Ngọt ngào bánh tráng nhúng đường non
Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em làng tôi và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời.
Món bánh giản dị mà gây thương nhớ
Độ tháng 2, tháng 3 âm lịch, vùng trung du xứ Quảng quê tôi bước vào mùa mía đường. Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em làng tôi và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời.
Món bánh tráng nhúng đường non tưởng giản đơn nhưng thật ra được chuẩn bị từ rất lâu, bắt đầu từ việc tráng bánh.
Ngày ấy, những năm lúa mùa trúng đậm mới có được những chiếc bánh gạo thơm ngon. Gạo mùa đem vo sạch ngâm kỹ và thay nước liên tục trong 2 – 3 ngày. Gạo xay nhuyễn sền sệt, tráng mỏng lên tấm vải căng tựa cái trống trên mặt nồi hấp, đậy kín vài phút cho chín rồi dùng cây gạt vớt bánh, nhanh tay trải trên một cái phên tre mang đi phơi nắng.
Bánh phơi khô được các bà các chị cất kỹ trong ghè, khi cần đến mới dùng. Bánh tráng trước khi nhúng đường non phải mang đi nướng trên lửa than củi đã quạt thật hồng. Nướng xong, dùng sợi lạt tre xâu lại thành chùm rồi đứng canh khi chảo nước mía đã chuyển qua chè hai, chè ba và đợi đúng lúc thành đường non tức chè chuyển từ màu trắng sang màu vàng mới nhúng bánh.
Thế nên sớm hay chậm tay một chút là bánh sẽ mất ngon. Bánh vừa cho vào chảo là nhanh chóng xách lên. Bánh nguội, đường non sánh lại, trên mặt bánh lúc đó có màu vàng óng long lanh thật bắt mắt. Vậy là không thể chần chừ được nữa, nhanh tay bẻ từng miếng bánh, nhẹ nhàng đưa vào miệng, xuýt xoa vị ngọt đầy quyến rũ.
Video đang HOT
Với nhiều người quê tôi, bánh tráng nhúng đường non giờ chỉ là thức quà ký ức. Những đám mía ngút ngàn xanh, những lò đường thơm mùi mật mía đã hiếm dần. Bất chợt chiều nay bắt gặp gánh mía ngang qua phố nhỏ, lòng lại thấy nao nao nhớ vị ngọt đường non, âm thanh giòn tan của tấm bánh luôn gắn với tiếng cười, xuýt xoa thời thơ ấu.
Theo Thanhnien
Thịt lợn gác bếp, bán nhiều vô kể, giá rẻ đáng ngờ
Thịt lợn hơi đắt chưa từng có 70.000-80.000 đồng/kg, thịt lợn ở chợ giá vọt lên 130.000-180.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg tuỳ loại. Thế nhưng, thịt lợn sấy khô (thịt lợn gác bếp) lại được rao bán tràn ngập thị trường với giá rẻ giật mình.
Khoảng 2 năm trở lại đây, thịt lợn sấy khô hay còn gọi là thịt lợn gác bếp trở thành món đặc sản phổ biến, xuất hiện tại khắp các cửa hàng lớn nhỏ, từ chợ dân sinh đến "chợ mạng". Theo đó, những miếng thịt sấy khô dai ngon, thơm mùi khói cộng với vị cay, ngọt,... được người tiêu dùng trên khắp cả nước chuộng mua về ăn, biếu tặng vào mỗi dịp cận Tết.
Thời điểm này, trên thị trường xuất hiện tràn ngập thịt lợn sấy khô được quảng cáo là hàng Tây Bắc, Yên Bái, Điện Biên. Tất cả các đầu mối bán buôn, bán lẻ đều khẳng định, thịt lợn gác bếp được làm bằng thịt lợn tươi giết mổ trong ngày, không phải thịt lợn đông đá. Thịt được sấy bằng củi nên nên có mùi khói rất đặc trưng.
Một đầu mối bán lẻ thịt lợn sấy khô Tây Bắc ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) tên Nguyễn Ngọc Liên cho biết, thịt lợn sấy khô nhà chị bán 320.000 đồng/kg.
Thịt lợn gác bếp trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình
Đầu mối này cũng khẳng định, thịt sấy được làm từ thịt lợn tươi, đảm bảo lợn sạch. Miếng thịt lợn khô sẽ có màu đỏ nâu bóng mịn, bên trong từng thớ thịt hồng tươi. Khi ăn, xé ra thớ thịt vẫn giữ được màu đỏ bóng.
Trong vai một đầu mối muốn nhập thịt lợn gác bếp với số lượng lớn về để bán hàng Tết, PV. VietNamNet liên hệ với một đầu mối bán thịt lợn sấy Tây Bắc ở Phúc Thọ (Hà Nội) tên Trần Văn Tân và được người này chào mua sỉ thịt lợn sấy với giá chỉ 300.000 đồng/kg.
Anh Tân cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, anh bỏ buôn thịt lợn sấy giá chỉ 280.000 đồng/kg. Mấy hôm nay giá đã tăng lên 300.000 đồng/kg.
"Thịt này được làm trên Tây Bắc rồi chuyển xuống Hà Nội. Nếu lấy thì đặt trước khoảng 1-2 ngày. Đầu tạ hoặc vài tạ chỗ tôi đều có", đầu mối tên Tân cho hay.
Trong khi đó, trên một fanpage chuyên bỏ sỉ các loại trái cây, thực phẩm, giá thịt lợn sấy khô cũng được nhiều người rao bán ở mức 280.000-320.000 đồng/kg tuỳ loại. Theo quảng cáo, khách lấy tầm 5kg là có giá sỉ, còn lấy số lượng càng lớn giá càng rẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet về tình trạng giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng phi mã lên 70.000-80.000 đồng/kg, thịt lợn ngoài chợ giá cũng tăng vọt lên mức 130.000-180.000 đồng/kg, thậm chí có loại giá đã tăng lên 200.000 đồng/kg, trong khi đó thịt lợn gác bếp đang được rao bán tràn lan với giá rẻ giật mình, chị Lê Thị Thảo, một đầu mối làm thịt lợn gác bếp ở Phú Thọ khẳng định, cơ sở của chị không thể làm được thịt gác bếp và bán với giá rẻ như trên thị trường hiện nay.
Giá thịt lợn đắt đỏ, trong khi thịt lợn gác bếp được rao bán với giá rẻ giật mình khiến đặt ra nghi ngờ về chất lượng của loại đặc sản này
Chị cho biết, thịt lợn gác bếp được làm bằng thịt lợn nái, phần thịt nạc. Bởi, khi làm đảm bảo độ dai và không bị hao hụt như làm bằng phần thịt nạc lợn bột (tức lợn thịt nuôi thương phẩm). Theo đó, 10kg thịt nạc lợn nái đem sấy khô đến lúc ra được thành phẩm thì thu được 3,5kg thịt. Còn sấy thật khô để bảo quản được lâu hơn thì chỉ còn 3kg.
Năm ngoái, giá thịt nạc lợn nái chỉ ở mức 40.000-50.000 đồng/kg, chị đem làm lợn sấy khô, thành phẩm thu được tính ra đã có giá khoảng 250.000 đồng. Bởi, ngoài tiền thịt còn phải tính cả tiền gia vị tẩm ướp, củi đốt sấy, công sức mình bỏ ra.
Năm nay dịch tả châu Phi hoành hành, lợn chết nhiều nên giá lợn tăng cao. Thịt nạc lợn nái giá đã lên tới 100.000 đồng/kg. Theo đó, 1kg lợn sấy khô đã mất khoảng 300.000 đồng tiền nguyên liệu thịt, chưa kể tiền nhân công, gia vị, củi đốt, phần lợi nhuận,... Thế nên, không thể có chuyện giá bán sỉ chỉ 280.000-300.000 đồng/kg như mọi người rao bán được.
Chị Thảo khuyến cáo, giá thịt lợn hiện rất đắt đỏ, nguồn cung khan hiếm, thương nái đi lùng mua từng con để giết thịt hàng ngày. Do đó, với những nguồn thịt giá rẻ, trong đó có thịt lợn sất khô, khi mua cần phải cẩn trọng để tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Thực tế, thời gian gần đây, cơ quan chức năng bắt giữ khá nhiều vụ vận chuyển, tích trữ thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với khối lượng lớn. Ví như cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cuối tháng 8 đã bắt giữ hơn 40 tấn thịt lợn tại một cơ sở sản xuất giò chả ở tỉnh này.
Tại Bình Phước, cơ quan chức năng cũng tỉnh đã phát hiện và bắt giữ hơn 2 tấn thịt lợn bệnh dương tính với dịch tả lợn châu Phi tại một cơ sở ở tỉnh hồi đầu tháng 11. Số lượng thịt lợn bệnh này chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trước đó, vào thời điểm tháng 1/2019, phóng viên VTV24 ghi lại tại một cơ sở sản xuất các món đặc sản Tết như: thịt lợn sấy, lạp xưởng... từ lợn chết khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Những con lợn bệnh bị chết được nhiều người mổ lấy những phần thịt chưa bị thối, sau đó số thịt này được đưa đến một cơ sở làm thịt sấy tại huyện (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Những tảng thịt chuyển đến được nhiều người nhanh chóng lọc bỏ phần gân và mỡ thừa. Sau đó, phần thịt nạc được đem tẩm ướp các gia vị, sau 2 giờ thì đưa vào lò sấy.
Thành phẩm đằng sau quá trình chế biến vô cùng ghê rợn này những miếng thịt sấy "thơm ngon", được bán ra thị trường với giá rẻ bèo.
Theo Vietnamnet
Món ngon cuối tuần: Lẩu gà lá é Đây là công thức lẩu gà lá é đặc sản của Ninh Hòa và cũng là món nổi tiếng của Đà Lạt. Mùa đông ăn món này thì cực chuẩn rồi! Cách làm: Gà ta 1 con Lá é 1 bó Măng tươi 500gr Nấm bào ngư trắng 300gr Bún Gia vị, sả, tỏi, hành tím, ớt, muối, đường, bột ngọt, ớt xanh,......