Ngọn núi đẹp nhất Ngũ Hành Sơn nhìn từ bầu trời
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là một thắng cảnh của Đà Nẵng, trong đó nổi tiếng nhất là ngọn Thủy Sơn có độ cao 106 m, rộng 7 ha.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền.
Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất. Núi cao 106 m, rộng 7 ha có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây cũng là nơi có nhiều hang động, chùa nhất. Ngũ Hành Sơn nằm trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Có hai con đường lên động và chùa ở Thủy Sơn: Cổng phía tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai, cổng phía đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng. Đa số du khách đều lên núi theo cổng phía tây và đi xuống bằng cổng phía đông.
Sử sách ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất, vào các năm Minh Mạng thứ 6 (1825), 7 (1827), và 18(1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng.
Video đang HOT
Ngọn cao nhất 106 m ở phía tây bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai, gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham. Ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời ( Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai, gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.
Mấy năm trở lại đây, ban quản lý di tích Ngũ Hành Sơn đã khai trương hệ thống thang máy với chiều cao 43 m và bề rộng đủ cho 2 cabin hoạt động lên xuống, sức tải 1,35 tấn, với tốc độ 1,75 m/s. Lồng thang hình bán nguyệt bao bọc bằng kính trong suốt để du khách vừa lên núi, vừa có thể ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Bên cạnh có một cầu thang bộ thoát hiểm. Mỗi lượt thang máy có thể đưa được 20 khách. Giá vé đi thang máy tham quan du lịch tại ngọn Thủy Sơn là 30.000 đồng vé hai chiều
Tuy nhiên, một số du khách vẫn chọn cách đi bộ để thư giãn. Với lựa chọn này, mọi người sẽ có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình xung quanh, hòa mình vào phong cảnh tuyệt đẹp tại Đà Nẵng.
Ngoài việc thăm quan du lịch trên ngọn Thủy Sơn, du khách còn có thể ngắm những tuyệt tác làm từ đá Non Nước. Đây là một loại đá dùng để chế tác các linh vật, tượng Phật có tiếng ở Đà Nẵng.
Mùa du lịch, ngọn núi Thủy Sơn đón rất đông du khách từ mọi miền đất nước.
Theo Zing News
Ngũ Hành Sơn, kiệt tác 'non bộ' giữa lòng Đà Nẵng
Với hệ thống hang động, những ngôi chùa cùng làng nghề truyền thống, Ngũ Hành Sơn là điểm dừng chân hấp dẫn trên hành trình khám phá di sản miền Trung.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của một vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc.
Hang động
Theo con đường ven biển trải dài hút mắt về phía Hội An, mở ra trước mắt du khách là "hòn non bộ" khổng lồ mang tên Ngũ Hành Sơn. Với các tên gọi được đặt theo thuyết ngũ hành gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn, mỗi ngọn núi ở đây lại mang trong mình những câu chuyện truyền thuyết cùng vẻ đẹp huyền bí khác nhau.
Nếu là người ưa khám phá, tham quan hệ thống hang động phong phú và độc đáo ở núi Ngũ Hành là một trải nghiệm đầy thú vị. Để có thể đi hết từ động Quan Âm (Kim Sơn), Huyền Vi (Hỏa Sơn) đến động Âm Phủ, Hoa Nghiêm, Linh Nha, Huyền Không, Vân Thông, Thiên Long, Thiên Phước Địa (Thủy Sơn)..., bạn có thể sẽ mất vài ngày. Tất cả tuy không đồ sộ, hoành tráng nhưng lại mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhờ vẻ đẹp linh thiêng, huyền ảo.
Luồng ánh sáng kỳ ảo trong động Huyền Không.
Trong đó, đẹp và nổi tiếng nhất phải kể đến động Huyền Không, nằm trên núi Thủy Sơn. Là một động lộ, trên trần lại có nhiều lỗ hổng lớn nên khi bước vào, du khách không hề cảm thấy ngột ngạt, ẩm thấp mà ngược lại rất khô, sáng và thoáng mát. Đặc biệt vào những ngày nắng, động bừng lên luồng ánh sáng tự nhiên chiếu thẳng từ trên trần tạo không gian mờ ảo như chốn bồng lai.
Những ngôi chùa
Điều thú vị trong hành trình khám phá Ngũ Hành Sơn là sự đan xen của hệ thống hang động kỳ ảo cùng quần thể chùa chiền cổ kính. Bởi thế đôi khi lần theo những con đường xuyên núi ở Ngũ Hành, du khách sẽ bất ngờ rẽ quặt vào một hang động hay ngôi chùa nào đó.
Tại Kim Sơn có chùa và động Quan Âm; Hỏa Sơn có chùa Linh Sơn và động Huyền Vi, chùa và hang Phổ Đà Sơn; Thổ Sơn có chùa Long Hoa, Huệ Quang; Thủy Sơn có chùa Tam Thai, Linh Ứng, Tam Tôn, Từ Tâm... Các ngôi chùa ở đây hầu hết đều có thế tựa lưng vào núi, tuy nằm không quá cao nhưng tĩnh mịch, linh thiêng. Cùng với những làn gió mát dịu từ biển thổi vào và không gian xanh của núi non, cây cối, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được một cõi bình yên, thanh thản.
Bàn thờ trong động Huyền Không.
Làng đá mỹ nghệ
Sau những giờ phút phiêu du trong huyền tích Ngũ Hành, du khách sẽ dừng chân ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay chân núi. Là một trong những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã gần 400 năm tuổi, nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá đẹp mắt và tinh xảo được tạo nên bởi đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.
Đến thăm một cơ sở sản điêu khắc trong làng nghề Non Nước, du khách không khỏi trầm trồ trước sự phong phú và sinh động của các mặt hàng bày bán. Với kích cỡ lớn và những nét biểu cảm chân thực như người thật, các pho tượng Phật, tượng Thánh, danh nhân... thường được đặt ở khu tiền sảnh nhằm thu hút du khách tham quan. Đặt kế sau là các bức tượng thú, đèn vườn, bình hoa, bia mộ... với kích cỡ nhỏ hơn nhưng không kém phần trau chuốt tạo hình.
Những hòn đá nhỏ thô ráp, vô tri cũng được các nghệ nhân khéo léo chế tác thành nhiều món đồ lưu niệm và trang sức nhỏ xinh, làm quà cho du khách. Bởi thế, sau một vòng tham quan và mãn nhãn với những kiệt tác được làm từ đá khối, khó ai có thể chối từ việc mua một sản phẩm của làng đá làm kỷ niệm và dành tặng người thân.
Các sản phẩm của làng đá Non Nước dưới chân núi Ngũ Hành Sơn.
Theo VNE
Điểm đến lý tưởng cho chuyến nghỉ dài ngày dịp lễ 2/9 Sông nước miền Tây, núi đồi vùng Tây Bắc hoặc các nước Đông Nam Á là những nơi sẽ cho bạn quãng thời gian nghỉ ngơi lý thú, thư giãn. Mộc Châu: Không gian văn hóa Tây Bắc cùng những cung đường uốn lượn, những dải chè bát ngát, đàn bò sữa gặm cỏ... sẽ giúp bạn hòa mình vào thiên nhiên, thư...