“Ngộp thở” với nhiều khoản thu không nằm trong quy định
Tại trường mầm non Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) có hàng chục khoản thu được nhà trường thu dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh, khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhưng vì “muốn con hay chữ” nên nhiều phụ huynh cũng phải đóng góp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Trường Mầm non Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp, đầu năm học 2012 – 2013, đối với lớp 5 tuổi có thu các khoản: Sữa chữa cơ sở vật chất là 50.000đ/năm tiền vệ sinh môi trường là 60.000đ/năm tiền ủng hộ mua trang thiết bị là 100.000đ/năm tiền mua đồ dùng vệ sinh là 70.000đ/năm quỹ khuyến học 30.000đ/cháu tiền điện nước và bảo vệ là 40.000đ/cháu vườn cổ tích là 100.00 đ/cháu.
Trường mầm non Bắc Sơn phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình).
Ngoài ra, nhà trường còn thu khoản tiền chăm sóc bán trú là 600.000đ/cháu/năm tiền thay đường điện 3 pha là 40.000đ tiền quỹ phụ huynh 100.000đ… Tổng số tiền mà mỗi phụ huynh có con theo học tại trường phải đóng góp là 2.855.000đ.
Điều đáng nói là trong số những khoản thu trên, có những khoản thu nằm ngoài quy định của Nhà nước, nhưng hầu như các phụ huynh khi thắc mắc đều không được giải đáp. Tại cuộc họp phụ huynh, nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường photo danh sách các khoản thu cụ thể để phát đến từng phụ huynh một nhưng nhà trường không đồng ý. Phụ huynh cũng vì có con đang theo học tại đây nên cũng không dám công khai lên tiếng.
Một phụ huynh tên N, có con học lớp 3 tuổi tại Trường Mầm non Bắc Sơn bức xúc: “Nhiều khoản nhà trường thu quá cao và không rõ mục đích thu để làm gì? Các khoản thu và mức thu này là do nhà trường và đại diện Hội Cha mẹ phụ huynh học sinh tự thống nhất với nhau”.
Nhiều phụ huynh vì bức xúc trước các khoản thu vô lý nên cũng mới chỉ đóng một số khoản thu nằm trong quy định của nhà nước như: Tiền học phí, tiền bảo việt, tiền trang trí lớp học. Trong khi đó, một số phụ huynh khác, mặc dù biết những khoản thu trên là quá cao và không đúng quy định của nhà nước nhưng vẫn đóng góp đầy đủ.
Bà Lê Thị Quế Nga – hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Sơn cho biết: Ngoài các khoản thu theo quy định của Nhà nước, còn các khoản tiền xã hội hóa giáo dục như tiền sữa chữa cơ sở vật chất, tiền vệ sinh môi trường, tiền chăm sóc bán trú, tiền bảo vệ và điện nước, tiền thay đường điện 3 pha… đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đứng ra vận động và trực tiếp thu, nhà trường không tham gia.
Video đang HOT
Cũng theo bà Nga, khoản tiền vệ sinh môi trường là do các cháu nhỏ không dọn được nên nhà trường hợp đồng với môi trường đô thị về làm. Tiền điện nước và tiền bảo vệ, theo quy định là không được thu nhưng do các cháu sử dụng điện nước thường xuyên, nhà trường không có bảo vệ nên phụ huynh tự nguyện đóng góp để thuê bảo vệ và trả tiền điện nước.
Riêng khoản thu 600.000đ tiền chăm sóc bán trú thì bà Nga khẳng định là hề không có mà chỉ thu 400.000đ/cháu. Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ánh của phụ huynh, sau khi có ý kiến của nhiều phụ huynh không đồng tình với mức thu trên, nhà trường đã tiến hành trả lại 200.000đ cho một số phụ huynh học sinh đã đóng góp trước đó.
Hình thức thu, cách làm của không chỉ riêng Trường mầm non Bắc Sơn mà nhiều trường khác tiến hành thu đầu năm vẫn kiểu “bình mới rượu cũ” và dưới danh nghĩa “tự nguyện”, và tình trạng này chưa được các cơ quan chức năng tiền hành xử lý dứt điểm.
Trần Lê – Định Trường
Theo dân trí
Học sinh phải đóng tiền "an ninh trực đêm"
Tại trường THPT Hoằng Hóa II, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), học sinh phải đóng đến 16 khoản thu, trong đó có một số khoản "núp bóng" dưới hình thức tự nguyện. Đặc biệt, trong số 16 khoản thu trên nhà trường còn "vẽ" thêm khoản "an ninh trực đêm".
Nhiều khoản "trên trời"
Đã có không ít các văn bản của các ngành, các cấp nhằm chấn chỉnh nạn lạm thu, thu không đúng quy định các khoản thu đầu năm tại các trường. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa, tình trạng trên vẫn diễn ra. Điều đáng nói là những khoản không được nhà nước cho phép thu thì nhà trường lại tìm cách "lách luật" khiến những khoản vô lý bỗng nhiên trở thành "có lý", và phụ huynh thì cứ "è cổ" ra đóng cũng bởi "tất cả vì tương lai con em chúng ta".
Những khoản thu tại trường Hoằng Hóa II năm học 2012 - 2013.
Tại Trường THPT Hoằng Hóa II, học sinh phải đóng đến 16 khoản, trong đó có các khoản hết sức vô lý như: tiền ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất: 100.000đ (đối với HS lớp 12), 120.000đ (HS lớp 11) và 150.000đ (HS lớp 10), khuyến học: 100.000đ/HS, vở viết: 94.000đ/HS, quỹ hội phụ huynh: 150.000đ/HS, nhân đạo: 10.000đ/HS, vệ sinh: 30.000đ/HS, an ninh trực đêm: 10.000đ/HS. Đó là chưa kể đến những khoản khác như điện, nước, gửi xe, quỹ lớp...
Các khoản này được nhà trường đưa vào danh mục được họp bàn và thống nhất với phụ huynh học sinh. Thế nhưng một phụ huynh có con đang theo học tại trường lại bức xúc: "Tôi đi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đọc các khoản thu để phụ huynh ghi lại mà đóng cho con, chứ có thấy đưa ra bàn bạc về khoản thu nào đâu. Tiền xây dựng đã được bỏ từ lâu nhưng năm nào tôi cũng phải đóng cho con. Năm ngoái thì trường bảo hỗ trợ xây dựng nhà xe, năm nay thì bảo xây sân chào cờ, không biết sang năm thì xây gì nữa đây?".
Mặc dù tiền khuyến học đã được cấm huy động của HS và phụ huynh thế nhưng tại trường THPT Hoằng Hóa II vẫn thu với mức cao "ngất trời", vở viết trường cũng bắt HS mua tại trường để cho cùng loại vở viết, tiền xây dựng cũng được cấm thu dưới mọi hình thức nhưng tại trường này HS cũng được "tự nguyện" đóng để xây sân chào cờ. Khoản tiền quỹ hội phụ huynh lên đến 150.000đ trong khi trường có trên 1.500 học sinh tương đương với số tiền thu được lên đến hơn trăm triệu đồng. Vậy phụ huynh dùng số tiền lớn như thế vào mục đích gì?
Kỳ lạ hơn, cũng tại đây, HS phải đóng thêm cả khoản "an ninh trực đêm". Khi được hỏi về khoản tiền vô lý này thì ông Lê Xuân Ninh - hiệu trưởng nhà trường phân trần: "Tiền an ninh trực đêm để hỗ trợ công an xã Hoằng Kim trong việc phối hợp với nhà trường bảo vệ an ninh trật tự, vì trường thường có một số học sinh cá biệt hay ra ngoài gây gộ, nên các đối tượng bên ngoài hay kéo vào trường gây rối. Nếu không có khoản tiền hỗ trợ này thì lực lượng công an xã sẽ chậm xử lý vụ việc hơn".
Tuy nhiên khoản tiền an ninh trực đêm mà mỗi HS phải đóng là 10.000đ/HS. Hiện tại Trường THPT Hoằng Hóa II có tổng số 1.518 HS, tương đương với số tiền thu về là hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng khi trao đổi với PV, ông Phan Thế Hùng - Phó trưởng Công an xã Hoằng Kim thì mỗi năm tổ an ninh của xã chỉ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng từ nhà trường, tương đương với 500.000 đồng/tháng.
"Chúng tôi không yêu cầu nhà trường phải hỗ trợ, đây chẳng qua chỉ là tiền bồi dưỡng thêm cho anh em làm việc vất vả. Không có cũng chẳng sao, từ trước đến giờ chúng tôi vẫn làm việc bình thường đó thôi, chẳng có cái khoản "hỗ trợ" trên lại càng dễ làm việc", ông Hùng cho biết.
Đã họp phụ huynh, thu rồi vẫn gọi là "tạm thu"?
Cũng liên quan đến các khoản thu, tại Trường THPT Lương Đắc Bằng, phụ huynh cũng phải đóng những khoản tiền đầu năm cho con với tên gọi "vận động xã hội hóa giáo dục". Tuy nhiên, việc xã hội hóa giáo dục lại được định mức cụ thể, rạch ròi và in thành danh sách gửi tận tay phụ huynh.
Phụ huynh H.T.T, có con đang học lớp 12, cho hay: "Đi họp phụ huynh thì được giáo viên chủ nhiệm phát cho một dánh sách các khoản thu, trong đó có hàng loạt các dạng hỗ trợ. Tiền hỗ trợ mà đưa vào danh sách như thế thử hỏi phụ huynh nào dám không đóng. Con mình đang theo học tại trường nên ai cũng không dám có ý kiến".
Danh sách các khoản thu của Trường THPT Lương Đắc Bằng năm học 2012 - 2013.
Năm học 2012 - 2013, Trường THPT Lương Đắc Bằng có 15 khoản thu, trong đó có hàng loạt các khoản "vận động", "hỗ trợ" như: Qũy hội phụ huynh: 80.000đ/HS, Quỹ khuyến học: 100.000đ/HS, hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ: 80.000đ/HS(lớp 10), 60.000đ/HS (lớp 11), 50.000đ/HS (lớp 12), hỗ trợ vệ sinh khép kín: 40.000đ/HS, hỗ trợ điện sáng, nước sạch: 70.000đ/HS (lớp 10), 60.000đ/HS (lớp 11, 12).
Theo quy định của Sở GD-ĐT, tiền học thêm chỉ được thu 8.000đ/buổi đối với lớp trên 30HS, 10.000đ/buổi đối với lớp dưới 30 HS, thế nhưng trong bảng danh sách các khoản thu tại Trường THPT Lương Đắc Bằng, học thêm cũng được nhà trường đề ra ở tất cả các khối là 10.000đ/HS/buổi.
Trường THPT Lương Đắc Bằng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Kỳ - hiệu trưởng trường THPT Lương Đắc Bằng cho biết: "Đây là những khoản mà nhà trường mới chỉ đưa ra để bàn và trước mắt nhà trường chỉ tạm thu, còn nếu có ý kiến từ phụ huynh thì nhà trường sẽ cho xem xét lại. Nếu phụ huynh xét thấy không hỗ trợ được cứ phản ánh ngược trở lại, nhà trường tạo ra mức dân chủ nhất giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Còn khoản tiền học thêm đưa ra như vậy là vì lúc đó chưa nhận được công văn hướng dẫn của Sở GD, nhưng sau khi nhận được công văn thì chúng tôi đã thay đổi sẽ thu 8.000đ/buổi".
Việc xã hội hóa là đúng, thế nhưng dường như rất nhiều trường đã lợi dụng vào việc xã hội hóa để "đá" trách nhiệm sang cho cha mẹ HS dưới hình thức núp bóng "tự nguyện" thực hiện việc lạm thu, thu những khoản vô lý để rồi không biết bao giờ mới hết tình trạng loạn những khoản thu mà phụ huynh phải "cắn răng" để "tự nguyện" hỗ trợ?
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Theo dân trí
Thu tiền học sinh... xây sân tennis Tại Đắk Lắk có những trường thu tiền để lắp camera, mua máy photocopy... và để xây sân tennis cho thầy cô tập thể dục nữa! Mặc dù từ đầu năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường học trong cả nước, nhưng nhiều trường học ở Đắk Lắk vẫn ngoảnh mặt làm...