Ngọt thanh bánh đúc nhân tôm
“Ôi quê ta bánh đa, bánh đúc/Nơi thảo thơm đồng xanh, trái ngọt…”. Ngày ấy, ở quê tôi sau vụ mùa là thời gian rảnh rỗi, và nước trên đồng cũng bắt đầu rút… Thế là, các cậu cùng tôi rủ nhau đi tát đìa bắt tôm. Trưa đến, thế nào cả nhà cũng được thưởng thức món bánh đúc nhân tôm do ngoại làm…
Theo ngoại, muốn làm một ổ bánh đúc ngon ngon (bột không bị mềm, nhão) phải chọn gạo cũ ngon ngâm trước vài tiếng rồi xay thành bột.
Trước hết, cho bột vào thau, vắt nước cốt dừa ngập xâm xấp bột (ngập khoảng 1 phân), dùng tay trộn bột cho hòa tan và dùng vợt lược cho bột mịn không còn tạp chất. Nêm bột với gia vị (đường muối) cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.
Riêng tôm, phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng 2 muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh cho hòa tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn (nếu không có tôm sống thay bằng tôm khô cũng được).
Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm bằm thịt bằm củ sắn bằm ướp gia vị (muối đường bột ngọt) cho vừa khẩu vị. Phi mỡ (dầu) hành thơm rồi cho hỗn hợp (củ sắn, tôm, thịt, gạch tôm) vào chảo xào chín.
Ngoại cho biết chính gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhân bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn (nếu không có gạch tôm, sử dụng màu hạt điều cũng được).
Nguyên liệu sau khi đã sơ chế xong, cuối cùng là khâu hấp bánh.Trước khi đổ bột vào khuôn, ngoại thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính, và ngoại xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi. Nhanh tay và gọn gàng, ngoại dùng vá múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại. Chờ vài phút sau, khi bột vừa chín, ngoại dùng vá đổ tiếp lớp thứ hai, và cứ như thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, ngoại liền xúc hỗn hợp nhân đổ lên trên và hấp cho chín hẳn.
Video đang HOT
Khi bánh đã nguội, ngoại lấy bánh ra, xắt miếng (hình chữ nhật hoặc hình thoi) cho vào dĩa, là xong!
Món này thông thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng và rau thơm, nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa (đã thắng chín) vào nữa.
Ngoại tôi nay đã xa khuất. Mảnh vườn xưa nay đã trở thành khu tái định cư…. Ngày hè trở về quê cùng các cậu tát đìa bắt tôm để ngoại làm bánh đúc, nay đã trở thành hoài niệm. Để đỡ nhớ, những dịp lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng gia đình vào quán thưởng thức món ăn này. Gắp một miếng bột bánh đúc cho vào miệng nhai, tôi cảm nhận vị béo của bột, ngọt thơm của tôm, thịt…, lại nôn nao nhớ món bánh xưa do chính tay ngoại làm.
Theo VNE
Heo nướng xốt đậu phộng
Với những nguyên liệu quen thuộc nhưng thêm bớt một ít gia vị, món heo nướng xốt đậu phộng sẽ giúp bữa ăn của gia đình bạn thêm phong phú và mới lạ hơn.Nguyên liệu
250g thịt nạc dăm heo
1 trái thơm
1 trái dưa leo
Xiên qua tre 20cm
Làm nước xốt: 10g tỏi băm, 5 trái ớt khô, 2 cây sả, 50g riềng, 10 củ hành, 2 thìa cà phê mắm ruốc, 2 thìa súp dầu ăn, 150g đậu phộng rang xay hơi nhuyễn, 50g bơ đậu phộng
Gia vị: Đường, muối, hạt nêm
Thực hiện
Ướp thịt và nướng:
- Thịt xắt lát mỏng, ướp với 1/4 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê hạt nêm.
- Xiên thịt vào que và nướng trên bếp than.
- Thơm và dưa leo cắt miếng vừa ăn.
Chế biến xốt:
- Bắc chảo, cho chút xíu dầu vào phi thơm tỏi băm, cho tiếp mắm ruốc vào xào.
- Ngâm ớt khô cho mềm, vớt ra để ráo. Sau đó, đem xay với sả, hành tím, tỏi, riềng và mắm ruốc đã xào.
- Tiếp tục bắc chảo, cho dầu vào tới khi dầu nóng, cho hỗn hợp vừa mới xay vào, đảo đều tay săn lại. Hạ lửa và xào tiếp cho tới khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng và thơm.
- Đổ 250ml nước vào, cho tiếp đậu phộng xay và bơ đậu phộng vào, đun vừa sôi, hạ lửa, đun thêm 30 phút hoặc cho tới khi xốt hơi sánh thì nêm nếm vừa ăn với muối, đường và hạt nêm.
Bày món ăn:
- Cho xiên que vào đĩa, trang trí dưa leo và thơm. Lấy từng xiên nhúng qua xốt nóng và thưởng thức. Món này có thể dùng với cơm trắng tùy thích.
Theo PLXH