Ngư dân vùng cá chết vẫn mong kiếm sống ở quê nhà
Theo đề án của Bộ LĐTBXH, hơn 263.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do tình trạng cá chết sẽ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, xuất khẩu lao động… Đề án này đang nhận được nhiều phản hồi của chính quyền và người dân 4 tỉnh.
Muốn làm ăn trên ngư trường của chính mình
Ngày 8.7, trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều ngư dân Quảng Trị bày tỏ chưa quan tâm, mặn mà với đề án xuất khẩu lao động, chuyển đổi ngành nghề mà Bộ LĐTBXH đề ra. Tiếp chúng tôi trong tiếng thở dài ngao ngán, ngư dân Trần Đình Phước (khu phố 8, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cho hay, gần 3 tháng nay anh neo con tàu làm nghề giã cào nằm bờ, vừa xót xa vừa buồn. Theo anh Phước, việc đi xuất khẩu lao động đối với anh là không thể, vì hiện anh có 2 đứa con thơ dại, vợ thường xuyên ốm đau cần được chăm sóc. “Tôi mong được hỗ trợ vay vốn đóng tàu lớn hơn để vươn khơi ngoài 20 hải lý, chứ còn đi xuất khẩu lao động mấy năm liền thì vợ con ở nhà ai lo khi trái gió trở trời. Hơn nữa giờ tôi ôm cục nợ 500 triệu đồng tiền mua tàu rồi thì lấy tiền đâu mà đi xuất khẩu lao động” – anh Phước nói.
Ngư dân Quảng Trị buồn rầu vì không thể ra khơi gần 3 tháng nay do Formosa gây ra hiện tượng cá chết tại miền Trung. ảnh: L.K
Ngư dân Bùi Đình Khải (xã Gio Hải, Gio Linh) cũng cho rằng, bao đời nay gắn bó với nghề biển, giờ lên bờ làm nghề phụ hồ, đẩy xe kéo… còn luống cuống chứ nói gì đến tay nghề cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước như Nhật, Hàn. “Chúng tôi muốn nhà nước cho vay tiền, đóng tàu lớn vươn khơi xa, vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia gìn giữ chủ quyền”. Anh Khải cho biết, mấy tháng nay, gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn vì không thể làm nghề biển gần bờ. “Chúng tôi nhớ biển, nhớ con cá con tôm lắm, mong được ra khơi thôi, không muốn xuất khẩu nước ngoài nước trong gì hết” anh Khải nói.
Nỗi niềm của anh Khải cũng là của nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh. Chiều 8.7, ngư dân Chu Văn Thanh ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, chia sẻ: Người dân xã Kỳ Lợi hàng trăm năm nay làm nghề đi biển. Là xã bãi ngang, ngư dân còn khó khăn nên chỉ đầu tư được tàu đánh bắt gần bờ, chủ yếu thu các loại cá mu, cá trích và câu mực. Bây giờ vùng biển ven bờ bị ô nhiễm nặng nề, không đánh bắt được hải sản, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Về đề án mà Bộ LĐTBXH đưa ra, ông Thanh thẳng thắn nói: “Tôi thấy có gì đó chưa ổn lắm vì không phải ai cũng đi xuất khẩu lao động được. Ở Kỳ Lợi ngư dân tuổi trên 40 như tôi nhiều lắm, nhưng nói hỗ trợ đi xuất khẩu lao động chắc chẳng ai nhận nữa. Kể cả những người còn trẻ nằm trong độ tuổi có thể đi xuất khẩu lao động thì thời gian làm thủ tục hồ sơ, học hành cả năm trời mới đi được, trong quãng thời gian đó lấy chi sống đây, chưa kể họ đang phải nuôi vợ con nữa”.
Theo ông Thanh, Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay tiền, hỗ trợ lãi suất đóng tàu lớn hơn để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Không có gì ngoài việc ra khơi bám biển- đây mới là kế sách lâu dài của ngư dân.
Chị Đinh Thị Phương ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cũng tỏ ra lo âu: “Ngư dân chúng tôi cả đời đi biển, nay chuyển đổi nghề thì biết sang làm gì, trong khi đất sản xuất không có. Còn đi xuất khẩu lao động như tôi bây giờ đã 38 tuổi rồi có nước nào nhận nữa không?”.
Chính quyền cũng lo
Ông Lê Phúc Thiện – Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị thì cho rằng, việc đi xuất khẩu lao động là giải pháp không mấy khả thi đối với người dân Quảng Trị. Bởi vì, người dân Quảng Trị không đủ tiền để đi những nước như Hàn, Nhật, và tay nghề của họ cũng không đủ để đáp ứng yêu cầu. Theo ông Thiện, bà con ngư dân mong muốn được đào tạo nghề tại chỗ để sản xuất tại địa phương chứ không muốn đi xuất khẩu lao động. Lý do bởi hiện nay giải quyết việc làm cho các ngư dân lứa tuổi đã có gia đình là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này vướng bận nhiều thứ như gia đình, vợ con… nên khó đi xuất khẩu lao động được. “Với đề án xuất khẩu lao động này có lẽ chỉ hợp với lớp thanh niên. Nhưng việc giải quyết cho lao động thanh niên hiện nay chưa cấp thiết, bởi thanh niên không đi làm nơi này thì có thể đi nơi khác, những cũng phải hỗ trợ tiền, vay vốn mới đi được” – ông Thiện nói.
Ông Phan Văn Linh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì cần hỗ trợ chi phí học tiếng, đi lại, ăn ở, khám sức khỏe… Đặc biệt phải có chính sách cho vay không lãi hoặc lãi suất rất thấp để người dân đóng tiền xuất ngoại. Chi phí đi Nhật Bản hiện nay là 150-170 triệu đồng/người, ngoài ra còn phải đóng 100 triệu đồng tiền ký quỹ. Đó là số tiền quá lớn đối với ngư dân nghèo.
Cho rằng việc ngư dân chuyển đổi nghề không phải đơn giản vì đất sản xuất không có nữa, còn xuất khẩu lao động không phải ngư dân nào cũng đi được vì còn phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ…, ông Lê Xuân Vượng- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh kiến nghị giải pháp là Chính phủ hỗ trợ người dân một phần lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, làm dịch vụ hầu cần nghề cá, miễn, giảm thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ hải sản… Đặc biệt, cần ưu tiên các xã ven biển có một chính sách riêng vay vốn hỗ trợ đóng tàu như Nghị định số 67 để phát triển đội tàu đánh cá xa bờ.
Bà Nguyễn Thị Duyên-Trưởng phòng LĐTBXH thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã đang rà soát tổng thể các hộ bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ trước mắt tiếp theo. “Còn việc hỗ trợ về xuất khẩu lao động thì Phòng đang chờ văn bản chỉ đạo từ Sở LĐTBXH và tỉnh chuyển về. Việc này không phải đơn giản vì còn tùy vào nhiều yếu tố, đối tượng…” – bà Duyên bày tỏ quan điểm.
Theo Danviet
Sát cánh ngư dân những ngày gian khó
Còn nhớ, khi hiện tượng cá chết bắt đầu lan đến Quảng Trị, anh chị em làm báo trên địa bàn ngay lập tức có mặt ở xã biển Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh). Cũng là con em nông dân, chúng tôi đau cùng nỗi đau của ngư dân...
LTS: Hiện tượng cá biển chết bất thường trong thời gian qua khiến người dân miền biển gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội còn có những người làm báo - trong đó có Báo NTNN - ngày đêm sát cánh, đưa những thông tin trung thực, khách quan, nhân văn...
Nghĩa tình trong khó khăn
Lần đầu tiên những lão ngư bảy tám mươi tuổi, tóc bạc gần hết, đôi mắt đỏ ngầu... phải thốt lên "chúng tôi không muốn tin... biển chết". 3 ngày, 7 ngày rồi nửa tháng, cứ mỗi ngày trôi qua cá chết cứ lan dần vào tận Thừa Thiên-Huế. Con số ước tính hơn 30 tấn cá chết được thu gom chôn lấp, thiệt hại trên 141 tỷ đồng khiến mọi người lo lắng không yên.
Tuy giá hải sản xuống thấp nhưng sau hơn 1 tháng cá chết, ngư dân Quảng Trị đã bám biển trở lại, đem về nhiều tôm cá. Ảnh: N.V
Chúng tôi còn nhớ như in bóng dáng liêu xiêu của ngư dân Đặng Xuân Minh ngồi thẫn thờ ở bờ biển thôn Nam Sơn (Trung Giang, Gio Linh) - nơi hàng tấn cá nằm phơi bụng bốc mùi hôi thối. Anh Minh cùng vợ có hai người con đang tuổi ăn học.
Nhưng, suốt 3 năm nay vợ anh bị bệnh phù thận, mất sức lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà. Anh đã từng xoay xở, mượn vay đưa vợ đi chữa trị nhưng bệnh nặng, cạn tiền nên cuối cùng phải đưa vợ về nhà chờ chết. Con gái đầu của anh Minh đành bỏ học giữa chừng vào miền Nam làm công nhân đỡ đần ba mẹ.
Ngóng ra biển vắng, anh Minh buông tiếng thở dài mà nói rằng, không có thuyền lớn nên anh phải ra khơi bằng thúng chai. Cái ăn của gia đình anh từ đó trông cậy vào sự sẻ chia của bà con xóm nghèo. Cuộc sống ngư dân Việt Nam là vậy, dẫu khó khăn hay sung sướng, nghèo nàn hay giàu có luôn nương tựa vào nhau, sống trong niềm yêu thương, đùm bọc.
Giúp đỡ, sẻ chia
Hiện tượng cá chết dọc bờ biển Quảng Trị xảy ra, hầu như ngày nào lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành, đoàn, hội... và những người làm báo đều có mặt ở biển để ghi nhận tình hình, động viên người dân bình tĩnh vượt qua khó khăn. Dịp lễ 30.4-1.5, trong khi người dân cả nước nô nức với ngày hội lớn thì tại Quảng Trị, anh chị em làm báo vẫn túc trực đêm ngày tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân.
Khi Quảng Trị có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết, vì thời gian quá gấp nên việc chia gạo, hỗ trợ tiền... đôi lúc có chút bất cập. Cũng có lúc người dân chưa rõ chính sách hỗ trợ nên tỏ ra bức xúc chính quyền, điện báo cho anh chị em làm báo. Những lúc ấy, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ cho người dân được rõ, khuyên họ bình tĩnh, cảm thông...
Thời gian sau, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm... trên địa bàn tỉnh và cả nước đã vào cuộc hỗ ngư dân vùng cá chết. Và đến ngày 30.5, đã có 7,7 tỷ đồng cùng 45 tấn gạo đến tay 13.431 hộ/64.875 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Đương nhiên, những món quà nhỏ, hành động kịp thời ấy đã được anh chị em làm báo đưa tin kịp thời để kêu gọi, đẩy cao tinh thần lá lành đùm lá rách ngày càng lan rộng.
Theo Danviet
Quảng Ngãi: Đội tàu cá vỏ thép của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Đó là cách ví von của nhiều ngư dân trong tỉnh khi nói về những con tàu cá vỏ thép mà "Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi" đã, đang đóng và bàn giao cho ngư dân vươn ra khơi xa phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Không chỉ sẻ chia,...