“Ngư dân đồng tình vay tiền đóng tàu bám biển”
“Đây là ngư trường truyền thống, cha ông đã đánh bắt cá bao đời nay. Do vậy, dù có bị Trung Quốc cản phá, đuổi bắt, đâm chìm tàu, ngư dân Việt Nam không bao giờ bỏ ngư trường”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói.
Ngày 30/5, đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề hỗ trợ ngư dân bám biểm trước sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – trao đổi với báo chí
Video đang HOT
Với hàng loạt vụ việc diễn ra ở khu vực gần giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, đặc biệt cách đây chưa lâu tàu của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm khiến 10 người rơi xuống biển. Xin ông cho biết tình hình ngư dân hiện nay thế nào?
Đây là ngư trường truyền thống mà cha ông đánh bắt cá bao đời nay. Do vậy, dù Trung Quốc có cản phá, đuổi bắt, đâm chìm tàu thì ngư dân ở Lý Sơn nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung không bao giờ bỏ ngư trường này. Tôi đã gặp tất cả anh em, thanh niên, đoàn viên ngư dân họ nói rằng “không sợ gì Trung Quốc hết cả”. Họ vẫn sẵn sàng ra ngư trường đánh bắt cá để bảo vệ ngư trường truyền thống của tổ tiên đồng thời góp phần bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc.
Được biết, Chính phủ đang có kế hoạch hỗ trợ ngư dân vay tiền đóng tàu sắt để vươn ra biển lớn. Vậy kế hoạch này sẽ được triển khai thế nào, thưa ông?
Tôi đi tiếp xúc với bà con ngư dân, đặc biệt là các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá nhiều lần, các ngư dân và nghiệp đoàn nghề cá thường than rằng bị các đầu nậu cho vay nặng lãi. Vì vậy họ đánh bắt cá không đủ trang trải cho các chi phí.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vào ngày 29/5, đã có những quyết sách rất hay đối với những ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Chủ trương cho vay đóng tàu sắt tới 90%, với thời hạn trong vòng 10 năm mà lãi suất chỉ có 3%. Còn tàu gỗ là 70%, lãi suất cũng 3%. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số ngư dân đồng tình ủng hộ vay tiền đóng tàu để bám biển.
Nhiều người cho rằng với hàng trăm tàu cá đánh bắt trên biển, cần phải có một tàu hậu cần liên tục đi cùng để ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn?
Tại phiên họp Chính phủ tháng 5, chúng tôi đã đề xuất cần hỗ trợ cho ngư dân về khoa học kỹ thuật để làm sao tăng sản phẩm mà ngư dân đánh bắt. Ví dụ như với hàng trăm tàu đánh bắt cá của ngư dân phải có tàu phục vụ hậu cần lớn đi theo. Lúc đó, tàu phục vụ hậu cần sẽ cung cấp nước, xăng dầu, các vật dụng cần thiết để ngư dân bám biển lâu ngày, không phải chạy ra chạy vào.
Nhưng quan trọng tàu hậu cần này phải thu mua những hải sản mà ngư dân đánh bắt được, và hướng dẫn cho ngư dân về kỹ thuật để sản lượng cá được bảo đảm, tăng chất lượng. Đơn cử như việc ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, việc phương phức đánh, bảo quản không tốt thì giá trị của cá ngừ đại dương giảm đi rất nhiều. Nhưng nếu có kỹ thuật, có hướng dẫn giá trị sẽ tăng gấp 6-7 lần. Điều đó sẽ làm lợi cho ngư dân. Bên cạnh đó việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng đã được Chính phủ đưa ra trong thời gian sắp tới.
Với chính sách Chính phủ đưa ra, xin ông cho biết tình hình hoạt động ở các khu công nghiệp hiện nay ra sao?
Tôi thấy rằng, chủ trương mà Chính phủ đưa ra là kịp thời để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc này cũng tạo điều kiện và tuyên truyền để người lao động đồng hành cùng với doanh nghiệp; sớm đưa kinh tế tiếp tục phát triển. Đặc biệt lấy lại uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế để họ hiểu rõ hơn về yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Chính phủ đang tính toán các giải pháp thật cần thiết để làm sao kinh tế tiếp tục ổn định, chứ không phải mình hoàn toàn lệ thuộc vào nền kinh tế nào. Tính toán như thế nào để các phương án đưa ra vẫn tiếp tục đẩy mạnh được việc phát triển kinh tế của đất nước, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri