Ngư dân Lý Sơn khẩn trương chống bão HaiYan
Trước diễn biến phức tạp của bão HaiYan (Hải Yến) có khả năng đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Lý Sơn ( Quảng Ngãi) trong một vài ngày tới, hàng trăm tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang hoạt động trên biển đã khẩn trương chạy về đảo để tránh trú cơn bão mạnh với sức gió giật trên cấp 17.
Ngư dân Lý Sơn neo nọc lại tàu cá để đối phó với bão HaiYan.
Tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, trên 200 phương tiện tàu cá, trong đó có gần 50 tàu cá hoạt động tại ngư trường Trường Sa và các vùng biển ảnh hưởng của bão HaiYan, đã chạy về cập đảo để tìm nơi néo trú an toàn.
Ngư dân Trần Dư Hồng, chủ tàu cá QNg 96778 TS, ở thôn Tây xã An Vĩnh cho biết, vài ngày trước khi nhận được thông tin bão sẽ đi vào biển Đông và ảnh hưởng đến ngư trường Trường Sa, tuy đang làm ăn hiệu quả nhưng ông và các thuyền viên trên tàu quyết định chạy tàu về đảo neo trú để đảm bảo an toàn, ” Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh có phạm vi ảnh hưởng rộng nên chúng tôi không thể chủ quan, thà lỗ tổn phiên biển chứ không chạy đua với bão, mình làm ăn còn dài nên thận trọng vẫn hơn” ngư dân Hồng bộc bạch.
Video đang HOT
Còn ngư dân Dương Minh Trí, chủ tàu cá QNg 96509 TS, ở Thôn Tây xã An Hải thì chia sẻ, chưa đầy tháng mà có tới 3 cơn bão liên tiếp tràn về nên việc làm ăn của ngư dân gặp không ít khó khăn, tàu chạy từ Trường Sa về đây phải 5 ngày đêm, tiêu thụ trên 2.500 lít dầu, rồi phí tổn… giá trị gần 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm cơn bão số 10 vừa qua, mưa bão đã làm hư hại hàng trăm tàu thuyền do bị va đập, để đảm bảo an toàn cho con tàu cá trị giá trên 2 tỉ đồng, cơn bão này tàu phải sử dụng đến 4 trụ neo để tàu không bị mưa bão làm trôi dạt, va đập.
Ngoài số tàu cá hoạt động tại ngư trường xa bờ đã về cập đảo và neo đậu chắc chắn an toàn, thì hàng trăm phương tiện hành nghề khác cũng được ngư dân đưa lên bờ để neo nọc.
Ngư dân Võ Văn Phúc, chủ tàu cá QNg 66088 TS, ở thôn tây xã An Vĩnh đang hành nghề chong đèn cho biết, theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, cơn bão này với sức gió mạnh sẽ trực tiếp đổ bộ vào đảo Lý Sơn nên chủ tàu nào cũng chủ động phòng chống. “Tôi bàn với bạn chài phải cho tàu lên bờ mới an toàn, nếu gió cấp 12 -13 thì dù có neo đậu kỹ mấy tại vũng neo trú tàu thuyền cũng không thể kham nổi với sức tàn phá của bão” – ngư dân Phúc nói.
Để tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phòng chống bão HaiYan, chiều 8.11, huyện Lý Sơn đã họp triển khai các biện pháp phòng chống bão. Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB huyện, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ tàu cá của ngư dân đang hoạt động tại ngư trường Trường Sa và các vùng biển bị ảnh hưởng của bão đã chạy về cập đảo hay neo trú tại đất liền.
Theo Laodong
Siêu bão mạnh nhất trong vòng 10 năm
Ngày 7/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 1816/CĐ-TTg về việc chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão Haiyan.
Bão Haiyan sắp đổ bộ vào Philippines
Công điện cho biết, siêu bão Haiyan hoạt động phía biển Đông miền Trung Philippines với cường độ cấp 17, đang di chuyển nhanh về phía Đông. Dự kiến tối nay 8/11 bão sẽ đi vào biển Đông, đêm ngày 10/11 bão sẽ đổ bộ vào bờ. Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Tổ chức chặt tỉa cây, chằng chống nhà cửa, công trình, chủ động cho học sinh nghỉ học, rà soát phương án, chuẩn bị, tổ chức sơ tán nhân dân vùng cửa sông, ven biển, nhà ở không đảm bảo an toàn, đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển 500m hoàn thành trước 13h ngày 10/11.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm tra hướng dẫn sơ tán, neo đậu tàu cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân rà soát kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi. Bộ Quốc phòng chỉ đạo hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh, giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn, chuẩn bị lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có phương án điều tiết hoạt động giao thông trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh đảm bảo giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính hỗ trợ các địa phương để khôi phục hệ thống giao thông nông thôn...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, sau khi đi vào đất liền, vùng áp thấp nhiệt đới ở Nam Trung bộ đã không phát triển lên thành cơn bão số 13 như dự báo của trung tâm mà nhanh chóng suy yếu và tan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn trong ngày 7/11 và gây ngập trên diện rộng. Vì vậy, hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đang lên, riêng các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và đang xuống chậm.
Siêu bão Haiyan đang hình thành ở phía Đông Philippines.
Bản tin chiều 7/11 của Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương cho biết, siêu bão Haiyanđang tiến nhanh về phía biển Đông. Chiều 7/11, tâm bão chỉ còn cách đảo Mindanao (Philippines) khoảng 520km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo khoảng chiều 8/11 siêu bão Haiyan sẽ đi vào khu vực miền Trung của Philippines và vượt qua đảo Mindanao vào biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17 (tức là từ 184 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17. Khoảng đêm 8/11 hoặc ngày 9/11, tâm bão sẽ vào biển Đông, hướng về phía đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối 8/11, vùng biển phía Đông biển Đông sẽ có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Trong cuộc họp khẩn chiều 7/11 tại Hà Nội của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá, siêu bão Haiyan là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm gần đây, bão đang ở cấp 17 và di chuyển rất nhanh. "Các thành viên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, các địa phương cần phải chuẩn bị các phương án phòng chống toàn diện, kế hoạch cụ thể ở trên biển, ven biển, và trên đất liền. Đặc biệt, phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển ở Bắc vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15; phía Đông kinh tuyến 112 di chuyển về bờ", Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho hay, dự kiến trong vòng 24-36 giờ tới, bão Haiyan di chuyển nhanh với tốc độ 25 - 30km/giờ theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Sau khi vào biển Đông, do tiếp xúc với các đảo nên có thể suy yếu đi từ 2 đến 3 cấp, nhưng vẫn mạnh đến cấp 14 thậm chí đầu cấp 15. "Hiện vẫn khó có thể xác định bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh nào, nhưng toàn bộ các tỉnh từ Bình Định trở ra cho đến Bắc của miền Trung như Hà Tĩnh và Nghệ An là vùng tâm bão có thể đổ bộ vào" - ông Tăng nói.
Theo Xahoi
Bão Haiyan sẽ gây mưa rất to ở Bắc và Trung Bộ Cơn bão mạnh Haiyan đang tiến rất nhanh vào Biển Đông và có cường độ rất mạnh, hoàn lưu rộng lớn của nó sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Bộ. Sau đó vùng mưa lan dần ra Bắc Bộ vào dịp cuối tuần và kéo dài sang đầu tuần sau. Từ đầu tuần, các tỉnh miền Bắc thời...