Ngư dân Lý Sơn thẳng tiến Hoàng Sa
Chúng tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày biển Đông dậy sóng. Nơi đây mỗi ngày đều có những người đàn ông giong tàu thẳng tiến Hoàng Sa.
Chuẩn bị vươn khơi, bám biển – Ảnh: T.Mai
Lý Sơn vẫn yên bình, những nhà nghỉ, khách sạn mọc lên liên tiếp chờ khách du lịch. Nơi rộn ràng nhất là những hiên nhà, đầy phụ nữ, trẻ em bận rộn với đống hành vừa thu hoạch. Chiều tối, khi cầu dao điện được mở, người người liền buông dao nhặt hành, buông chén cơm đang dở bữa, ngóng lên màn hình tivi theo dõi tin thời sự…
Trong căn nhà từ đường họ Nguyễn với những cột kèo, hoành phi câu đối từ cả trăm năm, ông Nguyễn Từ (thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn) chăm chú lắng nghe hết tin trong nước đến tin quốc tế, bà hàng xóm tất tả chạy sang: “Trung Quốc rút giàn khoan chưa?”.
“Chưa, nhưng sẽ rút chứ. Phải nhờ ngoại giao, nhờ các nước khác ủng hộ mình nữa. Hoàng Sa là của Việt Nam, ai cũng biết mà”.
Trả lời rồi, ông rót chén trà, lẩm nhẩm đọc vài câu trong bài văn tế của lễ khao lề thế lính: “Hoàng Sa – Trường Sa lãnh hải/… đi có về không/ Thân đã mất mà danh ấy thọ/ Xót thương thay những kẻ đã liều thân vì Tổ quốc/ Son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi/ Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn/ Quyết bảo vệ biên cương bờ cõi…”.
Ông quay sang khách, nói tiếp: “Đó, lời của ông cha để lại vậy. Sau này mới nghe nói đến luật biển quốc tế, đến vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tụi tui ở đây chỉ biết biển đảo Hoàng Sa ông cha mình đã giữ từ bao đời…”.
Cũng những lời tâm sự y như vậy, ông Huỳnh Công Ấn (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn) cùng vợ đang sốt ruột đợi tin con trai út Huỳnh Công Nhiệm từ Hoàng Sa: “Tàu của Nhiệm đi từ ngày 6-5, ngay sau ngày nghe tin giàn khoan Trung Quốc kéo vô. Hai cái Icom, một bị lính Trung Quốc lấy hồi trước tết, một hư chưa sửa kịp, nên từ hôm đó tới giờ gia đình chưa liên lạc được. Coi tin các tàu khác, nóng lòng lắm nhưng chúng tôi cũng… quen rồi. Nội trong năm 2013, tàu của con tui đã bị Trung Quốc cản trở tới ba lần chứ đâu ít. Tức giận lắm nhưng đã là nghề thì vẫn đi, biển của mình thì vẫn giữ. Nhiệm mê biển lắm”.
Bà Trương Thị Hạnh buông mớ hành xuống góp vào chuyện của chồng: “Lần này chúng hung tợn hơn, coi truyền hình thấy cái vòi phun nước muốn nhấn chìm cả tàu cảnh sát biển Việt Nam, nghĩ đến tàu con mình nhỏ xíu mà giật mình. Không biết bao giờ mới được tự do làm ăn…”.
Ông Ấn cắt lời vợ, trầm ngâm: “Họ đang thử phản ứng của mình đó, hễ nhún thì họ lấn tới. Nhà nước phải có đối sách thật khôn ngoan, biết mình biết người. Mình có chân lý, mình không sợ…”.
“Con cũng không sợ, ba bảo không được sợ Trung Quốc” – bé Dương Thị Xuân Trường (lớp 3 Trường tiểu học An Hải) hồn nhiên kể chuyện ngay bên âu tàu An Hải.
Video đang HOT
Mấy ngày nay, cứ tan trường là bé lại cùng mẹ, chị Bùi Thị Phước Thạnh, ra âu tàu ngóng ba, anh Dương Văn Giàu. “Tàu ba con số QNg 96417, bị lấy hết đồ đạc, cả Icom rồi nên ba không báo trước ngày về được” – Xuân Trường líu lo nói thay khi thấy gương mặt mẹ đượm lo rầu.
“Ba nói sẽ ở lại “kiếm tổn” được mới về, đừng mong chi cho lâu”. Thấy khách còn thắc mắc, cô bé lại giải thích cặn kẽ: “Nghĩa là ba ở lại để kiếm thêm chút cá, hải sâm để về còn có tiền chia cho các chú đi chung nữa”.
Đúng thật là con ngư dân, ai nghe cũng phải xuýt xoa. Ấy thế mà chưa hết ngạc nhiên, bé Xuân Trường còn vỗ tay hát tặng khách: “Việt Nam ơi! Việt Nam ơi! Nước non ta sáng ngời ngàn xưa/ Này anh em, cùng ca vang/ Núi xanh xanh biển cả xanh xanh/ Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa ta vẫn tự hào…”.
Bài hát Đây Trường Sa – Đây Hoàng Sa này, bé đã được cô giáo dạy từ năm học lớp 2, đã cùng tốp ca biểu diễn mỗi buổi văn nghệ của trường và “ba con vừa đi biển về cũng vô coi nữa”.
Nghe tin tàu của hai anh em Huỳnh Tấn Đạt, Huỳnh Văn Lắm vừa về tới nơi tối 18-5, sáng 19-5 chúng tôi tới nhà vẫn chỉ gặp chị vợ với lời giải thích: “Trên tàu còn khoảng 5 tấn cá, ông ấy vào Bình Châu bán sớm và hỏi chuyện sửa chữa tàu”.
Chiều 17-5, tàu của hai anh em bị tấn công gần đảo Tri Tôn, chỉ cách giàn khoan Hải Dương 981 vài hải lý. “Thiệt hại ước chừng 200 triệu đồng. Tụi tui bị như vậy tính tới giờ chắc cũng mười mấy lần rồi” – giọng anh Lắm qua điện thoại vẫn tỉnh khô. Vậy rồi phải làm sao? “Làm sao gì? Đi tiếp chớ. Kiếm được một chuyến 20 tấn cá thì bù được thiệt hại” – anh trả lời.
Mấy hôm nay, anh Nguyễn Lộc (thôn Tây, An Vĩnh), thuyền trưởng tàu QNg 96416, chạy đôn chạy đáo từ quỹ hỗ trợ ngư dân, lên huyện, tỉnh rồi nhà người quen để kiếm tiền sửa tàu.
“Lần này hư nặng, chắc tối thiểu mất 400 triệu đồng” – anh ước tính. Mười mấy năm đi biển, Lộc bảo đã gặp đủ loại tàu Trung Quốc, bị rượt đuổi tới hàng trăm lần. Vậy có sợ không? “Bão thì sợ chớ Trung Quốc không sợ. Tàu họ tông rồi, mà tàu mình không chìm thì có chi sợ”.
Vậy nếu chìm thì sao? “Thì còn hai cái mủng (thúng) đó. Còn can nhựa, ván tàu đó. Anh em nâng đỡ nhau chờ tàu bạn đến vớt. Cuộc đời từ hồi sinh ra tới giờ, thấy ông nội, ba rồi tới mình đi biển miết thì sống chết trên biển chớ sao”.
Anh Phạm Ngọc Hội (thôn Tây, An Hải), đang ngồi nhặt giúp vợ mớ rau muống sau khi vừa cập bến sáng 18-5, kể: “Đâu cũng biển mình, nhưng đi đánh bắt ở Trường Sa thật sướng, ghé đâu cũng được.
Chúng tôi thường lên đảo thăm anh em bộ đội, tặng ít cá, lại được họ cho nước ngọt, rau xanh, bệnh thì lên khám, xin thuốc.
Từ Lý Sơn đến Trường Sa thì xa xôi, tàu lớn chút mới đi được, ra Hoàng Sa thì gần hơn, tàu nào đi cũng tới. Khi nào Việt Nam lấy lại được Hoàng Sa, quản lý như ở Trường Sa thì dân Lý Sơn sướng biết mấy, chắc nhanh giàu…”. Bao giờ tàu anh lại ra khơi? “Tuần sau”. Vậy sẽ đi Trường Sa hay Hoàng Sa? “Chỗ nào có cá thì đi, đâu phải vì Trung Quốc mà không đi. Năm nào tụi tôi cũng đi Hoàng Sa năm, sáu chuyến chớ đâu ít”.
Đi Hoàng Sa, với người Lý Sơn, chỉ là một chuyện bình thường như thế.
Theo Tuổi Trẻ
Những đề xuất nóng để tránh bị kích động bạo lực
Về việc công nhân bạo động ở Bình Dương, mặc dù cơ quan công an đã tìm ra và bắt được thủ phạm gây kích động bạo lực, thế nhưng từ câu chuyện xẩy ra ngoài ý muốn này có lẽ chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để tránh nguy cơ tái diễn ở những địa phương khác.
Đặc biệt là trong tình hình mà sự căm phẫn của người dân đối với Trung Quốc đang dâng cao như hiện nay.
Những kẻ kích động công nhân ở Bình Dương đã nhanh chóng bị cơ quan công an bắt giữ
Cần rút bài học qua vụ công nhân ở Bình Dương bị kẻ xấu kích động bạo lực
Có lẽ chưa bao giờ, kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, người dân Việt Nam lại có dịp để cùng thể hiện chung một tiếng lòng "yêu nước" như bây giờ: Phản đối sự xâm lăng của Trung Quốc qua việc nước này cho đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc diễn ra ở cả trong và ngoài nước, từ báo chí đến các trang mạng xã hội ngập tràn những tình cảm chân thành hướng về biển đảo thân yêu...
Cũng từ đây chúng ta mới hiểu rằng trong thẳm sâu của mỗi người dân Việt Nam, tinh thần yêu nước đã bám rễ sâu tận đáy tâm hồn, sẵn sàng bùng nổ vào bất cứ khi nào tổ quốc cần. Thật đáng tự hào khi chúng ta có được giá trị tinh thần bất diệt mà hết sức cao quý này. Qua đây, chúng ta càng cảm thấy yêu tổ quốc Việt Nam, yêu con người Việt Nam hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, vẫn phải thế nhưng, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng biết yêu nước đúng cách. Như câu chuyện bạo động ở Bình Dương mới đây là một ví dụ.
Mặc dù đã cơ quan công an đã tìm ra và bắt được thủ phạm gây kích động bạo loạn ở Bình Dương, thế nhưng từ câu chuyện xẩy ra ngoài ý muốn này có lẽ chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để tránh nguy cơ tái diễn ở những địa phương khác. Đặc biệt là trong tình hình mà sự căm phẫn của người dân đối với Trung Quốc đang dâng cao như hiện nay.
Những đề xuất nóng...
Đề xuất về các giải pháp tránh người dân bị kích động như ở Bình Dương mấy ngày qua, diễn giả Trần Đăng Khoa nêu ý kiến:
1. Không tấn công người Trung Quốc tại Việt Nam và các công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Chủ trương xâm lấn nước ta là của chính phủ Trung Quốc và một bộ phận theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc. Tranh thủ được sự ủng hộ của bộ phận người Trung Quốc yêu hòa bình hoặc đang có các lợi ích tại Việt Nam sẽ là một lợi thế cho chúng ta để "đấu tranh từ trong lòng địch". Ngoài ra, đừng để Trung Quốc mượn cớ bảo vệ người Trung Quốc và các công ty Trung Quốc ở Việt Nam để thực hiện các âm mưu chính trị - quân sự.
2. Không chỉ trích chính phủ và quân đội Việt Nam ta vì đã không sử dụng vũ lực với Trung Quốc. Cái chúng ta đang làm là cho cả thế giới thấy dân tộc ta là dân tộc yêu hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế (chứ không phải va chạm một tí là sử dụng vũ lực). Còn việc chúng ta có hèn nhát hay không thì sẽ được chứng minh bằng hành động khi chúng ta đã thắng trên mặt trận lý lẽ và tinh thần. Hiện tại, Trung Quốc chưa bắn viên đạn nào vào chúng ta nhưng đang vận dụng bộ máy truyền thông của mình để làm xấu hình ảnh chúng ta với người dân của họ và với cả thế giới.
3. Không sử dụng những lời lẽ thô tục cho dù là bằng tiếng Việt hay bất cứ ngoại ngữ nào khác khi nói về Trung Quốc trên mạng. Chúng ta phải thể hiện cho thế giới thấy Việt Nam là một nước có văn hóa để tranh thủ sự ủng hộ trên trường thế giới. Đây cũng là một mặt trận cam go không khác gì chiến trường, nhưng đây là mặt trận mà mỗi người dân Việt Nam dù ở đâu đều có thể tham gia.
4. Không tấn công người Việt gốc Hoa tại Việt Nam vì họ cũng như tất cả những người Việt chúng ta đang sống và gắn bó với đất nước này, quyền lợi của chúng ta cũng là quyền lợi của họ. Thậm chí, việc đối xử công bằng với họ cũng gởi một thông điệp rõ ràng cho người dân Trung Quốc cũng như cả thế giới biết rằng: người Việt đủ sáng suốt để phân biệt trắng đen, phải trái, đâu là bạn đâu là thù.
5. Không mất thời gian tranh cãi với nhau trên mạng hay ngoài đời về thế nào là yêu nước, thế nào là không yêu nước, thế nào là anh hùng, thế nào là hèn nhát... Ai yêu nước, ai không yêu nước, ai anh hùng, ai hèn nhát,... chỉ có thực tế lâu dài mới chứng minh được. Quan trọng là bây giờ là chúng ta phải đoàn kết lại, mỗi người làm tốt nhất việc của mình.
Cùng chung lo lắng này, trên facebook, bạn Phương Thu Hiền lại nêu ý kiến về việc cần tuyên truyền cho người dân hiểu bản chất âm mưu của Trung Quốc qua hành vi cắm giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa. Bạn Thu Hiền cũng kiến nghị các nhà mạng tại Việt Nam như Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile, Gtel...nhắn tin đến tất cả các thuê bao đang hoạt động với nội dung cảnh báo người dân mình không nên nghe và làm theo những lời dụ dỗ dân mình biểu tình quấy rối (trừ khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hay thông báo của chính quyền sở tại).
Việc nhắn tin này cũng như những đợt nhắn tin ủng hộ đồng bào bị bão lũ, chung tay ủng hộ góp đá xây Trường Sa ...Làm theo cách này, tin tức rất nhanh chóng và đến được với nhiều người dân để mọi người biết và đề phòng hơn với âm mưu lợi dụng sự không tỉnh táo của nhiều người dân để chống phá chính quyền nước ta, qua đó làm mất điểm với bạn bè Thế giới.
Ý kiến của bạn Phương Thu Hiền rất đáng để các nhà mạng ở Việt Nam tham khảo. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông thể hiện tình yêu nước của mình!
Theo Gia đình Xã hội
Tình hình biển Đông sáng 22/5: VN giữ cự ly tiếp cận giàn khoan TQ để tránh va chạm Tàu chấp pháp của Việt Nam đã tiếp cận gần khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách gần hơn so với những ngày trước. Tình hình biển Đông sáng 22/5: TQ giương bẫy vu vạ ngư dân Việt Nam Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: các tàu chấp pháp của Việt Nam đã tiếp...