Ngọt bùi bánh khoai mì
Ở vùng Hoài Nhơn, một huyện phía bắc của tỉnh Bình Định, ngoài những món ẩm thực từ dừa còn có đặc sản được làm từ khoai mì.
Trong đó, giản dị nhất có lẽ là món khoai mì luộc nóng hổi ăn cùng những miếng dừa già ngọt lịm, hay món bánh tráng mì cuốn đâu dính đó, cũng có thể là tô bún mì thoảng hương thơm phức một góc phố quê… Nhưng vừa dân dã vừa kỳ công hơn cả có lẽ là món bánh khoai mì nướng.
Bánh khoai mì được tổng hợp từ các nguyên liệu: bột lọc khoai mì tươi, đậu xanh, sữa, đường, dừa. Bột khoai mì vừa lọc được cho vào nồi chứa đậu xanh đã quết hoặc xay nhuyễn, hòa với nước cốt dừa, tùy khẩu vị mà thêm đường, sữa, một ít muối để vừa miệng. Tiếp đó, đánh thật đều hỗn hợp trên rồi đổ vào khuôn. Sau cùng, đặt những khuôn bánh vào lò nướng hoặc lò vi sóng, nếu nướng bằng than phải khéo léo để bánh chín đều.
Khi nướng, bánh đổi sang màu vàng cam cũng là lúc có thể ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng của bánh. Ngay khi vừa ra lò, cắn một miếng, sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, độ mịn dẻo vừa phải của bánh, thấp thoáng mùi thơm của dừa, một chút của đậu xanh và mì, tạo cho ta cảm giác như đang trở về với những hồi ức gần gũi, những cánh đồng quê yên bình…
Video đang HOT
Ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Định, cây mì như cây lúa thứ hai. Đến mùa thu hoạch, gần như nồi cơm nhà nào cũng có vài ba khúc khoai mì được hấp chung. Chính từ những năm tháng ăn mãi một món, một vị nên người nông dân đã kết hợp các nguyên liệu để tạo ra món mới, lạ miệng, hấp dẫn hơn là bánh khoai mì.
Bây giờ, bánh khoai mì nướng đã đa dạng hình dáng, kích cỡ hơn trước và thường được dùng làm món tráng miệng trong những bữa ăn gia đình, tiệc giỗ, hoặc biếu làm quà quê. Tùy vào thời tiết, bánh có thể giữ được từ 3 đến 4 ngày.
Cây mì và những sản phẩm từ nó đã gắn bó với không biết bao thế hệ tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Hoài Nhơn. Chính thế mà không ít trái tim bất chợt dấy lên một nỗi nhớ da diết khi vừa nhìn thấy những chiếc bánh khoai mì nướng thân quen được gửi từ địa chỉ mang tên quê nhà…
Theo thanh niên
Nhớ hoài bánh khoai mì nướng!
Tất bật nơi thành phố đông đúc, đôi lúc trên đường đi làm bắt gặp xe bánh khoai mì nướng nơi hè phố, chạnh nhớ quê nhà da diết. Và nhớ thứ bánh khoai mì nướng ngày xưa má hay làm - thứ "bánh con nhà nghèo".
Bánh khoai mì nướng - Ảnh: Thanh Tâm
Nhớ thời bao cấp, đất nước còn khó khăn, cuộc sống ba má tôi sống ở nông thôn khá vất vả. Hằng ngày ba phải quần quật ra vườn cuốc đất trồng khoai để lo cho bốn miệng ăn. Vì thế, bữa cơm trong gia đình thường độn bắp, khoai, bo bo... Cuộc sống tuy thiếu thốn mọi bề nhưng ba má tôi vẫn luôn lạc quan và cố gắng lo cho hai con được đến trường.
Tôi còn nhớ mỗi sáng trước khi đi học, má tôi thường luộc khoai mì để chị em chúng tôi lót dạ. Nhìn dĩa khoai mì luộc, ba tôi đùa: "Nhà không tiền "khoái ăn sang" phải không các con?". Nghe câu nói vui của ba mới đầu tôi không hiểu, nhưng sau đó "ngộ" ra, cả nhà đều cười ồ! Ăn mãi một món cũng ngán, đôi lúc má còn làm bánh tằm khoai mì hay bánh khoai mì nướng cho mấy chị em thưởng thức.
Nghe món bánh khoai mì nướng chắc nhiều người liên tưởng đến thứ bánh "cao cấp, sang trọng" làm bằng bột mài khoai mì có thêm đường, hột gà, đậu xanh, nước cốt dừa, sữa, vani... đổ vào khuôn nướng chín vàng, thơm ngon và hấp dẫn. Nhưng không phải thế, thứ bánh khoai mì nướng má tôi làm chỉ là một thứ "bánh con nhà nghèo".
Tôi còn nhớ hôm nào làm món bánh này là sau bữa cơm chiều hôm trước má đã tỉ mẩn ở dưới bếp chọn những củ khoai mì to (có nhiều tinh bột) đem lột vỏ ngâm nước trước một đêm. Sáng hôm sau, má thức dậy sớm cho khoai mì vào nồi luộc chín cùng một ít lá dứa cho có mùi thơm. Khoai mì chín vớt ra rổ để nguội. Dừa rám vỏ nạo sẵn thì để ra tô, mè (vừng) rang sẵn để ra dĩa, trộn cùng với muối, đường...
Khi các thứ đã chuẩn bị xong, má tách đôi từng củ khoai mì đã luộc chín, bỏ xơ, cho vào cối quết nhuyễn cùng hỗn hợp nêu trên. Nêm nếm trước cho vừa khẩu vị. Tiếp đến, má vò khoai mì đã quết thành từng viên bánh tròn (cỡ nắm tay) và dùng thớt nhỏ ép dẹp xuống trông như chiếc bánh pía.
Bếp hồng đã sẵn sàng. Tay má thoăn thoắt xếp từng chiếc bánh lên vỉ với ngọn lửa riu riu. Khi mặt dưới của bánh chuyển thành màu vàng nâu, má nhanh tay trở mặt trên xuống, đến khi hai mặt vàng đều nhau là bánh chín. Má lấy bánh xếp ra dĩa. Nhìn chiếc bánh hấp dẫn tỏa mùi hương thơm ngát, chị em chúng tôi không nhịn được cơn thèm, vội vàng xin má một cái để ăn.
Cầm chiếc bánh khoai mì nướng cho vào miệng nhai một cách chậm rãi. Mùi thơm thoảng của bánh hòa lẫn với vị ngọt, béo của bột khoai mì, đường, dừa nạo... lan tỏa khắp giác quan tạo thành một "hợp khúc" dân dã "chân quê", ngon khó tả!
Giờ tôi đã có gia đình riêng và sống nơi thành phố. Như giọt nước mưa chảy xuôi từ trên mái nhà xuống, tôi luôn tất bật công việc cơ quan cùng với việc chăm sóc con cái ở nhà nên ít khi về thăm ba má, trừ dịp lễ, tết. Đôi lúc trên đường đi làm bắt gặp người bán bánh khoai mì nướng nơi hè phố, chạnh nhớ về quê nhà da diết.
Nhớ ba vất vả một nắng hai sương nơi liếp rẫy, nhớ má gầy yếu nhưng vén khéo trong việc nội trợ. Và nhớ nhất là bàn tay má vò từng chiếc bánh khoai mì, nướng trên bếp than cho chị em chúng tôi ăn mỗi sáng đến trường!
Theo thanh niên
"Hô biến" khoai mì Bằng sự khéo léo và sáng tạo của các bà nội trợ, củ mì "dân dã" đã được "hô biến" thành rất nhiều món ăn ngon, lạ miệng. Ảnh minh họa:Internet Khoai mì chà bông Khoai mì mua về lột vỏ, ngâm nước khoảng 3 giờ cho ra bớt mủ khoai. Vớt ra rửa lại thật sạch, để ráo, cho vào xửng hấp...