“Ngôn ngữ lạ” của một ngôi làng
Ngôn ngữ này tồn tại ở làng Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), được xem là “mật ngữ”, chỉ những người trong làng biết và nói với nhau, người ngoài không thể nào hiểu được…
Mẹo… nói
Dù đã nhiều lần nghe kể về thứ ngôn ngữ độc đáo của làng Phú Hải nhưng chúng tôi – vốn là người làng Phương Lang, chỉ cách Phú Hải một con đường bê tông nhỏ – nhưng chưa từng được nghe trực tiếp chính dân làng này nói ra bao giờ. Để hiểu rõ phần nào về thứ ngôn ngữ lạ lùng này, chúng tôi quyết định tìm về làng Phú Hải trong vai những sinh viên khoa lịch sử về tìm hiểu, nghiên cứu ngôn ngữ của làng. Cùng đi với chúng tôi là một người bạn có am hiểu chút ít về ngôn ngữ của làng Phú Hải.
Bất ngờ vì có khách ghé thăm, ông Trần Đức Tranh, năm nay đã ngoài 80 tuổi, xởi lởi nói với người nhà: “Có chấm óc đáo!”. Chúng tôi ngẩn tò te, chẳng hiểu ông cụ nói gì. Chỉ đến khi anh bạn đi theo phiên dịch, chúng tôi mới hiểu ông cụ nói rằng: “Có khách ghé thăm nhà”.
Sau vài ngụm nước chè xanh, cụ Tranh cho biết ông hành nghề thầy cúng đã hơn 60 năm, nay vì sức khoẻ yếu dần nên chỉ chỗ người quen ông mới gắng gượng giúp. Cụ Tranh là một trong những lớp người già ít ỏi còn lại của làng hiểu rõ về ngôn ngữ lạ mà người làng đang gìn giữ và truyền lưu qua nhiều thế hệ. Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về ngôn ngữ này, cụ Tranh tỏ ra thận trọng, dè dặt hẳn.
Cụ Tranh là một trong những người am tường về chữ Hán và ngôn ngữ riêng của làng Phú Hải
Video đang HOT
“Tiếng nói của làng không thể để người ngoài biết được, điều này đã trở thành luật bất thành văn tự ngàn đời, được mỗi thế hệ người làng khắc sâu vào tâm khảm như là điều tối kỵ. Làng tôi tuy nhỏ hẹp nhưng từ lâu nổi tiếng với nghề làm hàng mã truyền thống và nghề bát âm, thầy cúng. Đây là nghề của tổ tiên xa xưa truyền lại qua nhiều thế hệ, nếu không có ngôn ngữ riêng thì e rằng nghề đã thất truyền ra bên ngoài từ lâu. Bảo vệ được tiếng nói là bảo vệ được nghề, bảo vệ được nghề cũng là bảo đảm cho cuộc sống chúng tôi, vì ngoài nghề này ra thì làng tôi chẳng có nghề gì khác, đất đai canh tác cũng không có nhiều”, cụ Tranh giải thích.
Cụ Tranh kể tổ tiên của người làng Phú Hải ngày nay được di cư từ Thanh Hoá vào cách đây trên 500 năm, dòng họ lâu nhất đã trải qua đời thứ 21. Làng Phú Hải có 4 họ gồm Lê, Trần, Hồ, Võ nhưng toàn thôn cũng chỉ có khoảng 70 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. Làng Phú Hải xưa có vị trí cách làng cũ khoảng 5 km. “Cách đây mấy chục năm, làng tôi nằm ở rú cát nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và nạn bão cát hoành hành nên làng quyết định dời về quần tụ nơi đây”, cụ Tranh kể.
Những bậc cao niên làng Phú Hải cho biết, ngôn ngữ riêng của làng ra đời từ xa xưa với mục đích để chỉ người làng “nói cho nhau nghe” nhằm gìn giữ nghề của cha ông khỏi thất truyền ra các vùng khác. Theo cụ Tranh, thực ra “mật ngữ” của làng Phú Hải cũng chỉ là cách nói mẹo, đánh tráo chữ, dựa trên ý nghĩa của ngôn ngữ Hán, Nôm. Từ ý nghĩa và cách phát âm của những ngôn ngữ này mà tổ tiên làng Phú Hải đã sáng tạo ra cách nói của riêng mình.
Ví dụ như từ “tỏi” có nghĩa là đi (trong chữ Hán nghĩa từ “hành” là đi, ở đây người làng Phú Hải đã đánh tráo chữ “hành” thành chữ “tỏi” – hành, tỏi vốn là một loại củ có cùng họ hàng với nhau), hoặc chữ “tẩu” có nghĩa là đi, thoát – người làng thường hay nói “tẩu vi thượng sách” nghĩa là thoát thân là tốt nhất trong một tình huống nguy cấp nào đó. Ngoài nguyên tắc dùng chữ Hán, đánh tráo chữ Hán thì ngôn ngữ làng Phú Hải còn có những chữ không thể nào cắt nghĩa được, ví như: nấu cơm thì gọi là “chử náp” uống nước thì gọi là “cửa thổi” người gần chết thì gọi là “thượng gần uốn”…
Trong các lễ cúng tại những nơi khác, khi người làng Phú Hải hành nghề thì có sự phân công công việc riêng. Ví như “Bo đã ngẵng vi xuôi” (trong câu này có ý nghĩa là: tôi đánh trống, ông thổi kèn”. Hay trong một cuộc trò chuyện nào đó, khi có sự tranh cãi xảy ra thì một người nói “Sư ngọa mô xâu” (có nghĩa là: ông không biết gì hết).
Đi đâu cũng giữ tiếng của làng
Làng Phú Hải dù chỉ có số dân khiêm tốn nhưng là một cộng đồng gắn kết bền chặt. Dù đi đâu, làm gì thì cốt cách, giọng nói của người làng vẫn không hề thay đổi và khó lẫn vào đâu được. Ngoài thứ ngôn ngữ lạ được gìn giữ qua nhiều thế hệ khá độc đáo thì ngay cả tiếng nói của người làng Phú Hải vẫn mang đặc trưng riêng. Dù bốn bề của làng tiếp giáp với những ngôi làng khác nhưng giọng nói của người làng Phú Hải vẫn rất riêng, không giống với bên ngoài. Tiếng nói mang âm điệu lên xuống bất thường, âm vực rộng và nặng, giọng điệu nhấn nhá rất thú vị, nếu được ngồi trò chuyện cùng những người làng, đặc biệt là những người lớn tuổi thì người nghe mới cảm nhận hết nét đặc trưng độc đáo này.
Cổng vào làng Phú Hải
Ngày nay, do đất đai chật hẹp trong khi con cháu ngày một đông, một số con em của làng đã rời quê hương đi nơi khác để làm ăn. Người làng Phú Hải chủ yếu vào Huế sinh sống và làm nghề, khu vực Cồn Hến ở thành phố Huế ngày nay có số lượng người làng Phú Hải làm nghề khá đông.
Anh Mai Phương, một người cháu ngoại của làng Phú Hải vào sinh sống và làm nghề hàng mã tại khu vực chợ Cống (Thừa Thiên Huế) đã hơn 10 năm nay, cho biết: “Dù sống xa quê nhưng tôi vẫn luôn cố gắng giữ gìn thứ tiếng nói độc đáo và nghề truyền thống của quê hương mình. Tôi nghĩ rằng đó cũng là nét văn hoá đẹp cần gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ con cháu để nhắc nhở về quê hương bản xứ nơi mình từng sinh ra và lớn lên”.
Dù đi đâu, làm nghề gì đi nữa thì người làng Phú Hải vẫn giữ “mật ngữ” của mình, không bao giờ truyền ra ngoài. Thứ ngôn ngữ của làng được giữ bí mật hầu như tuyệt đối. Thậm chí là đối với người làng khác đến làm dâu, rể nhưng hầu như cũng chỉ biết bập bõm vài từ đơn giản mà thôi. Ngay như chị Nguyễn Thị Hằng, ở làng Linh Chiểu, làng nằm kế bên làng Phú Hải về làm dâu đã 30 năm nay nhưng cũng không thể hiểu được ngôn ngữ của quê chồng.
Chị Hằng thật thà cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe chồng con trong nhà trao đổi với nhau bằng thứ tiếng lạ ấy nhưng không biết là bố con đang nói gì. Tôi ít để ý, với lại thấy không cần thiết để hỏi nên đâm ra “mù” luôn ý nghĩa của ngôn ngữ này”.
Những gì chúng tôi tìm hiểu được chỉ là một phần nhỏ của những câu nói thông thường trong sinh hoạt hàng ngày, còn muốn tìm hiểu sâu xa hơn kho tàng “chữ lạ” của làng Phú Hải thì có lẽ… không thể bởi đó là điều bí mật như ông Tranh nói là “sống để bụng, chết mang theo”! Và chính vì lẽ ấy mà những ngôn ngữ lạ này mãi mãi là điều bí ẩn, tạo nên sự thú vị và độc đáo khi tìm hiểu về ngôi làng nhỏ bé này…
Theo Dantri
Trống đồng Cảnh Thịnh: Tỏa sáng tinh thần Tây Sơn
Trống Cảnh Thịnh được đúc vào tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời Nguyễn Quang Toản (năm 1800, thời đại Tây Sơn) tại xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).
Trống Cảnh Thịnh được lưu giữ tại chùa Nành (chùa Linh Ứng, Gia Lâm, Hà Nội). Trống được đúc mô phỏng theo kiểu trống da với thân trống nở nhẹ ở giữa, trông hệt một chiếc trống da thường thấy. Thay vì hình mặt trời ở trên mặt trống như những chiếc trống đồng khác, chính giữa mặt trống cong vồng lên là hai vòng tròn nổi. Thân và chân trống liền nhau trang trí nhiều loại hoa văn. Hoa văn trên thân trống chia thành 3 đoạn. Đoạn thứ nhất gồm các hoa văn nhũ đinh, hoa bốn cánh, kỳ lân, hoa, rồng phượng, mây như ý hình tim. Ngoài ra còn có những chữ Hán nêu ngày, địa điểm đúc trống đồng. Đoạn thứ hai cũng trang trí hồi văn, ở giữa khắc chữ Hán. Đoạn thứ ba có bốn nhóm minh văn, bốn nhóm hoa văn, hai nhóm trang trí kỳ lân, rùa. Trống đúc bằng phương pháp khuôn sáp. Trên trống có đôi quai tròn nay đã đứt một chiếc.
Một giá trị đặc biệt khác của trống chính là phần tư liệu - một bài minh dài 272 chữ được khắc trên thân trống. Bài văn này được viết bằng chữ Hán với nội dung nói về bà Nguyễn Thị Lộc, người góp công lập chùa Linh Ứng (Gia Lâm, Hà Nội). Trống Cảnh Thịnh phản ánh sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng cổ truyền của dân tộc. Trống góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập trống đồng cổ và là nguồn sử liệu có giá trị về lịch sử đương thời. Trống Cảnh Thịnh còn được các nhà khoa học đánh giá là tiêu biểu nhất cho hiện tượng "trống da hóa" trống đồng, cũng như đưa cả một "sơ yếu lý lịch", một câu chuyện cuộc sống lên trống. Ở chiếc trống đồng đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia này vẫn mãi tỏa sáng một tinh thần, một vẻ đẹp của thời đại Tây Sơn nói chung và của nước Việt Nam nói riêng.
Theo ANTD
Đổ xô xem cá lóc nổi chữ trên đầu Trụ trì chùa cùng một người rành tiếng Hán dùng kính lúp để phóng to lên thì phát hiện 18 chữ Hán trên đầu cá. Trưa 17/5, hàng trăm người dân kéo về chùa Phổ Quang (đóng ở thôn 1, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'ga, Đăk Lăk) để tận mắt chứng kiến hai con cá lóc được cho là nổi chữ...