dò cậu em vì thế luôn bị đứt đoạn, ngắt quãng bởi tiếng khóc nghẹn.
Thực ra, về vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, đã có quá nhiều bài phản ánh nhưng quả thực, tôi vẫn muốn được một lần đối diện trực tiếp với kẻ tội lỗi này, để nghe Nghĩa nói và nhìn nhận thật kỹ gương mặt anh ta. Và lý giải câu hỏi, tại sao đằng sau cặp kính kia lại là tâm hồn của một tội đồ?
- Chào Nghĩa, em có khỏe không?
- Em chào chị. Dạ, em khỏe chị ạ!
- Em có biết chị là ai không??
- Dạ có ạ. Chị là nhà báo. Hôm trước em có nhìn thấy chị đi cùng với một chị nữa, nhưng hôm đó chị đeo kính, còn hôm nay không thấy chị đeo kính. Chị ở báo nào ạ?
- Chị là phóng viên Chuyên đề CSTC, thuộc Báo CAND. Em đã bao giờ đọc báo đó chưa?
- Dạ có ạ. Thỉnh thoảng em cũng được gia đình gửi báo vào.
- Thế đã bao giờ đọc được bài báo nào viết về mình không?
- Dạ có ạ.
- Ở trong này, không có game, không có Internet, em đã quen với cuộc sống này chưa?
- Dạ rồi ạ. Không Internet em thường chơi cờ tướng.
- Cờ mồm à?
- Dạ vâng ạ. Bọn em chơi cờ mồm. Đánh với người ở phòng bên cạnh.
- Em học chơi cờ mồm có lâu không?
- Dạ, chỉ một thời gian ngắn là học được thôi. Mà ở biệt giam thì hầu như ai cũng biết chơi chị ạ.
- Em thường thắng hay thua.
- Dạ em thường thắng. Cùng lắm là hòa chứ chưa bao giờ thua.
- Ngoài cờ ra thì...
- Dạ, em thường hát hò cho đỡ buồn. Ở trong đó ai cũng hát, hát suốt ngày, trừ lúc ngủ.
- Em hát có hay không?
- Dạ, em không biết em hát có hay không nhưng thỉnh thoảng cũng bị bạn tù phản đối (cười) vì chắc là họ không nghe nổi.
- Sắp Tết rồi. Ngày xưa ở nhà thì Tết em thường làm gì?
- Dạ, em thường đi chơi với bạn bè cấp ba. Đi lễ nhà thờ. Hôm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, em nằm trong này nghe thấy tiếng pháo nổ vang trời ở sân vận động Mỹ Đình, thấy người nao nao.
- Em có thuộc nhiều nhiều bài thánh ca không?
- Dạ có. Thỉnh thoảng em cũng hát Thánh ca, còn ngày nào em cũng đọc kinh cầu nguyện cho vong linh của bố em được siêu thoát và để sám hối tội lỗi của mình.
Nghĩa cúi mặt, giấu đi đôi mắt đang ướt nhòe sau cặp kính. Bất chợt, một cảm giác nghèn nghẹn ập đến trong tôi, giống như cảm giác hôm nào tôi đến nhà ông Ba ở phố Minh Khai, thắp hương trước bàn thờ của em Linh, nhìn gương mặt của cô gái trẻ ẩn hiện sau làn khói mỏng manh và chứng kiến nỗi đau khiến tất cả con người trong ngôi nhà ấy trở nên hóa đá đến câm lặng. Trong những ngày này, người ta đang nhộn nhịp sắm Tết, tất cả mọi người dù đang ở phương trời nào cũng đều hướng về gia đình, về với cội nguồn. Cái Tết - với người Việt Nam là sự sum họp, với riêng Nguyễn Đức Nghĩa, Tết năm nay, kẻ tử tù này đã cảm nhận được Tết đang đến rất gần. Nhưng là một cái Tết chia ly...
Theo Cảnh sát toàn cầu
Giây phút cuối cùng của tử tù "Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi. Con nhớ thương mẹ và các cháu nhiều lắm. Con ngàn lần xin gia đình tha lỗi. Bố ân hận không giúp gì cho các con trong quãng đời còn lại, tha thứ cho bố nhé. Thương hai con nhiều. Vĩnh biệt...", lá thư của tử tù viết. Sống trong...