Ngon như bánh bèo tôm chấy Đồng Hới
Một đĩa với những chiếc bánh tròn đều tăm tắp được xếp thành hình bông hoa, với thịt tôm rải vàng ươm và vài miếng tóp mỡ sẽ khiến bất kỳ ai cũng nhớ mãi khi đến với thành phố nắng gió của miền Trung.
Mỗi lần trở về thành phố nhỏ bé của Quảng Bình, món ăn đầu tiên mà tôi nhớ đến chính là bánh bèo. Người thân của tôi thường cười khi tôi ăn sáng bằng bánh bèo, chiều ngủ dậy cũng bánh bèo, tối lượn lờ với bạn bè cũng có thể “chiến” thêm hai đĩa rồi đến hôm sau mở mắt lại buột miệng “đi ăn bánh bèo”.
Sự “quá khích” này có thể một phần do tôi “đam mê” bánh bèo, nhưng bản thân những người Đồng Hới vẫn thường tự hào rằng, đây chính là quê hương của món bánh này và đi đâu ăn cũng không thấy ngon bằng.
Tại Đồng Hới, bạn sẽ bắt gặp những quán bánh bèo nho nhỏ ở khắp nơi. Quán không sang trọng, không hoành tráng, đơn giản là một không gian rộng khoảng 15-10 m2, có thể nằm ở mặt đường, có thể ở trong ngõ sâu, có thể treo biển hoặc không.
Cũng như nhịp sống nhẹ nhàng của Đồng Hới, dù là quán ngon nổi tiếng thì lượng khách thường rải rác chứ không có cảnh đông đúc, chen chúc như những nơi khác. Người ăn, đa số là khách quen, nên có thể vừa “buôn dưa lê” với chủ quán, vừa thưởng thức món ăn dân dã này.
Bánh bèo chính gốc Đồng Hới.
Đó là những đĩa bánh tràn đầy từng chiếc mỏng, trắng đến tinh khôi, với tôm chấy vàng rải đều cùng một ít tóp mỡ nằm trên. 20 chiếc bánh tròn, đều tăm tắp được xếp rất khéo léo trên chiếc đĩa, với cách bài trí đơn giản mà đẹp mắt. Bên cạnh đó là hai bát nước mắt được pha loãng, một bát không ớt và một bát có ớt. Khi ăn, bạn dùng thìa cho nước mắm rải đều trên bánh,
Thưởng thức rồi bạn sẽ cảm nhận vị mát dịu của chiếc bánh, cùng với vị thơm bùi của tôm, cảm giác giòn tan của tóp mỡ, và sự đậm đà của nước mắm.
Để làm chiếc bánh đều tăm tắp như thế, chủ quán có vài chiếc khuôn bằng nhôm, mỗi khuôn có rất nhiều ô tròn. Sau khi hòa bột vào nước, cho khuôn lên bếp và xúc hỗn hợp bột gạo vào khuôn, đun lửa vừa nhỏ đến lúc bánh chín thì nhấc ra.
Video đang HOT
Để có những chiếc bánh tròn trịa như nhau, chủ quán phải dùng khuôn.
Tại các nhà hàng ở Hà Nội, TP HCM, hay các quán xá bình dân ở Huế, Đà Nẵng, bạn cũng ăn bánh bèo với tôm chấy. Nhưng thường, ở đó họ sẽ cho từng chiếc bánh vào chén nhỏ, với ít tôm lên trên, thậm chí tại một số nhà hàng ở TP HCM, nhân của bánh bèo được thay bằng đậu xanh vị ngọt cho hợp khẩu vị người miền Nam.
Trong khi ở Đồng Hới, bên cạnh bánh mỏng, tôm được rắc đầy đặn hơn, dậy mùi hơn. Bởi Đồng Hới là thành phố biển, tôm tươi và rẻ nên chủ quán không hề “kẹo kéo”. Tôm chấy được chế biến từ loại tôm biển tươi, luộc qua bóc vỏ, sau đó giã nhỏ rồi cho lên chảo xào lại để thấm với gia vị, cho vào một bát lớn, sau khi xếp bánh lên đĩa thì rải đều tôm lên.
Tôm chấy.
Ở đây, tôm được rải đầy trên bánh.
Những năm gần đây, người Đồng Hới còn “biến tấu” thêm loại bánh bèo dày. Cũng tôm, cũng tóp mỡ, cũng làm từ bột gạo, nhưng bánh được đúc từ khuôn có hoa văn và độ dày gấp khoảng 6 lần so với chiếc bánh thông thường.
Bánh bèo loại dày hơn, với nguyên liệu và hương vị không khác gì bánh mỏng, nhưng cảm giác ăn “béo” hơn.
Những người thích ăn kiểu “ngầy ngậy” thì “bồ kết” bánh bèo dày. Tuy nhiên, nếu lựa chọn đĩa bánh này, sau một phần ăn bạn sẽ cảm thấy quá no, trong khi với loại bánh mỏng, vào “cơn đói” bạn có thể nhâm nhi được tới 3 đĩa, còn thông thường, hai đĩa là vừa đủ nhất.
Cũng vì là “món gốc”, cho nên về Đồng Hới ăn bánh bèo, bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên khi mỗi đĩa đầy ắp bánh giá chỉ 5.000 -7.000 đồng.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những điều thú vị quanh việc ăn chay ở cố đô Huế
Tục lệ ăn chay có từ bao giờ? Các món sẽ được nấu ra làm sao? Ăn như thế nào? Rất có thể bạn chưa biết hết đâu...
Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý - Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa... đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vuờn chùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.
Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.
Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay tham đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ở xứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.
Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay,...cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay... Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ... thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chế tác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối...v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm. Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt, đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù được làm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen... Và tất nhiên không thể thiếu cơm, xôi...
Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít... với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.
Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi...
Theo PLXH
Vừa lạ vừa quen bún ốc tóp mỡ ngõ Mai Hương Ai đã từng ăn bún ốc ngõ Mai Hương thì những hôm trời trở lạnh sẽ thèm lắm cái hương vị bát nước canh nóng hổi, thơm ngọt và đặc biệt là những miếng tóp mỡ giòn, béo ngậy mà chẳng ở nơi nào có được. Tóp mỡ từng là món ăn dân dã quen thuộc của người Việt Nam một thời nhưng...