Ngư dân miền Trung chạy tránh bão
Bão xuất hiện khi rất nhiều ngư dân đang đánh bắt xa bờ. Vì thế khi nhận được thông tin, phần lớn tàu cá chỉ di chuyển nhanh ra khỏi vùng tâm bão đi qua rồi tiếp tục hành nghề, chứ không quay lại đất liền.
Xã Tam Quang có hơn 200 tàu đang hoạt động ở Hoàng Sa nhưng đến trưa nay mới có 15 tàu vào đến đất liền để trú bão. Ảnh: Tiến Hùng.
Là địa phương có nhiều tàu cá đang ở vùng biển Hoàng Sa nhất với 622 tàu và gần 7.000 lao động, tỉnh Quảng Nam đã phát thông báo đến tất cả tàu về vị trí và diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh. Theo nhà chức trách, do đánh bắt xa bờ trong khi bão xuất hiện gần nên sau khi nhận thông tin, phần lớn tàu cá chỉ di chuyển nhanh để tránh khỏi vùng tâm bão đi qua rồi tiếp tục hành nghề.
Xã Tam Quang (Núi Thành) có hơn 200 tàu cá đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng đến trưa 21/6 mới có 15 tàu vào đất liền trú bão. “Phần lớn sẽ cập nhật thông tin rồi điều khiển tàu đi tìm nơi trú ẩn, chờ bão đi qua để đánh bắt tiếp. Nếu không chạy kịp ra khỏi vùng ảnh hưởng thì neo đậu giữa biển để đón bão. Nếu chạy vào đất liền để trú thì mất hơn 2 ngày mới tới, rất tốn kém nhiên liệu”, ông Phan Sơn (55 tuổi) chủ tàu cá vừa mới cập cảng Kỳ Hà sáng 21/6 nói.
Cũng theo ông Sơn, từ sáng sớm 19/6 tàu của ông đã chủ động vào đất liền để tránh bão sau khi nghe dự báo về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, đến hôm qua khi cách bờ khoảng 150 hải lý, tàu ông cùng một số tàu khác gặp phải gió giật mạnh.
Video đang HOT
Hầu hết tàu vào đất liền đã đánh bắt được một thời gian trên biển nên cập cảng để trú bão luôn. Ảnh: Tiến Hùng.
“Vào được nửa đường thì gặp gió giật trên cấp 7, sóng cao ập vào tàu làm chao đảo. Lúc này tàu chỉ chạy được với vận tốc 3 hải lý/giờ, 14 thuyền viên mặc áo phao, bám chặt vào cột để chủ động ứng phó khi tàu không may gặp sự cố”, ông Sơn kể. Sau nhiều giờ liền vật lộn, tàu may mắn thoát khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão, không có hư hỏng và thiệt hại về người.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 14h chiều 21/6, tâm bão Kujira ở trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa với sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8). Đêm nay và ngày mai, bão theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 10 km, nhắm đến phía đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có thể mạnh thêm một cấp (cấp 9, sức gió tối đa 90 km/h).
Bão gây gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sóng biển 3-5 mét, biển động mạnh. Ngoài ra,do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, trời mưa giông mạnh.
Trưa 21/6, nắng nóng chỉ còn xảy ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C. Từ ngày mai, với sự xuất hiện của mưa do bão Kujira, nắng nóng sẽ chấm dứt trên phạm vi cả nước. Với miền Trung, đây là một tin vui vì một tháng rưỡi qua người dân nơi này phải chịu đựng nắng nóng, nhiệt độ nhiều ngày trên 40 độ C. Hầu hết hồ thiếu nước, hàng nghìn diện tích cây trồng bị cháy xém.
Tiến Hùng
Theo VNE
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
Sáng 21/6, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Kujira và là cơn bão số 1 ở biển Đông. Hôm nay bão duy trì sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), đi vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 8h sáng nay tâm bão ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sức gió tối đa 75 km một giờ. Hôm nay bão sẽ theo hướng bắc, tốc độ 5-10 km/h, đi vào quần đảo Hoang Sa. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa vì thế có gió mạnh cấp 6-8, sóng biển cao 3-5 mét.
Dự báo 2 ngày tới, bão theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, nhắm đến phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cường độ có thể mạnh lên cấp 9 với sức gió tối đa 90 km/h. Ngày sau đó bão giữ hướng di chuyển và suy yếu.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.
Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, trời mưa giông mạnh, trong cơn giông có lốc xoáy. Sóng biển cao 2-4 mét.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, đến 6h sáng nay đã thông báo cho hơn 22.650 tàu với gần 100.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi có gió mạnh cấp 6-8, hiện có 636 tàu với hơn 5.600 ngư dân.
Lúc 10h30 sáng nay, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận yêu cầu thông báo cho tàu thuyền biết diễn biến của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Trong 24 giờ tới, khu vực nguy hiểm là từ kinh tuyến 109 đến 113, phía bắc vĩ tuyến 15. Địa phương cần quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi.
Xuân Hoa
Theo VNE
Ngư dân miền Trung đoàn kết bám biển, giữ ngư trường Bất chấp lệnh cấm đánh bắt một cách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều tàu thuyền cùng hàng trăm ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng vẫn ra khơi vụ Nam với quyết tâm bám biển, giữ ngư trường. Ngư dân Quảng Nam quyết tâm bám biển, giữ ngư trường. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh Những ngày này, đi...