Ngư dân xuất sắc có hàng trăm chuyến đi biển Hoàng Sa, Trường Sa
Vốn sinh ra, lớn lên trong gia đình nhiều thế hệ khai thác hải sản. Hơn 35 năm đi biển, gặp biết bao sự uy hiếp, quấy nhiễu, bị tàu Trung Quốc đe doạ, phá ngư trường nhưng ngư dân Lê Văn Chiến (SN 1966, ở phường Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn không chùn bước, luôn hừng hực khí thế vươn khơi, làm giàu từ biển.
Ông đã có hàng trăm chuyến vươn khơi bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Vươn khơi đánh bắt
Ông Chiến cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời đều làm nghề khai thác đánh bắt hải sản, nối gót cha ông với nghề truyền thống để lại ông tiếp bước phát triển.
Dù qua nhiều khó khăn, biến cố, ngư dân Chiến vẫn cương quyết bám biển Hoàng Sa đến cùng. Từ tàu nhỏ, ông Chiến đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất 840 CV , mua sắm trang thiết bị, ra khơi bám biển tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Đi biển từ năm 13 tuổi, đến khi có bằng thuyền trưởng, ông góp vốn cùng bạn đóng con tàu nhỏ công suất 90 CV để làm ăn trên biển với các nghề câu mực lá Đại Dương, giả cào lưới cản và lưới vây.
Ông Chiến chia sẻ: “Sau hơn 10 năm đầu tiên vừa làm thuyền viên vừa lao động, thuyền trưởng tổ chức sản xuất, đánh bắt trên chiếc tàu 90 CV thu nhập hằng năm đạt 100 đến 150 triệu đồng. Rồi tình hình nghề câu mực đại dương gặp khó khăn cả về nhân lực và giá cả, sản phẩm bấp bênh nên đa phần các chủ tàu đều chuyển nghề làm ăn mang lại hiệu quả hơn.
Được Hội Nông dân phường hỗ trợ, hướng dẫn đầu tư chuyển đổi ngành nghề mới làm ăn mang lại hiệu quả cao hơn, Hội đã giúp đỡ xây dựng dự án xin vay vốn Ngân hàng để thực hiện việc chuyển đổi thực tế. Tôi thế chấp ngân hàng vay 550 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của gia đình tích lũy mua tàu ĐNa 90351TS công suất 500CV và sắm mới dàn lưới mành vây, các dụng cụ phục vụ cho nghề đánh bắt xa bờ…với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng”
Ông Chiến cho biết thêm, từ khi có tàu mới, sản xuất đánh bắt hải sản đạt được thu nhập cao hơn, gia đình hoàn trả nợ vay ngân hàng đúng hạn, ông tích lũy thêm ít vốn nâng cấp con tàu từ công suất 500 CV lên 840 CV để phát triển nghề đánh bắt hải sản xa bờ.
Kiếm gần nửa tỷ đồng/năm từ biển
Theo ông Chiến, mỗi năm tàu ông đi đánh bắt từ 8-10 chuyến. Với chuyến biển kéo dài từ 20 – 30 ngày, có 12 người đi bạn (thuyền viên), thường tàu cá của ông đánh bắt từ 6-10 tấn/chuyến biển. Theo cách chia chủ tàu 60%, bạn 40%, gia đình ông có khoản thu về vài chục đến trăm triệu đồng; mỗi thuyền viên cũng thu nhập được khoảng 60-70 triệu mỗi năm.
“Mỗi năm doanh thu từ những chuyến đánh bắt đạt trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi bình quân từ 400-500 triệu đồng mỗi năm.”, ông Chiến cho hay.
Mỗi năm doanh thu từ những chuyến đánh bắt đạt trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi bình quân từ 400-500 triệu đồng mỗi năm.
Video đang HOT
Ông chia sẻ thêm, nghề đi biển lắm lúc có chuyến đi được mùa, có khi lại về không và việc đi biển gặp tàu Trung Quốc quấy phá, rồi phá ngư trường đánh bắt của ngư dân là chuyện thường xuyên. Dẫu vậy ngư dân vẫn không bao giờ bỏ biển.
“Như chuyến biển đầu năm 2012, tàu tôi thắng lợi lớn. Năm đó, được ngày vươn khơi, nhưng lại gặp đợt gió săn. Trong chuyến biển đó, tàu tôi đi đánh bắt 15 ngày nhưng thu hoạch chưa bao nhiêu, chỉ có 7-8 tấn trên tàu, chưa đủ phí tốn để chạy vào. Tàu cố gắng vươn tiếp thì gặp đàn cá ngừ đại dương. Năm đó, tàu về sản lượng đạt 35 tấn. Tổng thu chuyến biến đạt gần 1 tỷ đồng, gần bằng cả năm đánh bắt”, ông kể và cho biết, đây là chuyến biển bội thu của ông trong suốt mấy chục năm đi đánh bắt.
Can trường bám biển
Hơn 50 tuổi, ngót ngét gần bốn chục năm đạp sóng bạc Hoàng Sa, ông Chiến đã bao lần vượt sóng to gió cả, bão tố, lốc xoáy, tàu nước ngoài đe dọa…nhưng ông vẫn không chùn bước, quyết bám biển.
Dù liên tục bị tàu Trung Quốc quấy phá, xua đuổi, ông Chiến vẫn không chùn bước, quyết bám biển.
Ông Chiến kể: “Hơn mấy chục năm đi biển, việc đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc quấy phá, xua đuổi là chuyện thường ngày. Nhưng lần khiến ông nhớ nhất đến suýt bỏ nghề đánh bắt là cơn bão Chanchu năm 2006. Năm đó, nhiều người đi không trở về. Năm này hầu như ai đi chuyển biển đó trở về đều muốn bỏ nghề, nhiều chủ phương tiện bán tàu, lao động nghỉ hết. Năm đó, tàu tôi cũng đánh bắt trong khu vực bão, may mắn thời điểm đó bão chuyển hướng Đông Bắc nên tàu tôi thoát được…”.
“Rồi năm 2015, tàu tôi đang đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc dí, áp sát bắt đi theo sự điều khiển. Tàu họ to, tàu mình nhỏ, bị áp sát, lúc đầu tôi run, sợ. Nghĩ không biết họ đưa mình đi đâu, rồi nó buộc mình đi theo sự điều khiển đến khi ra khỏi khu vực của nó mới thả mình ra…Năm đó, tôi cũng sợ nhưng vài tiếng sau cũng bình tĩnh trở lại, tiếp tục đánh bắt”, ông Chiến nhớ lại và nói thêm, “Dù sợ nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ biển. Biển mình mình cứ làm…”.
Được biết, ngoài thành tích bám biển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, ông Chiến còn được biết đến với thành tích cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ bạn thuyền trên biển Hoàng Sa. Ông đã được các ngư dân trong phường bầu làm Tổ trưởng Tổ khai thác xa bờ với đội tàu 5 chiếc công suất từ 90CV đến 500CV cùng hơn 50 lao động làm việc thường xuyên.
Từ năm 2014 đến nay, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) giao ông trách nhiệm làm Hội trưởng Hội Nghề cá của phường, phụ trách 9 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 90 thuyền viên, luôn lấy ngư trường Hoàng Sa làm ngư trường đánh bắt chính.
Ông không chỉ giỏi trong việc tìm kiếm, phát hiện những ngư trường nhiều cá để thông báo cho mọi người cùng khai thác, mà còn là người rất nhiệt tình, luôn kêu gọi và đoàn kết mọi người để cùng nhau giúp đỡ, tương trợ nhau mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra.
Điển hình, tàu ông đã trực tiếp cứu sống 17 thuyền viên tàu ông Phạm My Em (quận Liên Chiểu) bị nổ bình gas bốc cháy trong khi đang câu mực ở Biển Đông, chuyển giao cho tàu cứu nạn kịp thời và an toàn. Năm 2013, kịp thời lai dắt tàu ĐNa 90385 của ông Hồ Tấn Phước ở phường Thanh Khê Đông bị gãy láp, chết máy ở ngoài khơi.
Ngoài thành tích bám biển làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, ông Chiến còn được biết đến với thành tích cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ bạn thuyền trên biển.
Trong năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, ông đã động viên 9 tàu thuyền và 90 thuyền viên đồng lòng ra khơi đánh bắt và tham gia bảo vệ biển, đảo. Đặc biệt khi tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ông Chiến đã cùng các tàu khác nhanh chóng đến hỗ trợ, khắc phục sự cố, cứu vớt ngư dân trên tàu bị chìm, động viên ngư dân quyết tâm bám biển, không lo sợ tàu Trung Quốc, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Đàm Văn Hùng- Chủ tịch Hội ND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, “Ngư dân Chiến là gương điển hình ngư dân sản xuất giỏi trên địa bàn. Không chỉ nhận nhiều bằng khen của UBND thành phố trong công tác bảo vệ biển, đảo, đảm bảo ninh quốc phòng. Ông còn nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài ra, ông còn được đề cử, bầu chọn danh hiệu là một “công dân tiêu biểu” của TP Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 20 năm là thành phố trực thuộc Trung Ương (1997 – 2017)…”.
Với những thành tích trong lao động sản xuất, trong tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển, vừa qua, ông Lê Văn Chiến được Hội đồng Bình chọn chung khảo bình chọn là một trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.
Theo Danviet
Tỷ phú du mục chăn cừu trên vùng thảo nguyên khô hạn Ninh Thuận
Ông Đạo Thanh Thích (thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đã mạnh dạn "nghĩ khác, làm khác" để vươn lên thành tỷ phú trên vùng nắng hạn khô cằn với mô hình dẫn nước về ruộng, nuôi cừu, nuôi bò sinh sản...Ông Đạo Thanh Thích là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) tìm gặp nông Đạo Thanh Thích để thăm quan mô hình chăn nuôi của ông. Đi dọc đường, hỏi về ông ai cũng biết và nói ông là "điên khùng" nhưng làm kinh tế giỏi. Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng cơ ngơi bạc tỷ và trở thành tỷ phú tại vùng đất khô hạn Ninh Thuận.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, nhưng với những cách làm kinh tế khác thường, ông Đạo Thanh Thích (thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) đã đúi túi gần 1 tỷ/năm.
Trò chuyện cùng NTNN/Dân Việt, ông Thích chia sẻ: "Năm 1982, sau khi lập gia đình, tài sản của vợ chồng chẳng có gì quý giá, ngoài hai bàn tay trắng. Thời điểm đó, tôi đang làm cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận nên sống xa nhà. Đồng lương ba cọc, ba đồng không đủ nuôi gia đình nên tôi xin nghỉ về làm kế toán ở địa phương. Tại đây, tôi nhận thấy người dân sản xuất nông nghiệp theo phương pháp thủ công, chủ yếu sử dụng sức trâu, bò để làm nên hiệu quả không cao. Ý tưởng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu nảy sinh và tôi quyết tâm thực hiện điều này...".
Sau thời gian cần cù làm ăn, vợ chồng ông dành dụm được ít vốn và vay thêm 5 triệu đồng từ ngân hàng để bắt đầu khởi nghiệp. Ông Thích ra Khánh Hòa mua lại một chiếc máy cày cũ, rồi tiến hành dịch vụ làm đất cho nông dân trong vùng.
"Nắm bắt được nhu cầu của người dân, tôi lại tiếp tục tậu thêm chiếc máy cày thứ 2. Cứ vào mùa vụ, cả hai chiếc máy cày hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Dịch vụ làm đất đã giúp cuộc sống gia đình tôi khá hơn trước và chỉ 2 năm sau đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng...", ông Thích kể.
Năm 2010, giá cừu liên tục xuống thấp, thậm chí có thời điểm giá một con cừu chỉ ngang bằng một con gà, nhưng ông Thích vẫn bám trụ giữ đàn cừu.
Tiếp đó, vợ chồng ông vay vốn thêm để mua 14 con bò, 20 con cừu về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, số cừu đã lên 200 con; nhiều con mập mạp được thương lái trả giá 7 triệu đồng/con. Tuy nhiên, ông quyết định không bán mà giữ lại đàn cừu để nuôi.
Năm 2010, bước ngoặt khó khăn thật sự đến với gia đình của ông khi giá cừu liên tục xuống thấp, thậm chí có thời điểm giá tiền một con cừu chỉ ngang bằng một con gà. Một số cừu nuôi còn bị chết do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán. Nhiều hộ dân xung quanh phải bỏ nghề nuôi cừu và chuyển sang nghề khác để mưu sinh.
"Để giảm chi phí trong chăn nuôi, sau giờ lao động trên đồng ruộng tôi lại đi thu gom lá táo, cành nho và rơm rạ về phục vụ cho đàn cừu, bò của gia đình. Chỉ một thời gian ngắn, giá cừu lên cao ngất ngưỡng. Từ đó đến nay, đàn cừu, bò đã giúp cho gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn...", ông Thích chia sẻ.
Thành triệu phú vùng nắng hạn
Ông Đạo Thanh Thích chia sẻ: "Sở dĩ người dân nói tôi "điên khùng" cũng đúng, bởi tôi bỏ hàng trăm triệu đồng mua những đồng ruộng bạc màu, hoang hóa để làm. Đồng thời, tôi bỏ ra 100 triệu đồng để làm hệ thống dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng, tuy nhiên bị thất bại và không hoạt động được. Người dân lúc này lời ra tiếng vào nói tôi khùng thiệt. Thế nhưng, tôi vẫn bỏ ngoài tai chuyện thiên hạ và quyết tâm đưa hệ thống nước này vào ruộng. Sau khi hoàn thành vận hành tốt, nhiều người mới ghi nhận, đồng ruộng sản xuất từ 1 vụ/năm đã trở thành 3 vụ/năm".
Hiện nay, ông Thích có hơn 7ha ruộng lúa, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha. Với giá bán bình quân 5 triệu đồng/tấn lúa, trừ chi phí lãi trên 350 triệu đồng/năm. Riêng đàn cừu 200 con sinh sản và 65 con bò, mỗi năm mang lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, với 2 chiếc máy cày đất, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm rạ mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thích. Ước tính, mô hình tổng hợp của gia đình ông Thích mang lại doanh thu từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/năm; sau trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi từ 850 - 900 triệu đồng.
"Tôi chẳng có bí quyết làm ăn gì đâu, quan trọng là làm cái gì chắc chắn cái đó. Bên cạnh đó, phải biết nắm bắt được nhu cầu sản xuất của bà con nông dân địa phương. Đồng thời, biết tiết kiệm, mạnh dạn đầu tư và có hướng làm ăn mới...", ông Thích nói.
Vào mùa nắng hạn, ông Thích thường dự trữ thức ăn cho cừu, bò
Ông Võ Thành Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hải cho biết, hộ ông Thích là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế của địa phương. Trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá cả nông sản bấp bênh, ông Thích vẫn cần cù, biết cách vượt qua khó khăn để biến vùng đất bạc màu, khô hạn trở thành trù phú, kiếm ra tiền, làm giàu chính đáng cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
200 con cừu sinh sản và 65 con bò đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thích
"Ông cũng là hội viên nông dân tiêu biểu trong các phong trào vận động người dân đóng góp kinh phí làm đường bê tông nông thôn, kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Ngoài ra, ông Thích còn giúp đỡ vốn và hỗ trợ dịch vụ làm đất, thu hoạch cho nông dân nghèo, khó khăn", ông Võ Thành Lâm cho hay.
Với những kết quả trên, ông Đạo Thanh Thích đã được các cấp tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen. Năm 2014, ông Đạo Thanh Thích được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2016, UBND tỉnh tặng ông Thích Bằng khen đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Năm 2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng ông Đạo Thanh Thích Bằng khen bởi đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ông Đạo Thanh Thích vừa được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Theo Danviet
HĐND Q. Thanh Khê thí điểm "kỳ họp không giấy" Sáng 27-6, HĐND Q.Thanh Khê khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 8, nhiệm kỳ 2016-2021. Kỳ họp này lần đầu tiên được thí điểm theo phương án "kỳ họp không giấy". Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND Q.Thanh Khê khóa X. Tại kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-6, HĐND Q.Thanh Khê sẽ thông qua nhiều...