Ngư dân chưa mặn mà với tàu vỏ composite
Sau lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, gỗ nguyên liệu đóng tàu khan hiếm, giá thành cũng tăng cao. Song, hầu hết ngư dân vẫn chọn đóng tàu gỗ, thay vì đầu tư tàu vỏ composite.
Với số lượng tàu vỏ composite đóng mới còn quá ít, vậy điều gì khiến ngư dân chưa mặn mà đóng tàu với loại chất liệu này?
Băn khoăn với tàu mới
Tiên phong đóng tàu vỏ composite, ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn) khấp khởi chờ ngày hạ thủy. “Đây là chiếc tàu vỏ composite đầu tiên trong tỉnh, nên tôi cũng như nhiều ngư dân hồi hộp chờ đợi xem việc vận hành và sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao”, ông Rin bày tỏ.
Video đang HOT
Thi công tàu vỏ composite tại Nhà máy Đóng tàu Nha Trang.
Chiếc tàu vỏ composite của ông Rin có công suất 850CV, trang bị máy thủy mới. Tổng kinh phí đầu tư 13,5 tỷ đồng (chưa kể chi phí ngư lưới cụ). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư theo Quyết định số 47 về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá theo Nghị định 89. Nhưng để chiếc tàu vỏ composite nên hình, ông Rin đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đầu tư, nhất là khi trong tỉnh chưa có chiếc tàu vỏ composite nào. “Dù tàu vỏ composite bền, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa thấp, tuổi thọ cao… nhưng tôi cũng đắn đo nhiều. Không biết sau khi hạ thủy, vươn khơi có hoạt động hiệu quả hay không”, ông Rin cho biết.
Ngoài chiếc tàu của ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn) sắp hạ thủy, 1 chiếc vừa hoàn thành các thủ tục đóng mới theo Quyết định 47, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 6 chiếc tàu vỏ composite theo Nghị định 67, nhưng ngư dân chưa triển khai đóng.
… vẫn còn rào cản
Chi cục phó Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng cho rằng: “Rào cản khiến ngư dân ngại đầu tư tàu vỏ composite là vốn đầu tư quá cao”. So với tàu vỏ gỗ, tổng giá trị đầu tư tàu vỏ composite cao gấp 2 – 3 lần. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Hưng, tàu vỏ composite ngoài nhược điểm khó xử lý môi trường sau khi tàu hết hạn sử dụng, thì tàu có độ bền, ổn định và có tuổi thọ cao hơn tàu vỏ gỗ, vỏ thép từ 35 – 40 năm. Đơn cử như tàu khách An Vĩnh 02, An Vĩnh 03. Dù được bọc vỏ composite, nhưng các tàu này vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả và an toàn khi neo đậu trú bão.
Ngư dân Trương Tài, xã Bình Châu (Bình Sơn) đồng quan điểm cho rằng, so với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ composite bền hơn, chi phí duy tu bảo dưỡng thấp hơn; việc khắc phục những hư hỏng trên vỏ tàu cũng dễ dàng và ít tốn kém thời gian, chi phí. Vì vậy, dù đã sở hữu 6 chiếc tàu vỏ gỗ, nhưng ông Tài vẫn quyết định đầu tư thêm một chiếc tàu vỏ composite có công suất 850CV, dù kinh phí lên đến 13,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “ngoài nguồn vốn đầu tư lớn thì sự lúng túng, chậm trễ của các ngành chức năng khi giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cũng khiến ngư dân e ngại khi tiếp cận với tàu vỏ composite”, đại diện của Công ty TNHH MTV Minh Quang, đơn vị có 2 chiếc tàu vỏ composite được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 cho biết. Theo công ty này, dù đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới 2 chiếc tàu vỏ compesite, nhưng vì tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng nên đến giờ, vẫn chưa có ngân hàng nào đồng ý ký hợp đồng tín dụng. Để đảm bảo kế hoạch thực hiện, Công ty TNHH MTV Minh Quang đã kiến nghị các ngành chức năng xem xét điều chỉnh 2 chiếc tàu trên cho thụ hưởng cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47. Song đến thời điểm này các ngành liên quan vẫn chưa trả lời, nên Công ty TNHH MTV Minh Quang vẫn phải đợi.
Thông qua Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) Chính phủ khuyến khích sử dụng vật liệu composite để thay thế gỗ trong việc đóng tàu nhằm hiện đại hóa đội tàu, góp phần bảo vệ rừng. Song, để tạo điều kiện và giúp ngư dân đầu tư đóng mới tàu vỏ composite, ngành chức năng cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xoay quanh việc đóng tàu vỏ composite .
Theo Mỹ Hoa (Báo Quảng Trị)
Trung Quốc cấm biển: Sẽ tập trung nhiều tàu kiểm ngư bảo vệ ngư dân
Sáng 3.3 trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng vụ KHCN và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản.
"Đây là hành động phi lý của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam" - ông Vũ Duyên Hải khẳng định.
Ông Vũ Duyên Hải cho biết: "Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất, đánh bắt hải sản".
Để đối phó với thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Việt Nam, tập trung nhiều tàu kiểm ngư và lực lượng hỗ trợ khác về phía vùng cấm để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân. Khuyến cáo ngư dân đánh bắt theo tổ, đội, thường xuyên liên lạc thông tin giữa các tàu thuyền, đồng thời giữ liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hỗ trợ.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam có công văn số 15 (1.3) gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương. Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ: "Phía Trung Quốc đơn phương thông báo Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ 12 giờ ngày 1.5 đến ngày 16.8. Theo đó, phạm vi cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc đến Vịnh Bắc Bộ, thuộc chủ quyền biển của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông nói trên".
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở biển Đông của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời phải có biện pháp tích cực hỗ trợ bà con ngư dân bám biển đánh bắt hải sản để bà con yên tâm đánh bắt khai thác sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc".
Theo Danviet
Vượt qua ngày "biển động" Lâu nay, biển cả chính là nguồn sống của người dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Thế nên, khi sự cố môi trường biển xảy ra, những ngư dân vốn vững chãi trước sóng gió rất hoang mang. Với tinh thần "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", bà con vùng biển Triệu Vân đã nỗ lực vượt qua gian khó....