Ngọt thơm bánh tầm bì Sóc Trăng
Những con tằm trắng mềm hoà cùng vị béo của nước cốt dừa, thêm vị giòn tan của đậu phụng sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm vị giác lý thú.
Ẩn dưới cái tên bún nước lèo Sóc Trăng nên sau nhiều lần “quần nát” con đường ven kênh của một khu nhà giàu quận 8, tôi mới có thể đĩnh đạc bước vào quán. Gọi là quán cho xôm chứ thật ra chỉ là một tủ kính nhỏ, vài bộ bàn ghế ngay ngã ba của hai con đường số 1 và đường số 8.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về quán là thực đơn cùng những dòng ngắn giới thiệu về món được in sẵn trên bàn, khách chỉ cần nhìn vào đó mà gọi món. Ấn tượng thứ hai là quán không nằm riêng lẻ mà liên kết với vài tủ kính gần đó tạo thành một chuỗi các món ăn và các món uống. Cụ thể, sau khi gọi món, sẽ có người đến hỏi bạn thức uống, hay có dùng thêm món gì khác rồi “ù” về tủ của mình pha chế.
Chưa thưởng thức bánh tầm bì lần nào nên tôi tôi hoàn toàn lạ lẫm với đĩa thức ăn được chia làm ba phần rõ rệt. Phần thứ nhất là những cọng giống bún nhưng to hơn và rời rạc, ẩn dưới lớp nước dừa trắng phau và cọng mỡ hành xanh xanh. Góc thứ hai là những lát nem nướng cháy cạnh. Góc thứ ba là phần bì vàng ươm. Cuối cùng dưới tất cả các nguyên liệu trên là xà lách, rau thơm, dưa leo thái nhuyễn. Đi kèm đĩa bánh là chén nước mắm chua ngọt sóng sánh vàng.
Từng được khuyên với những món lạ, cách thưởng thức tốt nhất là thử từng nguyên liệu một. Tôi từ từ nhấm nháp những cọng bánh bì bằng gạo trắng non, thưởng thức cảm giác mềm, béo nhưng không nhũn mà hơi dai dai. Miếng nước cốt dừa béo ngậy, thơm lừng hành phi. Nem nướng béo mềm với những viên mỡ thái hạt lựu. Riêng phần bì, có lẽ được quán tự tay chế biến nên có vị dai, giòn, ngọt và thơm lừng hương thính.
Đang tập trung với khám phá của mình thì tôi nghe tiếng cười giòn tan. Ngẩng đầu lên thì chị bán nước tay cầm ly sương sa hột lựu đứng bên cạnh từ lúc nào. Bắt gặp ánh nhìn của tôi, chị phân bua: “Ăn vậy không ngon đâu. Chị rưới nước mắm vào, rồi trộn tất cả với nhau mới đúng điệu”.
Thử làm theo thì món ăn cho tôi một trải nghiệm khác hẳn. Vị béo mềm của bánh tầm bì hoà với vị béo của nước cốt dừa, cái đậm đà của nem nướng, thanh mát của rau, giòn tan của đậu phộng cùng chút mằn mặn của mắm, cay cay của ớt, chua chua của chanh khiến món ăn ngon đến mức tôi đã có ý nghĩ gọi tiếp một đĩa ăn cho đã, nhưng nhác thấy ly chè bên cạnh lại thôi.
Video đang HOT
Những cọng bì trắng trau ẩn dưới lớp cốt dừa và mỡ hành béo ngậy.
Nem nướng béo mềm đậm đà…
Bì thơm lừng, dai giòn…
Và xá lách, rau thơm, dưa leo thái nhỏ.
Rưới thêm một ít nước mắm rồi trộn đều mới đúng vị.
Có một điều là dù món bánh khiến hài lòng nhưng khi biết giá tiền (30.000 đồng/ đĩa) tôi hơi chột dạ. Bởi với một quán vỉa hè và nguyên liệu như thế, mức giá trên “hơi chát”. Có lẽ việc toạ lạc trong một khu vực toàn những căn biệt thự cao cấp đã nâng tầm giá của món ăn.
Quán mở cửa từ 7h – 11h và 15h – 20h hàng ngày. Ngoài bánh tầm bì, thực đơn của quán còn có những món đậm nét miền Tây như bún nước lèo Sóc Trăng, gỏi cuốn chấm tương ngũ vị gia truyền, bún thịt nướng, bánh hỏi thịt nướng… với mức giá từ 10.000 – 40.000 đồng.
Địa chỉ: Quán bún nước lèo Sóc Trăng, 78 đường số 1, Khu Trung Sơn, Q.8, TP. HCM.
Huỳnh Hằng
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đậm đà bún cá miền Tây
Về miền Tây mà chưa nếm qua bún mắm, bún cá, bún nước lèo... thì hình như còn thiêu thiếu cái hương vị đặc trưng của các địa danh miệt vườn xứ đồng bằng, trong đó, một tô bún cá miền Tây đúng nghĩa sẽ khiến người đi quyến luyến không rời.
Ảnh minh hoạ
Ngày nay, chúng ta có thể thưởng thức bún cá ở nhiều nhà hàng, quán ăn tại nhiều nơi khác nhau trên mọi miền đất nước, đặc biệt là ở Sài Gòn. Thế nhưng, không ở đâu có được hương vị đậm đà đặc trưng như khi bạn ăn tại đồng bằng và do chính những cô, những dì gốc miền Tây chế biến. Dù thưởng ngoạn, du lịch hay về đây công tác, món bún cá miền Tây đã làm mê lòng không ít người tới vùng đất này.
Để có món bún cá đặc trưng và tô bún bốc khói, tỏa hương thơm ngào ngạt, ngọt đến tê đầu lưỡi, người làm phải trải qua công đoạn chế biến rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Nhiều quán ăn có tiếng ở miền Tây đều có riêng bí quyết chọn cá và thực hiện theo một quy trình chế biến theo đúng "bí quyết gia truyền" để "cho ra" thương hiệu của mình.
Để nấu nước dùng cho nồi bún cá, người ta dùng xương ống heo nấu sôi rồi hạ lửa nhỏ, cứ như vậy nấu liu riu cho đến khi nước dùng trong vắt, vàng ánh. Khi nước đã được mới cho cá lóc ruộng làm sạch vào luộc trong nước dùng. Cá vừa chín tới, vớt ra lóc thịt để riêng. Sau đó lọc lại nồi nước và bắt đầu nêm nếm.
Hương vị chuẩn của nồi bún cá là do màu sắc, mùi vị của thứ nước mắm Phú Quốc đỏ au, thơm lừng. Có lẽ ở cạnh biển nên trong tô bún cá phải có vài con tôm thẻ. Tôm thẻ làm sạch, lột vỏ rồi ướp với nước mắm, đường, tiêu và chút tỏi. Quan trọng cũng chính là nước mắm ngon và thời gian ướp phải đủ để nước mắm và đường thấm vào tôm. Sau đó mang tôm kho như kho tàu nhưng độ lửa nhỏ và kéo dài hơn. Con tôm thấm nước mắm và gia vị trở nên căng cứng vừa hơi măn mẳn nhưng có vị ngọt đặc trưng kiểu Nam Bộ.
Bún được làm từ khuôn ép rơi vào nồi nước luộc được vớt lên, "bắt" thành nhiều cọng khít nhau, uốn cong lại, ngay ngắn theo hình quả trám. Từ những cọng bún đẹp mắt ấy, người ta "xé" ra thành từng sợi trắng tinh, trải vào lòng tô sau khi đã sắp sẵn rau muống chẻ, giá sống cùng rau thơm. Tiếp theo, cho thịt cá (tô đặc biệt còn được "hưởng" bộ lòng cá) và tôm um lên trên mặt, sau cùng chan nước lèo ngập mặt bún.
Với tô bún trước mặt, bạn cho ớt bằm vào, vắt thêm miếng chanh rồi cầm đũa trộn đều. Có một điều đặc biệt là khi ăn bún cá chỉ chỉ có thể sử dụng loại nước mắm "mặn" không chế biến. Nhìn tô bún bốc khói nhưng chưa vội ăn mà phải cho thêm ớt và củ kiệu ngâm chua bằm nhuyễn rồi mới bắt đầu thưởng thức.
Miếng cá lóc đồng ngọt thanh hòa cùng vị đậm đà của con tôm thẻ, thêm chút chua nồng của củ kiệu và cái cay xé lưỡi đầy cố ý của ớt như đẩy đưa món bún cá lên tới mức ngon tuyệt. Húp miếng nước lèo nóng hổi, hương vị sông ngòi, biển cả như đong đầy trong từng muỗng... Món bún cá đã làm phong phú thêm cho bún, món ăn quen thuộc của người Việt ở khắp nơi.
Không biết thực hư, nhưng có mấy bà hàng bún còn bảo tôi, bún cá còn là một "liều thuốc" đặc trị đối với những người say rượu. Sau một đêm say, vừa ăn bún cá vừa hít hà vị cay của ớt, hơi nóng của nước lèo, các lỗ chân lông tươm đầy mồ hôi, làm gì mà không... "tỉnh" người?
Theo PNO
Bún Sài Gòn Trong ẩm thực Việt Nam, không có một món ăn nào lại có sự trải rộng trên mọi miền đất nước như nhưng món ăn có nguồn gốc từ "Bún" tại mỗi vùng miền, bún lại được chế biến theo những hương vị đặc trưng riêng và trở thành đặc sản của từng vùng miền đó. BÚN NƯỚC LÈO SÓC TRĂNG BÚN CÁ...