Ngôn ngữ không lời – vũ khí của hạnh phúc
Trong giao tiếp, ngôn ngữ không lời có tầm quan trọng hơn cả giao tiếp có lời nhưng điều này ít ai để ý, hoặc biết nhưng không áp dụng vào thực tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
GS.TS tâm lý học Albert Mehraham, trong cuốn Silent Messages, đã viết: Sức mạnh của thông điệp thể hiện ở ngôn từ 7%, giọng nói 38%, hình ảnh (ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ không lời) 55%. Điều ai đó nói ra chưa chắc đã là điều họ muốn nói, mà điều họ muốn nói lại ẩn chứa trong hình ảnh và giọng nói. Cùng một câu nhưng nói với giọng điệu khác nhau, cử chỉ điệu bộ khác nhau sẽ có nghĩa khác nhau. Vì vậy, việc khó nhất trong giao tiếp là sự thấu hiểu. Thông thường chúng ta lắng nghe nhưng không thật sự thấu hiểu, vì ta mới chỉ lắng nghe bằng tai chứ chưa lắng nghe bằng mắt, bằng trí óc, con tim. Nghe bằng tai mới chỉ hiểu được 7% thông điệp – điều người khác muốn nói. Nghe bằng mắt sẽ nghe được 55%, nghe bằng trái tim sẽ cảm nhận được cảm xúc trong giọng nói của người khác. Nghe bằng trí óc sẽ thêm hiểu ý nghĩa của ngôn từ và phi ngôn từ…
Trong giao tiếp giữa vợ và chồng, các con số mà GS Albert Mehraham đưa ra càng có ý nghĩa. Đôi khi điều vợ/chồng muốn nói với nhau lại không được thể hiện qua lời nói mà chủ yếu là qua giọng nói, hình ảnh.
Có một câu nói tôi rất thích “Không có một sự hấp dẫn giới tính nào bằng giọng nói”. Vậy mà, nhiều phụ nữ đã quên mất sức mạnh của giọng nói, khi nói với chồng thường có giọng gay gắt, chỉ trích, giận dỗi… Trong khi đó, các cô gái bên ngoài, các cô đồng nghiệp, các cô bán hàng, làm việc ở các dịch vụ… lại luôn nói thật ngọt ngào. Có lẽ các ông chồng thích ở quán xá mà ít thích về nhà là vậy. Tôi thường nói các chị đừng lo làm cách gì cao xa để giữ chồng, chỉ cần quan sát các cô gái làm dịch vụ là biết mình cần làm gì rồi. Sao họ làm được với chồng mình mà mình lại không? Sao lại để những bức bối của cuộc sống cơm áo, gạo tiền tước mất vũ khí mạnh nhất của mình? Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn cơ mà. Các chị cứ lo “thuận” đi đã, mọi khó khăn rồi vợ chồng sẽ cùng vượt qua được hết. Thực ra, những rắc rối, khó khăn trong cuộc sống phần lớn đều do không thuận mà ra. Nhiều tiền hay ít tiền không quyết định cảm xúc hạnh phúc hay bất hạnh của ta mà chỉ do vợ và chồng ứng xử với nhau như thế nào lúc nhiều tiền hay ít tiền mà thành hạnh phúc hay bất hạnh!
Video đang HOT
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hình ảnh là toàn bộ ngôn ngữ cơ thể của đối tượng khi giao tiếp. Nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành động… thể hiện rất nhiều thông điệp. Vợ chồng đôi khi chỉ cần nhìn nhau âu yếm là có thể bùng cháy đam mê. Một cái nắm tay khi chồng đang mệt, một động tác gãi lưng, mátxa cho nhau, một cử chỉ vòng qua eo khi vợ đang nấu cơm… cũng đủ truyền rất nhiều sức mạnh, niềm vui, cảm hứng cho người bạn đời! Cử chỉ âu yếm chính là một trong những biểu hiện mạnh mẽ nhất của tình yêu, là một trong 5 ngôn ngữ của tình yêu (theo Gary Chapman, tác giả cuốn Năm ngôn ngữ của tình yêu), giúp phá tan mọi rào cản và làm giàu thêm tình cảm. Vai trò của xúc giác đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Các chuyên gia đã làm thử nghiệm tại một bệnh xá của London. Theo đó, vào đêm trước khi phẫu thuật, bác sỹ giải phẫu sẽ đến thăm người bệnh của mình, nói với anh ta về công việc sắp tới đồng thời trả lời các câu hỏi của bệnh nhân. Trong suốt thử nghiệm này, bác sỹ sẽ vừa nắm tay người bệnh vừa nói chuyện. Những bệnh nhân này thường có khả năng phục hồi nhanh gấp ba lần những bệnh nhân không được bác sỹ tiếp xúc như thế. Trong quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân, cái nắm tay còn có tác dụng như thế, huống gì trong quan hệ vợ chồng.
Không chỉ giúp người khác thêm sức mạnh, mà khi bạn chạm vào ai đó một cách ân cần, chính cơ thể bạn cũng có nhiều thay đổi: mức độ hormone căng thẳng giảm, hệ thần kinh thư thái, khả năng miễn dịch mạnh hơn và trạng thái cảm xúc cũng cải thiện. Khi không được ôm ấp, vỗ về, con người dễ bị bệnh tinh thần và thể chất. Đó cũng là lý do những người không lập gia đình có sức khỏe và tuổi thọ kém hơn những người có gia đình. Bạn có thể làm cho đời sống tình cảm của gia đình bạn gia tăng hơn rất nhiều khi ta biết nhân lên những cử chỉ âu yếm giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nụ cười là một ngôn ngữ không lời tuyệt vời nhất. Trong bộ phim Cô bé may mắn, có một câu nói lặp đi lặp lại “Luôn luôn mỉm cười may mắn tự nhiên đến”. Bạn có tin không? Tôi thì tin, vì tôi biết nụ cười trao cho ai đó là ta đang trao sự tôn trọng, sự yêu thương, sự quan tâm… của ta dành cho người đó. Khi ta cười chính ta cũng thêm hạnh phúc. Biết mỉm cười cũng là một trong 9 nguyên tắc vàng của nghệ thuật đắc nhân tâm (Dale Carneige). Vợ chồng thường xuyên cười với nhau và cười cùng nhau sẽ giảm bớt sự mâu thuẫn, hóa giải mâu thuẫn nhỏ và dễ tìm tiếng nói chung trong những mâu thuẫn lớn. Tôi luôn mỉm cười với chồng khi anh ấy cau có. Cười cầu hòa, cười biết lỗi… rất có lợi trong trường hợp ai đó đang giận mình. Phụ nữ mỉm cười càng trở nên dễ thương hơn. Tôi thấy không có một loại mỹ phẩm nào làm phụ nữ đẹp hơn khi họ cười. Người biết suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời, biết chấp nhận và bao dung sẽ luôn có cơ hội mỉm cười!
Đặc biệt, trong giao tiếp nơi phòng the, ngôn ngữ không lời càng là ngôn ngữ chính yếu để hai vợ chồng bày tỏ tình yêu. Đôi khi chỉ một đụng chạm nhẹ cũng là khởi đầu của một buổi tối đầy lãng mạn. Ngược lại, chỉ một ánh mắt cau có cũng có thể chặn đứng cảm xúc giới tính ở người bạn đời.
Ngôn ngữ còn rất nhiều những biểu hiện khác, rất phong phú đa dạng mà vợ/chồng có thể sử dụng trong giao tiếp hàng ngày như nhìn nhau âu yếm, giúp nhau làm việc, chăm sóc nhau ân cần, ăn mặc phù hợp với gu của bạn đời, dùng nước hoa… Đồng thời, chúng ta cũng cần tránh những ngôn ngữ không lời tiêu cực như cái nhìn vô cảm, nhìn trách móc, gương mặt cau có, nụ cười mỉa mai, hành động đá thúng đụng nia, …
Theo Bưu Điện Việt Nam
Ngôn ngữ của tình yêu
Lấy nhau gần sáu năm, nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn cứ vướng víu trong giao tiếp. Vợ tôi, một phụ nữ con nhà Hà Nội gốc, vẫn khăng khăng muốn tôi phải nói "Anh yêu em", trong khi tôi, một gã đàn ông Nam bộ quê mùa, chỉ quen nói "Anh thương em".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong tôi, ý nghĩa chữ thương đằm thắm hơn, da diết hơn và bền chặt hơn. Như ông bà ta nói "Thương nhau đứt ruột đứt gan", có ai nói "Yêu nhau đứt ruột đứt gan" đâu. Thế mà vợ tôi vẫn cứ gặng tới gặng lui: "Anh có yêu em không?", tôi thì cứ lì ra mà trả lời: "Hỏi gì hỏi hoài vậy?".
Ảnh hưởng bởi các bộ phim lãng mạn của Hàn Quốc, vợ tôi rất tán thành cái chuyện thể hiện tình yêu bằng những hành động nho nhỏ dành cho nhau. Đã con cái đùm đề với nhau mà cô ấy vẫn cứ thở vắn than dài khi xem những cảnh tỏ tình lãng mạn trên phim, đại khái như là một biển hoa hồng, chiếc nhẫn kim cương lấp lánh với những kiểu cách trao tặng đặc biệt. Trong blog của mình, có lần tôi đọc thấy vợ tôi thở vắn than dài vì chẳng có kỷ niệm ngây ngất nào về ngày nhận được lời tỏ tình hay lời cầu hôn của tôi.
Còn tôi, tôi cứ nghĩ vợ tôi phải hiểu chuyện sáng nào tôi cũng thức sớm, dắt xe ra cửa, kiểm tra bình xăng, thắng xe của vợ. Tôi đố lão chồng ngoại lãng mạn nào bền bỉ sáu năm trời mỗi tuần 5 buổi dắt xe cho vợ như tôi. Đúng là tôi không nhớ được những ngày kỷ niệm nụ hôn đầu tiên, ngày nói lời tỏ tình đầu tiên nhưng có bao giờ ngày sinh nhật vợ, ngày kỷ niệm đám cưới mà tôi không tự mình lãnh phần lo mấy bữa cơm trong ngày cho cả gia đình, dù có khi chỉ là mua con vịt quay hay mua về mấy phần cháo vịt Thanh Đa mà vợ tôi ưa thích.
Tôi cũng hiểu, nên thay đổi chút ít vì người mình yêu, ví dụ như tôi phải cố gắng đi mua hoa, cố học những kiểu cách nhẹ nhàng, ga lăng hay thắm thiết hơn... Nhưng, những điều đó quá khác với tính cách và những hình dung của tôi nên đôi khi những điều tôi làm lại biến thành chuyện khôi hài vợ mang đi kể với bạn bè cho... vui, như có lần tôi lỡ mua tặng vợ hoa... vạn thọ vì sinh nhật nàng rơi đúng vào ngày rằm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cũng vì thế, hai năm yêu nhau, sáu năm chung sống, giữa chúng tôi dù không đến nỗi bất đồng nhưng vẫn còn đó tình cảnh "khập khiễng trong ngôn ngữ tình yêu". Vợ tôi biết chồng yêu mình nên tỏ thái độ "chấp nhận", còn tôi thì dù đã cố gắng hết sức, vẫn không thể làm cho vợ hạnh phúc trọn vẹn. Hóa ra, chuyện giao tiếp vợ chồng dù đã rất "thiện ý" mà sao vẫn... khó "thông thoáng" quá.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Ghi điểm trong lần đầu ra mắt Lần đầu ra mắt gia đình bạn trai rất quan trọng và bạn cần ghi điểm trong mắt bố mẹ anh ấy. Dưới đây là những lời khuyên cho bạn để tránh làm mất thiện cảm trong dịp này. 1. Thúc giục chuyện cưới xin Gặp gỡ bố mẹ anh ấy không có nghĩa là bạn có thể áp đặt hay thúc giục...