Ngư dân chuyển nghề trồng trọt, chăn nuôi sau sự cố môi trường
Để ổn định cuộc sống ngư dân Quảng Trị sau sự cố môi trường biển, các giải pháp được đưa ra là phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi tàu lên công suất lớn đi đánh bắt xa bờ…
Ngư dân mong muốn đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi bám biển. Ảnh:Hoàng Táo.
Sáng 12/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho người dân 16 xã, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay sự cố môi trường biển gây ảnh hưởng đến 8.000 hộ gia đình, với 44.000 nhân khẩu và 2.800 tàu thuyền tại 16 xã, thị trấn ven biển.
Ngoài ngư nghiệp, các khu du lịch, nhà hàng ven biển cũng bị đình trệ, lượng khách chỉ còn 1/10 so cùng kỳ. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, thu nhập sụt giảm nghiêm trọng.
Để đảm bảo sinh kế cho người dân, ông Hưng đề nghị trước mắt ổn định cuộc sống người dân bằng phát triển các ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng với đào tạo, chuyển đổi nghề…
Nội dung quan trọng nhất là chuyển đổi 50% tàu có công suất dưới 90CV lên trên 90CV, đóng mới 100 tàu công suất trên 90CV để đánh bắt trung bờ và xa bờ, ông Hưng cho hay. Hiện, trong số tàu thuyền bị ảnh hưởng có đến 2.600 tàu khai thác ven bờ, dưới 90CV.
Theo ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, ngư dân trong huyện mong muốn có nguồn vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, trung bờ. “Trước mắt, ngư dân đăng ký đóng mới 77 tàu trung bờ, xa bờ với tổng số vốn 240 tỷ đồng. Chúng tôi bám biển, bám làng chứ không ly nông, ly hương”, ông Hùng nói.
Video đang HOT
Tương tự, ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh nhấn mạnh kinh tế biển sẽ tiếp tục là chủ đạo, gắn liền với bảo vệ chủ quyền. Ông Trung cho hay ngư dân huyện này đăng ký đóng mới 57 tàu trung bờ và xa bờ.
Hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng cũng bày tỏ mong muốn có nguồn vốn cho ngư dân vay để cải hoán, nâng cấp và đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa. Ngư dân kiến nghị mở rộng đối tượng vay theo quy định của Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển ngành thủy sản.
Ngư dân không thể ra biển nên ra bãi biển trồng khoai để nuôi heo. Ảnh: Hoàng Táo.
Ngoài ra, lãnh đạo các huyện, xã cũng đề nghị phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất, tăng cương xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm của người dân…
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ hỗ trợ ngay cho 16 xã, thị trấn số tiền 3,2 tỷ đồng, cùng 16 kỹ sư nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp điển hình, nhằm từ đó nhân rộng để ổn định đời sống người dân.
Cùng với đó là rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giao đất cho người dân canh tác, chuyển đổi tàu thuyền sang trung bờ, xa bờ cùng với xây dựng bến neo đậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở sàn giao dịch việc làm… để tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Hoàng Táo
Theo VNE
Quảng Bình thiệt hại 4.000 tỷ đồng sau sự cố môi trường biển
Với sự cố môi trường ảnh hưởng sâu rộng đến ngành nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ... tỉnh Quảng Bình ước tính sẽ mất 4.000 tỷ đồng từ nay đến hết 2016.
Sự cố môi trường biển gây thiệt hại ước 4.000 tỷ ở Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo.
Sáng 4/7, tỉnh Quảng Bình tổ chức họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa rồi.
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành và địa phương ước tính thiệt hại trên các lĩnh vực. Cụ thể, ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6/2016 thiệt hại trên 1.255 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2016 là 2.300 tỷ đồng.
Tương tự, ngành du lịch ước thiệt hại 1.400 tỷ đồng sau 3 tháng bị ảnh hưởng, và đến hết năm thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Ước tổng thiệt hại năm 2016 của toàn tỉnh Quảng Bình là 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với bờ biển dài 116 km và vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 20.000 km2, tỉnh đánh giá thiệt hại về môi trường biển và nguồn lợi thủy sản hết sức lớn. Nhà chức trách Quảng Bình đánh giá môi trường sống của nhiều loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm 40-60%.
Các đại biểu dự họp đề nghị thành lập tổ giúp việc để đánh giá sát thực tế, cần thống nhất tiêu chí và cách tính thiệt hại từ Trung ương cho cả 4 tỉnh ảnh hưởng, việc ghi nhận thiệt hại cần chính xác, công bằng, có số liệu cụ thể và tránh bỏ sót người dân bị ảnh hưởng.
Ngành du lịch bị tác động khủng khiếp từ sự cố môi trường biển. Ảnh: Hoàng Táo.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND Quảng Bình nhấn mạnh sự cố môi trường biển vừa rồi ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân.
"Đặc biệt, ngành nông nghiệp và du lịch đã bị tác động khủng khiếp, nhất là ngành du lịch của tỉnh đã thực sự bị đình trệ", ông Hoài nói.
Trước tình hình đó, ông Hoài yêu cầu các ngành đánh giá thiệt hại phải "chính xác, đúng luật, công bằng cho người dân, việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần tính đến những năm tiếp theo và lâu dài".
Dự kiến hết tuần này Quảng Bình hoàn thành đánh giá thiệt hại ở các địa phương, đến giữa tháng 7/2016 tổng hợp để báo cáo Chính phủ.
Tỉnh Quảng Bình cũng vừa thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại với 22 thành viên, do ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND Quảng Bình làm chủ tịch.
Hội đồng này được giao nhiệm vụ đánh giá chính xác thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra trên tất cả các lĩnh vực, đề xuất giải pháp tổng thể khôi phục và ổn định sản xuất.
Hoàng Táo
Theo VNE
Hơn 100 tấn chất thải của Formosa được chôn trong trang trại Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (chủ cũ của trang trại), khẳng định chất thải được chôn là bùn đen thông thường, có thể sử dụng làm phân bón. Sáng 12/7, ông Lê Nam Sơn, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng liên...