‘Ngôn tình’ tấn công màn ảnh Việt
Nhận thấy nhu cầu của khán giả, các nhà làm phim đã nhanh nhạy đáp ứng thị hiếu, đưa yếu tố “ngôn tình” xuất hiện nhiều trên màn ảnh, gây lo lắng cho các nhà tâm lý, xã hội.
Nhiều phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình, đang xuất hiện các yếu tố “ngôn tình”, lãng mạn hóa chuyện tình yêu trên màn ảnh. Hiện tượng này đang phát triển và trở thành xu hướng, nhất là khi các nhà sản xuất phim cho rằng đơn thuần vì đáp ứng nhu cầu khán giả.
Xu thế “thời thượng”
Từ văn học, “ngôn tình” xâm chiếm sang điện ảnh – truyền hình. Ở Trung Quốc, thể loại này được nhiều nhà làm phim đua nhau mua bản quyền chuyển thể sang phim truyền hình. Những phim: “Bên nhau trọn đời”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa”, “Sam Sam đến rồi”… chuyển thể từ sách ngôn tình rất được người xem yêu thích.
Phim hóa từ tác phẩm “ngôn tình” trở thành trào lưu khi ngày càng thu hút đông khán giả. Những “fan” trước đây của sách chuyển sang theo dõi phim để so sánh với nguyên bản. Khán giả say mê “ngôn tình” Trung Quốc cũng tham gia bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, trang mạng, theo từng tập phim phát sóng.
Nhận thấy thị hiếu này, các nhà làm phim Trung Quốc, Hàn Quốc… bắt đầu thêm yếu tố “ngôn tình” như gia vị trong tác phẩm của mình nhằm thi vị hóa những câu chuyện tình thật lãng mạn theo hướng kết hợp hoàn hảo giữa “soái ca” cùng một cô gái xinh đẹp không kém hoặc ngược lại. Thường đó là những anh chàng đẹp trai, có tài năng, hết lòng yêu thương, chung thủy với một cô gái có phần ngây thơ, thuần khiết…
Thậm chí, phim không hoàn toàn về “ngôn tình” nhưng pha trộn thêm một chút yếu tố này cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Điển hình, phim “Hậu duệ của mặt trời” gây sốt khán giả châu Á của Hàn Quốc có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố “ngôn tình”.
Một cảnh trong phim Taxi, em tên gì?. Ảnh: NLĐ
Ở Việt Nam, “ngôn tình” cũng xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh: “Yêu”, “12 Chòm Sao: Vẽ đường cho yêu chạy” hoặc pha trộn cùng yếu tố khác như: “Taxi, em tên gì?”, “Gái già lắm chiêu”, “Bệnh viện ma”… Phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” (đạo diễn: Nguyễn Khải Anh, Myung Hyung-woo, Bùi Tiến Huy) do Nhã Phương và Kang Tae-oh đóng vai chính, vừa đoạt Cánh diều vàng 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đậm đặc yếu tố “ngôn tình”. Một số dự án phim khác ra mắt sắp tới của nhiều đạo diễn Việt Nam cũng chạy theo yếu tố này.
Lý giải về việc “ngôn tình” xuất hiện trong nhiều phim Việt hiện nay, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng nhận định do cuộc sống hiện đại hối hả, thời gian trôi nhanh, mọi thứ theo guồng xoáy, người ta lại càng khao khát tình cảm lãng mạn, những khoảnh khắc mơ mộng. Khi bắt gặp chúng trong tác phẩm văn học hoặc qua phim, họ thích thú vì nó chạm đến phần sâu kín trong tâm hồn mỗi người, đánh thức những giấc mơ lãng mạn về một tình yêu đẹp.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Phạm Văn Hải lý giải: “Thời kỳ nở rộ phim hành động pha hài hoặc phim hài hước đơn thuần đã qua và các nhà làm phim buộc phải tìm đề tài mới lạ, tránh lối mòn, trong khi yếu tố “ngôn tình” thu hút chú ý của người xem. Nhất là khi một số phim có yếu tố này nhận được tín hiệu tốt từ công luận trong thời gian qua”.
Một nhà phát hành phim cho rằng hiện nay, khán giả đến rạp hoặc xem phim qua truyền hình đa phần là giới trẻ. Họ quyết định doanh thu của phim cũng như lượng rating (chỉ số khán giả xem qua màn ảnh nhỏ) nên việc đáp ứng nhu cầu của giới này được đề cao.
Video đang HOT
Nên chỉ là gia vị
Theo diễn viên Quý Bình, “ngôn tình” là trào lưu của thế giới, trong đó có Việt Nam, khai thác yếu tố ngôn tình trong nghệ thuật là xu hướng tất yếu.
“Tuy nhiên, trong xu hướng tất yếu đó, mình có tạo được điều gì đặc biệt không, có đáp ứng được nhu cầu của khán giả trẻ và có để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng không mới là điều quan trọng.
Trấn Thành và Hari Won trong phim Bệnh viện ma. Ảnh: ĐPCC
Với phim “Bao giờ có yêu nhau”, các bạn xem xong sẽ thấy đấy là câu chuyện tình đẹp, ngôn ngữ điện ảnh đẹp, nhân vật trong phim yêu nhau tha thiết và sẵn sàng vì tình yêu đó mà hy sinh cho nhau. Sự lãng mạn hóa tập trung ở góc máy quay, khung cảnh… chứ còn nội dung câu chuyện tình này vẫn mang đến cảm giác chân thật, nó có đâu đó trên cuộc đời này nhưng chúng ta có thể chưa gặp, chưa chạm tới” – anh bày tỏ.
Rõ ràng, đề tài tình yêu nếu như có thêm yếu tố lãng mạn hẳn sẽ hấp dẫn hơn so với thực tế cuộc sống có phần phũ phàng. Thời điểm nở rộ, dòng văn học “ngôn tình” từng bị chỉ trích dữ dội với lo ngại sẽ gây nghiện rồi lôi kéo người đọc khỏi cuộc sống thực tế, suốt ngày “ảo tưởng” hình ảnh “soái ca” hoàn hảo.
Các nhà tâm lý lo ngại giới trẻ sẽ thất vọng, buồn bã khi đối diện hiện thực cuộc sống không như thế giới mình từng mộng mơ. Các nhà xã hội học cũng cho rằng khó khăn của cuộc sống thực tế dễ khiến hôn nhân của những đôi vợ chồng mộng mơ trong thế giới ngôn tình sẽ sớm đổ vỡ. Vì thế, khi “ngôn tình” bắt đầu có nhiều trong phim, những lo ngại này càng tăng lên.
Nhiều nhà làm phim cho biết sử dụng yếu tố ngôn tình để làm tăng gia vị cho cho câu chuyện tình lãng mạn hơn trên phim chứ không đóng vai trò chính. Nó sẽ kết hợp cùng nhiều yếu tố khác như hành động, kinh dị, kỳ ảo, liêu trai…, giúp “món ăn” tinh thần thêm thi vị, thu hút khán giả mà không gây nên hệ lụy như các nhà tâm lý, xã hội học lo ngại.
Theo Minh Khuê (Báo Người lao động)
Phim truyền hình hết thời, diễn viên gặp khó
Công việc chủ yếu của diễn viên là đóng phim nên sự sụt giảm số lượng phim truyền hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của nhiều người.
Trước thực trạng số lượng phim truyền hình sẽ bị cắt giảm đáng kể trong năm 2016 và cả những năm tiếp theo do tình hình khó khăn chung, nhiều diễn viên tỏ ra lo lắng việc này tác động không nhỏ đến cuộc sống của họ.
Lo mất công ăn việc làm
Phim truyền hình đã có một giai đoạn phát triển mạnh với số lượng tăng đáng kể phục vụ cho khung giờ phim Việt trên các đài truyền hình trong cả nước. Số diễn viên mới cũng xuất hiện liên tục.
Diễn viên bị tác động nhiều khi nhà sản xuất giảm số lượng phim sản xuất trong năm - Ảnh minh họa, cảnh trong phim Trận đồ bát quái. (Nguồn do nhà sản xuất cung cấp)
Tuy nhiên, phim truyền hình có dấu hiệu bão hòa trong năm 2015 và tiếp đến là sụt giảm trong năm 2016 do nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn quảng cáo.
Trong đó, phim do TFS (Hãng phim Truyền hình TP HCM) sản xuất năm 2016 tiếp tục giảm 50% so với năm 2015. Năm 2015, hãng M&T Pictures sản xuất khoảng 600-700 tập phim thì nay giảm còn 400-500 tập. Công ty Sóng Vàng giảm từ 700-800 tập phim năm 2015 còn khoảng 300-400 tập trong năm nay. Nhiều hãng phim tư nhân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc chính của đội ngũ làm phim và thu nhập của họ bị sụt giảm là điều tất yếu.
Diễn viên Thanh Trúc cho biết cô vẫn được mời đóng phim đều đặn nên chưa thấy lo lắng nhiều dù biết vẫn có ảnh hưởng nhất định. Dù vậy, gần đây, cô cũng nghe đồng nghiệp xôn xao lo lắng chuyện sụt giảm số lượng phim. Thậm chí, một số người còn cho biết nhiều diễn viên không có phim đóng mấy tháng nay.
Theo diễn viên Ngọc Lan, đã là diễn viên thì đóng phim là công việc chủ yếu nên việc giảm số lượng phim ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của họ.
"Bình thường, một năm tôi đóng 4-5 phim nhưng tình hình này có thể chỉ còn 1-2 phim" - Ngọc Lan dự đoán. Huỳnh Đông cũng nhận định sẽ có không ít diễn viên gặp khó khăn trong giai đoạn này.
Nữ diễn viên trẻ Ngọc Ánh cho biết dù lo lắng nhưng sau đó, cô xác định với bản thân là năm nay sẽ ít phim hơn trước. Đồng thời, cô nhận thấy việc này cũng có mặt tốt của nó như tạo sự sàng lọc - những ai thực sự đam mê với nghề diễn, yêu nghệ thuật mới có thể tiếp tục bám nghề. Nó cũng tạo động lực giúp các diễn viên nỗ lực, phấn đấu rèn luyện, trau dồi diễn xuất nhiều hơn.
Theo Thanh Trúc, lúc phim truyền hình nở rộ, diễn viên xuất hiện quá đông, một số người khả năng diễn còn non vẫn được đóng vai chính để đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất. Điều đó dẫn đến việc không ít người trẻ ảo tưởng nên không chịu trau dồi diễn xuất, kéo chất lượng phim giảm.
Tình hình khó khăn chung sẽ sàng lọc số diễn viên này nhưng cũng có thể dẫn đến việc nhiều người chấp nhận hạ thù lao để được đóng phim, nhà sản xuất cũng chọn lựa diễn viên thù lao thấp để giảm chi phí.
Chuyển hướng
Trước tình hình khó khăn, nhiều diễn viên đã tìm giải pháp để có thể "lấy ngắn nuôi dài", tiếp tục với niềm đam mê diễn xuất của mình. Không ít người vốn xuất thân từ sân khấu kịch cho biết sẽ gắn bó nhiều hơn với kịch trong thời gian không có phim tham gia.
Một số khác nghĩ đến việc kinh doanh hoặc làm người dẫn chương trình vốn đang cần khi các chương trình truyền hình thực tế nở rộ. "Dù không dễ dàng khi thử sức ở lĩnh vực mới nhưng nếu nỗ lực, học hỏi, trau dồi thì sẽ không quá khó khăn!" - một diễn viên trẻ bày tỏ.
Diễn viên Ngọc Ánh cho biết cô từng tham gia đóng kịch, làm MC cho các chương trình khi không có vai diễn nên giờ có thể tiếp tục với những công việc này.
Theo NSƯT Công Ninh, số lượng phim ít đi nên công việc cũng ít, cuộc sống khó khăn hơn trong thời điểm vật giá leo thang. "Nếu phim quá ít, tôi sẽ tích cực tham gia sân khấu, bám sàn kịch" - anh khẳng định.
Diễn viên Huỳnh Đông thì cho rằng về cơ bản, anh là diễn viên kịch nên việc tham gia biểu diễn ở các sân khấu kịch là bình thường. Gần đây, Huỳnh Đông còn tham gia làm đạo diễn sau thời gian dài học tập. Anh cho biết sản phẩm đầu tay của mình sẽ sớm ra mắt khán giả.
Trong khi đó, diễn viên Thanh Trúc cho hay cô và 2 đồng nghiệp Lê Phương, Bảo Ngọc từng thảo luận kế hoạch kinh doanh về làm đẹp nhằm giải quyết những khó khăn nếu thực trạng phim truyền hình Việt không khởi sắc.
Kinh doanh lâu nay được xem như nghề tay trái của không ít diễn viên. Để có thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, họ mở cửa hàng buôn bán quần áo, mỹ phẩm, dịch vụ spa..., gần đây còn tập trung vào các quán ăn bình dân.
Diễn viên Ngọc Lan nhận định việc sụt giảm sản lượng phim truyền hình có thể dẫn đến 2 xu hướng. Một là, nhà sản xuất và đạo diễn chỉ chọn các diễn viên chuyên nghiệp vào phim của mình mà bỏ qua những diễn viên trẻ, chưa có tên tuổi. Hai là, để giảm chi phí tối đa, nhà sản xuất và đạo diễn sẽ chọn diễn viên không chuyên, thù lao thấp và thế là chất lượng phim Việt cũng đi xuống.
Nhiều người cho rằng cuộc sàng lọc này có thể tốt cho thị trường phim Việt nhưng cũng có khả năng trở thành thảm họa nếu nhà sản xuất muốn giảm chi phí, chọn những diễn viên giá rẻ.
Sàn kịch cũng gặp khó
Theo Ngọc Lan, diễn viên chuyển sang sân khấu kịch chưa chắc ổn, nhất là với những người mới, chưa có danh tiếng thì càng bấp bênh. Sân khấu kịch cũng đang nỗ lực cầm cự để bảo đảm thu nhập cho những nghệ sĩ từng gắn bó.
Với một số người trẻ, tham gia sàn kịch chủ yếu để giữ lửa nghề, tiếp thêm đam mê và rèn luyện diễn xuất. Chỉ những nghệ sĩ danh tiếng như Thành Lộc, Hữu Châu..., lượng khán giả hâm mộ nhiều, được các sân khấu tin tưởng mời thường xuyên mới có thể sống thoải mái. "Như tôi, hiện chỉ là con số 0 ở sân khấu kịch" - Ngọc Lan đánh giá.
Theo Minh Khuê/ Người Lao Động
Lương Thế Thành làm... con của Lê Phương trong phim mới Từng là người tình màn ảnh của nhau, nhưng trong "Trận Đồ Bát Quái", Lương Thế Thành lại bất ngờ vào vai con của Lê Phương. Phim truyền hình Trận Đồ Bát Quái thuộc thể loại tâm lý tình cảm hiện đại mô tả một trận đồ bát quái mang tên tình - tiền - tù - tội mà người đàn ông thành...