Ngọn núi cao nhất Nam bộ và những điều thú vị…
Đây là ngọn núi có nhiều tên gọi, nhưng dân dã nhất là tên gọi núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Ngọn núi được xem là cao nhất Nam bộ, trên đó có tượng thờ Bà Đen được tôn danh Linh Sơn thánh mẫu.
Linh Sơn Tiên Thạch tự ở độ cao 350m trên núi Bà Đen. Ảnh: Đ.Dũng
Gốc tích về Bà Đen có nhiều cách giải thích, đó là người phụ nữ Việt có danh tính, đức hạnh với nỗi niềm oan khiên sau khi chết hiển linh giúp dân. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Bà Đen cũng có nguồn gốc từ nữ thần Muk Juk của người Chăm, Neang Khmau của người Khmer.
* Chỉ dẫn thông tin
Núi Bà Đen ở Tây Ninh đã quá nổi tiếng, được nhiều sách vở đề cập từ xưa đến nay. Thời đại công nghệ với đa dạng phương tiện truyền thông, chỉ cần gõ cụm từ “núi Bà Đen” trong vòng 0,42 giây đã cho kết quả tìm kiếm khá lớn với 930 ngàn thông tin phong phú. Được xem là “nóc nhà” của Đông Nam bộ, núi Bà Đen có độ cao 986m so với mực nước biển. Ngọn núi được mệnh danh “đệ nhất thiên sơn Nam bộ” thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh, có diện tích 24km, gồm 3 ngọn núi tạo thành, gồm núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen.
Núi Bà Đen xưa và nay là điểm đến du lịch lý thú đối với nhiều người. Trong dịp Tết và ngày vía của Bà Linh Sơn (tháng 5 âm lịch) hằng năm, người hành hương rất đông. Năm 2018, lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, cơ sở hạ tầng đến với núi Bà Đen được đầu tư thuận lợi cho khách tham quan, tất nhiên phải trả phí cho các dịch vụ. Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 với quy mô 2.903,79ha, mở rộng và kết nối các khu vực lân cận, tài nguyên di sản, tuyến du lịch quốc tế. Một tương lai phát triển ở khu vực mà núi Bà Đen được chọn làm điểm trung tâm.
Quần thể núi Bà Đen với những giá trị về mặt cảnh quan tự nhiên độc đáo, những thiết chế tín ngưỡng tôn giáo và gắn liền với các sự kiện lịch sử đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1989. Sách xưa về Nam bộ là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào thế kỷ XIX, cho biết ngọn núi này tên gọi Bà Đinh, thuộc trấn Phiên An, đất đá lởm chởm, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, hang hố sâu thẳm… Người dân địa phương thường đào được những vật xưa bằng vàng ngọc…, có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương hoặc có khi thấy rùa vàng ẩn hiện bất thường… thực ra là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc hư ảo. Nhiều tư liệu khác cũng ghi chép những việc linh thiêng của ngọn núi Bà Đen. Tất nhiên, ngày nay với cảnh quan đã khác, núi Bà Đen xưa và nay cũng có nhiều đổi thay trong cả môi trường tự nhiên và nhiều công trình nhân tạo nhưng đây vẫn là một danh thắng nổi tiếng của khu vực Nam bộ, thu hút nhiều khách tham quan.
Núi Bà Đen trở thành điểm đến của nhiều người trong khám phá, du lịch, hành hương tâm linh. Có những con đường đi bộ khá cheo leo cho những ai muốn mạo hiểm nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe, đam mê; trong đó có cung đường Ma Thiên Lãnh mà nhiều bạn trẻ thường lựa chọn. Nhiều người đã chinh phục bằng đường bộ, lên đỉnh cao gần 900m để thỏa thích phóng tầm mắt bao quát chung quanh, chụp những khoảnh khắc với khung cảnh thiên nhiên đẹp. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Thông tin đại chúng cho biết, nhiều người đã gặp nạn trên chặng đường mạo hiểm leo núi Bà Đen trong thời gian qua, phải nhờ đến các biện pháp giải cứu từ cộng đồng khi bị mất phương hướng, bị thú tấn công, bị tai nạn…
Tác giả (bìa phải) dưới chân núi Bà Đen
Hiện nay, khách du lịch có thể tham quan núi Bà Đen thuận lợi khi có hệ thống cáp treo được đầu tư và đưa vào sử dụng mà một số thông tin cho rằng là “nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới được chứng nhận bởi Tổ chức Kỷ lục Guinness”. Nhà ga và hệ thống cáp treo khá hiện đại và những cảnh quan được tôn tạo vừa hiện đại và nổi bật trong màu xanh của núi rừng. Hai hệ thống cáp treo đưa du khách lên trên núi tham quan với một tuyến lên đỉnh núi và một tuyến lên chùa giữa núi ở độ cao 350m. Với hai hệ thống cáo treo ở độ cao khác nhau, du khách có thể nhìn bao quát phía dưới với những mảng cây cối, quần thể đá và làng mạc, đồng ruộng của khu vực chung quanh, xa hơn là hồ Dầu Tiếng với mặt nước bóng loáng khi phản chiếu ánh nắng.
Video đang HOT
* Cơ sở tín ngưỡng và sự kiện lịch sử
Quần thể núi Bà Đen có một số ngôi chùa và các điện, am thờ ở những khu vực khác nhau. Tùy theo địa điểm của chùa mà người dân hay gọi là chùa Thượng, chùa Hạ, chùa Trung. Những ngôi chùa này được xây dựng khá sớm nhưng qua thời gian bể dâu, ảnh hưởng của thời tiết và chiến tranh, một số bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều chùa đã được trùng tu, xây dựng lại, bổ sung những phần kiến trúc mới sau này với hệ thống tượng, am, tiểu cảnh liên quan xung quanh.
Tượng Linh Sơn thánh mẫu trên chùa núi Bà Đen (tượng lớn)
Chùa Bà/chùa Thượng – ngôi chùa xưa nhất trên núi, là tên gọi dân gian trong cộng đồng có tên chữ Linh Sơn Tiên Thạch tự, địa điểm được nhiều người chọn đến tham quan, hành hương (ở độ cao 350m, có hệ thống cáp treo dẫn đến), xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Nơi thờ chính là hang đá tự nhiên có bài trí tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được tạo tác tinh xảo. Từ chùa Bà, một số con đường được xây dựng với các bậc xuyên qua các tán cây, bậc đá, dốc ngược, khúc khuỷu… để đến các ngôi chùa khác, được xây dựng, tôn tạo trên những dấu tích chùa cổ khai sơn có từ giữa thế kỷ XVIII như: chùa Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang), chùa Quan Âm.
Liên quan đến các ngôi chùa này cũng nhiều truyền tích khá lý thú mà ở đó, bóng dáng của những con người xưa liên quan đến các địa điểm này như làn sương mờ ảo ẩn hiện giữa chốn thiền lâm. Phía dưới chân núi Bà Đen, có chùa Hạ/ tên chữ là Linh Sơn Phước Trung với kiến trúc mới trên nền dấu tích nơi thờ Phật xưa nay được bài trí thờ các Thánh mẫu phía hậu điện.
Với đặc điểm tự nhiên, nhiều khu vực trong quần thể núi Bà Đen được các lực lượng cách mạng chọn căn cứ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược: động Kim Quang ở phía Nam núi Bà Đen có hang động độc lập, vực sâu chia cắt là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang cách mạng địa phương; căn cứ Liên đội 7 thuộc khu vực núi Phụng là nơi đóng quân của Trinh sát Miền và những địa điểm ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong các trận đánh tấn công vào cứ điểm quân sự của địch.
Núi Bà Đen với thảm thực vật, động vật và đá hòa quyện nhau. Tín ngưỡng thờ Bà Linh Sơn không chỉ duy trì trong cộng đồng địa phương mà còn lan tỏa trong cả vùng Nam bộ được các nhà nghiên cứu cho là sự dung hòa từ tục thờ nữ thần của người Việt, Chăm, Khmer cùng với hệ thống tượng Phật, thần Thành Hoàng và Ông Tà (Neak Ta) đa dạng… Cùng với những huyền tích gắn với nhiều địa danh Suối Vàng, Đá Nứt, động Kim Quang, Huyền Môn, hang Gió, động ông Tà, động Ông Hổ…, các câu chuyện tâm linh được truyền tụng mang màu sắc bí ẩn, thiêng liêng góp phần cho ngọn núi thiêng được định danh “Linh Sơn”, gắn với cả định danh của đối tượng thờ “Linh Sơn thánh mẫu”.
Ma Thiên Lãnh: Một tên gọi- hai địa danh hấp dẫn khách du lịch
Cùng sở hữu một tên gọi, nhưng hai địa danh dưới đây lại mang trong mình những nét đẹp rất riêng, rất đặc trưng khiến cho các tín đồ đam mê xê dịch vô cùng thích thú.
Nếu đã có dịp về Nam Bộ, bạn sẽ thấy có một số nơi có cùng cái tên Ma Thiên Lãnh. Nhưng có duy nhất 2 địa danh thu hút rất nhiều bạn trẻ trải nghiệm đó là: thung lũng Ma Thiên Lãnh ở thành phố Tây Ninh và đỉnh Ma Thiên Lãnh ở tỉnh Kiên Giang.
Thung lũng Ma Thiên Lãnh, Tây Ninh
Thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm trong quần thể núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh. Thung lũng này được hình thành bởi ba ngọn núi nổi tiếng trong vùng là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo.
Có lẽ cũng chính nhờ điều đó mà thung lũng Ma Thiên Lãnh Tây Ninh sở hữu một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kì vỹ cùng những ngọn núi cao hiểm trở, rừng cây xanh mướt, cùng với khí hậu lại mát mẻ, trong lành.
Vào buổi sáng, những màn sương trắng bay là đà huyền ảo, đến khi mặt trời bắt đầu lặn lại đem đến một khung cảnh hoàng hôn đầy lãng mạn. Thế nên, các tín đồ mê xê dịch đã ưu ái đặc cho nơi đây biệt danh là "Đà Lạt của vùng Đông Nam Bộ".
Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh chừng hơn hai giờ đi xe, Ma Thiên Lãnh từ lâu đã trở thành một điểm đến du lịch Tây Ninh đặc biệt với nhiều phượt thủ. Con đường đến Ma Thiên Lãnh uốn lượn qua vòng thung lũng, có nhiều đoạn cheo leo và cả những cung đường đèo khúc cua khiến bạn tưởng chừng như đang ở Tây Bắc vậy.
Sở dĩ, thung lũng Ma Thiên Lãnh "hớp hồn" khách du lịch cũng bởi nó chưa bị các dịch vụ du lịch ảnh hưởng quá nhiều nên khung cảnh vẫn còn giữ được nguyện vẹn vẻ đẹp hoang sơ mà ít nơi đâu có được. Vào buổi sáng, những màn sương trắng bay là đà huyền ảo, đến khi mặt trời bắt đầu lặn lại đem đến một khung cảnh hoàng hôn đầy lãng mạn
Có khá nhiều địa điểm ở thung lũng Ma Thiên Lãnh mà bạn không nên bỏ qua, đầu tiên chính là con suối vàng trong vắt nằm ngay dưới chân thung lũng. Nếu có dịp du lịch Tây Ninh và khám phá Ma Thiên Lãnh vào mỗi dịp xuân về, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp được tạo nên bởi muôn loài cây lá đâm chồi, nảy lộc cùng những nhánh hoa dại đua nhau khoe sắc bên khe suối.
Tiếp tục vượt qua một quãng đường rừng với cây cối rậm rạp là tới hang Ông Hổ, đây là một hang động nằm rất sâu, ở phía tây của núi Heo. Chinh phục hang Ông Hổ là một trải nghiệm không thể nào quên cho bất kỳ ai, bởi quãng đường không hề dễ dàng tí nào.
Bạn phải trải qua những rừng đầy cây cối, rồi phải trèo đèo, lội suối và càng kì bí hơn khi được kể câu chuyện mãng xà nặng tới trăm kí đang sinh sống ở đây. Vậy nên việc khám phá hang động này có lẽ chỉ dành riêng cho những bạn trẻ can đảm và yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm.
Bên cạnh đó, hồ đá Ma Thiên Lãnh cũng là địa điểm mà bạn nên ghé qua. Hồ đá này được gọi là hồ Mây Núi bởi mỗi buổi sáng, nơi đây lại được phủ một lớp sương mây trẵng xóa in bóng xuống mặt hồ trông vô cùng lung linh, kỳ ảo. Đặc biệt, xung quanh hồ có rất nhiều view đẹp rất thích hợp cho các bạn thỏa sức chụp ảnh làm kỷ niệm.
Ngoài ra, nếu đã tới thung lũng Ma Thiên Lãnh, thì bạn nhất định phải kết hợp với việc chinh phục đỉnh núi cao nhất đồng bằng Nam Bộ - núi Bà Đen.
Đỉnh Ma Thiên Lãnh Hòn Sơn, Kiên Giang
Ngọn núi này cao 450m so với mực nước biển, dường như cũng là cao nhất tại Hòn Sơn. Vậy nên việc chính phục ngon núi này được xem là một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Hòn Sơn.
Để chinh phục núi Ma Thiên Lãnh, từ cầu cảng Bãi Nhà, bạn đi khoảng 1km về hướng Bãi Bàng. Sau đó đi bộ thêm một đoạn, sẽ thấy con đường ở bên tay trái với những bậc thang dẫn lên núi.
1/3 đoạn đường đầu khá dễ đi vì phần lớn là các bậc tam cấp, đường xi măng. Đây là con đường người dân địa phương làm lại để thường xuyên đi lại dễ dàng lên rẫy. Con đường này khá mát mẻ, hai bên đường là những rẫy mà người dân canh tác với đủ loại cây trái: chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh.
Bắt đầu từ chùa Phật Lộ Thiên hay Chùa Phổ Tịnh trở đi, con đường trở nên khó khăn hơn với con đường mòn nhỏ. Cây cối rậm rạp, um tùm cùng những tiếng động lao xao, tiếng chim kêu, vượn hú càng làm cho khu rừng thêm phần âm u, tịch mịch và khiến chuyến đi của bạn càng thêm kích thích.
Cứ thẳng tiếp theo lối mòn quanh co thì bạn sẽ tới một cái hang đá. Theo dân đảo thì thỉnh thoảng có những tu sĩ, người ẩn dật tìm đến nơi đây tu thiền. Trong hang hiện vẫn còn sót lại những vật dụng sinh hoạt: giường, bàn, ghế, giá sách,...được làm hoàn toàn bằng dây mây và cây rừng.
Để lên đỉnh, chúng ta phải vào hang, leo tiếp lên trên sẽ đến được nơi. Khi đã đặt chân đến đỉnh núi, đứng trên những tảng đá lớn giữa đỉnh Ma Thiên Lãnh và phóng tầm mắt ra không gian mênh mông, xanh thẳm của biển trời bạn sẽ thấy bao cố gắng của bạn bỏ ra qua thật xứng đáng.
Ở gần đó là Sân Tiên, nơi có tảng đá lớn vươn ra biển và là điểm check-in cực đẹp không thể bỏ qua khi bạn đã 'chinh phục' được Ma Thiên Lãnh. Tuy nhiên vì mảng đá rêu bám khá nhiều nên sẽ rất trơn trượt và nguy hiểm, vì vậy bạn cần cẩn thận và bảo đảm an toàn của mình là trên hết trước khi 'sống ảo'.
2 địa danh Ma Thiên Lãnh hút giới trẻ khám phá Cùng tên Ma Thiên Lãnh, đây là những địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ check-in, khám phá vì có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng. Ảnh: Lot.travel. 1. Tỉnh nào sau đây có địa danh Ma Thiên Lãnh thu hút giới trẻ khám phá? Ở Nam Bộ có một số địa điểm cùng tên Ma Thiên Lãnh, trong đó thung...