Ngọt như bịch chuối ngào đường
Tạm biệt những ngày dài nghỉ tết, tôi lên đường công tác. Món quà quê ngoại giúi vào tay tôi là bịch chuối ngào đường thơm hoài mãi.
Quê tôi, vùng trung du xứ Quảng, đất cao ráo, khí hậu ôn hoà, mát mẻ, thích hợp với việc trồng chuối và cây chuối được xem là cây nông sản chính của quê nhà. Chuối trồng quanh vườn nhà, trên triền đồi, ngoài bờ ao, khe suối… mà lá vươn dài, xỏa bóng xanh thắm một miền quê.
Đặc biệt, quê tôi trồng nhiều chuối mốc bởi loại chuối này trái to, thơm, ngọt, có thể bảo quản được lâu. Chuối càng chín vị càng thơm ngọt nên rất được người dân ưa chuộng. Khi chuối ra hoa, kết trái, trái lớn nhanh như thổi, chín vàng, căng mọng. Từng buồng xuôi về các chợ huyện, thị trấn, đi ra cả phố thị xa xôi, hoặc chế biến thành những món ăn chơi như chuối khô, chuối ép, mứt chuối, chuối chiên,… và cả chuối ngào đường.
Chuối ngào đường, nghe đơn sơ nhưng gợi nhớ về một miền quê, về một tuổi thơ xa xôi đầy thương nhớ. Ngày ấy, mỗi lần về thăm ngoại là y như rằng sau mấy câu thăm hỏi, ngoại chậm rãi vào buồng, bê cái nắp ghè sành to tướng lên rồi lôi ra một bịch chuối ngào đường trao cho con cháu.
Video đang HOT
Để làm chuối ngào đường, chọn những trái vàng ươm, ngoại lui cui một mình lột vỏ, cắt lát nhỏ, mỏng, theo chiều dọc; trải từng lát ra mâm hay nia đem phơi trên mái nhà. Cứ vậy ngoại lặng lẽ phơi, lật trở vài nắng cho đến khi những lát chuối khô hoàn toàn. Sau đó, ngoại thắng đường – khâu quan trọng nhất, bởi nước đường già quá thì chuối sẽ khô cứng, quánh lại; nếu nước đường non quá thì chuối sẽ không kết dính, mất đẹp mà không ngon. Chuối ngọt nên chỉ cần một lượng đường vừa phải. Khi nước đường sánh lại, cho chuối vào sên, đảo đều tay để chuối không bị cháy. Tăng thêm hương vị cho mẻ chuối ngào, cần cho thêm một ít gừng già giã nhỏ và đậu phụng rang chín vào xào chung. Khi nước đường sền sệt, kết dính với chuối, đậu phụng tạo nên một hỗn hợp dẻo thơm.
Những lát chuối mềm mại, ngọt ngào có vị cay của gừng, vị béo giòn của đậu phụng khiến những đứa cháu của ngoại làm hết vèo một bịch bự. Dù đã bao năm trôi qua, món quà quê ấy luôn nằm trong ký ức.
Theo SGTT
Món mì Quảng của mẹ tôi
Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng.
Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm để ngâm gạo cho mềm. Sáng ra, khi con đường làng còn mờ mịt khói sương, cha tôi đã gánh gạo, củi, xoong nồi đến nhà có cối xay. Hồi đó chưa có máy xay bột, người ta thường phải xay bằng cối đá. Cối đá có tay quay bằng gỗ, một đầu nối với tai cối, một đầu hình chữ T để nắm mà xay. Thỉnh thoảng, cha tôi ngừng tay để thêm gạo và múc một ca nước đục đã chảy xuống xoong trong quá trình xay, đổ vào họng cối.
Số bột này sẽ được dùng để đúc các loại bánh tráng dày có gia tỏi, đường, gừng, mè, khi nướng sẽ cho mùi thơm; bánh tráng mỏng để gói ram, gói rau sống thịt heo; một số để làm mì khô.
Lá mì để xắt mì khô không quá dày, cũng không mỏng quá. Sau khi phơi hoặc xông lửa cho ráo mặt, dùng dao xắt chuối mài bén, đặt cây thước trên năm lá mì xắt một lần. Sau đó, đem phơi khô, rồi cho vào cất trong bao nylon.
Mì khô dùng để chế biến các món trộn với tôm thịt hay nấu canh với lòng gà, lòng vịt rất ngon. Ngày thường, chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ được ăn mì Quảng.
Nhưng vào dịp tết, mẹ thường nấu cho ăn đã đời. Những lá mì được đúc cuối cùng, ra cái nào, mẹ tôi cũng dùng dầu phộng đã khử với củ nén thoa lên bề mặt của bánh. Động tác này làm cho bánh dễ gỡ ra, thơm và béo hơn.
Trước ngày đúc mì, mẹ bắt con gà lớn nhất, nhốt trong giỏ sắt sau nhà để chuẩn bị cho bữa mì Quảng. Nhân mì nấu bằng thịt gà ta thơm ngon đáo để. Rau sống tươi xanh gồm xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn. Mì vừa đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phộng.
Tô mì nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương quê ngào ngạt. Anh em tôi "lùa" mì đến đâu, cái ngon, cái thú vị thấm tới đó.
Giờ đây, tôi có thể bước vào bất kỳ quán ăn sang trọng nào để gọi tô mì Quảng, nhưng không thể bì với bữa ăn đầm ấm cùng gia đình trong mái nhà tranh vách đất năm nào. Và mỗi lần đi trên con đường quê, bất chợt thấy bóng ai đang lom khom phơi mì, tôi cứ tưởng hình ảnh của mẹ ngày tôi còn thơ bé.
Theo: Phunuonline
Bánh hòn tai - Kỉ niệm ngọt ngào Bọn trẻ con chúng tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi thấy hạnh phúc với những năm tháng tuổi thơ ấy. Đó là những buổi chiều theo tụi bạn thả diều trên bờ kênh, những lần trốn học bị đòn roi, những tiếng cười gọi nhau í ới... nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được...