Ngọt ngào vị quê trong bánh lót xứ Thanh
Lên thăm vùng núi xứ Thanh những ngày mưa dầm mà được thưởng thức món bánh lót dân dã thì xem như đã được tận hưởng gần hết mùi vị đặc trưng của nơi đây. Bánh thường được các mẹ làm vào những dịp nông nhàn để thay đổi khẩu vị.
Món bánh lót được chế biến đơn giản nhưng vị ngọt quê hương vẫn rất đậm đà, chỉ cần ngửi mùi thơm trong từng miếng bánh thì ai cũng cảm nhận được vị riêng ấy.
Làm bánh lót cần phải chọn lựa loại gạo nếp nương hạt tròn, bóng và quan trọng là phải dẻo thơm. Đem xay bột khô rồi pha với một lượng nước đun sôi để nguội vừa phải, nhào cho thật đều đến khi bột không còn dính vào thành bát mới được. Càng nhào bột nhiều lần thì bột sẽ mịn hơn, nhuyễn hơn lúc nặn bánh cho thêm ít bột gạo tẻ để đỡ dính tay và tạo độ giòn xốp cho vỏ khi rán.
Nhân bột được chọn từ những hạt đỗ xanh ngon. Đỗ xanh ngâm nước vài tiếng cho nở, sau đó khéo léo sàng lọc để tách hết vỏ. Để cho nhân bánh ngon hơn thì người làm bánh đem đỗ xanh đi hấp chín bông, giã mịn, vo tròn thành từng viên nhỏ.
Video đang HOT
Đem bột vừa nhào nặn thành vỏ bánh, bọc lấy nhân đỗ rồi thả vào chảo mỡ đang sôi lăn tăn. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu riêng cho bánh lót chính là thứ mỡ trong veo và thơm tự nhiên được chiết xuất từ quả sở. Hơn nữa bánh lót của người Mường nơi đây không sử dụng bột nở nên bột bánh dẻo hơn.
Phải đảo đều tay cho đến khi bánh chuyển sang màu vàng rộm, vỏ bánh căng, nở đều mà không dính vào nhau thì vớt ra thấm dầu giúp lúc ăn không ngán. Đợi bánh nguội đem trùng với mật mía đã được nấu chín. Người lăn bánh cần tinh tế sao cho một lớp mật mỏng phủ đều lên vỏ bánh mà mật vẫn giữ được màu vàng nhẹ, bóng bẩy tự nhiên.
Những chiếc bánh thơm lừng, ngọt ngào được bày trên đĩa khiến mọi người quên cả thời tiết sụt sùi mà tập trung thưởng thức một món ngon thú vị chỉ có ở miền quê nông thôn. Cảm giác vị ngọt của mật thấm vào đầu lưỡi sau đó tan chảy trong miệng kết hợp với mùi dẻo thơm của bột nếp nương và đậu xanh nhắc mọi người nhớ về quê hương hơn lúc nào hết.
Theo VNE
Ấm lòng với tô bún thang giữa mùa lạnh
Là một loại thực phẩm chế biến từ gạo, bún đã trở thành món ăn quen thuộc, gắn bó với đời sống của người Việt Nam. Bát bún nhân có màu sắc đẹp, hài hòa. Nước dùng trong, mùi thơm, vị ngọt chính là món bún thang độc đáo xứ Thanh.
Bún thang tức là bún canh, tên bún thang là để nhấn mạnh phần "thang" là phần chính tạo nên cái hồn, cái đặc trưng của bún.
Bún thang làm cũng rất đơn giản, không khó, nhưng làm được ngon thì không phải dễ. Nếu xét tất cả các thành phần làm bún thang, có thể thấy một điều rất lý thú là bún thang bao gồm các nguyên liệu từ gia súc (heo, chả lụa) gia cầm (gà, trứng), thủy sản (tôm he), thực vật (rau các loại, gạo, củ cải, nấm đông cô), côn trùng (cà cuống), đủ tất cả các vị. Tổng cộng gần 20 loại nguyên liệu nên khi nấu bún thang "cần bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ, cái lưỡi nếm cầu kỳ.
Bát bún thang với giò lụa thái chỉ.
Đầu tiên phải có nồi nước dùng ngọt từ đạm chứ không được một chút nào ngọt chất đường. Muốn vậy, phải luộc gà, hầm xương lợn, luôn sôi lăn tăn, có người đứng thường trực hớt hết bọt. Thịt gà, vịt cho vào nước dùng luộc chín vớt ra thái chỉ, giò lụa thái chỉ, một ít tôm khô ngâm với nước cho mềm, để ráo nước, rang chín giã bông... Bún đúng tiêu chuẩn phải là bún rối trắng phau, không chua, khi ăn chần qua nước nóng 80 độ C rồi vớt ra để ráo nước. Còn khâu tráng trứng để thái nhỏ là khó nhất. Tráng vào chảo thì ở giữa trứng dầy nên phải tráng trên mâm cũng dàn thật mỏng để khi thái phù hợp với cỡ giò và thịt gà. Những nguyên liệu này để riêng từng góc trên miệng bát, sau mới rắc ít hành hoa, rau răm thái nhỏ, phía trên là mấy sợi mùi ta như mây vờn. Một bát bún thang "đủ lệ bộ" như thế quả là công phu.
Bún thang thường phải ăn vào bát to. Bày bún vào bát, phía trên bày thịt gà, thịt vịt, giò lụa, tôm khô, trứng tráng mỏng. Mỗi thứ một góc, rắc rau thơm, rau mùi lên trên. Khi ăn cho thêm một ít mắm tôm loãng, ngon cho dậy mùi. Có người ví vui rằng "bún thang không mắm tôm như ăn phở mà chẳng có nước dùng". Bún thang không cần ăn kèm rau sống như bún riêu cua, bún ốc... vì rau sẽ làm giảm độ nóng, làm loãng nước dùng, kém đi vị ngon, hương thơm, chất ngọt.
Đặc biệt khi thưởng thức món bún này thì không thể không cho một ít dầu cà cuống. Dầu cà cuống có hương vị cay rất đặc biệt, ai đã nếm thử qua và hợp khẩu vị rồi thì sẽ nhớ hoài. Chỉ cần 1, 2 giọt cà cuống, bát bún thang trở nên ngây ngất, quyến rũ người ăn đến từng giọt cuối cùng.
Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi. Nhớ cái vị cay nồng đậm của ớt, tỏi, hòa lẫn với vị chua của giấm, vị ngọt của xương trong nước dùng. Nhớ cái vẻ bề ngoài bắt mắt của tô bún bởi nền trắng của bún, sắc vàng của trứng, nhân gà và giò. Nhớ mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn.
Theo LĐO
Đầu xuân đi chợ... choảng nhau! Mỗi năm một lần, hàng ngàn người dân xứ Thanh nô nức tham gia phiên chợ Chuộng đầu xuân. Điều kỳ lạ của phiên chợ là năm nào cũng có ẩu đả, đánh nhau. Người dân tâm niệm, năm nào có đánh nhau thì năm ấy mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Như thường lệ, cứ đến sáng mồng 6...