Ngư dân trúng đậm vụ cá cơm cuối năm
Những ngày cuối năm dương lịch 2016, trên bến cá lạch Cờn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An tấp nập cảnh mua bán, vận chuyển cá. Từng tốp tàu công suất lớn khai thác ở các vùng biển xa đều đã kịp về bến trước tin có áp thấp nhiệt đới.
11 giờ trưa 28.12, chúng tôi có mặt tại bến cá lạch Cờn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Trên bờ, các mẹ, các chị hối hả khiêng từng khay cá, khay nọ nối tiếp khay kia. Có chị luôn tay cân, ghi chép, các bà khẩn trương xếp ngay ngắn từng khay trên những chiếc xe tải to nhỏ đủ loại. Không khí lao động ở đây diễn ra hết sức khẩn trương.
Bà con phân loại cá.
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phiên ở xóm Động Lực, người có thâm niên gắn bó với bến cá hơn 20 năm, được biết, đang là mùa cá cơm và cá đốm, tàu thuyền Quỳnh Lập về trúng đậm, lượng cá nhiều nên hầu như ngày nào các chị cũng làm việc hết công suất. Tháng cao nhất, thu nhập của những người làm nghề như chị Phiên là 6 triệu đồng, tháng thấp cũng có 3 triệu đồng. Đối với lao động nữ vùng biển, thì đây là nguồn thu nhập khá, có thể trang trải mọi chi tiêu cho gia đình.
Video đang HOT
Bà con nhanh tay cân cá.
Ngư dân Lê Hội Đức, thuyền trưởng tàu NA 98 288 TS vừa cập bến. Chuyến này sau 4 ngày ra khơi tàu anh khai thác được hơn 20 tấn cá trỏng, với giá bán tại bến là 13.000 đồng/kg, thu về 250 triệu đồng, trừ chi phí và phần nhà nghề, mỗi lao động bỏ túi 5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tàu anh Đức vươn khơi 20 chuyến biển, bình quân lao động thu nhập hơn 100 triệu đồng/người, nhà nghề đạt từ 600 – 700 triệu/mỗi phương tiện.
Cá được chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ.
Khi được hỏi năm nay nghề biển làm ăn thế nào, anh Đức cho biết: “Tàu tôi đánh bắt ở 2 ngư trường chính là Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ, khai thác 2 con cá chính là cá đốm và cá trỏng. Đầu năm thì cũng có những chuyến biển thu nhập không cao lắm, nhưng bù lại, những tháng cuối năm con cá cơm trúng đậm, mỗi chuyến vươn khơi 4 – 5 ngày khai thác được trên dưới vài chục tấn cá, giá đầu mùa cao thu nhập 300 – 400 triệu đồng, thời điểm chính vụ như hiện nay, cá được nhiều, giá thấp xuống còn 12 – 13 ngàn mỗi cân cũng có 200 – 250 triệu”.
Hiện là mùa chính được cá nên tàu thuyền trên địa bàn khai thác hết công suất, đoàn cuối cùng về hôm qua. Tháng cuối năm sản lượng đạt 270 tấn, giá trị 3,5 tỷ đồng.
Nghề biển Quỳnh Lập tạo việc làm trực tiếp cho 1.560 lao động trên biển và hàng ngàn lao động phục vụ các ngành nghề dịch vụ hậu cần trên bờ. Năm 2016, sản lượng khai thác của ngư dân Quỳnh Lập là 35.560 tấn, vượt 11% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị đạt 350 tỷ đồng. Nghề truyền thống của bà con ở đây là khai thác cá cơm và cá đốm. Riêng cá cơm đang là mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có giá trị cao.
Để phục vụ cho chế biến cá, hiện nay trên địa bàn đã hình thành 30 cơ sở hấp, sấy với công suất hàng chục tấn cá mỗi ngày, chế biến khoảng 50 sản lượng cá do bà con ngư dân khai thác về. Mỗi cơ sở tạo việc làm với mức thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng cho 40- 60 lao động nữ ở Quỳnh Lập và các vùng lân cận.
Ngư dân cần mẫn tu sửa lưới cụ chuẩn bị chuyến biển mới.
Chiều cuối năm, chúng tôi đi dọc theo chiều dài bến lạch Cờn, chứng kiến cảnh tàu về, cá được ngư dân chuyển lên bờ tấp nập, xe lớn, xe bé “ăn” đầy cá rồi lại lướt đi nhường chỗ xe khác vào. Trên các tàu, những người đàn ông ăn sóng, nói gió cũng khiến cho cả một vùng biển rộn ràng hẳn lên trong ngày gió Bắc về.
Ông Phan Văn Hải – Chủ tịch hội nghề cá Quỳnh Lập, là thuyền trưởng tàu khai thác cá, và chủ của 1 chiếc tàu dịch vụ thu mua trên biển không dấu được niềm vui nói: “Trừ các chi phí, năm nay cả 2 tàu gia đình tôi thu nhập được 1,2 tỷ đồng. Sang năm 2017 cũng mong mưa gió thuận hòa, để người dân vùng biển quê tôi tiếp tục bám biển, khai thác, mang lộc biển về xây dựng gia đình và quê hương”.
Theo Nguyễn Vân (Báo Nghệ An)