Ngóng vọng công nhân ở Rào Trăng 3: Về đi con, ngoài kia lạnh lắm!
Khói hương nghi ngút trên những chiếc bàn thờ lập sẵn cho 15 công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Bàn thờ của anh Nguyễn Vũ Đăng Khoa được gia đình lập ra, ngày ngày nhang khói và cầu nguyện
“Ngoài kia lạnh lắm, về với ba mẹ đi con”!
Đã hơn 10 ngày trôi qua, 15 gia đình vẫn dõi theo lực lượng cứu nạn để chờ tin tức từ thủy điện Rào Trăng 3, nơi những người chồng, người con của họ đang mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng.
Nhiều người vẫn nuôi dưỡng, níu giữ chút hy vọng dù rất mong manh. Dù vậy, họ cũng vẫn lập sẵn những chiếc bàn thờ để hương khói. Ngày ngày vọng về phía núi ngóng tin.
Trong ngôi nhà 166 Ngự Bình, TP Huế, một chiếc bàn thờ mới được lập, không có quan tài nhưng hương khói luôn nghi ngút.
Trên đó, di ảnh một chàng trai trẻ tuổi với nụ cười hiền hòa được đặt trang trọng, ngay ngắn. Đó là chiếc bàn thờ được lập cho anh Nguyễn Vũ Đăng Khoa (SN 1997), một trong 15 công nhân đang còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chật hẹp, nhiều mảng tường bong tróc vì thấm nước mưa, người thân mắt đỏ hoe ngồi thất thần mong ngóng. Mọi việc hậu sự đã chuẩn bị để đón cậu con trai duy nhất trở về…
Ông Nguyễn Đình Hoàng (cha của Khoa) tâm sự: “Từ khi nghe tin con trai gặp nạn, tôi cùng vợ chạy ngược xuôi từ hiện trường sạt lở đến bệnh viện để nghe ngóng tin con trai nhưng đều vô vọng. Mẹ cháu cứ khóc lịm rồi lại ngất đi.
Cả tuần nay, mẹ cháu phải lên bệnh viện để các bác sĩ chăm sóc, truyền nước vì kiệt sức. Nỗi đau này quá lớn đối với gia đình tôi”, ông Hoàng gạt nước mắt chia sẻ.
Ông Hoàng cho biết, cách đây 5 hôm, ông cùng vợ đã được Trung tâm pháp y tỉnh lấy mẫu ADN, để khi tìm thấy thi thể các công nhân sẽ sớm xác định danh tính.
Video đang HOT
“10 ngày rồi, hy vọng cháu còn sống rất mong manh. Gia đình cũng lập bàn thờ để có thể nhang khói cho cháu được ấm áp nơi rừng thiêng nước độc kia. Mong sao lực lượng cứu hộ sớm tìm thấy thi thể cháu, gia đình sớm làm tang lễ, để cháu an nghỉ nơi chín suối”, ông Khoa nấc nghẹn.
Bà Võ Thị Ni (mẹ của Khoa) gắng gượng ngồi dậy sau những ngày nằm ẹp vì bệnh già và nỗi đau mất con.
Bà cho biết, vào cái đêm định mệnh đó, Khoa có gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm sức khỏe. Nhưng thời tiết xấu, tín hiệu điện thoại chập chờn nên cả nhà chỉ nghe được vỏn vẹn một câu: “Mẹ ơi, ở đây mưa to lắm” rồi mất hẳn liên lạc.
Theo bà Ni, gia đình cũng không khá giả, hai vợ chồng bà cũng có nhiều bệnh tật, ông làm thợ hồ, bà làm công nhân may nên thu nhập cũng bấp bênh.
Vì nhà nghèo, em gái còn đi học nên cách đây năm rưỡi, Khoa vừa ra trường đã xin đi làm công nhân kỹ thuật vận hành điện ở thủy điện Rào Trăng 3. Với đồng lương 4 triệu đồng/tháng, Khoa gửi về 2 triệu để phụ giúp gia đình.
“Thằng bé chăm chỉ lắm, còn hứa nếu được ký hợp đồng chính thức ở công ty sẽ dành dụm để sửa nhà cho ba mẹ. Vậy mà, giờ không biết cháu ở phương trời nào. Chỉ mong lực lượng cứu hộ tìm thấy cháu, chứ như thế này chắc tôi không sống nổi. Khoa ơi, về đây với bố mẹ, núi rừng lạnh lẽo lắm”, bà Ni nghẹn ngào.
Gia đình ông Phan Hữu Thắng lập bàn thờ nhang khói cho con trai Phan Chí Thanh đang mất tích
Gia đình anh Phan Chí Thanh, công nhân đang mất tích ở Rào Trăng 3 cũng đã lập bàn thờ cho anh được 5 hôm để nhang khói và cũng cầu nguyện sớm tìm thấy anh.
Gần 10 ngày qua, ông Phan Hữu Thắng, ba anh Thanh cùng gia đình đứng ngồi không yên ngóng chờ tin tức người con trai từ Rào Trăng.
Ông Thắng cho biết, do quá nóng ruột nên đã xin lực lượng chức năng vào hiện trường bằng đường thủy để có thể giúp sức tìm kiếm nhưng không được đồng ý. Giờ gia đình ông cũng như ngồi trên đống lửa, con thì nằm lại nơi núi rừng mà người làm cha mẹ chẳng biết làm sao.
Đôi mắt ngời đàn ông đã ngoài 50 tuổi đượm buồn, tỏ rõ sự bất lực. “Đau đớn quá chú ơi, cả cuộc đời tôi cày cuốc làm việc để kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Cháu Thanh mới vào Rào Trăng 3 làm được 2 tháng thì gặp tai nạn.
Biết thế này tôi đã không cho cháu đi, để rồi tôi mất đi đứa con trai duy nhất. Mong trời đừng mưa để lực lượng cứu hộ sớm thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm ra con tôi. Làm sao giúp gia đình đưa nó trở về, một mình con nằm lại nơi rừng thiêng nước độc, chúng tôi sống sao đây”.
Các thiết bị phục vụ công tác cứu hộ vận chuyển bằng đường thủy đang được xe máy múc đưa lên bờ
Điều thiết bị, thông đường vào Rào Trăng 3
Ngày 22/10, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã điều động thêm các phương tiện máy ủi và máy đào, tập trung khắc phục các điểm sạt lở để sớm thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 và 4, phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, các lực lượng công binh, công an tỉnh tập trung tại Rào Trăng 3 để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Hai máy bơm nước công suất lớn cũng được Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa lên Rào Trăng 3 bằng đường thủy để hỗ trợ xịt trôi khối đất đá trên bề mặt giúp tìm kiếm các nạn nhân. Trong khi đó, những ngày qua, trời mưa lớn, tuyến đường 71 xuất hiện thêm các điểm sạt lở, các ngầm tràn nước chảy xiết khiến nỗ lực thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 gặp nhiều khó khăn.
Trong ngày 21/10, các phương tiện được điều động vận chuyển ống cống loại 1,5m phi 100 vào để “hàn khẩu” vị trí đường 71 bị sạt lở đứt đường ngày hôm qua (đoạn Km 13). Vị trí sạt lở đứt đường này dài hơn 10m, rộng 15m, sâu 5-7m. Tuy nhiên, trời mưa to, đường 71 khá hẹp, nhiều đoạn cua, dốc nguy hiểm nên việc vận chuyển các bi cống lớn này vào đến điểm sạt lở gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Sở GTVT và các đơn vị đang tiếp tục vận chuyển bi cống vào, tập trung hàn khẩu vị trí sạt lở đứt, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý khối đá nặng trên 2 tấn sạt lở, lăn xuống nằm án ngữ trên đường 71 (đoạn Km 18 để vào thủy điện Rào Trăng 4).
Với quyết tâm nỗ lực thông đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3, trong những ngày vừa qua, nhiều máy móc thiết bị của các đơn vị đã tập trung nỗ lực thông đường 71 theo cả 2 hướng: từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 và từ thủy điện Rào Trăng 3 ra thủy điện Rào Trăng 4.
Tuy nhiên, đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 cũng vừa xuất hiện khối đá lớn sạt lở khiến nỗ lực thông đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 thêm phần khó khăn.
Các đơn vị tiếp tục duy trì lực lượng khoảng 100 người gồm: quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Quân đội theo đường thủy tiến vào Rào Trăng 3
Chiều tối ngày 15-10, sau khi lực lượng quân đội kết thúc việc tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ ở Trạm kiểm lâm 67 thì ngày hôm sau trời bắt đầu đổ mưa. Con đường từ trung tâm xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xuyên núi vào địa điểm này đã bị tắc nghẽn.
Tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều đoạn cắm cờ cảnh báo nguy hiểm, sạt lở núi bên mé vực. Ảnh: Văn Chương
Trong hai ngày 14, 15-10, chúng tôi có mặt trên xe chở chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng vào Trạm kiểm lâm 67. Xe phải đi qua nhiều đoạn cắm cờ tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm đầu tiên là ngầm 71. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động gần 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 414 và Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) hành quân đến hiện trường vừa tìm kiếm, vừa làm kè lẫn rọ đá chắn ngang đường nước chảy để thông tuyến.
Từ trung tâm xã Xuân Phong vào đến điểm tìm kiếm ở Trạm kiểm lâm 67, xe ô tô phải bò qua nhiều điểm được cắm cờ tín hiệu đỏ báo hiệu "cung đường cực kỳ nguy hiểm". Đó là những đoạn sạt lở núi. Đất đá trên sườn núi băng xuống, phá vỡ mặt đường, tạo thành mép vực thẳm ngay cạnh đường.
Ngày 16-10, khi thi thể cán bộ, chiến sĩ hi sinh được đưa về Bệnh viện Quân y 268 (thành phố Huế) để làm lễ truy điệu thì lực lượng công binh vẫn cắm lại tại địa bàn xã Xuân Phong. Nhiều ô tô rơ móc tiếp tục chở xe ủi, xe xúc tăng cường và đậu dọc tuyến đường tại trung tâm xã Xuân Phong để tiếp tục tiến vào rừng. Do mưa lớn nên tuyến đường mà các lực lượng vừa đưa các thi thể ra đã bị ách tắc. Từ Trạm kiểm lâm 67 vào tiếp khoảng 12km nữa mới tới được thủy điện Rào Trăng 3, là nơi vẫn còn 15 công nhân đang bị mắc kẹt và không có tin tức.
Bộ đội đang tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3. Ảnh: Văn Chương
Để tiến vào mục tiêu thứ 2, sau khi hoàn tất việc tìm kiếm người bị nạn,, lực lượng quân đội đã tiến theo đường thủy và đưa theo 5 công nhân để khởi động 3 máy múc và 1 máy ủi tại chỗ, bắt đầu việc tìm kiếm mới.
Trong quá trình hành quân, lực lượng quân đội phối hợp với công an vận chuyển các thiết bị, vật tư, phương tiện và 200 thùng mỳ tôm, 500kg gạo cùng với các thực phẩm khác để phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích. Tuyến đường thủy đi từ xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Bình đến đập thủy điện Rào Trăng 4 để đến thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng cứu nạn tiến theo đường thủy có quân số 500 người.
Theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 sẽ tiếp tục chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Hiện, đã có 24 người bị mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra khỏi hiện trường, có 2 người chết.
Tại vùng biệt lập, lực lượng quân đội đã tiếp tế lương thực cho 23 công nhân đang bám trụ để vận hành nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại Rào Trăng 3 hiện nay còn 15 công nhân mất tích. Trên hiện trường có 2 máy ủi và một máy xúc đang được sửa chữa để có thể tiếp tục thực hiện công tác cứu nạn tại đây.
Thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 nằm giữa những ngọn núi và có 1 tuyến đường độc đạo men theo sườn núi. Tuy nhiên, theo thông tin từ tỉnh Thừa Thiên Huế, cung đường này bị sạt lở, giao thông rất khó khăn và phải mất khá nhiều thời gian mới thông tuyến trở lại. Đó là từ tiểu khu 67 đến Rào Trăng 4 có 2 ngầm (suối cắt ngang đường) rất lớn, có ngầm dài đến 60m. Từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 có chiều dài 10km, phải đi qua 3 đến 4 ngầm lớn.
Dù các phương tiện cơ giới tại chỗ có sẵn, tuy nhiên thời tiết vẫn chưa thuận lợi để tiến hành tìm kiếm, bên cạnh đó là khối lượng đất núi sạt lở quá lớn. Riêng khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 có khối lượng đất đá sạt lở trên 30.000m 3.
Mưa lũ cản bước tìm kiếm 15 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích Ngay từ sáng 17/10, các phương tiện cơ giới đường bộ được huy động lên đường tỉnh 71 phục vụ công tác tiếp cận hiện trường, cứu hộ cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) đã phải tạm dừng do mưa lớn, địa hình phức tạp khó lường, diễn biến thời tiết nguy hiểm....