Ngư dân Việt những ‘bó đũa’ không thể bẻ gãy trên Biển Đông
Trong những ngày nóng bỏng trên biển Đông, có một lực lượng âm thầm “ra trận”, rất hùng dũng, rất đoàn kết với tinh thần “chiến đấu” cao, đó là ngư dân.
Ảnh minh họa
Trước đây, có những khi ngư dân e ngại khi bị tàu Trung Quốc húc ngoài biển, bị bắt đòi tiền chuộc. Nhưng từ khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương – 981, những e ngại đó bay biến. Ngư dân đi biển với quyết tâm cao hơn, không chỉ là đánh bắt hải sản, mà chứng minh cho thế giới biết, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Ngư dân tự hào rằng, mình là “cột mốc sống” trên biển Đông.
Ngư dân ào ạt ra Hoàng Sa, không chỉ là việc mưu sinh mà những chuyến ra khơi này mang tinh thần giữ nước. Ngư dân muốn chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng, họ không sợ bất cứ sức mạnh nào.
Bám biển để góp phần bảo vệ biển đảo của cha ông để lại, ngư dân thách thức bất cứ sự xâm lăng nào.
Trung Quốc cho dù là nước lớn, khoe khoang các loại tiềm lực, nhưng không thể lung lay được ý chí, lòng yêu nước của con người Việt Nam. Khi có bóng ngoại xâm, nhân dân Việt Nam đoàn kết hơn bao giờ hết. Ngư dân siết chặt tay nhau trên biển, sẵn sàng hỗ trợ khi bị tàu Trung Quốc tấn công. Họ đi theo đội, nhóm để bảo vệ nhau, tạo thành những “bó đũa” để không bị bẻ gãy.
Video đang HOT
Có một điều cần khẳng định rằng, ngư dân không đơn độc trên biển Đông.
Ghi nhận tinh thần kiên cường, bất khuất của ngư dân, trong cuộc gặp gỡ cử tri Quận 3, TP HCM vào chiều 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thông báo trong những ngày qua, ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi, hoạt động đánh bắt trên các ngư trường truyền thống bình thường và được sự bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư.
Trước đó, ngày 13/5, Chủ tịch nước đã gửi lời thăm hỏi, động viên tập thể tàu cá QNg 96416 TS, của ngư dân Nguyễn Lộc (ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) nói riêng, ngư dân Quảng Ngãi nói chung đã kiên cường bám biển.
Đằng sau ngư dân là 90 triệu đồng bào Việt Nam. Các chương trình kêu gọi ủng hộ ngư dân bám biển được người dân hăng hái tham gia. Có nhiều người chia sẻ đồng tiền dành dụm được, có những doanh nghiệp, tổ chức đóng góp số tiền lớn để mong được tiếp sức cho ngư dân. Ai cũng ý thức rằng, ngư dân ra khơi là “ra trận” bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Chỉ hai ngày sau khi báo Dân trí mở mã số đặc biệt 4033 để tiếp sức các chiến sĩ, kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển giữ vững chủ quyền biên giới hải đảo, chương trình đã nhận được gần 800 triệu đồng do bạn đọc Dân trí ở trong và ngoài nước chung tay ủng hộ.
Đồng bào cả nước hướng về biển Đông, theo sát từng bước đi của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Và hình như để được gần nhau hơn, nhiều người chọn biển đảo làm địa chỉ du lịch trong mùa hè này.
Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, Bạch Long Vĩ… sẽ đón khách nhiều hơn so với những năm trước. Đồng bào ra biển đảo để cổ động cho các lực lượng chấp pháp và ngư dân đang chịu nhiều gian khổ và hiểm nguy trên biển Đông.
Từ khi xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981, tự nhiên tình yêu biển đảo bùng lên, các bạn trẻ, người dân có ý thức tìm hiểu thêm kiến thức về biển đảo, từ đó hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông. Và hiểu được rằng, mọi hoạt động của Trung Quốc trên các vùng biển, ngư trường, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay là phi pháp, là vi phạm luật pháp quốc tế.
90 triệu đồng bào đang đồng hành cùng ngư dân bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Theo Dân Trí
6 tàu cá công suất lớn ra Hoàng Sa tiếp sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Chiều 15/5, tại Âu thuyền Thọ Quang (TP.Đà Nẵng), hàng trăm ngư dân đã làm lễ biểu dương lực lượng, cổ vũ cho 6 tàu cá có công suất lớn xuất bến, thẳng tiến Hoàng Sa.
Các tàu cá tại Đà Nẵng chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi.
Đi trên 6 tàu cá có khoảng 100 ngư dân, ngoài nhiệm vụ đánh bắt hải sản, chuyến ra khơi lần này họ sẽ cùng Cảnh sát biển, Kiểm ngư tiến sâu vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép để phản đối.
Ông Nguyễn Văn Điều, chủ tàu cá DNa-90350, nói: "Tàu tôi mang theo 12 thuyền viên, tất cả đều là thanh niên trai tráng. Ngoài nhiệm vụ đánh bắt hải sản, chúng tôi sẽ cùng các tàu cá khác tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để căng băng-rôn, khẩu hiệu phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc".
"Trung Quốc dù có tàu lớn, vũ khí nhưng họ đang làm những điều phi pháp, ngang ngược. Còn chúng tôi phản đối là vì chính nghĩa, nếu biết đoàn kết thì sẽ thắng".
Ông Đặng Phi, chủ tàu cá 400 CV số hiệu ĐNa-90081, cho biết đã liên lạc với nhiều biên đội tàu của các tỉnh Quảng Nam, Quãng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên... Tất cả các bạn tàu đều hẹn nhau thẳng tiến Hoàng Sa để "tiếp sức" lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tiến vào khu vựcTrung Quốc đặt giàn khoan để phản đối.
Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải Châu trao quà động viên các tàu cá thẳng tiến Hoàng Sa.
Phương pháp mà các ngư dân sử dụng là dùng loa phát thanh, băng-rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền, vận động và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
"Trong trường hợp bị Trung Quốc truy cản, chúng tôi sẽ tập hợp theo hàng ngang và chặn lại để tàu chấp pháp có cơ hội tiến sâu vào khu vực giàn khoan. Đương nhiên, chúng tôi sẽ không manh động để Trung Quốc lợi dụng, vu khống chúng ta dùng vũ lực", ông Phi cho biết.
Tại buổi lễ xuất quân, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đã tặng 6 tàu cá mỗi tàu 2 triệu đồng, 30 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để động viên các ngư dân yên tâm góp phần bảo vệ chủ quyền.
Theo Xahoi
"Nếu sợ, ngư dân chúng tôi đã không ra khơi!" Ngư dân Đặng Phi (SN 1965, trú phường Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu DNa 90081 TS) khảng khái nói tại bến cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, khi chuẩn bị lên tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa. Chiều ngày 15/5, tại cảng cá số 1 âu thuyền Thọ Quang, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng)...