Ngư dân mong muốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa
“Nếu có chính sách phù hợp, đặc biệt về lãi suất 0% thì ngư dân ta đều muốn sở hữu tàu vỏ thép tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa…”.
Đó chia sẻ của chàng trai Mai Thành Văn (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) – ngư dân sử dụng tàu vỏ thép đầu tiên vươn khơi xa, với chiếc tàu có công suất 892CV mang tên Hoàng Anh 01.
Với thiết kế chuyên hành nghề lưới vây, tàu Hoàng Anh 01 có chiều dài 25,21 m; rộng 7,8 m và cao 3,6 m. Trong đó, có 6 khoang chính chứa thủy sản đạt khoảng 80 tấn, 2 khoang chứa thiết bị và ngư lưới cụ, nguồn nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục 2.000 hải lý và đáp ứng dự trữ thực phẩm 30 ngày cho 18 ngư dân.
Ngoài khả năng vượt trội so với tàu gỗ truyền thống, tàu vỏ thép được lắp đặt các thiết bị hàng hải gồm hệ thống radar, máy định vị GPS, máy thu phát VHF, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, la bàn từ, các loại phao cứu sinh, thiết bị cứu hỏa, cấp cứu và máy dò cá tầm quét 3.000 m.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi vươn khơi xa.
Chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên trên, do Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đầu tư đóng mới, với tổng trị giá 6,5 tỷ đồng và cho ngư dân Mai Thành Văn thuê với lãi suất 0% (thời gian trả dần nợ gốc trong vòng 10 năm, mỗi năm trả 650 triệu đồng).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Huế – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi – cho biết: “Đến phút này, chúng ta phải tiếp sức, tạo điều kiện để thay đổi tư duy cho ngư dân, cần cấp thiết chuyển tàu cá thân gỗ truyền thống sang tàu vỏ thép khi hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm nay, Quỹ tiếp tục đóng mới 2 chiếc tàu vỏ thép nữa, công suất mạnh hơn tàu Hoàng Anh 01″.
Buồng lái tàu Hoàng Anh 01 với nhiều trang thiết bị hiện đại, giúp ngư dân sớm phát hiện nguồn thủy sản và tàu lạ.
Theo kế hoạch, trong năm nay, Quỹ hỗ trợ ngư dân (HTND) tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu đặt ky đóng mới 2 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi, mỗi chiếc tàu trị giá khoảng 7 tỷ đồng và thực hiện thi công tại Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, Quỹ cho ngư dân thuê lại và trả nợ gốc dần từng năm (tùy ngư dân lựa chọn từ 5 – 10 năm).
Video đang HOT
Ông Nguyễn Xuân Huế khẳng định: “Khi ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà bị tai nạn, hư hỏng do yếu tố khách quan như thiên tai, tàu Trung Quốc tấn công hoặc lỗi kỹ thuật thì ngư dân không lo lắng, trách nhiệm thiệt hại đó do Quỹ HTND gánh chịu”.
Tàu cá thân gỗ cần chuyển hoán thành tàu vỏ thép hiện đại hơn, góp phần tăng năng suất đánh bắt và bảo vệ lãnh hải Việt Nam.
Sau chuyến biển 40 ngày với nghề lưới vây, ngư dân Mai Thành Văn chia sẻ: “Rõ ràng đi tàu vỏ thép tốt hơn nhiều lần tàu gỗ, đặc biệt là khoang chứa cá kín, công suất lớn, thiết bị hiện đại và an toàn tuyệt đối. Tôi mong muốn, nhà nước có nhiều chiếc tàu như thế này thì ngư dân sẵn sàng ủng hộ, an tâm đánh bắt dài trên bất kể ngư trường nào của Việt Nam. Nếu gặp tàu Trung Quốc thì chúng khó đuổi kịp để tấn công”.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.400 tàu cá, trong đó hơn 2.500 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ, tuy nhiên tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có 1 tàu vỏ thép Hoàng Anh 01. Với chính sách hỗ trợ 0% như Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh được nhân rộng, trong tương lai không xa, ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi Hoàng Sa, Trường Sa bằng tàu vỏ thép hiện đại.
Theo Dantri
Khẩn trương sửa chữa tàu Cảnh sát biển bị tàu Trung Quốc đâm hỏng
Ngay sau khi cập bờ, tàu Cảnh sát biển 2016 đã được các công nhân Tổng Công ty Sông Thu bắt tay vào sửa chữa các vết thủng và móp do tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào.
Chiều 3/6, tàu Cảnh sát biển 2016 đã cập cảng Tổng Công ty Sông Thu (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) và sáng nay 4/6, hàng chục công nhân đã bắt tay vào công việc sửa chữa những vết thủng và móp trên tàu. Trước đó, tàu CSB 2016 đã bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va khi đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Tàu CSB 2016 đang đậu tại cầu cảng Tổng Công ty Sông Thu để sửa chữa
Theo thuyền trưởng Quản Đình Dương, từ đầu tháng 5 đến nay, tàu CSB 2016 đã 2 lượt ra khơi làm nhiệm vụ chấp pháp ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền của nước ta. Đợt đầu tàu đi ngày 5/5 và về ngày 20/5; ngay chiều ngày 20/5, tàu tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ đợt 2 và tàu cập cảng vào chiều qua 3/6.
Các công nhân đang lắp giàn giáo để sửa chữa tàu
Đáng chú ý, theo thuyền trưởng Quản Đình Dương, tàu CSB 2016 đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm 2 lần. Lần đầu tiên bị tàu Trung Quốc đâm móp đuôi bên phải và 6m lan can bị hư hỏng vào ngày 23/5. Lần 2 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm thủng 4 lỗ bên mạn phải vào chiều ngày 1/6.
Theo thuyền trưởng Quản Đình Dương, sau khi sửa chữa xong, tàu CSB 2016 sẽ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Một số hình ảnh công việc sửa chữa tàu CSB 2016 tại cảng Tổng Công ty Sông Thu sáng ngày 4/6.
Lắp đặt giàn giáo để sửa chữa tàu
Vết đâm của tàu Hải cảnh Trung Quốc vào ngày 23/5
Cận cảnh vết đâm
Các vết thủng bên mạn phải tàu CSB 2016
Vết thủng bên trong tàu CSB 2016
Dù trời nắng nóng nhưng các công nhân vẫn hăng say làm việc, để con tàu có thể lại sớm ra khơi làm nhiệm vụ.
Công Bính
Theo Dantri
Tâm sự người dân Lý Sơn - Quảng Ngãi những ngày rực lửa Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - những ngày này thật "nóng bỏng". Thông tin liên tiếp về việc tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc đâm, kẻ tử nạn, người mất tích làm cả nước sục sôi. Tinh thần người Lý Sơn - Quảng Ngãi những ngày này thế nào? Chúng ta cần làm gì để giúp Lý Sơn...