Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh
Cuối năm, thường vào tháng 11, cỏ hồng mọc nhiều ở Đà Lạt và khắp cao nguyên Lâm Viên. Đó là cái cớ thuyết phục để du khách đến với vùng đất lạnh ngắm cảnh, chụp ảnh.
Cỏ hồng là loài cỏ phổ biến mọc khắp núi đồi cao nguyên Lâm Viên. Sau một mùa mưa, những cây cỏ già lụi đi, cỏ non bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất. Lá cỏ non có màu tím hồng và hoa cũng thế.
Cỏ hồng mọc không dày nhưng đều khiến mắt người có cảm giác cỏ phủ kín mặt đất. Cỏ mọc không cao quá mắt cá chân, thân mềm. Nhiều người đi chân trần trên cỏ rồi ví von “thân cỏ mềm như nhung”.
Cỏ hồng có lá và hoa cỏ mềm, mịn, chỉ cao ngang mắt cá chân – Ảnh: M.VINH
Cỏ mọc nhiều nhất ở những rừng thông thưa, những khu đất trống giữa rừng. Tuyệt nhất là những trảng cỏ lớn nằm ở thung lũng. Ban ngày, khi nắng đượm, những trảng cỏ nổi lên màu hồng tím, khiến loài cỏ rừng hoang dại được gọi tên cỏ hồng mỹ miều.
Cỏ hồng mọc rất phổ biến ở những khu rừng thưa, bình nguyên ở cao nguyên Lâm Viên – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH HOÀNG
Cỏ hồng đẹp nhất không phải khi nó màu hồng mà là màu trắng. Ấy là lúc rạng sáng, sương đọng dày trên những bông cỏ tạo nên một màu trắng như tuyết. Cũng bởi điều này mà những tay nhiếp ảnh thường xuyên lội rừng săn ảnh cỏ hồng gọi loài cỏ ấy là “cỏ tuyết”.
Sương đọng trên hoa cỏ trông như tuyết phủ tạo nên không gian huyền ảo khi trời rạng sáng – Ảnh: ĐINH VĂN BIÊN
Bông cỏ mịn là chỗ bám chắc chắn cho những hạt sương. Nắng càng lên cao, sương tan đến đâu thì màu hồng quay về với cây cỏ đến đấy. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, người ngắm cảnh thấy được một hành trình thay đổi của trời đất, cảm tưởng như một cuộc chuyển mùa kỳ diệu gom lại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi khiến còn người ở trong khung cảnh đó choáng ngợp, ngẩn ngơ.
Người đã được chứng kiến sẽ nhớ mãi, người chưa từng thì mong muốn được một lần sống trong không gian chuyển mình kỳ diệu của đất trời.
Video đang HOT
Cỏ hồng hóa “cỏ tuyết” khi có sương đọng là khung cảnh nhiều du khách mong muốn chiêm ngưỡng – Ảnh: ĐINH VĂN BIÊN
Du khách đi ngắm cảnh cỏ hồng nên đi theo các lối mòn để tránh làm hư các trảng cỏ. Ngoài ra, nếu cắm trại thì nên chọn khu vực ít cỏ, khuất gió để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan.
Ngô Anh Tuấn, chủ nhiệm Dalat Discovery
Cỏ hồng, sương tuyết và cuộc chuyển mình kỳ diệu của đất trời không phải bày sẵn trước mắt. Muốn được tận mắt chứng kiến, bạn phải rời phố khi trời còn tối để đi vào những khu rừng thưa.
Ở Đà Lạt, người ngắm cảnh thường tìm đến những đồi cỏ ở khu Đan Kia – Suối Vàng (huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 15 km), đồi Đa Phú (nằm trên đường vào Suối Vàng).
Đối với người thích không gian mênh mông, thảo nguyên thoáng đãng thì phải đi xa hơn vào khu vực Tà Năng, Đà Loan (huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 70 km), đi vào chiều hôm trước, mang theo lều trại.
Một bình nguyên cỏ hồng nằm ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Để ngắm được cảnh cỏ hồng hóa cỏ tuyết lúc bình minh, du khách phải cắm trại qua đêm ở đây – Ảnh: TRỊNH HÀ
Anh Ngô Anh Tuấn, chuyên tổ chức hoạt động dã ngoại ngắm cảnh Dalat Discovery, cho biết: “Sau những vất vả, du khách được đất trời thưởng cho một hoàng hôn và bình minh ý nghĩa. Đây là phần thưởng cho những người chịu đầu tư để có mặt đúng khoảnh khắc”.
Anh Tuấn cho rằng du khách đi ngắm cảnh cỏ hồng nên đi theo các lối mòn để tránh làm hư các trảng cỏ. Ngoài ra, nếu cắm trại thì nên chọn khu vực ít cỏ, khuất gió để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan.
Quá khuya, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 14 độ C nên du khách phải dùng đến những lều chuyên dụng có khả năng giữ ấm trong môi trường 5 độ C – Ảnh: TRỊNH HÀ
Em bé 17 tháng tuổi được ba mẹ cho đi cùng được ưu ái ngủ trong chiếc lều đặc biệt được lắp trên mui xe của ban tổ chức để đảm bảo sức khỏe – Ảnh: M.VINH
Đoàn khách du lịch cắm trại ngủ qua đêm trong rừng để đón bình minh giữa bình nguyên cỏ hồng – Ảnh: M.VINH
Ở những bình nguyên ở Đức Trọng, Di Linh, cỏ hồng trải dài trong một không gian rộng, khoáng đạt hút tầm nhìn – Ảnh: M.VINH
Những đồi cỏ hồng ở Đà Lạt cho du khách cảm giác lãng mạn, nhẹ nhàng – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH HOÀNG
Ngang qua đỉnh núi mây ngàn
Một đám mây trôi lững lờ qua trước mặt, chúng tôi liền dừng chân để thỏa thích ngắm nhìn, cảm nhận rõ cái lạnh xuyên thấu của những giọt nước tích tụ đang từ từ bay qua hững hờ, buông lơi trước mắt.
Lòng người cũng thế mà phơi phới, rạng ngời giữa đất trời hoan ca đón mùa xuân về.
Chư Đang Ya: Gió hát, mây bồng
Bạn tôi, dân phượt thứ thiệt, luôn vọng ước núi non đỉnh cao để chinh phục, rồi đứng từ chóp đỉnh và tự hào về thử thách bản thân mình đã vượt qua. Bạn ngỏ ý muốn khám phá những ngọn núi lửa cổ dương đã từng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Tôi rủ bạn về Gia Lai và Chư Đang Ya là lựa chọn đầu tiên trong cuộc hành trình. Một ngày cuối năm, nắng vừa thức dậy, chúng tôi hăm hở đi về phía núi.
Tôi luôn có niềm phấn khích tột độ khi đón những tia nắng đầu tiên của mặt trời trên núi. Và, dẫu không phải là lần đầu lên Chư Đang Ya, nhưng tôi vẫn bị choáng ngợp trước cảm giác bồng bềnh, lơ lửng trong mây ngàn, gió núi; như đang giao hòa giữa trời và đất. Cảm giác như mơ ấy đã nuôi dưỡng tôi qua biết bao tháng ngày cùng nhịp thở, thưởng thức vị ngọt mát, trong lành của núi đồi. Tôi đã học cách nhớ từng vạt khoai trên rẫy, khóm hoa dại, từng đoạn dốc đá chênh vênh nghiêng trong chiều gió hay bóng mát của cây cô đơn đầu non để tự hình dung lại gương mặt mình đã từng từ đó mà ra đi trước bình minh và mang hoàng hôn chạng vạng trở về.
Bình minh trên đỉnh Chư Đang Ya. Ảnh: Phan Nguyên
Chúng tôi ngửi thấy mùi sương lạnh, hương se sắt tỏa hơi từ lòng chảo rộng dưới kia đang dần rò rõ ngay trước mắt. Và khi vừa đặt chân lên núi, nhận ra bình yên đã choáng ngợp trong tâm trí mình từ lúc nào. Một đám mây trôi lững lờ qua trước mặt, chúng tôi liền dừng chân để thỏa thích ngắm nhìn, cảm nhận rõ cái lạnh xuyên thấu của những giọt nước tích tụ đang từ từ bay qua hững hờ, buông lơi trước mắt. Lòng người cũng thế mà phơi phới, rạng ngời giữa đất trời hoan ca đón mùa xuân về.
Như một phản xạ có điều kiện, chúng tôi ai nấy hít căng lồng ngực rồi cứ thế miết mải phóng tầm mắt trải rộng bát ngát một màu xanh cây lá, được lồng trong những đám mây trắng đục đầy sương khói nhẹ bay trong mong manh hư ảo sớm mai. Kìa, biển mây bồng bềnh vắt ngang lưng núi. Một cơn gió thổi nhẹ cũng làm biển mây mênh mông khe khẽ giấc, rùng rình chuyển động. Những làn mây mỏng tang, chờn vờn. Trên đỉnh Chư Đang Ya lộng gió, những buồn bực bỗng tan biến, nguồn năng lượng tươi mới ùa về, tạo sự phấn chấn, đánh thức tiềm năng và suy nghĩ tích cực bên trong mỗi người.
Đứng trên đỉnh núi trong những ngày cuối năm như thế này, tôi thấy mình nên từ tốn chút, chậm rãi vài phút như mây ngàn lơ lửng kia. Và tận hưởng khung cảnh huyền hoặc, bồng bềnh, dịu vợi. Chúng tôi không nhớ mình đã đứng bao lâu trong ngày đầu xuân ấy, chỉ biết khi mặt trời giấu mình sau ngọn núi, mặc cho mây chiều cứ tự nhiên, xuôi theo gió mà bay đi. Mọi thứ chìm dần trong bóng tối, tiếng của những loài côn trùng gọi bạn nghe da diết, lao xao.
Chư Nâm: Hồi sinh cất lên từ núi
Từ núi lửa Chư Đang Ya, chúng tôi vòng qua đập Tân Sơn, rồi lựa chọn khám phá đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Păh) vào những ngày đầu xuân, cũng là một hành trình đáng nhớ. Với độ cao 1.420 m so với mực nước biển, đi qua con suối Đá dưới núi, băng ngang suối Mây (gọi là suối Mây vì nơi đây có rất nhiều cây mây) thì rặng thông hiện ra với bãi cỏ xinh tươi dưới tán rừng thơ mộng vẫy chào.
Khi thiên nhiên bắt đầu làm một cuộc giao mùa, khí trời lại cổ vũ, ủng hộ những bàn chân chưa bao giờ biết nhàn du, những ước ao được chạm đến chóp đỉnh cao vời. Đường lên núi quanh co, dốc dài gần như thẳng đứng, càng đi lên càng thấy cao ngất với 70 độ; song không phải vì thế mà chúng tôi dễ dàng từ bỏ ý định. Chư Nâm đón chúng tôi bằng nhiều tảng đá rất đẹp, mặt bằng phẳng, rải rác cheo leo các sườn đồi tạo nên khung cảnh thú vị. Khối không khí loãng, gió càng thổi mạnh và nhiệt độ ngày càng thấp, cảm thấy như từng đợt gió rít qua tai, táp thẳng vào mặt. Nhưng bù lại, cảm giác được hít thở hương thơm núi đồi, cùng sắc màu những cụm hoa dại ngày đêm lặng lẽ nở; chúng ẩn tàng reo hát dưới cây thông rì rào bốn mùa trong gió.
Đỉnh Chư Nâm một ngày đầu xuân.Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Bát ngát cỏ, mênh mông cỏ, bạt ngàn cỏ trải khắp sườn đồi, sống lưng núi, đỉnh núi những cỏ là cỏ. Bên tán thông xanh ngắt đùa reo, miền hoa cỏ cứ nghiêng rạp về một phía như làm dáng, lúc thì như buông lơi, lúc chào mời đến với núi rừng xanh thắm. Đi được 10 km đường núi, hiện rõ những dấu bom B52 còn in dấu tích chiến sự ác liệt năm nào, mà có lẽ ít ai biết được. Nơi đây, gió mây vẫn rì rầm hát mãi khúc tráng ca về những ngày khói lửa, đau thương và oai hùng! Ngay trên đỉnh Chư Nâm bồng bềnh sương trắng, hoa mua rừng tím ngắt, lộng gió với mây ngàn, mãi vang vọng huyền thoại một thời xưa xa.
Tôi từng có ý nghĩ quay về ngay lần đầu leo lên các đỉnh núi vì không tin mình đủ sức đi đến đích. Tôi vẫn không biết sức mạnh ẩn giấu trong con người mình cho đến khi đặt bàn tay lên mỏm đá nơi đỉnh Chư Nâm. Đỉnh núi nào chúng tôi đã đi qua, càng đi càng thấy xa hơn, thẳm mông mênh hơn, hấp dụ, bí ẩn và thiết tha hơn, để rồi lòng cứ quyến luyến, không nguôi thương nhớ. Trước làng, bên con đường nhỏ chạy quanh núi, cạnh những đám trẻ xúng xính sắc màu áo mới... chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến lòng người thổn thức trước hơi xuân đang len lỏi trong mạch nguồn gió núi.
Mở mắt thấy thiên đường Bảo Lộc Có một nơi thường bị bỏ quên trên hành trình đến cao nguyên Lâm Viên tìm cái đẹp của du khách. Ở đó, mỗi sáng mở mắt có một thiên đường. Nhữnh cảnh đồi chè bạt ngàn, xen giữa là những con đường nhỏ uốn lượn du khách có thể bắt gặp khi đi vào vùng trồng chè Đam B'ri (ngoại ô TP....