Ngư dân trẻ Hoàng Sa nhiều lần đối đầu với tàu “lạ” phá hoại trên biển
Kiên cường đấu tranh chống lại các tàu “lạ” phá hoại trên vùng biển Hoàng Sa, anh Đỗ Quốc Quảng đã trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên vùng biển Quảng Nam.
Anh Đỗ Quốc Quảng là ngư dân thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Hơn 20 năm đi biển, anh Quảng nhiều lần đối đầu với bão giông và những hiểm nguy trên biển nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ nghiệp đánh bắt cá.
Với tinh thần dũng cảm và chăm chỉ làm việc, anh Quảng đã được đề cử đại diện thanh niên địa phương, trở thành 1 trong 200 đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 3.
Có mặt tại Hà Nội để tham gia Đại hội diễn ra từ ngày 15 tới 17/8, anh Quảng rất tự hào và phấn khởi. Anh cho biết, cuộc sống của anh quanh năm gắn liền với biển khơi, rất hiếm có dịp anh được tham gia diễn đàn của các thanh niên ưu tú như lần này.
Từ Quảng Ngãi xa xôi, anh Quảng mang tới Hà Nội hoài bão và tinh thần can trường của thanh niên vùng biển.
Anh Đỗ Quốc Quảng
Video đang HOT
Qua trò chuyện, PV Dân trí đã tìm hiểu về những lần ngư dân này trực tiếp đối mặt với những cơn bão bất ngờ trên biển, biết được cách anh và bạn bè xử lý những tình huống phá hoại của tàu nước ngoài trên ngư trường Hoàng Sa.
Từng đối mặt với nhiều sóng gió, anh điềm tĩnh kể lại những tình huống cam go nhất. “Mỗi chuyến đi của anh em chúng tôi kéo dài 25-30 ngày. Nhiều lần gặp bão tưởng chẳng có đường trở về nhưng rồi cũng qua. Đối với tôi mỗi chuyến đi đều là kỉ niệm, tôi để trong lòng. Chỉ biết dù khó khăn bao nhiêu, chúng tôi vẫn ra khơi”, anh Quảng chia sẻ.
Không kể những thử thách mà thiên nhiên đặt ra, chỉ tính riêng những lần anh Quảng đối mặt với sự phá hoại của các tàu “lạ” trên biển đã là “thập tử nhất sinh”. Còn nhớ ngày 7/6, khi nhóm tàu cá Quảng Ngãi (có anh Quảng tham gia) đang di chuyển gần nhau trên ngư trường Hoàng Sa, chưa kịp ổn định đội ngũ thì cả trăm tàu Trung Quốc đã quây vòng tròn quanh nhóm tàu cá nhỏ bé của các ngư dân Việt Nam.
Từ các ngả, tàu Trung Quốc lao thẳng về phía tàu cá của anh Quảng. Dù phía tàu của anh Quảng đã rất nhiều lần báo hiệu rằng đây là tàu đánh bắt cá của ngư dân, tàu lạ vẫn không ngừng đâm va.
Để tránh thiệt hại, các ngư dân khéo léo vòng tránh. Rất may là nhờ lợi thế tàu nhỏ, dễ dàng điều khiển, tàu của các ngư dân trong đó có anh Quảng đã an toàn rời khỏi vùng giao tranh dù không tránh khỏi thiệt hại.
Anh Quảng có mặt tại Hà Nội để tham gia Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời bác lần thứ 3
Trở về sau những chuyến đi nguy hiểm, anh Quảng vẫn tiếp tục xin tình nguyện ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, góp thêm tiếng nói đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mặt khác, anh Quảng cũng tích cực vận động thanh niên địa phương cùng nhau đi biển, vừa làm giàu cho gia đình, vừa làm giàu cho Tổ quốc. Tiếng nói của anh Quảng tại quê nhà rất có trọng lượng bởi các thanh niên tin tưởng vào anh – người lính xuất ngũ có tinh thần kiên cường.
Đến nay, anh Quảng chỉ có mong muốn lớn nhất là sớm tiết kiệm đủ vốn đóng tàu riêng để ra Hoàng Sa làm ăn (hiện nay anh làm thuê trên tàu của người khác). “Từ thời cha ông tôi đã đi biển, anh em của tôi cũng đi biển. Mùi muối mặn đã ăn vào từng hơi thở. Tôi sẽ tiếp tục bám biển cho tới khi nào tuổi già sức yếu không còn đi được nữa”.
Với người ngư dân này, mọi hi vọng tương lai đều được gửi gắm ở con cái. Anh có hai con nhỏ, một bé trai 8 tuổi và đứa con út 6 tuổi. Anh mong rằng công sức làm việc vất vả của mình sẽ được bù đắp bằng hạnh phúc của vợ con.
“Tôi đi mỗi chuyến hàng tháng trời, nhiều khi cũng nhớ nhà lắm. Đứng ở mũi thuyền mà nhìn về đất liền thấy nhớ giọng cười của con, thương vợ. Tôi mong hai cháu học hành đến nơi đến chốn, sau này có tương lai, công việc ổn định”, anh Quảng bùi ngùi.
Mai Châm
Theo Dantri
Quảng Ngãi: Dân đổ xô tìm cổ vật quanh con tàu chìm
Từ nhiều ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã bỏ biển để đi tìm cổ vật quý ở vùng biển nơi gần con tàu chìm chứa cổ vật vừa được khai quật từ cuối năm 2013.
Có mặt ở vùng biển Bình Châu những ngày này, có thể chứng kiến cảnh bà con ngư dân dùng thuyền thúng chèo ra biển, nơi gần con tàu cổ vừa khai quật để lặn tìm cổ vật. Nhiều thanh niên khỏe mạnh đã chia nhau từng tốp hụp sâu xuống biển để mò lặn cổ vật. Có người may mắn đã tìm thấy một số cổ vật có giá trị.
Một cổ vật được khai quật từ con tàu chở cổ vật chìm có niên đại 700 năm tuổi.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, sau khi nhận được tin báo, đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh đã về thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) kiểm tra, đồng thời tạm giữ 15 mẫu cổ vật gồm đĩa, chén, tô men ngọc, men nâu... do ngư dân vừa trục vớt trái phép được nằm cách con tàu chìm chứa "kho cổ vật" 700 tuổi, từng được cơ quan chức năng vừa tổ chức khai quật.
"Giám định sơ bộ, toàn bộ số cổ vật này đều có niên đại từ thế kỷ 12, nhiều mẫu cổ vật có trang trí hình cúc dây vẽ chìm, hoa văn kỷ hà, sóng nước, kỹ thuật tráng men dày, dưới đáy đĩa tô son nâu...", tiến sỹ Khôi nhận định.
Theo ông Khôi, nhiều khả năng có thêm tàu chở cổ vật chìm bên cạnh "kho cổ vật 700 tuổi" nên tỉnh cần có phương án thăm dò, khảo sát, bảo vệ hiện trạng tàu chứa cổ vật, tránh gây thất thoát.
Theo phản ánh của bà con ngư dân địa phương, đến thời điểm này tại vùng biển Bình Châu, ngư dân đã phát hiện ít nhất bảy tàu chứa cổ vật, khoáng sản bị chìm có khả năng vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Trong quá trình giao thương có thể bị thiên tai, bão tố đã gây chìm tàu chôn vùi dưới biển hàng trăm năm qua.
Văn Mịnh
Theo_VTC
Toát mồ hôi trên chuyến "xe dù" "Anh yên tâm, xe chạy ngay về Đà Nẵng sớm..." - lời chào mời của lơ xe khách 16 chỗ mang BKS 43S-8019 tại đầu cầu Trà Khúc (Quảng Ngãi) khiến hành khách yên lòng. Nhưng thực tế chặng đường về đến Đà Nẵng thật lắm gian nan. Tại đầu cầu Trà Khúc mới, PV Dân trí bước lên xe khách 43S-8019 vào...