Ngủ ngáy có thể gây ngưng thở
Các bác sĩ cảnh báo: người ngủ ngáy có thể bị ngưng thở, đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đường hô hấp
Theo TS Chu Thị Hạnh, Phó trưởng khoa hô hấp, BV Bạch Mai, để phân biệt hiện tượng ngáy bình thường hay bệnh lý, cần người bạn đời hoặc những người thân thiết để ý, phát hiện.
Nếu ngáy kèm theo những cơn ngừng thở ngắn, mỗi lần khoảng 10 giây, tối thiểu 15 lần/1 giờ thì nên đi khám.
Ngáy bất thường
BS Nguyễn Thanh Bình, Khoa thần kinh, Viện Lão khoa quốc gia, cho biết những trường hợp ngáy vừa phải, không có biểu hiện khác thường thì không lo lắng nhưng người nhà cần theo dõi thêm. Còn những người ngáy to, tiếng ngáy hơi đặc biệt, ngáy to dần, hơi “ặc ặc”, sau đó không ngáy, rồi lại ngáy trở lại… nên đi khám sớm.
Người bị ngáy bệnh lý thường ngáy to, đang đêm thức dậy cảm thấy ngột ngạt, khi ngủ thường vật vã, sáng dậy khô miệng, đau đầu. Do giấc ngủ không tốt nên người ngủ ngáy có thể bị suy giảm trí nhớ. Ngủ ngáy thường ở người béo phì, cổ to, xương hàm nhỏ hoặc hàm bị đẩy về phía sau, lưỡi gà to. Thực tế, những người nghiện rượu, hay dùng thuốc an thần, có bệnh lý về tuyến giáp… thì dễ bị ngủ ngáy.
Video đang HOT
Người mắc chứng ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có tật ngủ ngày, ngủ gật (đang ban ngày, giữa giờ làm việc có thể dễ dàng ngáy khò khò); hoặc đang lái xe cũng buồn ngủ, sáng ngủ dậy thường mệt mỏi, đau đầu. Đàn ông có tỷ lệ ngủ ngáy nhiều hơn phụ nữ. Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh ngủ ngáy.
Nên hạn chế hút thuốc lá
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ngủ ngáy, nên theo TS Chu Thị Hạnh để chữa và phòng bệnh cần phải điều trị theo từng nguyên nhân. Nếu ngủ ngáy ở người béo phì cần giảm cân, khi đó cơ ở thành họng sẽ không quá dày gây cản trở đường thở.
Người đã mắc bệnh, phải điều trị đúng cách, có thể phải dùng máy trợ thở không xâm nhập áp lực dương liên tục (CPAP), hoặc cắt amidan nếu amidan quá to.
Người bị suy tuyến giáp phải điều trị bệnh này, người bị hẹp vách ngăn, hàm tụt phía sau, lưỡi gà to có thể phải phẫu thuật, hoặc cắt bỏ lưỡi gà, hoặc đeo hàm có giá đỡ để đưa hàm ra phía trước…
Người bị tật ngủ ngáy nên nằm nghiêng khi ngủ, hạn chế hút thuốc lá, có lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục.
Tại Viện lão khoa quốc gia, để chẩn đoán bệnh, BS sẽ tiến hành điện não giấc ngủ, xác định chỉ là ngáy đơn thuần hay có giảm ôxy trong máu. Nếu là ngáy bệnh lý, bệnh nhân tiếp tục được xác định nguyên nhân gây bệnh để điều trị hiệu quả, nếu không người bệnh dễ đột tử trong khi ngủ.
Theo NLĐ
Hệ lụy từ những giấc ngủ "cưỡng ép"
Việc lạm dụng hay dùng kéo dài nhóm thuốc an thần thường gây nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Việc mất ngủ kéo dài sẽ gây suy sụp nhanh chóng về thể chất, tinh thần cho nên việc nhanh chóng khôi phục lại giấc ngủ là cần thiết. Việc dùng các thuốc an thần gây ngủ (ATGN) thường cho hiệu quả rõ rệt, giúp nhanh chóng có được giấc ngủ sâu.
Tuy nhiên, việc lạm dụng hay dùng kéo dài nhóm thuốc này thường gây nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Nguy hiểm đối với người có bệnh lý
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thuốc ngủ có thể vô cùng nguy hiểm đối với những người mắc các chứng bệnh tâm thần, hô hấp hay tim mạch. Ngay cả với những người khỏe mạnh, thuốc cũng có thể trở nên nguy hiểm.
Trước hết, thuốc ATGN tuy tạo được giấc ngủ sâu nhưng đây là giấc ngủ "cưỡng ép" nên thường ngủ mê mệt, sau ngủ dậy đầu óc nặng nề và kèm các triệu chứng khác như đau đầu, mỏi rã rời toàn cơ thể (VD sau dùng thuốc nhóm benzodiazepine).
Thuốc ATGN có thể ức chế trung tâm hô hấp gây chậm nhịp thở. Điều này rất nguy hiểm ở những người có bệnh phổi mạn tính hoặc người béo phì (đã có tình trạng giảm thông khí do béo phì). Một số người bị trạng thái mộng du sau dùng thuốc ATGN.
Ở trạng thái này rất dễ bị tai nạn khi lao động hoặc tham gia giao thông. Các thuốc ATGN đều được chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên nếu dùng kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng hai cơ quan này nhất là khi đã có bệnh gan thận trước đó.
Ở người già và người chức năng gan thận bị suy yếu thì việc chuyển hóa và đào thải thuốc chậm dẫn đến việc tăng tác dụng của thuốc. Các thuốc ATGN cũng có thể gây nhược cơ nhẹ nên ảnh hưởng đến việc vận động và lao động chân tay.
Gây nghiện và trầm cảm
Đối với người khỏe mạnh khi dùng lâu, một số thuốc ATGN có thể gây quen, nhờn thuốc làm cho BN phải tăng liều liên tục (nhóm barbiturate, benzodiazepine).
Các thuốc này cũng có thể gây nghiện khiến BN phụ thuộc vào thuốc, khi thiếu thuốc thì không ngủ lại được (nhóm benzodiazepine). Theo một nghiên cứu mới đây, người ta có thể trở nên "nghiện" thuốc ngủ chỉ sau 2 tuần sử dụng hoặc cơ thể sẽ nhanh chóng "quen" với thuốc.
Khi sử dụng thuốc ATGN với rượu làm tăng độc tính của thuốc. Các thuốc này cũng làm tăng tác dụng của một số thuốc khác như thuốc chữa động kinh, thuốc điều trị hưng cảm. Khi dùng thuốc ATGN 2 - 3 tháng thường gây tình trạng BN tuy ngủ được giấc ngắn nhưng sau đó lại thức trắng đêm.
Các thuốc ATGN thường tích trong mô mỡ nên phóng thích lại vào máu dẫn đến tình trạng BN suốt ngày ngủ gà, buồn ngủ, mất tập trung khi lao động sản xuất (nhóm barbiturate). Dùng thuốc ATGN quá lâu có thể gây hội chứng trầm cảm, hoang tưởng tự sát.
Những người hay uống thuốc ngủ có nguy cơ tự tử cao hơn. Sở dĩ như vậy là vì họ bị căng thẳng quá mức và stress có thể dẫn đến mất ngủ. Lý do thứ hai là tình trạng lạm dụng thuốc. Thuốc ATGN (cả nhóm barbiturat, benzodiazepine) gây hại thai , một số gây dị dạng, quái thai không nên dùng cho người có thai trừ trường hợp đặc biệt.
Các thuốc ATGN cũng có thể gây sốc phản vệ hoặc các triệu chứng dị ứng khác. Một số thuốc ATGN tuy có nguồn gốc thảo dược nhưng hoạt chất có thể gây các rối loạn nhịp tim như Rotunda (hoạt chất tetrahydropalmatine) và dùng liều cao vẫn rất nguy hiểm chứ không hề "vô hại" như mọi người vẫn nghĩ!
Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc?
Như vậy, để tránh các tác dụng phụ của thuốc ATGN, nhất là khi dùng kéo dài, chúng ta cần tuân thủ một số điểm sau đây: Thứ nhất, phải tìm và loại bỏ nguyên nhân gây mất ngủ (do điều kiện xã hội, công việc... hay mất ngủ do bệnh lý).
Tránh các yếu tố gây mất ngủ như chè, cà phê, thuốc lá. Trước khi dùng thuốc ATGN, nên bắt đầu bằng các biện pháp ATGN khác có tính chất sinh lý hơn như tập Yoga, dưỡng sinh, tăng cường hoạt động thể chất.
Nên tìm loại thuốc ngủ ít gây tác dụng phụ nhất và thích hợp nhất cho mỗi người. Việc dung nạp thuốc thì không ai giống ai.
Trước khi dùng thuốc, nên đi khám chuyên khoa để các thầy thuốc có hướng chỉ định đúng loại thuốc cần dùng.
Tuyệt đối tránh việc dùng thuốc theo kiểu rỉ tai, truyền khẩu "một đơn thuốc cả nhà, cả xóm cùng dùng". Và cuối cùng, khi thấy thuốc không có hoặc giảm tác dụng hay xuất hiện các biểu hiện lạ phải thông báo ngay cho thầy thuốc. Không nên tự ý tăng liều hoặc bỏ thuốc.
Theo SKĐS
Trị tận gốc bệnh ngủ ngáy Vì sao khi ngủ bạn lại hay ngáy, thậm chí ngáy to làm cho người bên cạnh cảm thấy khó chịu đến thế? Nguyên nhân Ngáy có thể được gây ra bởi một mô mỡ lớn dày cộm lên trong cổ họng và miệng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở không khí. Kích thước mô tăng khi trọng lượng...