Ngư dân Philippines lao đao sinh tồn vì bị Trung Quốc đe dọa
Những phát súng từ một tàu cao tốc Trung Quốc đã khiến Macario Forones phải từ bỏ ngư trường quen thuộc ở bãi cạn Scarborough. Tàu cá nằm chỏng chơ trên cỏ, còn ông hiện bán cá thuê ở chợ địa phương.
Tàu cá Marvin-1 của ông Efrim Forones nằm chỏng chơ ở Masinloc, Philippines, sau khi bị Trung Quốc cấm đánh bắt ở Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: Washington Post
Efrim Forones, một ngư dân khác, chuyển sang mò nghêu ở vịnh và thu nhập chỉ bằng một phần mười so với thời đi đánh bắt xa bờ.
Viany Mula thì cho hay ông từng đối đầu với vòi rồng của Trung Quốc khi mạo hiểm giong thuyền ra bãi cạn mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham. Nhưng bây giờ, ông làm nghề chở hàng quanh thị trấn bằng xe máy và hiếm khi kiếm đủ tiền đong gạo mỗi ngày.
“Tôi thực sự muốn đánh cá ở bãi cạn đó”, Mula nói. “Đó là một ngư trường rất dồi dào. Nhưng bây giờ thì không thể nữa rồi”.
Với nhiều thế hệ ngư dân, Biển Đông là một tuyến giao thương quen thuộc. Các tàu cá từ tất cả những nước xung quanh qua lại, trao đổi thuốc lá, khoai tây hay những câu chuyện phiếm với nhau.
Tuy nhiên, khi tranh chấp nổ ra giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, nhất là sau những hành động hung hăng của Trung Quốc những năm gần đây, kế sinh nhai của các ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp các đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông và tuyên bố đặc quyền với các ngư trường xung quanh.
Khi người Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông với các chuyến tuần tra hàng hải và hàng không, tranh chấp Biển Đông không chỉ là một cuộc tranh chấp ngư trường nữa mà giống như một cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai cường quốc.
Nhiều người Philippines cảm thấy được trấn an khi Mỹ gần đây chú ý đến tranh chấp trong khu vực. Nhưng họ cũng băn khoăn rằng liệu người Mỹ có quan tâm nhiều đến những người đang phải trả giá khi cuộc tranh chấp ngày càng lún sâu.
Một phần ba dân cư thị trấn ven biển Masinloc, tỉnh Zambales, sống phụ thuộc vào nghề cá suốt nhiều năm qua, thị trưởng Desiree Edora cho biết. Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, cách bờ nửa ngày đi thuyền, là nơi họ tránh bão, nơi tụ họp của ngư dân từ khắp nơi và là nơi sinh sống của loài cá mú và trai khổng lồ.
Video đang HOT
Kể từ khi Trung Quốc cấm các tàu nước ngoài đi vào khu vực này, tình cảnh của các ngư dân không khác gì bị đuổi khỏi nhà của họ.
“Chúng tôi không thể tái tạo những gì bãi cạn Scarborough mang lại”, bà nói.
Ông Viany Mula, 43 tuổi, hiện làm nghề chở hàng bằng xe máy. Ảnh: Washington Post
Hermogenes E. Ebdane Jr., thống đốc tỉnh Zambales, cho hay ông không rõ mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là gì. “Không ai đi đến chiến tranh vì mấy con cá”, ông nói.
Các ngư dân của ông sẽ phải kiếm nghề khác để làm nhưng nếu cuộc đối đầu trên Biển Đông lan rộng ra, không rõ Philippines sẽ đóng vai trò gì. Có một thỏa thuận quốc phòng mới giữa Mỹ và Philippines nhưng dường như không bên nào nghĩ đến tương lai mông lung phía trước.
Mỹ chiếm Philippines từ tay Tây Ban Nha năm 1898 và cai trị đến năm 1946. Quân đội Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ thường xuyên tại đây cho đến năm 1991.
Một thỏa thuận được ký kết năm ngoái cho phép quân đội Mỹ hiện diện thường xuyên trở lại và điều chuyển luân phiên lực lượng đến các căn cứ ở Philippines. Washington cũng tăng cường các chuyến thăm và tuần tra, tổ chức tập trận chung và hỗ trợ các thiết bị quân sự đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, Roilo Golez, một nghị sĩ Hạ viện Philippines, cho rằng khoản viện trợ quân sự trị giá 40 triệu USD mỗi năm của Mỹ không thấm tháp vào đâu. Lực lượng vũ trang Philippines vẫn là một lực lượng yếu.
“Chúng ta vẫn khá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của đồng minh và điều đó là không tốt”, Rafael Alunan III, cựu bộ trưởng Nội vụ, nhận định. “Chính phủ Philippines chỉ tập trung vào chính trị, chính trị, chính trị thay vì an ninh quốc gia. Trung Quốc đang lợi dụng sự trì trệ và thiếu quyết đoán của chúng ta. Chúng ta đang cho thấy mình không xứng tầm trước bạn bè và đối thủ”.
Theo hiệp ước phòng thủ song phương, Mỹ và Philippines cam kết hỗ trợ cho nhau nếu bên kia bị tấn công. Tuy nhiên, Washington không công nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền của bên nào trên Biển Đông, trong đó có cả Philippines. Các nhà phân tích ở Washington cho rằng phản ứng của Mỹ trước xung đột phụ thuộc vào từng hoàn cảnh.
“Chúng ta có thể đánh giá quá cao cách nước Mỹ đến giải cứu và đánh giá quá thấp quyết tâm của Trung Quốc”, Chito Santa Romana, một chuyên gia về Trung Quốc, nhận định.
Bản đồ cho thấy vị trí tỉnh Zambales, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, các quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) trên Biển Đông. Đồ họa: koreanewsonline
Hai tàu lớn nhất của hải quân Philippines đều là các tàu cũ của tuần duyên Mỹ tân trang lại và ít khi được sử dụng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chính phủ nước này hoàn toàn không có mong muốn khơi mào đối đầu quân sự với Trung Quốc.
Điều đó khiến cho đội tàu cá của các ngư dân trở thành những phương tiện hữu hiệu nhất trong việc duy trì sự hiện diện của Philippines ở những vùng biển mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
“Đây chỉ là những ngư dân nhỏ bé đang sinh tồn”, Evan P. Garcia, thứ trưởng về chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, nói. “Họ không phải là mối đe dọa với bất kỳ ai”.
Số lượng cá mà các ngư dân đánh bắt có thể là một yếu tố khác chịu tổn hại lớn trong cuộc tranh chấp giữa các nước trên Biển Đông.
Hội đồng Quản lý Biển, có văn phòng tại Singapore, cho hay các loài cá biển và cá ngừ vây xanh sắp cạn kiệt. Edgardo Gomez, một nhà sinh học biển tại Manila, cáo buộc Trung Quốc đã xóa sổ các loài trai khổng lồ ở Scarborough và công trình xây dựng của nước này đang phá hủy các rạn san hô nâng đỡ tầng đáy của chuỗi thức ăn biển.
“Hàng tấn, hàng tấn sinh vật biển và cũng chừng đó san hô đang ra đi”, ông nói.
Ông Viany Mula sẽ bán chiếc xe máy của mình trong chớp mắt nếu có cơ hội quay lại biển. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra.
Anh Ngọc
Theo Washington Post
Nhiều công ty dịch vụ dầu khí lao đao
Một nửa công ty cung cấp dịch vụ khoan dầu đá phiến Mỹ sẽ chết hoặc bị bán trong năm nay vì đợt cắt giảm chi tiêu của các hãng dầu khí, theo Bloomberg.
Giá dầu giảm khiến nhiều công ty dịch vụ khoan dầu đá phiến Mỹ lao đao - Ảnh: Reuters
Bloomberg đưa tin sẽ chỉ có 20 trong số 41 công ty cung cấp dịch vụ sản xuất dầu đá phiến của Mỹ "sống sót" đến cuối năm nay. Nửa còn lại sẽ biến mất khỏi ngành hoặc bị thâu tóm.
Đó là nhận định của Giám đốc marketing Tập đoàn cung cấp thiết bị và xử lý kỹ thuật trong ngành dầu khí Weatherford International (Thụy Sĩ).
Đầu năm ngoái, vẫn còn 61 công ty dịch vụ trích xuất dầu và khí từ đá phiến sét hoạt động trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu sụt giảm cùng sự hợp nhất của các hãng sản xuất dầu khí lớn như Halliburton mua lại Baker Hughes vào tháng 11 năm ngoái hay C&J Energy Services đang mua lại Nabors Industries, đã khiến các công ty hoạt động trong lĩnh vực này lao đao.
Với Weatherford, công ty phân tích IHS (Mỹ) cho biết hãng này cũng sẽ phải cắt giảm chi tiêu đáng kể, khoảng 35%, khi khách hàng đã và đang bỏ các giếng khoan vì giá dầu thấp.
Các hãng dầu khí trên toàn thế giới hiện đã cắt giảm 114 tỉ USD trong chi tiêu. Nhiều dự án bơm dầu khí vào thị trường thế giới trong 5 đến 10 năm kể từ bây giờ đang bị treo hoặc bị hủy bỏ.
200 dự án quốc tế khác trong ngành năng lượng đang chờ được giới đầu tư duyệt trong vòng 1 hoặc 2 năm tới đối mặt với nguy cơ tương tự. Lý do là vì 66% trong số này không có hiệu quả kinh tế trong tình hình giá dầu hiện tại, theo Nick Lowes, Phó chủ tịch tư vấn dầu khí tại hãng phân tích IHS.
Hiện giá dầu vẫn ở dưới mức 60 USD/thùng. Dù nhiều ý kiến nhận định giá năng lượng sẽ phục hồi. Tuy nhiên Bob Dudley, CEO hãng dầu khí BP và Rex Tillerson, nhà sáng lập kiêm CEO hãng Exxon Mobil đồng ý kiến cho rằng giá dầu thấp sẽ còn kéo dài trong tương lai.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Người Việt ở Nga lao đao vì rúp rớt giá Việc kinh doanh và cả cuộc sống sinh hoạt của người Việt ở Nga đang rất khó khăn khi đồng rúp rớt giá mạnh. Nhiều người Việt kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sadovod ở Moscow. Ảnh: Võ Hoài Nam Trao đổi với VnExpress, chị Trịnh Thị Quỳnh Ngân, một người sống tại Moscow gần 30 năm nay, cho biết gia đình...