Ngọt bùi khoai lang nướng phố núi
Khoai lang nướng hấp dẫn bởi vị ngọt bùi rưng rức và ấm nóng đầu lưỡi.
Không có những tiếng rao hàng bên bếp than hồng rực, không chào mời khách bằng những cử chỉ, lời lẽ… nhưng những quầy khoai lang nướng vẫn cứ níu kéo biết bao người dừng lại thưởng thức. Mùi thơm ngọt bùi đầy hấp dẫn hương vị nướng của khoai luôn lan tỏa, hòa lẫn vào khoảng không rộng lớn đã khiến lòng người phải lưu luyến…
Khi chiều xuống, trong mỗi con đường của TP. Plieku, Gia Lai, khoai lang nướng xuất hiện rất đỗi bình dị. Các mẹ, các chị bán hàng với dáng người nhỏ bé, nhanh tay lựa chọn những củ khoai ngon nhất bày lên chiếc vỉ nướng, bên dưới lò than hừng hực đỏ, lần lượt những mẻ khoai nướng ra lò và xếp chồng nhau trên vỉ.
Quầy hàng không màu mè, sặc sỡ, chỉ đơn giản với một rổ khoai lang, một bếp than được đặt trên chiếc bàn nhỏ. Thế nhưng, nó cũng đủ sức cuốn hút con người một cách mãnh liệt.
Trên mỗi con đường của TP. Pleiku, khoai lang nướng xuất hiện rất đỗi bình dị. Ảnh: Trần Dung
Chị bán hàng phe phẩy quạt, mùi thơm dân dã và ấm nồng cứ cuốn theo làn khói bay vào tận trong cả khướu giác, vị giác của bất cứ ai đi qua. Cái ngọt bùi của tinh bột khoai nướng vừa chín tới, cái hương nồng nồng, khét khét của vỏ khoai cháy, cái ấm áp của bếp lửa than hồng bừng lên khi đêm vừa xuống và mùi cay cay của khói tạo nên một cảm giác khó quên cho tất cả những ai đã từng thưởng thức nó. Nhẹ nhàng bóc lớp vỏ bên ngoài, thích thú với lớp cháy sém vàng, dai dai, bên trong, rồi lại xuýt xoa hít hà mùi thơm của vị bùi bùi, ngòn ngọt khó tả. Nơi đâu có khoai lang nướng, nơi ấy trở nên thơm lừng cả một góc phố.
5 năm gắn bó với nghề khoai lang nướng tại góc đường Anh Hùng Núp giao với Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) chị Út chia sẻ: “Đã 5 năm nay, ngày nào tôi cũng có mặt ở đây từ 16 giờ chiều tới 23 giờ đêm. Làm lâu với nghề nên thấy yêu cả những củ khoai lang mập mạp và yêu luôn góc đường này. Là lao động nghèo nên nghề này khá hợp với tôi vì nó không đòi hỏi vốn liếng nhiều. Khách hàng giờ cũng đã trở nên thân quen vì mấy năm nay họ luôn mua khoai lang của tôi”.
Video đang HOT
Theo một số chị em bán khoai nướng trên đường Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Cao Bá Quát… thì có rất nhiều loại khoai lang được khách hàng lựa chọn như lang Lệ Cần, lang Nhật, lang Lệ Chí… phần lớn những loại khoai lang này có lượng đường nhiều nên khi nướng xong có độ ngọt đậm đà và màu sắc bắt mắt hơn những loại khoai lang khác.
“Tôi thường chọn những loại khoai lang khách hàng ưa thích và chỉ nướng những củ khoai lang có kích cỡ trung bình, không quá to, như vậy khoai sẽ dễ chín đều hơn. Mỗi củ khoai lang phải nướng khoảng 1 giờ đồng hồ thì mới có thể chín. Mỗi lần nướng, tôi phải luôn toàn tâm vào nó, nếu không để ý quạt lửa đúng cách thì rất dễ bị cháy hoặc chín không đều” – một chị bán khoai nướng trên đường Lê Lợi (TP. Pleiku) cho biết.
Khoai lang nướng hấp dẫn bởi vị ngọt bùi rưng rức đầu lưỡi và vị mặn ngọt ấm nóng trong lòng. Ảnh: Trần Dung
Khoai lang nướng không chỉ hấp dẫn mọi người bởi vị ngọt bùi rưng rức đầu lưỡi hay vị mặn ngọt ấm nóng trong lòng mà còn hấp dẫn bởi cái mộc mạc, giản dị vốn có của nó. Những củ khoai lang bốc hơi nghi ngút tại góc phố về đêm luôn chiếm được cảm tình của biết bao lữ khách phố núi xa quê. Chút hương vị quê nhà len lỏi giữa phố phường luôn khiến lòng họ trở nên lắng đọng và bình yên.
Cũng chính cái dân dã của nó mà khoai lang nướng luôn thu hút được đông đảo khách hàng đủ mọi tầng lớp. Mỗi củ khoai chỉ có giá từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng nên việc khách hàng đến với nó cũng khá dễ dàng. Các bạn trẻ là học sinh-sinh viên thì thích cái cảm giác ngồi tụ tập cùng nhau hàn huyên mọi chuyện và chờ khoai lang chín. Các bà nội trợ thì mua về nhà để mọi người cùng thưởng thức sau bữa ăn.
Chỉ với một rổ khoai, một cái vỉ lưới, một cái lò than và… cây quạt giấy… đã có thể làm nên một quầy hàng khoai lang nướng. Ảnh: Trần Dung
“Khoai lang của tôi đắt khách nhất là lúc 20 giờ đến 21 giờ đêm. Những bạn trẻ đi dạo bộ, những gia đình chở theo con cái vô tình đi ngang qua hay một vài khách du lịch cũng ghé vào thưởng thức khoai lang nướng. Một đêm tôi có thể bán được từ 10 kg đến 20 kg khoai lang, những đêm trời Pleiku trở lạnh thì khách mua hàng càng đông. Ngồi nướng khoai đã quen ở góc đường này tôi cũng thấy vui vì mùi khoai lang nướng của mình ngày càng thu hút được nhiều người” - bà Mến, bán hàng tại đường Cao Bá Quát (TP. Pleiku) vui cười nói.
Theo Gialaionline
Ăn cháo hến sông quê
Thong thả đút từng thìa cháo vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình, ngon và thi vị!
Theo chân người hướng dẫn, chúng tôi háo hức lên bờ, ghé vào cái quán mộc mạc nhưng rộng rãi, nằm sát bờ sông Ngân Hà (Quảng Nam).
Thật ra, đó là 1 cái chái lớn, lợp tôn, song rất mát nhờ ẩn trong rặng tre xanh và gió từ sông lồng lộng thổi vào. Mươi phút sau, bà Bảy chủ quán mang ra các món hến xào, hến trộn xúc bánh tráng, cháo hến.
Để tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, ông Võ Văn Hồi (chồng bà Bảy) vừa đãi hến vừa cho biết: "Ngày trước, đi bắt hến xem ra cũng khá vất vả do cào, xúc, cong lưng kéo nhủi dưới nước rất mệt và đau lưng, do đó có câu ca: "Anh ơi mua giúp hến sông/ Để em mua thuốc cho chồng đau lưng". Trong những năm gần đây, do khai thác cát, dòng sông mỗi ngày một sâu nên người ta tạo ra dụng cụ cào hến.
Tùy theo khúc sông có loại hến lớn, nhỏ mà người ta thiết kế những cái cào có răng bằng sắt thưa hay dày, sau cái khung sắt là cái bao lưới để giữ hến lại, bộ phận này nối với một cây sào dài khoảng 5- 6m, ghe máy chạy, kéo theo dàn cào này cào dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến... đều vào lưới, nước thoát ra ngoài.
Theo lời ông Hồi, hến tươi đem về loại bỏ tạp chất, ngâm, lóng nhiều lần trong nước sạch. Khi luộc phải để nước sôi già mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến mới tách hết vỏ. Dùng cái dầm nhỏ quấy đều cho ruột hến bong ra.
Sau đó, với vài tép tỏi, đợi khi bốc mùi thơm lừng, đổ vào xoong "hỗn hợp" hành tây, ớt chín đỏ xắt mỏng, ruột hến luộc, nêm gia vị vừa ăn, xào trộn đều, thêm đậu phộng rang giã giập, rau thơm... Xúc ra đĩa lớn ăn khi còn nóng hổi.
Món cháo và hến trộn
Chúng tôi, thong thả bẻ từng miếng bánh tráng xứ Quảng nhiều mè, được nướng vàng rộm, giòn tan, thơm phức để xúc từng miếng hến trộn đưa vào miệng, rất ngon và thi vị. Vừa ăn vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình với những ghe thuyền của giới thương hồ ngược xuôi trên sông còn gì thú vị hơn?
Đặc biệt, ở đây giá rất rẻ (bát cháo hến lớn chỉ: 15.000 đồng; bát trung: 10.000đ; đĩa hến hấp loại vừa: 5.000đ, loại đĩa lớn: 10.000đ). Sở dĩ có giá rẻ như vậy là nhờ các khâu cào hến, đãi hến khâu chế biến, đi chợ mua gia vị... đều là người trong gia đình, mỗi người mỗi việc.
Họ rất chân tình, cởi mở. Vì thế, "quán hến" tuy ở nơi hẻo lánh, nhưng rất nhiều khách đến ăn, kể cả khách phương xa, khách nước ngoài, ăn xong còn mua về nhà. Trung bình mỗi ngày bà Bảy bán tới 20 lon gạo cháo, tiêu thụ mỗi ngày từ 30- 50kg hến ruột, bán đắt hàng vậy nhưng thu nhập trên 100.000 đ/ngày, nhà bà lấy công làm lời là chính.
Để cho khách có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn sau khi ăn đã có những cái võng bằng tre, được buộc trên những thân cây tre sát bờ sông. Gió mát, võng tre đưa kẽo kẹt, ru du khách vào giấc ngủ mơ màng trên bờ sông nước xa xăm...
Con thuyền nhổ neo đã rời bến mà những bàn tay "quán hến" vẫn còn vẫy chào trên bến nước buổi chiều hạ về, khiến lòng du khách không khỏi bùi ngùi, lưu luyến. Mọi người đều mong có ngày về thăm lại quán, gặp lại những con người ân tình mộc mạc ở bến sông cũng như được thưởng thức các món hến dân dã, thấm đậm nghĩa tình của những người nông dân một nắng hai sương chế biến.
Theo Vinhlongonline
Món ngon bông mỏ quạ Dĩa bông mỏ quạ xào tỏi là món đơn giản nhưng dễ "hút hồn" người thưởng thức. Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là "sa mưa". Rồi những cơn mưa đầu mùa ào...