Ngư dân muốn cùng tàu sắt vươn khơi bám biển
“Sau những lần ra khơi cùng chiếc tàu sắt Hải Âu 01, Hải Âu 02, chúng tôi cảm thấy rất an toàn, tàu sắt có những điểm ưu việt hơn tàu gỗ rất nhiều. Công suất vận hành lớn, tàu đi nhanh, xa nhưng rất an toàn, anh em có thể tự tin đánh bắt dài ngày trên biển”.
Đó là những lời tâm sự của 2 ngư dân Phạm Văn Tuyên (SN 1975), chủ tàu vỏ sắt Hải Âu 01, và Trần Văn Châu (SN 1989), chủ tàu vỏ sắt Hải Âu 02, cùng trú tại xóm Trung Châu – xã Hải Chính – huyện Hải Hậu – tỉnh Nam Định. Họ chính là những ngư dân đầu tiên của miền Bắc được nhận 2 chiếc tàu vỏ sắt của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – SBIC.
Cùng tàu vỏ sắt vươn khơi bám biển
Kể từ khi nhận bàn giao chiếc tàu vỏ sắt Hải Âu 01 vào ngày 27/12/2013, anh Tuyên đã 7 lần cùng con tàu này vượt khơi đánh bắt dài ngày trên biển. Lúc chúng tôi đến cũng là lúc anh cùng các đồng nghiệp vừa trở về sau 15 ngày ra khơi đánh cá.
Nụ cười niềm nở, vui mừng sau một chuyến đi hoàn hảo, anh Tuyên tâm sự: “Đây là chuyến thứ 7 tôi cùng anh em ra khơi bằng con tàu vỏ sắt Hải Âu 01. Quả thật không chê vào đâu được bởi sự an toàn, ưu việt của con tàu sắt này”.
Chiếc tàu sắt Hải Âu 01 và Hải Âu 02 cập cảng sau 15 ngày ra khơi
Anh Tuyên cho biết: “Ra khơi bằng tàu sắt rất an toàn. Tàu sắt có nhiều ưu điểm hơn tàu gỗ rất nhiều. Trước kia đi tàu gỗ thường xuyên phải chịu cảnh nước vào khoang, lương thực, nhiên liệu dự trữ không đầy đủ. Được thiết kế rộng và dài hơn nhiều so với tàu gỗ, tàu vỏ sắt rất kín không lo nước vào, các khe cửa khép kín tuyệt đối, có thể sử dụng được hầu hết các khoang chứa hàng và đồ, khoang rộng nên chở được nhiều hàng, nước, đá… Vì vậy mà chúng tôi có thể bám biển từ 20 – 30 ngày.
Sau chuyến ra khơi đầu tiên, trừ hết chi phí, tôi cùng anh em cũng để ra được hơn trăm triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng có tàu sắt đi biển, tôi cảm thấy tự tin vươn khơi hơn tàu gỗ, an tâm đánh bắt trên biển nhiều ngày.”, anh Tuyên tâm sự.
Cùng chung cảm xúc với anh Tuyên, anh Trần Văn Châu, chủ tàu Hải Âu 02, chia sẻ: “Tàu của tôi và anh Tuyên đi cùng ngày và cũng vừa về cùng ngày. Ngày 18/03/2014 vừa qua, tôi được bàn giao chiếc tàu Hải Âu 02. Đây là lần thứ 3 tôi cùng chiếc tàu vỏ sắt này ra biển đánh bắt cá. Sau 3 lần đi vừa rồi, tôi cảm thấy tàu vỏ sắt rất an toàn và chắc chắn, có nhiều nét ưu việt, số lượng ngư lưới cụ được đem đi nhiều hơn, di chuyển tốn ít dầu hơn hẳn với tàu gỗ thông thường, ra khơi cùng tàu vỏ sắt, anh em chúng tôi thấy tự tin hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Mạnh Luân, Chủ tịch UBND xã Hải Chính, cho biết: Từ xa xưa, ngư dân trong xã đã gắn mình với nghề đi biển. Hiện trong toàn xã có khoảng 37% hộ dân làm nghề đi biển. Tổng số tàu cá của xã là 41 tàu, trong đó có 2 tàu sắt của ngư dân Phạm Văn Tuyên, Trần Văn Châu.
Video đang HOT
Nói về tàu sắt tại địa phương, ông Luân cho biết, xã rất vinh hạnh khi trong tổng số 6 chiếc tàu vỏ sắt thí điểm của cả nước, xã đã có 2 chiếc. Mặc dù mới bước đầu đi vào hoạt động nhưng nó có rất nhiều điểm mạnh, tuy nhiên, cũng có một số khó khăn. Nhiều ngư dân rất muốn chuyển đổi sang sử dụng tàu sắt nhưng vẫn còn một số băn khoăn, trăn trở về nguồn vốn, giá cả… ông Luân chia sẻ.
Ngư dân Phạm Văn Tuyên vui mừng sau chuyến đi biển hoàn hảo với tàu sắt Hải Âu 01
Nỗi niềm ngư dân
Là Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Hải Chính, anh Tuyên là một trong những ngư dân luôn đi đầu trong mọi công tác phát triển, đổi mới tư duy, góp phần đẩy mạnh sự phát triển nghề cá tại địa phương.
Anh luôn đắn đo và suy nghĩ về tương lai của nghề đánh bắt cá sau này. Ba năm trước, chàng ngư dân trẻ này đã thay đổi tư duy, muốn thay đổi cách thức đánh cá, bắt đầu nảy sinh ý định chuyển đổi từ việc sử dụng phương tiện đánh bắt là tàu gỗ sang sử dụng tàu sắt.
Lúc bấy giờ, dự án thử nghiệm tàu vỏ sắt của Tổng Công ty Tàu thủy Việt Nam cũng được bắt đầu. Ý tưởng bước đầu được thực hiện, anh bắt đầu đi khảo sát các doanh nghiệp đóng tàu tại địa phương và quyết định sẽ đóng một chiếc tàu sắt để tiện vươn khơi đánh bắt xa bờ. Và cuối cùng, anh đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Đào về việc nhận bàn giao tàu sắt Hải Âu 01, công suất 650 CV.
Sau những lần ra khơi, nắm được những ưu việt mà tàu vỏ sắt mang lại nhưng anh Tuyên và anh Châu vẫn băn khoăn. “Chúng tôi rất muốn kêu gọi anh em chuyển đổi từ tàu gỗ sang dùng tàu sắt nhưng e là hơi khó vì vốn đầu tư vào việc này là rất lớn. Trong khi đó, việc hỗ trợ cũng rất khó khăn. Với con tàu có giá 5 tỷ đồng, được chuyển giao và thu hồi vốn trong vòng 5 năm. Việc thu hồi vốn trong vòng 5 năm là hơi ngắn.
Không chỉ thế, việc sắm ngư lưới cụ cũng rất khó khăn, chiếc tàu giá trị 5 tỷ đồng nhưng việc sắm ngư lưới cụ phải mất đến 3 tỷ đồng. Số tiền đó chúng tôi lại phải vay lãi ngân hàng nên lúc nào mọi người cũng lo trả nợ, không yên tâm bám biển.”, anh Châu tâm sự.
Anh Tuyên đang chuẩn bị cho những chuyến ra khơi sắp tới
“Ngoài ra, công tác bảo dưỡng mỗi khi cần cũng rất khó khăn. Chúng tôi nếu muốn sửa chữa khi tàu hỏng, hay đi kiểm định phải đi lên tận Công ty đóng tàu Sông Đào, tính đường sông cũng phải đến cả ngày đường. Tôi nghĩ để chương trình chuyển đổi này được thực thi và nhân rộng hơn nữa thì Nhà nước nên cần có nhiều ưu đãi, quan tâm hơn nữa về các vấn đề công tác hậu cần như: công tác đầu tư bến bãi cho các tàu sắt, tu sửa, tư vấn về cách bảo dưỡng, hỗ trợ vốn cho ngư dân…”. Đó là những trăn trở của ngư dân Nguyễn Xuân Viên, bạn nghề cùng với anh Tuyên.
Anh Tuyên và nhiều ngư dân mong muốn được kéo dài việc thu hồi vốn hơn nữa, hỗ trợ đầu tư để ngư dân có thể yên tâm bám biển. “Chúng tôi cũng rất mừng khi Nhà nước vừa họp bàn về việc chủ trương hỗ trợ ngư dân, nhưng chúng tôi nghĩ chủ trương này cần được thực hiện rõ ràng, đi đến đúng đối tượng ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa, để người dân được yên tâm bám biển.”, anh Tuyên tâm sự.
Ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu nói: “Trên địa bàn huyện hiện nay cũng đang rất quan tâm đến việc vận động ngư dân phát triển sử dụng tàu sắt. Tàu sắt có rất nhiều ưu việt so với tàu gỗ thông thường. Tuy nhiên, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển giao từ tàu sắt sang tàu gỗ, như nguồn vốn, giá cả, trang thiết bị ngư lưới cụ hết sức khó khăn. Thời gian tới, rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ hơn nữa để phần nào nâng cao vốn đầu tư cho ngư dân để ngư dân yên tâm bám biển, chuyển giao sử dụng tàu gỗ sang tàu sắt được hiệu quả hơn, để có được những đội tàu hùng mạnh, góp phần làm giàu và bảo vệ đất nước”.
Theo Khampha
Chu toàn việc nhà để chồng con bám biển
Trong những ngày Biển Đông nóng bỏng, các kiểm ngư, ngư dân sẵn sàng đương đầu với hành động gây hấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Ở quê nhà, những người vợ trẻ vẫn luôn vững vàng để chồng yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió...
Có bất trắc vẫn ra biển
Chị Nguyễn Thị Bé - vợ ngư dân Ngô Đức Toán- chủ tàu cá TTH 90180 ở xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), tham gia đánh bắt ở Hoàng Sa cho biết, hành động hung hăng của Trung Quốc không khiến chị và những người dân trong thôn lo lắng.
"Chồng tui chưa bao giờ lo sợ trước sự ngang ngược của Trung Quốc, sự động viên của tui và con cái khiến anh ấy và các lao động trên tàu vững vàng hơn khi ra khơi. Ở nhà tui luôn cố gắng lo tốt nhất việc nhà và xoay xở vốn liếng phục vụ cho việc đánh bắt để anh ấy toàn tâm toàn ý vào việc bám biển"- chị Bé chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Lê Văn Xiêm (tàu kiểm ngư 770) cùng con trai tại nhà riêng ngày 13/5: "Em hạnh phúc và tự hào được làm vợ anh ấy".
Chị Trương Thị Mơ - vợ chủ tàu Ngô Đức Liền thì cho biết: Nếu ở thời điểm này ngư dân nước ta sợ hãi, không dám ra Hoàng Sa đánh bắt thì nhiều nguy cơ sẽ bị mất ngư trường bởi Trung Quốc sẽ lợi dụng điều đó để triển khai những hành động hung hăng hơn. "Vì vậy, lúc này hậu phương chúng tôi càng phải vững vàng, động viên để người thân yên tâm bám biển Hoàng Sa. Chồng tui cũng như những ngư dân khác nhờ rứa mà vẫn ra khơi đánh bắt hiệu quả"- chị Bé nói.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu như năm 2013 chỉ có 11 tàu cá trên địa bàn tham gia đánh bắt ở Hoàng Sa thì đến nay con số này đã lên đến gần 40 tàu. Sự thay đổi lớn trong tập quán đánh bắt này của ngư dân Thừa Thiên - Huế là do ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân ngày càng lên cao.
Tại Quảng Nam, ngày 13.5, qua trao đổi, hậu phương của các ngư dân đều đồng lòng ủng hộ chồng con ra biển, dù biết sự bất trắc sẽ nhiều hơn so với trước. Vợ của ngư dân Võ Quang Sang (chủ tàu Qna-94029) - chị Trần Thị Tỵ (38 tuổi, trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) chia sẻ:
"Chồng đi đánh bắt ở Hoàng sa, tôi ở nhà cũng lo lắm vì đây là vùng biển khơi xa, sóng gió bất thường, lại thêm Trung Quốc làm khó dễ. Nhưng chúng tôi xác định, đã lấy chồng nghề biển là vậy. Mình chấp nhận tất cả. Chúng tôi sẽ cố gắng chu toàn việc nhà, làm tròn bổn phận người vợ, chăm lo cho con cái chu đáo, có vậy chồng mới yên tâm...".
Tự hào làm vợ lính biển
Họ là vợ của những kiểm ngư viên đang đương đầu với hành động xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Dường như đã quen với những chuyến công tác ra nơi tiền tuyến của chồng, họ vẫn luôn vững vàng đề chồng yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió...
"Em làm kế toán cho một công ty du lịch nên ngày nghỉ của mọi người và của chồng lại là ngày làm việc của em. Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, em đã xin được nghỉ 1 ngày 1.5 để cùng chồng con đi chơi. Nhưng ngày ấy lại là ngày anh ấy phải trực bảo đảm 100% lực lượng. Hôm sau anh tranh thủ về thì em lại đi làm, từ hôm ấy đến nay, em không liên lạc được với anh" - chị Dương Thanh Thủy (trú phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), vợ của kiểm ngư viên Nguyễn Văn Dương, tàu kiểm ngư 767, tâm sự.
"Cũng như các chị vợ lính biển, em thấy mình luôn vững vàng và tự nhủ phải vững vàng để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ". Chị Nguyễn Thị Hằng
Còn chị Nguyễn Thị Hằng (trú đường Tân Trào, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) - vợ của kiểm ngư viên Lê Văn Xiêm, tàu kiểm ngư 770 thì nói: "Ngày 3.5, gia đình chồng từ ngoài Bắc vào chơi rất đông vui. Rồi anh nhận được lệnh lên đường ngay. Anh không nói gì ngoài việc thông báo là phải đi gấp, nhưng nhìn gương mặt anh, em biết đây là chuyến đi hết sức đặc biệt. Cũng từ hôm đó, gia đình không liên lạc được với anh".
Dù không liên lạc được với chồng nhưng các chị nắm rõ tình hình, diễn biến xảy ra tại khu vực Trung Quốc đang đưa giàn khoan Hải Dương 981 thông qua báo, đài truyền hình quốc gia. "Khi nhìn thấy hình ảnh được Bộ Ngoại giao công bố trong cuộc họp báo quốc tế, em và gia đình lo lắm. Nhưng sau này, qua thông tin từ đồng đội và đọc những hành vi xâm lược, hung hăng gây hấn của Trung Quốc, em đã vững vàng hơn lên để chồng em yên tâm làm nhiệm vụ" - chị Hằng tâm sự.
Gia đình nhỏ của anh Lê Văn Xiêm (35 tuổi) đã có 1 cháu trai 26 tháng tuổi và chị Hằng vợ anh đang mang thai 5 tháng. Theo chồng, chị Hằng chuyển từ Bình Dương vào Nha Trang sinh sống. "Trước khi về công tác tại cơ quan kiểm ngư, chồng em là lính hải quân đã đi trực đảo Trường Sa 2 tăng (mỗi tăng hơn 1 năm). Cũng như các chị vợ lính biển, em thấy mình luôn vững vàng và tự nhủ phải vững vàng để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ. Vợ chồng em tâm đầu ý hợp lắm, em tự hào và hạnh phúc được làm vợ anh ấy" - chị Hằng nói.
Anh Nguyễn Văn Dương thì luôn là "lính chiến" có mặt trong nhiều chuyến đi biển đặc biệt. Đơn cử năm 2012, khi đang công tác trên tàu Trường Sa 22, anh Dương đã đi biển thực hiện nhiệm vụ nhiều tháng bảo vệ tàu Bình Minh 02 trước hành vi cắt cáp của Trung Quốc. "Ba em là bộ đội thường xuyên xa nhà, giờ chồng em cũng là bộ đội. Hiện em đang ở với mẹ và con trai 5 tuổi. Có mẹ bên cạnh em được đỡ đần, giúp đỡ nhiều lắm. Làm vợ bộ đội là phải vậy, chị à, khi Tổ quốc cần, là các anh ấy đi thôi" - chị Thủy nói.
Theo Khampha
Đại gia đình bốn đời bám biển và đội tàu tiên phong nơi đầu sóng Cả năm anh em ruột đều là chủ tàu, thuyền trưởng, vẫn ngày ngày hối hả ra khơi bám biển, vừa đánh bắt, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương. Những ngày qua, mặc dù Biển Đông đang dậy sóng bởi những hành động ngang ngược của Trung Quốc, song với truyền thống bốn đời bám biển mưu sinh, đại gia...