Ngựa bạch “nâng cánh” Hữu Kiên
Vốn có giống ngựa bạch bản địa nổi tiếng, cùng với đó là điều kiện thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi, thảo nguyên xanh mướt mênh mông…
Nên bà con dân tộc Tày, Nùng ở xã Hữu Kiên ( Chi Lăng, Lạng Sơn) đẩy mạnh phát triển đàn ngựa, nuôi gia súc, nhờ đó thoát nghèo, kinh tế nhiều hộ khá giả.
Hữu Kiên được thiên nhiên ưu ái cho diện tích rộng lớn hơn 8.000 héc ta, trong đó có khu thảo nguyên Khau Sao rộng hơn 140 héc-ta… rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Các khu đồi thảo nguyên Khau Sao có độ cao 760 – 1.000m so với mặt nước biển, bao phủ cỏ xanh mướt, là địa điểm lý tưởng để chăn thả gia súc như: Ngựa, trâu, bò. Hiện nay, tại đây, người dân đang chăn thả hơn 1.700 con ngựa, trong đó có gần 800 con ngựa bạch. Riêng đối với giống ngựa bạch thì có thuộc tính rất dễ nuôi, hiền và có giá trị cao gấp đôi ngựa thường.
Ngựa bạch chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên Khau Sao
Thông thường người dân thả ngựa bạch trên đồi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau vì thời gian đó chưa cấy lúa. Sáng mở chuồng lùa ngựa đi, tối muộn mới tìm về. Một số hộ thả tự nhiên có khi cả tuần mới cho về chuồng, ngựa đi theo đàn nên không sợ lạc. Ngựa được nuôi thả rông sống theo đàn và được đánh dấu riêng bằng tiếng chuông ở cổ. Một đàn thường có vừa ngựa thường vừa ngựa bạch. Người chủ phải biết cho ngựa thường phối giống với ngựa bạch thuần chủng để cho ra đời những con ngựa bạch con mang giá trị lớn.
Ngựa bạch thuần chủng ở Hữu Kiên có thân hình nhỏ, trọng lượng từ 70 – 100kg. Lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu hồng. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao hoặc bán con giống. Giá một con ngựa bình thường dao động từ 20 – 25 triệu đồng, thì ngựa bạch trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 – 70 triệu đồng.
Đây là một trong những hướng thoát nghèo có hiệu quả cho người dân phát triển chăn nuôi ngựa bạch, nhằm góp phần tăng tổng đàn gia súc, từng bước giúp bà con nông dân xoá đói, giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững. Ở Hữu Kiên đến nay có những gia đình có từ 5 – 7 con ngựa bạch, cùng với trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê… tính giá trị tài sản cũng lên tới cả tỷ đồng. Như gia đình chị Nông Thị Nở, gia đình anh Nông Văn Chưng.
Ngay như Chủ tịch UBND xã – ông Nông Quang Đảm cũng là người nêu gương phát triển kinh tế từ nuôi ngựa bạch lên đến hàng chục con. Nhờ nuôi ngựa bạch mà nhiều hộ kinh tế khá giả, xã cũng đã có vài hộ mua được ô tô, trong đó có gia đình ông Đảm…
Video đang HOT
Tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi ngựa bạch Hữu Kiên vẫn còn nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch. Chủ yếu chăn nuôi ngựa theo hình thức hộ gia đình nên có mặt còn hạn chế như chăn thả tự do quảng canh, nguồn thức ăn không ổn định. Quản lý giống, chuồng trại chưa đảm bảo, chưa chủ động nguồn thức ăn thô, xanh vào mùa đông, mùa khô. Việc phòng và điều trị bệnh cho ngựa theo kinh nghiệm là chính, độ rủi ro cao. Mặt khác, do thả rông nên việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động, kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn ngựa…
Ngựa bạch vốn là sản vật thiên nhiên ban tặng cho Hữu Kiên gắn với thảo nguyên Khau Sao. Hiện chính quyền xã Hữu Kiên trong đó có vai trò tích cực của ông Nông Quang Đảm đang xúc tiến thành lập hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ ngựa bạch như: Cao ngựa, giò ngựa, các món ẩm thực từ ngựa bạch. Ông Nông Quang Đảm chia sẻ: “Nếu thành lập hợp tác xã sẽ nâng cao số lượng vừa đảm bảo chất lượng đàn ngựa vì có quy hoạch và các nguyên tắc chung giữa các hộ nuôi, tạo thương hiệu cho đàn ngựa bạch. Phát triển con ngựa bạch, sản phẩm từ ngựa bạch gắn với phát triển du lịch thảo nguyên Khau Sao, tôi tin sẽ thành công” – ông Nông Quang Đảm quả quyết!.
Tiệp – Quang
Theo congthuong.vn
Ông tỷ phú "du mục" chăn đàn trâu hơn 200 con ở tỉnh Phú Yên
Anh Ngô Kim Long, một nông dân điển hình của xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) đã vượt khó, làm giàu bằng chăn nuôi trâu - con vật thân thuộc của người nông dân Việt Nam. Không chỉ nuôi trâu, anh Long còn nuôi rất nhiều trâu, số lượng trâu nuôi của anh Long lên đến 200 con.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, không có điều kiện đi học, ngay từ nhỏ anh Long đã làm bạn với con trâu, cùng trâu suốt ngày rong ruổi trên những cánh đồng làng, để rồi từ đó anh có ước mơ làm giàu từ việc chăn nuôi trâu đàn.
Đàn trâu hơn 200 con của gia đình anh Long.
Dốc hết vốn của hai bên gia đình cho khi lập gia đình, cộng thêm tiền vay mượn anh quyết định mua 5 con trâu để lập nghiệp. Vừa chăn dắt, chăm sóc 5 con trâu từ tiền vốn mình bỏ ra, anh Long còn nhận nuôi rẽ - hình thức bỏ công chăm sóc trâu cho người khác rồi chia đôi và nhiều công việc khác.
Anh Long tích lũy thêm vốn, anh vay vốn ngân hàng và mở rộng ngành nghề kinh doanh của mình thông qua hình thức kinh doanh, mua bán trâu đàn. Sau 7 năm lập nghiệp với 5 con trâu, đàn trâu của gia đình anh đã lên đến 38 con. Nhiều trâu, anh nghĩ đến việc tìm những vùng đất có nguồn nước, cỏ tươi phong phú để chăn thả trâu.
Năm 2008, anh Long thuê đất của lòng hồ thủy điện Sông Hinh, vùng đất này thường có không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào, lượng cỏ tự nhiên phong phú...rất thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, nhờ vậy trâu sinh sản và phát triển nhanh.
Là một trong những người chăn nuôi trâu với số lượng lớn ở địa phương, mới đầu trâu của gia đình anh chỉ bán tại địa phương, nhưng anh không dừng lại ở đó mà tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt thị trường tiêu thụ. Hiện nay trâu của gia đình anh được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường miền Bắc và tỉnh Nghệ An,.
Có lúc lượng trâu không đáp ứng đủ nhu cầu, anh phải đi thu gom trâu các nơi về nuôi vỗ. Anh cho biết, một con trâu cái lớn có giá bán bình quân từ 20 - 30 triệu đồng, thường từ 3 - 5 ngày anh xuất bán khoảng 50 con, trong chuồng lúc nào cũng có đàn trâu gốc từ 170 - 200 con.
Nuôi trâu thường tốn rất ít chi phí, chủ yếu tìm được nguồn cỏ tươi, đồng rộng, ít tốn công chăm sóc,...Để phòng bệnh cho trâu, anh Long thường chích thuốc bổ, thuốc xổ giun, lở mồm long móng cho trâu. Ngoài ra, anh thường đi tìm, khảo sát những vùng đất ở địa phương, thậm chí ở các tỉnh lân cận có điều kiện phù hợp cho trâu sinh sống để di chuyển đàn trâu đến chăn dắt.
Đàn trâu đông đúc đủ các độ tuổi với số lượng hơn 200 con của gia đình anh Long.
Như hiện nay từ tháng 5 đến tháng 10, anh Long di cư đàn trâu đến tỉnh Gia Lai để chăn thả, sau đó anh lại chuyển trâu về lòng hồ thủy điện Sông Hinh, nhờ vậy đàn trâu của gia đình anh luôn phát triển ổn định, bình quân thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu đạt từ 600 - 700 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí, công lao động.
Để vừa phục vụ cho việc chăn dắt, vận chuyển đàn trâu, vừa làm dịch vụ vận tải cho bà con nông dân tại địa phương, anh Long còn đầu tư thêm 2 chiếc xe vận tải. Ngoài thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu, gia đình anh còn thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng/xe/năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 12 công lao động tại địa phương.
Anh Long cho biết, xuất thân từ nghèo khó nên anh hiểu hoàn cảnh của người lao động, đối với lao động chăn nuôi trâu, anh thường cho họ nuôi rẽ trâu, lo chi phí ăn uống cho họ, anh còn giúp họ tách đàn, nuôi riêng để cùng nhau vượt khó, làm giàu.
Vốn là người có ý chí, chịu khó trong lao động, ham học hỏi, anh Ngô Kim Long còn muốn vươn xa hơn nữa trên con đường làm giàu đã chọn. Anh chia sẻ: Sắp tới, anh sẽ nâng số lượng đàn trâu và nuôi trâu bằng mô hình khép kín mà anh đã học hỏi được từ những chuyến mua bán trâu ở các tỉnh miền Bắc, miền Nam.
Theo đó, trâu được nuôi trong chuồng trại, không chăn dắt, cho ăn thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi ngắn - sau 4 tháng là có thể xuất bán được, chi phí và công lao động ít - 1 công lao động có thể quản lý 100 con, trong khi chăn nuôi thả tự nhiên 100 con trâu phải mất 3 đến 4 công lao động.
Không những là gương điển hình trong sản xuất giỏi, vượt khó, làm giàu, anh Ngô Kim Long còn là tấm gương sáng trong việc tham gia các phong trào của xã, huyện; tích cực trong các chương trình đóng góp xây dựng nông thôn mới, ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương./.
Theo Danviet
Đầu năm về Yên Bái cùng ăn tết với người Dao đỏ Tỉnh Yên Bái hiện có 30 dân tộc cùng đoàn kết sinh sống, tết đến xuân về, mỗi đồng bào dân tộc lại có những phong tục riêng độc đáo để đón Tết cổ truyền, mừng năm mới. Mời quý vị và các bạn cùng đến với xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để tìm hiểu phong tục đón Tết...