“Ngư dân Việt Nam là mục tiêu chính trong kế hoạch chặn bắt tàu thuyền của Trung Quốc”
Ngư dân Việt Nam là đối tượng bị nhắm tới đầu tiên trong chính sách chặn bắt tàu thuyền của Trung Quốc ở Biển Đông, một quan chức Trung Quốc công khai thừa nhận với báo Mỹ ngày 1/12.
Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách chặn xét tàu thuyền của các nước hoạt động trong phạm vi “đường chín đoạn” mà nước này ngang nhiên tự vẽ ra ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên báo New York Times của Mỹ số ra ngày 1/12, một quan chức tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) công khai thừa nhận ý đồ chặn bắt tàu thuyền nước ngoài của Trung Quốc tại Biển Đông là nhằm tăng cường năng lực khống chế các quần đảo nằm bên trong “đường lưỡi bò”, với ngư dân Việt Nam là đối tượng bị nhắm tới trước tiên.
“Phạm vi áp dụng bao trùm toàn bộ các hòn đảo hay bãi đá nằm bên trong đường 9 đoạn và các vùng biển lân cận”, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, ông Ngô Sĩ Tồn, xác nhận với phóng viên tờ New York Times trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Video đang HOT
Quan chức này khẳng định các quy định mới sẽ được áp dụng kể từ đầu tháng 1/2013 trên toàn bộ các hòn đảo nằm rải rác trên Biển Đông và các vùng biển xung quanh. Với quyết định mới này, lực lượng công an biên phòng Trung Quốc sẽ được phép chặn giữ, lục soát và trục xuất các tàu thuyền nước ngoài hoạt động bên trong khu vực lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Ông này cũng công khai khẳng định với báo Mỹ rằng mục tiêu trước mắt của quyết định mới này là nhằm đối phó với các tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển xung quanh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được Trung Quốc gần đây chọn để đặt trụ sở của cái gọi là “thành phố Tam Sa”,
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép và đặt tên là đảo Vĩnh Hưng. Gần đây, Trung Quốc đã chọn đảo Phú Lâm để đặt trụ sở chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính được thành lập trái phép hồi tháng 7 vừa qua để quản lý toàn bộ Biển Đông. Ngoài ra, Phú Lâm cũng là nơi được Trung Quốc đặt đại bản doanh của đơn vị quân đội đồn trú trên Biển Đông.
Theo Dantri
Trung Quốc không thể cứ mãi yêu sách đường lưỡi bò
Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 khai mạc sáng 26/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Việt Nam và thế giới nhất trí rằng tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là vô nghĩa và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan khách tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4.
Tham luận của GS-TS Erik Franckx thuộc Đại học Vrije Brussels (Bỉ) với chủ đề "Đường đứt đoạn chữ U trong luật quốc tế hiện nay: Cố gắng làm rõ đánh giá năm 2009" đã thu hút sự chú ý của đông đảo cử tọa khi ông nhấn mạnh rằng trong tương lai gần, Trung Quốc gần như không thể duy trì được tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò.
Theo GS Franckx, cho đến tận bây giờ, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích rõ ràng nào về đường lưỡi bò. Ngày 7/5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên trong 60 năm đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc văn bản đính kèm bản đồ có đường 9 đoạn, gây chú ý trong dư luận với tuyên bố "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với các đảo ở biển Đông và các vùng biển liền kề, được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy của vùng biển đó".
Theo GS Franckx, các thuật ngữ của Trung Quốc trong công hàm này như "vùng nước liền kề" và "vùng nước liên quan" không phổ biến và không được sử dụng trong Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Do đó có thể thấy quan điểm chính thống của Trung Quốc liên quan đến bản chất của yêu sách đối với vùng nước của biển Đông rất mơ hồ.
Ngay sau khi đường lưỡi bò chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối, trong đó nêu rõ Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển lân cận ở biển Đông như được minh hoạ trong bản đồ đính kèm với các công hàm gửi Liên Hợp Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế, do đó vô hiệu.
GS-TS Erik Franckx.
Theo GS Franckx, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn, bởi các đảo trong đường lưỡi bò này đều có tuyên bố chủ quyền mang tính chất lịch sử.
"Đối với một vùng nước rộng lớn như thế xét theo luật quốc tế, rất khó để một quốc gia chứng minh chủ quyền của mình thông qua việc tự mình vẽ ra một bản đồ không nhất quán" - GS Franckx nói và chỉ ra rằng các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ một bức tranh khác về biển Đông so với các bản đồ cũng như các tài liệu khác của các quốc gia ven biển trong khu vực. Đường lưỡi bò trên bản vẽ của Trung Quốc trước năm 1953 bao gồm 11 nét đứt, trong khi những phiên bản sau đó chỉ bao gồm 9 nét. Trung Quốc không đưa ra lý do chính thức nào để giải thích cho việc xóa đi 2 nét đứt này, do vậy các tài liệu không có sự thống nhất thì không đáng để tin cậy.
Luận điểm cuối cùng mà GS Franckx đưa ra về việc khó chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là vì một đường biên giới cần có sự đồng thuận của nhiều nước, chứ Trung Quốc không thể đơn phương tự vẽ ra được. Vì vậy, xét về khía cạnh luật quốc tế, Trung Quốc không thể duy trì mãi yêu sách đường lưỡi bò phi lý này.
Theo Dantri
"Làng chết" dưới chân Ngàn Nưa Cách đây chưa lâu, làng Thổ Vị (xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) khắp trong và ngoài tỉnh biết bởi cái tên "làng ung thư". Sau khi báo chí phản ánh, đã có hàng chục đoàn về kiểm tra, lấy mẫu nước của làng đưa đi nghiên cứu, xét nghiệm, cho kết quả tất cả các mẫu nước đều không đảm...