Ngư dân xứ Nghệ “chơi lớn”: Chi cả tỷ đồng “độ” dàn bóng đèn dụ cá
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu ( Nghệ An) đã “chơi lớn” khi mạnh tay chi hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mua sắm thêm các dàn bóng đèn công suất lớn để dẫn dụ cá, tăng sản lượng đánh bắt.
Ngư dân Quỳnh Lưu đầu tư chi phí từ hàng trăm đến tỷ đồng để lắp đặt dàn bóng đèn trên tàu. Ảnh: Hồng Diện
Hiện nay, đội ngũ tàu thuyền của huyện Quỳnh Lưu ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa, cùng với mua sắm các thiết bị điện tử thì ngư dân đầu tư từ hàng trăm triệu đến tỷ đồng để lắp đặt dàn bóng đèn công suất lớn trên tàu.
Anh Hà Đức Ngọc ở thôn Tiến Mỹ, xã Tiến Thủy cho biết: Ánh sáng bóng đèn rất quan trọng trong việc dẫn dụ đàn cá, do vậy, trong 2 năm nay anh đã trang bị cố định 2 bên mạn và đuôi tàu của mình 250 bóng đèn siêu sáng, đèn Led tổng công suất 250.000w, tăng 150 bóng so với trước đây. Với chi phí đầu tư 2 triệu đồng/bóng đèn siêu sáng và 4,3 triệu đồng/bóng đèn Led.
Với cường độ ánh sáng mạnh, tập trung kết hợp với kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác nên anh Ngọc và các thuyền viên gặp nhiều thuận lợi trong việc đánh bắt cá. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt hải sản của anh đạt từ 3 – 5 tấn cá hố và mực xuất khẩu, thu về từ 300 – 400 triệu đồng. So với trước đây tăng từ 1 – 2 tấn/ chuyến.
Trung bình mỗi tàu có từ 200 – 300 bóng đèn siêu sáng nhằm tạo ánh sáng lớn dẫn dụ luồng cá. Ảnh: Hồng Diện
Đối với tàu của anh Hồ Quốc Việt ở xã Tiến Thủy đóng mới từ năm 2013, công suất 800 CV, trị giá hơn 4 tỷ đồng, nhưng ở thời điểm đó, tàu của anh chỉ mới trang bị 40 bóng đèn.
Video đang HOT
Nhận thấy yếu tố ánh sáng rất quan trọng trong việc khai thác cá, gần đây anh đã đầu tư kinh phí hơn 580 triệu đồng để lắp thêm 70 bóng đèn Led và 140 bóng đèn siêu sáng. Đồng thời, sử dụng 2 máy phát điện chạy bằng dầu để đánh bắt cá cơm, cá hố, mực.
Anh Việt chia sẻ: Ban đêm các loài cá thường chuyển động vòng tròn quanh nguồn sáng. Ánh sáng càng tốt thì thu hút được đàn cá về phía tàu của mình sẽ nhiều hơn. Lúc này, áp dụng các công nghệ trong khai thác hải sản, tàu của anh đánh bắt thuận lợi, hiệu quả.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền, công suất bình quân 260 CV/tàu. Trước đây các tàu chỉ có từ 30 – 50 bóng đèn siêu sáng thì đến nay có tàu lắp đến 500 bóng đèn, trung bình từ 200 – 300 bóng trên 1 tàu. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, huyện Quỳnh Lưu đã có 30 tàu công suất lớn, chủ yếu ở xã Tiến Thủy và Quỳnh Nghĩa mạnh dạn đầu tư lắp đặt từ 50 – 100 bóng đèn Led.
Nhờ tăng cường hệ thống ánh sáng nên ngư dân Quỳnh Lưu đánh bắt hải sản hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đặc thù nghề ở Quỳnh Lưu là khai thác hải sản kết hợp với ánh sáng, cho nên các tàu thường lắp đặt nhiều bóng đèn, nhất là bóng đèn Led. Một con tàu nếu lắp đặt hoàn thiện hệ thống bóng Led cần chi phí 1 tỷ đồng.
Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình của Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện, các tàu được hỗ trợ lắp đặt 50% giá trị bóng nhưng cũng giới hạn trong vòng từ 50 – 100 bóng. Còn phía huyện đang đề xuất với tỉnh trong chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khai thác hải sản thì bổ sung thêm chính sách lắp đặt bóng đèn Led, nhằm giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao năng suất lao động cho người dân.
Theo Hồng Diện (Báo Nghệ An)
Gỡ "thẻ vàng" hải sản: Nhiều nơi làm còn lơ là, chưa quyết liệt
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, nhận thức nhiệm vụ tháo gỡ "thẻ vàng" về đánh bắt khai thác hải sản của một số địa phương chưa sâu sắc, tổ chức thực hiện chưa được nghiêm túc.
Trong 2 ngày, 14-15/2, Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia IUU dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia IUU dẫn đầu đi kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương chưa quyết liệt trong nhiệm vụ tháo gỡ "thẻ vàng" IUU. Việt Nam bị EC rút thẻ vàng từ ngày 23/10/2017, đến bây giờ đã hơn 2 năm. Đợt này, Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
"Qua kiểm tra, trước hết phải khẳng định nhận thức nhiệm vụ tháo gỡ thẻ vàng của các địa phương chưa sâu sắc, tổ chức thực hiện chưa được nghiêm túc, thể hiện ở việc bố trí lực lượng, điều kiện làm việc, trang thiết bị và nhận thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý thủy sản.
Để đến khi rà soát 4 tiêu chí của EC (tàu vi phạm, quản lý tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật) đều chưa được thực hiện một cách nghiêm túc", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương chưa quyết liệt nhiệm vụ tháo gỡ thẻ vàng EC.
Sáng 15/2, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi năm, ngư dân thành phố đánh bắt khoảng 35.000 tấn hải sản các loại, trong khi đó, tổng sản lượng hải sản qua cảng trên 100.000 tấn.
Tại Đà Nẵng, trung bình mỗi năm, ngư dân thành phố đánh bắt khoảng 35.000 tấn hải sản các loại.
"Tất cả tàu cá khai thác vùng biển khơi lắp thiết bị hành trình đều được hỗ trợ 100% thiết bị của năm đầu thuê bao. Bảo hiểm thân tàu hiện nay địa phương cũng đã triển khai với mức 50% là của Trung ương, 40% là của thành phố, còn 10% là trách nhiệm của chủ tàu. Làm tốt công tác này thì có thể kiểm tra đánh bắt khơi xa rất hiệu quả, tàu đi đâu, làm gì có thể kiểm soát được", ông Hồ Kỳ Minh cho biết.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm các khuyến nghị của EC cũng như quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
"Qua kiểm tra ở 3 địa phương thì phải nói là việc thực thi IUU đã có bước chuyển biến. Tuy nhiên so với yêu cầu, 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu thì thực hiện chưa tốt", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương tại miền Trung cần vào cuộc quyết liệt hơn để tháo gỡ thẻ vàng EC.
"Các cơ quan chức năng địa phương tại miền Trung cần phối hợp chặt chẽ trong ghi hồ sơ kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản, tăng cường giám sát khai báo trước khi tàu cập cảng, kiểm sát tàu cá ra vào cảng... Phải vào cuộc quyết liệt để đến ngày 25/5 tới đây đoàn kiểm tra của Châu Âu vào, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt nhất", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói thêm.
Theo Danviet
"Gã khùng" vớt rác đại dương Hai năm trở lại đây, hình ảnh chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ công suất hơn 1.000CV của ngư dân trẻ Trần Văn Cường mỗi lần quay về bờ, với một khoang tàu chứa đầy rác thải vớt được từ đại dương đã không còn xa lạ với người dân Thuận An, huyện Phú Vang (tỉnh TT-Huế) . Biệt danh "Cường rác"...