Ngư dân đưa công nhân xuất huyết não vào bờ cấp cứu
Một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi tránh gió tại âu thuyển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã giúp đưa một công nhân bị tai biến vào đất liền cấp cứu.
Đưa bệnh nhân Nguyễn Văn Tiến lên tàu cá của ngư dân để vào bờ cấp cứu – Ảnh: Hồng Anh
Lúc 16 giờ chiều nay 26.2, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm (thuộc Bộ đội biên phòng Quảng Nam, đóng ở xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An) nhận được tin báo ông Nguyễn Văn Tiến (44 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), công nhân của Công ty cổ phần xây lắp Thành An 96 đang xây dựng công trình trên đảo Cù Lao Chàm, bị tai biến, có dấu hiệu xuất huyết não cần cấp cứu.
Lúc này, khu vực Cù Lao Chàm biển động mạnh do có gió cấp 7 – 8, không có phương tiện tàu thuyền từ đảo vào bờ, trong khi đó các tàu của Hải đội 2 đang đóng ở cửa Đại (thành phố Hội An) và cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành).
Trước tình huống khẩn cấp này, Ban chỉ huy Đồn biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền xã đảo Tân Hiệp đã vận động ông Lê Bá Thanh Hồng (30 tuổi, trú ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) dùng tàu cá QNg 92666TS để đưa bệnh nhân Tiến vào bờ cấp cứu.
Tàu cá QNg 92666TS của ông Hồng đang tránh gió tại âu thuyền Cù Lao Chàm.
Hiện tàu cá vẫn đang trên đường từ Cù Lao Chàm trực chỉ Đà Nẵng trong điều kiện gió to sóng lớn, dự kiến đến chiều tối nay (26.2) mới vào đến đất liền.
Video đang HOT
Trên tàu cá có cả lực lượng quân y của Đồn biên phòng Cù Lao Chàm đi theo để hỗ trợ bệnh nhân.
Hứa Xuyên Huỳnh – Hồng Anh
Theo Thanhnien
Người giữ trẻ 16 tháng tuổi tử vong tại nhà chưa từng học kỹ năng
"Tôi bị đau chân, mất sức lao động nên nhận giữ trẻ vừa thêm việc, lại giữ vài cháu chứ không giữ nhiều nên không có tập huấn chi", bà Thái tâm sự.
Bà Thái buồn bã kể lại sự việc - Ảnh: Diệu Hiền
Sáng nay 9.12, phóng viên Thanh Niên đến nhà bà Nguyễn Thị Thái (50 tuổi, trú tại tổ 21B, P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), nơi xảy ra tại nạn khiến cháu bé trai 16 tháng tuổi tử vong.
"Tôi rất yêu thương cháu!"
Bà Thái nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi thực sự không nghĩ sự việc đã xảy ra, dù mới chỉ là ngày hôm qua!". Bà Thái kể, ngoài 2 cháu nội, ngoại, bà còn nhận giữ thêm 2 cháu bé là cháu N.Đ.H.B (16 tháng tuổi), con của anh N.Đ.K. và chị H.T.K.H. (cùng trú tổ 22 P.Hòa Thọ Tây); cùng 1 cháu bé 18 tháng tuổi khác.
Khi sự việc xảy ra, cháu nội bà Thái tiểu tiện ra sàn, nên bà chạy đi lấy quần thay cho cháu ở phòng trong, thì nghe tiếng cháu B. khóc. Bà chạy ra thấy cháu B. đang trong tư thế nằm ngửa dưới sàn, khi bồng lên, bà thấy vết đỏ trên đầu và thoa dầu cho cháu B..
Nhưng chỉ 2 phút sau, cháu B. tự dưng bật ngửa ra, nên bà và con gái vô cùng lo lắng. Bà Thái cùng chồng đưa cháu B. đến Bệnh viện Hòa Vang, sau đó đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, đến 3 giờ chiều cùng ngày thì cháu B. tử vong, với chẩn đoán bị xuất huyết não.
"Khi xảy ra sự việc tôi có nói con gái gọi điện cho ba cháu, rồi đưa cháu lên Bệnh viện Hòa Vang, nhưng con gái tôi không liên lạc được, đến khi vào Bệnh viện Đà Nẵng thì mới liên lạc được", bà Thái kể.
"Tôi cũng không định giữ, mà ba má cháu có vô nói thôi cô giữ giùm, chứ cháu đi trẻ hay đau bụng. Tôi nhận giữ cháu với mức 1,5 triệu đồng tháng. Cháu gửi còn chưa đủ tháng nữa. Tôi rất yêu thương cháu, coi như cháu nội của mình, rứa mà...", bà Thái nghẹn lời.
Căn nhà bà Thái, nơi giữ trẻ tự phát mà cơ quan chức năng không hề hay biết - Ảnh: Diệu Hiền
Sau khi sự việc xảy ra, ông bà nội cháu từ quê ra cũng tỏ ra hết sức bức xúc. Nhưng sau khám nghiệm tử thi, có thông báo rằng cháu bị xuất huyết não, không có dấu vết đánh đập, nên ông bà mới lắng dịu.
"Tối qua (8.12 - PV), gia đình tôi có mang 10 triệu đồng vào gửi, nhưng gia đình anh K. không chịu nhận, nói chuyện gì xong tang ma cháu sẽ nói chuyện", bà Thái cho hay.
Khi hỏi bà Thái giữ trẻ lâu năm, có tham gia lớp tập huấn nào không, thì bà Thái cho hay, bà chưa từng tham gia lớp tập huấn nào. "Tôi bị đau chân, mất sức lao động nên nhận giữ trẻ vừa thêm việc, lại giữ vài cháu chứ không giữ nhiều nên không có tập huấn chi", bà Thái nói thêm.
"Thấy giữ trẻ, không đánh đập nên không yêu cầu đăng ký"
Trao đổi với ông Phan Hữu Định, Tổ trưởng tổ 21B, P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, ông Định cho hay, bà Thái vốn làm nghề phụ hồ, sau này sức khỏe sút, nên nhận giữ thêm trẻ để vừa giúp các gia đình xung quanh, vừa tăng thêm thu nhập.
"Trước đây phường có yêu cầu kê khai, nhưng tôi thấy bà Thái chỉ nhận giữ rất ít, nhiều nhất là 4 cháu, nên có hỏi bà Thái có đăng ký hay không. Bà Thái có chia sẻ, bà chỉ giữ vài cháu nên kê khai sẽ nhiều thủ tục nhiêu khê, rườm rà, nên xin không đăng ký", ông Định nói.
"Mà ở địa phương, tôi thấy bà Thái giữ trẻ cũng yêu trẻ như cháu của mình. Ở nhà bà, trẻ được gửi đến đều thấy ông bà ôm, bồng rất cẩn thận. Tôi thấy bà giữ trẻ mà không có tình trạng đánh đập, bạo hành gì nên cũng không yêu cầu đăng ký nữa", ông Định nói thêm. Ông Định cũng cho biết, việc bà Thái giữ trẻ trong phường ai cũng biết, cán bộ phường cũng từng xuống kiểm tra, nhưng thấy bà giữ ít cháu cũng... cho qua.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND phường Hòa Thọ Tây gửi UBND quận Cẩm Lệ, trường hợp bà Thái không phải nhóm trẻ gia đình mà chỉ là điểm giữ trẻ tự phát, bà Thái giữ cháu nội và cháu Bảo nên cơ quan chức năng không biết bà nhận giữ trẻ.
Diệu Hiền
Theo Thanhnien
Thương bé sinh non khát sữa vì mẹ nguy kịch do xuất huyết não Cậu bé ra đời bằng phương pháp mổ khi mẹ cậu bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Sau phẫu thuật, mẹ được chuyển ra Hà Nội để kiếm hi vọng, cậu bé được cho vào lồng ấp. Hằng ngày bé sống bằng tình thương của y bác sỹ và nguồn sữa từ các bà mẹ khác mà ông nội đi xin...