Ngư dân đóng tàu vỏ thép, hiện thực giấc mơ chinh phục biển lớn
Những chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Quảng Trị đang dần được hình thành từ chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ là tín hiệu vui, giúp ngư dân an tâm hơn để chinh phục biển lớn, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những ngày này, đội ngũ công nhân tại xưởng đóng tàu Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị đang hết sức khẩn trương để hoàn thiện các tàu cá, nhằm sớm bàn giao cho chủ tàu theo đúng kế hoạch. Những con tàu vỏ thép, ước mơ bấy lâu của ngư dân đang sắp trở thành hiện thực.
Tàu vỏ thép đầu tiên tại Quảng Trị đang dần hình thành
Gặp chúng tôi, anh Võ Văn Hữu (khu phố 3, thị trấn Cửa Việt), hồ hởi cho biết, chỉ khoảng vài tháng nữa thôi, chiếc tàu vỏ thép của anh sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Lúc đó, việc đánh bắt thủy sản trên biển sẽ thuận lợi hơn nhiều.
“Bấy lâu nay, ngư dân tại địa phương ra khơi hành nghề đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, công suất còn thấp nên hiệu quả không được bao nhiêu. Có tàu lớn, thời gian hoạt động trên biển sẽ kéo dài, năng suất đánh bắt sẽ được nâng lên đáng kể”, anh Hữu nói.
Hai chiếc tàu vỏ thép đang được triển khai đóng tại Quảng Trị
Hộ anh Hữu là một trong những người được tiếp cận nguồn vốn vay sớm nhất để đầu tư, đóng mới tàu hậu cần nghề cá theo chủ trương Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, phía ngân hàng chấp nhận cho anh vay với số tiền 16,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của anh khoảng hơn 1 tỷ đồng. Cách đây 1 tháng, khi ngân hàng phân bổ nguồn vốn, anh đã triển khai đóng mới tàu vỏ thép.
Video đang HOT
Nghị định 67 đang hiện thực giấc mơ đóng tàu lớn cho nhiều ngư dân
Tỉnh Quảng Trị hiện có 2.282 tàu thuyền các loại, trong đó chỉ có 164 tàu có công suất lớn có khả năng đánh bắt ở vùng biển xa. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt danh sách 25 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu đợt 1. Đến nay toàn tỉnh đã có 8 chủ tàu được Ngân hàng thẩm định hồ sơ, ký kết hợp đồng vay vốn đóng mới 6 tàu vỏ sắt, 2 tàu vỏ gỗ.
Đội ngũ công nhân đang gấp rút hoàn thiện các bộ phận của tàu để sớm bàn giao cho ngư dân sử dụng theo đúng kế hoạch
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một vướng mắc làm chậm tiến độ đóng mới tàu. Trong 2 đơn vị đóng mới tàu tại tỉnh này chỉ có 1 đơn vị có đủ năng lực đóng mới tàu vỏ thép. Quá trình thực hiện đóng mới, một số chủ tàu điều chỉnh công suất thiết kế mẫu phù hợp thực tế nhưng hầu hết các đơn vị tư vấn thiết kế đều ở các tỉnh phía Bắc nên việc điều chỉnh không kịp thời. Chính vì vậy, ngư dân địa phương luôn mong muốn, việc thẩm định giá trị tàu cần công khai danh sách các tổ chức thẩm định độc lập có đủ năng lực tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đăng ký đóng tàu.
Anh Hữu cho hay, tàu của anh dự kiến có tổng công suất 1.200 CV, trong đó, công suất máy chính khoảng 822 CV. Vì trong quá trình thẩm định gặp phải một số vướng mắc nên việc triển khai đóng chậm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, hiện nay mọi thủ tục đã cơ bản hoàn thành, tàu của anh đang được đội ngũ công nhân gấp rút triển khai đóng theo kế hoạch.
Con tàu vỏ thép của anh Đoạn Văn Dũng, ngư dân đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn vay theo chủ trương Nghị định 67
Anh Võ Văn Thụ, chủ xưởng đóng tàu cho biết, hiện cơ sở của anh đang nhận đóng 2 con tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Với tiến độ như hiện nay thì chỉ khoảng 3 tháng nữa các con tàu trên sẽ hoàn thành và bàn giao cho ngư dân sử dụng. Chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giúp ngư dân trong cả nước yên tâm vươn khơi, bám biển, mà còn góp phần to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Hữu được vay vốn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá
Ngoài tàu vỏ thép của anh Hữu, ngư dân Đoạn Văn Dũng, khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cũng đã được ngân hàng ký kết cho vay vốn đóng mới tàu vỏ thép lưới rê, công suất 829 CV, tổng giá trị đầu tư là 14,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng hỗ trợ cho vay lên tới 95% giá trị, tương đương 13,7 tỷ đồng.
Anh Dũng cho biết, tàu của anh cũng đã được triển khai đóng cách đây hơn 1 tháng. Trong thời gian ngắn nữa tàu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nói về chủ trương hỗ trợ đóng tàu mới, anh Dũng phấn khởi cho hay, Nghị định 67 đang hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi của ngư dân cả nước nói chung và ngư dân Quảng Trị nói riêng. Chủ trương này đã tiếp thêm nghị lực cho các chủ tàu kinh doanh ngành nghề đi biển yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đăng Đức
Theo Dantri
Ngư dân đầu tiên tại Quảng Trị được vay vốn đóng tàu sắt
Ngư dân may mắn nói trên là ông Đoàn Văn Dũng (trú tại TT.Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị).
Ngư dân Đoàn Văn Dũng (áo vest đen) ký kết hợp đồng với ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc chi nhánh BIDV Quảng Trị
Sáng 23.4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ cho ông Đoàn Văn Dũng vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ theo nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Được biết, con tàu vỏ thép làm nghề lưới rê của ông Dũng sẽ có công suất 829 CV, tổng giá trị đầu tư là 14,5 tỉ đồng, trong đó BIDV hỗ trợ cho vay lên tới 95% giá trị, tương đương 13,7 tỉ đồng, thời hạn cho vay 11 năm, tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành từ vốn vay.
Tàu sẽ được triển khai đóng trong tháng 5.2015, sau khoảng 4-5 tháng sẽ hoàn thiện, bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc chi nhánh BIDV Quảng Trị cho hay ngoài ông Dũng, BIDV Quảng Trị đã tiếp cận và xem xét để tiếp tục ký kết thêm 3 hợp đồng vay vốn đóng tàu nữa đối với ngư dân trên địa bàn.
Hiện tại toàn tỉnh Quảng Trị đã có 25 tàu được UBND tỉnh cấp quyết định phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn.
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc
Theo Thanhnien
Tàu cá 'mắc cạn' vì ngư dân chưa được vay vốn Hàng chục dự án đóng mới tàu vỏ sắt và vỏ gỗ vươn khơi của ngư dân Nghệ An đang dậm chân tại chỗ vì chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân phải sử dụng tàu nhỏ trong khi dự án đóng tàu lớn vươn khơi đang mắc cạn...