Ngọt ngào chè nếp khoai môn
Chè nếp khoai môn, tên gọi tuy dung dị nhưng lại gắn liền với đời sống người dân quê tôi. Mỗi dịp giỗ chạp, cúng quẩy và đặc biệt trong những ngày lạnh thế nào má cũng nấu món chè khoai đãi cả nhà.
Hồi nhỏ có lần chị em tôi đang học bài, bỗng nhảy lên sung sướng khi mẹ gọi xuống ăn chè nếp nóng. Chúng tôi nhâm nhi từng muỗng chè, nhai chậm rãi. Vị dẻo thơm của nếp, bùi của khoai môn, ngọt ngào của đường bát và ấm nóng của gừng già, tất cả như xông vào vị giác hòa quyện thành một món ăn chân quê ngon đến khó tả.
Lớn lên một tí, tôi mon men hỏi má cách nấu chè nếp. Nguyên liệu làm nên chén chè khá giản đơn, gắn liền với tên gọi của nó. Chỉ vài lon nếp, dăm ba củ khoai môn thơm, nửa tán đường bát, ít lát gừng, nhưng để có một chén chè ngon người nấu cần phải tỉ mỉ. Trước tiên là phải biết chọn nếp, theo bí quyết của má, nếp phải là loại nếp lúa mới, được phơi đủ nắng, có màu trắng, khi đó hạt nếp nấu chín sẽ nở đều, cho nhiều nhựa. Đường để nấu chè phải là loại đường bát màu ngà, đủ để chè sau khi chín có màu hơi vàng. Đặc biệt, má thường chọn loại khoai môn ít dẻo, nhiều bột nấu chè mới ngon.
Khoai môn gọt vỏ và thái miếng vuông, đem hấp vừa chín tới. Nếp đãi kỹ, được vo rửa nhiều lần với nước sạch nhằm loại bỏ các tạp chất bám bên ngoài hạt cũng như các hợp chất hóa học còn sót lại trong quá trình trồng trọt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cho nếp vào nồi nước đang sôi, để lửa nhỏ riu riu đến khi hạt nếp nhừ, nở ra. Sau khi nếp nhừ, cho khoai môn đã hấp cùng với đường vào đến khi chè có độ ngọt cần thiết. Chú ý không đậy nắp nồi chè mà luôn quan sát chè trong khi nấu. Thỉnh thoảng khuấy cho đều tay. Nồi chè sánh lại là ngừng lửa ngay, nếu chỉ cần sơ ý khuấy già tay một chút, chè sẽ mất đi hương vị dịu dàng của nếp, vị ngọt thanh của khoai.
Video đang HOT
Chè nếp khoai môn đạt “chuẩn ngon” chỉ khi nếp đã chín mềm nhừ, thơm lừng, từng miếng khoai môn mềm nhưng cấu trúc vẫn còn nguyên vẹn. Khi ăn kèm bánh tráng mè nướng mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của món này. Bẻ một miếng bánh tráng giòn tan, múc một ít chè nóng đặc sánh rồi từ từ thưởng thức, bao nhiêu cái lạnh của ngày đông dường như tan biến…
Theo thanh niên
Mặn bùi bánh dừa Bến Tre
Cặp theo tuyến quốc lộ 60 hướng đi TP. Hồ Chí Minh, người ta thường thấy du khách chọn mua những chiếc bánh tét, bánh dừa nhãn hiệu Nguyên Gia, để làm quà Bến Tre dành biếu, tặng người thân. Chủ lò bánh là chị Trương Thị Hồng Nhung - 39 tuổi, ngụ tại ấp Phú Nhơn (thị trấn Châu Thành).
Tại lò bánh Nguyên Gia.
Nguyên Gia đăng ký kinh doanh từ năm 2010, sau những bước chân rong rủi bán xôi dạo của chị Nhung. Có một lần, đứa con trai út của chị Nhung, vốn thích ăn bánh dừa, nhưng gặp hôm mẹ mua bánh về để lâu, bị thiu. Chị Nhung thương con, ráng làm bánh cho con ăn, sẵn lòng chị mời hàng xóm ăn bánh dừa cho vui. Ai cũng khen bánh dừa ngon. Chị phấn khởi, bắt đầu làm nhiều thêm một chút để bán thử.
Ban đầu chị Nhung gặp khó khăn khi chào hàng, vì khách sợ rằng bánh để lâu sẽ bị hư. Chị kiên nhẫn, thuyết phục khách hàng dùng thử. "Nếu bánh không hư, thì mua dùm em. Còn không mua thì thôi, em cũng không tính tiền!" - một lời chào mời thiện cảm như vậy đã giúp chị Nhung thành công. Chị hăm hở mở lò bánh tại nhà năm 2009. Còn mới mẻ quá, chị chỉ dám làm một lò, đi bán dạo, nhỏ lẻ.
Chị Nhung chia sẻ: "Lúc mới mở lò bánh, lượng khách hiếm hoi, nhưng về sau, tôi in tờ rơi quảng cáo mời gọi, dần dần khách một đông hơn". Bây giờ thì khác hẳn rồi, trong dịp lễ Tết, có ngày lò bánh Nguyên Gia nhận làm 4 - 5 ngàn chiếc bánh.
Gói bánh dừa trước khi cho vào nồi hấp.
Chị Nhung cho biết, bánh dừa có rất nhiều loại khác nhau ở phần nhân bánh: nhân chuối, nhân đậu xanh hay nhân dừa. Có thể dùng lá dừa nước hay lá dừa thông thường để gói. Lá dừa gói bánh phải là lá dừa non, vừa dễ gói lại vừa tạo màu đẹp hơn cho bánh.
Nguyên liệu làm bánh gồm nếp, có thể bổ sung đậu trắng, đậu đỏ hay đậu đen để bánh ngon và đẹp mắt. Bánh có vị mằn mặn của muối, ngon ngót của tí đường, vị béo của dừa, cái dẻo của nếp. Cái bùi của đậu, cùng hương nếp thơm hòa quyện vào nhau làm cho người ăn cảm nhận vị tao nhã và mộc mạc của bánh "đặc sản" Bến Tre - xứ của dừa xanh ba dải. Chị Nhung chia sẻ bí quyết: "Muốn được bảo quản, bánh sau khi vớt ra phải được rửa qua nước lạnh, để ráo và treo lên".
Chính lẽ đó, bánh dừa Nguyên Gia đã đi nhiều nơi theo các đơn đặt hàng, với số lượng lớn. Chị Trương Thị Huỳnh Giao - một người con xứ dừa đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, trong lần mua bánh tại lò Nguyên Gia, tâm sự: Bánh tại lò ngon, đảm bảo không sợ hư như các bánh bán ở ngoài đường. Mỗi lần lên Thành phố, tôi đều ghé lò để mua làm quà cho bạn bè trên TP. Hồ Chí Minh. Các bạn đồng hương và những người bạn tỉnh khác hay người Sài Gòn rất thích bánh dừa Bến Tre.
Nắm được thị hiếu của khách hàng, chị Nhung luôn đưa chất lượng lên hàng đầu và coi đó là phương châm trong kinh doanh: "Bánh cũ không bao giờ bán cho khách. Thà rằng, tôi chấp nhận lỗ một ngày." - Chị Nhung chia sẻ.
Dịp Tết hàng năm, lò bánh càng tất bật hơn, bởi có rất nhiều đơn đặt hàng chờ giao bánh. Ngoài ra, Nguyên Gia còn giao bánh dừa cho các tiệm nhỏ bán lẻ trên địa bàn trong tỉnh.
Theo Phan Hân (Đồng Khởi Online)
[Chế biến] - Mứt khoai môn Bạn hãy vào bếp tự tay làm một ít mứt khoai môn cho Tết này nhé, mọi người sẽ rất thích thú với những miếng mứt homemade thơm ngon, đảm bảo. 1. Nguyên liệu - Khoai môn: 1 củ khoảng 350g - 100g đường - Dầu ăn 2. Cách làm Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông hoặc thái con chì....