Ngư dân quyết kiện Trung Quốc
Chủ tàu cá ĐNa 90152 cho biết sẽ giữ con tàu hư hỏng để làm bằng chứng đấu tranh với hành động hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc
“Chiếc tàu cá là cả gia tài của gia đình tôi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hư hỏng gần 80%. Vì vậy, gia đình tôi quyết kiện ra tòa để buộc phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại”. Đó là khẳng định của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90152 bị “tàu cá” vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm hôm 26-5 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khó thể sửa chữa
Sáng 3-6, tàu ĐNa 90152 đã được HTX Trục vớt – Đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (TP Đà Nẵng) đưa lên bờ để kiểm định mức độ thiệt hại.
Ông Ngô Văn Sỹ, Phó Chủ nhiệm HTX Trục vớt – Đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An, cho biết theo đánh giá sơ bộ, tàu hư hỏng gần 80%. Bên phải thân tàu thủng lỗ lớn, bên trong cabin và khoang lái cùng toàn bộ máy móc, ngư cụ đều hư hại. Nhiều cửa kính, cửa chắn gió bị vỡ, gãy.
Theo ông Sỹ, việc sửa chữa ĐNa 90152 rất khó khăn và tốn kém, ngang với đóng một tàu mới mà độ ổn định kết cấu, thân tàu sẽ không cao.
Vết hư hỏng trên tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa do bị tàu Trung Quốc đâm
Bà Hoa quả quyết gia đình sẽ giữ con tàu lại làm bằng chứng để đấu tranh với hành động hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc, cho con cháu đời sau thấy rõ tội ác mà họ gây ra.
Bà Hoa cho biết trong những ngày qua, khi nghe tin tàu của bà bị tàu Trung Quốc đâm chìm, rất nhiều tổ chức, đoàn thể và người dân cả nước đã quan tâm, động viên chia sẻ, giúp huy động các nguồn kinh phí đóng tàu mới để gia đình tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt.
Video đang HOT
“Đây là ngư trường truyền thống bao đời nay mà ngư dân chúng tôi đánh bắt nên không có gì phải sợ. Trung Quốc càng hung hăng thì ngư dân chúng tôi càng quyết tâm bám ngư trường truyền thống để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo” – bà Hoa khẳng định.
Theo bà Hoa, khó khăn lớn nhất trong việc khởi kiện phía Trung Quốc là thủ tục, lộ trình vì gia đình bà chưa nắm rõ. Vì vậy, bà mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý.
Nghe tin bà Hoa quyết tâm khởi kiện phía Trung Quốc, ngư dân TP Đà Nẵng đều bày tỏ sự ủng hộ. Ông Trần Minh Hoàng, chủ một tàu cá chuyên đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhấn mạnh: “Nếu chị Hoa quyết tâm kiện Trung Quốc, chúng tôi rất ủng hộ và luôn đồng hành cùng gia đình chị. Bởi lẽ, việc chị Hoa kiện không chỉ để phía Trung Quốc đền bù thiệt hại mà ngư dân chúng tôi còn có được ngư trường đánh bắt an toàn hơn. Ngư dân chúng tôi sẽ đóng góp thêm công sức để chị Hoa vững tâm khởi kiện”.
Ông Lê Văn Ba, một ngư dân ở phường Xuân Hà, cho biết những năm qua, dù tàu của ông đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng rất nhiều lần bị các tàu Trung Quốc cản trở, hăm dọa khiến ngư dân rất bức xúc. Vì vậy, ông hết sức ủng hộ bà Hoa khởi kiện phía Trung Quốc.
Kiện là có cơ sở
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết trước vụ việc tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng nặng, hội đề xuất cơ quan chức năng, chính quyền nên giữ con tàu để làm chứng tích chứng minh hành động vô nhân tính của phía Trung Quốc.
“Hội Nghề cá TP Đà Nẵng luôn đồng hành với gia đình chị Hoa trong việc khởi kiện phía Trung Quốc” – ông Lĩnh nhấn mạnh. Ông cho biết trước mắt cần thu thập căn cứ và kết quả đánh giá thẩm định của cơ quan chức năng về mức độ thiệt hại của tàu, sau đó sẽ tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, đồng thời nhờ Đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn để khởi kiện.
Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng bà Hoa khởi kiện là có cơ sở và phải quyết tâm kiện, dù thủ tục pháp lý sẽ không đơn giản. Trong vụ kiện này, bà Hoa là nguyên đơn và xác định rõ đối tượng bị kiện là chủ tàu Trung Quốc đâm vào tàu bà. Nguyên đơn được quyền lựa chọn nơi xảy ra thiệt hại để gửi đơn khởi kiện, cụ thể là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thuộc huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng. Vì vậy, nơi thụ lý đơn khởi kiện của bà là TAND TP Đà Nẵng.
Luật sư Đỗ Pháp cho biết theo trình tự, TAND TP Đà Nẵng sẽ yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ và thiệt hại cụ thể, yêu cầu bồi thường và nếu đủ điều kiện thì sẽ thụ lý. “Bà Hoa nên quyết tâm kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp sẽ nhận bảo vệ, giúp đỡ pháp lý miễn phí cho bà” – ông khẳng định.
Ngư dân tàu ĐNa 90152 tố chuyện bị đâm
Ngày 2-6, phóng viên của đài CNN đã phỏng vấn thuyền trưởng, thuyền viên và chủ tàu cá ĐNa 90152. Thông qua phiên dịch, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân kể lại sự việc xảy ra: “Họ đâm vào mạn phải, mạn trái tàu chúng tôi rồi bỏ đi. Tàu chúng tôi bị lật, 10 thuyền viên phải bơi khoảng 10 phút trước khi được tàu cá ĐNa 90508 cứu”.
Theo ông Nhân, từ khi ĐNa 90152 bị húc đến lúc thuyền viên phải bỏ tàu chỉ vỏn vẹn 4 phút. Mọi người không có thời gian để mặc áo phao. “Tàu Trung Quốc không hề có ý định cứu chúng tôi” – ông Nhân nói.
Trước thông tin mà hãng Tân Hoa Xã nói tàu Việt Nam “quấy rối và bị lật sau khi đâm tàu cá Trung Quốc” – ông Nhân bức xúc: “Tàu Trung Quốc to hơn tàu cá của chúng tôi gấp 6 lần. Tàu của chúng tôi vỏ gỗ, tàu của họ vỏ thép. Thật vô lý nếu nói tàu của chúng tôi cố tình tiếp cận và đâm vào tàu lớn cỡ đó”.
H.Bình
Thêm một tàu cá bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va
Sáng 3-6, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – cho biết thêm một tàu cá của ngư dân xã Bình Châu bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa vừa trở về đất liền. Đó là tàu QNg 90567 TS của ông Nguyễn Tấn Cu.
Ông Cu cho biết lúc 8 giờ ngày 5-5, khi tàu QNg 90567 TS đang đánh bắt ở đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), cách vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 6 hải lý thì bị 2 tàu Trung Quốc (số hiệu 4001 và 37101) liên tục kèm rồi xịt vòi rồng và va quệt mạnh. Sau đó, tàu 4001 tăng tốc đâm trực diện vào tàu QNg 90567 TS. Tàu của ông Cu mới đóng được 2 tháng và bọc thép xung quanh mạn nên mới chịu nổi cú đâm này.
Tiếp đó, tàu 4001 tiếp tục đuổi, dùng vòi rồng xịt khiến cabin và nhiều ngư lưới cụ trên tàu QNg 90567 TS hư hỏng, trôi xuống biển.
T.Trực
Theo NLĐ
Thêm luận cứ không thể bác bỏ về chủ quyền ở Biển Đông
Xuất bản trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cuốn sách "Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông" do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tấm bản đồ thời Nguyễn "Bản quốc dư đồ" có vẽ Hoàng Sa là của Việt Nam
Lâu nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông. Tất cả đều thống nhất khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam do nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ nhiều thế kỷ qua. Vì thế, cuốn sách này được ra đời cũng nằm trong mạch chung của sự nhất quán khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Bằng việc sưu tập các loại văn bản như bản đồ, địa chí, lịch sử, văn bản hành chính, tạp văn cùng nhiều loại tài liệu khác, đội ngũ các nhà nghiên cứu do PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh làm chủ biên đã mang đến người xem cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về chủ quyền của Việt Nam. Đây là những tư liệu lịch sử có giá trị khoa học làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuốn sách tập trung vào hai nội dung chính: Tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông và Về quản lý của Nhà nước Phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông qua tư liệu Hán Nôm. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những bằng chứng lịch sử rất thuyết phục được trích dẫn từ nguồn sử liệu tin cậy. Có thể kể ở đây như bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử triều Nguyễn biên soạn năm 1882 có đoạn ghi: "Đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đảo Lý Sơn thuộc huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra biển thuận gió thì khoảng ba, bốn ngày đêm có thể đến đảo. Quần đảo này có đến hơn 130 đảo, chung quanh đều là biển, cách nhau chừng một ngày đường hoặc mấy canh giờ. Trên đảo có Bãi Cát Vàng kéo dài không biết mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng rãi... Buổi đầu lập quốc đặt đội Hoàng Sa lấy dân xã An Bảo sung vào, hàng năm cứ tháng ba là ra biển thu lượm hải vật". Điều này cho thấy, trong lịch sử, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các bản đồ Trung Quốc và phương Tây đều thể hiện rất rõ điều này.
Cuốn sách còn dành dung lượng lớn để đưa ra nguồn sử liệu về lập trường của Nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đó là hàng năm nhà nước phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình; Nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo; Nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa cho các thế hệ người Việt Nam. Trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu như Khải đồng thuyết ước khắc in năm Tự Đức 1881, Tu thân lý khoa cũng có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, Việt Nam có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau khi được xuất bản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có kế hoạch dịch cuốn sách ra tiếng Anh để công bố ra thế giới những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý của Việt Nam thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Sách giáo khoa Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Chúng tôi bác bỏ tấm bản đồ 2000 năm mà Trung Quốc viện dẫn để lấp liếm cho tính pháp lý của đường 9 đoạn và khẳng định là hoàn toàn không có. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 đã vẽ biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Cùng với đó, những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ XX đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy, Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử và công nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ANTD
Nhà nghiên cứu 95 tuổi ra mắt sách về biển đảo Sáng 3-6, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, cuốn sách "Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa-Trường Sa" của nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý - lịch sử Việt Nam Nguyễn Đình Đầu đã ra mắt độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu những tấm bản đồ khẳng định chủ quyền...