Ngon ngọt với rau dớn rừng
Mùa mưa, rau dớn rất xanh non nên đồng bào các dân tộc ở Đắk Nông thường đi hái về chế biến thành nhiều món ăn ngon. Với đặc điểm mọc ở vùng núi cao, dớn từ lâu đã là loại rau ưa thích của người M’nông, Mạ hay Ê đê.
Cây rau dớn có cành dài, lá nhỏ xòe rộng. Cây mọc ven khe sông, suối, xen lẫn với các loại cây cỏ khác trong rừng. Có nơi, cây mọc thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Khi đi rừng, nếu bị thương, người dân thường tìm lá rau dớn non, nhai nát đắp lên vết thương để cầm máu. Phần lá già và cành, người dân thường đem băm nhỏ, phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Rau dớn non tơ ở nửa đầu mùa mưa nên dịp tháng 7, tháng 8, người dân hay đi hái loại rau này. Để chế biến món ăn từ cây dớn, bà con chỉ ngắt lá non và đọt non, cong cong như cái vòi voi, dài hơn gang tay. Lá non và đọt dớn có vị hơi chát, nhơn nhớt nhưng nấu chín lại giòn sựt, nhai kĩ thấy bùi bùi, ngọt miệng.
Đọt rau dớn xanh non có nhiều vào đầu mùa mưa.
Rau dớn rất dễ chế biến thành các món xào, luộc, nấu canh, muối chua… Rau dớn ăn sống hoặc luộc chấm muối ớt hoặc nước mắm ớt ăn giòn sựt, vị ngọt, có chút nhẵn nhớt đặc trưng. Chỉ cần nhặt những ngọn non, rửa sạch cho vào nồi nước thật sôi, khi vừa chín tới vớt ra cho rau không bị nhừ. Đây là cách chế biến dân dã, đơn giản, tự nhiên như cách sống vốn có của đồng bào nơi đây. Món rau luộc đơn giản nhưng giữ trọn vẹn hương vị riêng của dớn. Rau dớn xào và nấu canh cũng là những món ăn thông dụng. Người M’nông chuộng cách dùng rau dớn nấu canh với các loại thịt, tép, cua. Món này giàu dinh dưỡng, có hương thơm thanh khiết, khi ăn thấy sần sật thấm vị ngọt của rau rừng. Người M’nông, Mạ, Ê đê còn dùng rau dớn để nấu canh thụt, thay thế cho lá bép. Mùa mưa, khi đi hái được nhiều đọt non, đồng bào còn phơi khô cất trữ hoặc muối chua làm nguyên liệu nấu ăn những ngày khan hiếm. Ngày nay, nhiều hộ đồng bào chế biến món gỏi rau dớn rất ngon miệng. Đọt dớn sau khi luộc sơ qua nước sôi được trộn với tôm, thịt luộc, đậu phộng và gia vị như muối, bột ngọt, chanh. Món gỏi khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, chát nhẹ, giòn sựt của rau dớn hòa cùng. Ăn kèm tôm, thịt càng làm hao cơm.
Hấp dẫn món rau dớn xào.
Không chỉ cải thiện bữa ăn trong gia đình, rau dớn còn là đặc sản đãi khách trong cộng đồng người Ê đê hay M’nông, Mạ. Trên mâm cơm, màu xanh non của rau dớn khiến người ăn mát lòng mát dạ. Đồng bào các dân tộc thiểu số còn xem rau dớn là một loại thảo dược dùng để chữa một số bệnh như cảm, ho, viêm họng, lợi tiểu, chống táo bón. Rau dớn ngày nay càng được nhiều người ưa chuộng, tìm kiếm để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày bởi được xem là thứ rau sạch thơm ngon, bổ dưỡng.
Hương miền sơn cước
Từ đông sang xuân, dưới những tán rừng ẩm ướt, bên khe hố hoặc ven sông suối, rau dớn phát triển mạnh. Rau được người dân hái về làm nguồn thức ăn. Đây là loại rau có thể chế biến được nhiều món ngon trong bữa cơm gia đình.
Đơn giản nhất là món rau dớn luộc. Lựa rau non, vòi nhiều hơn lá, cọng mập mạp. Dùng tay ngắt từng đoạn ngắn, rửa sạch. Bắc nước sôi, cho vào tí muối. Sau đó cho rau vào đảo đều, chờ nước sôi lại là vớt rau ra rổ tre cho ráo nước. Khi luộc, nhớ cho lửa mạnh và không đậy vung, không để sôi lâu để giữ cho rau có màu xanh, và không bị nhớt. Món rau luộc này có thể ăn với nhiều loại nước chấm, nhưng ngon nhất phải là mắm nêm giằm ớt tỏi. Rau dớn luộc giòn, ngọt, ăn vào rất thấm thía.
Cầu kỳ hơn tí là món rau dớn xào tỏi. Tỏi giã dập. Rau dớn trước khi xào cần luộc sơ qua để rau giữ màu xanh đẹp. Khử dầu, phi tỏi đã giã, sau đó cho rau dớn vào. Nêm gia vị vừa ăn, dùng đũa đảo nhẹ và tắt bếp. Bí quyết để có món rau dớn xào tỏi ngon là phải rắc thêm ít tiêu vào đĩa rau. Mùi thơm của tiêu tỏi, cùng với vị giòn, ngọt và hơi chát của rau dớn cũng có thể khiến thực khách thích thú.
Rau dớn cũng có thể ăn sống, làm gỏi, dùng để nấu canh chua hoặc làm rau nhúng lẩu. Nhưng vì có vị nhớt, nên hai món rau dớn luộc và xào tỏi, tuy đơn giản nhưng lại khoái khẩu và phổ biến nhất.
Loài rau miền sơn cước này, từ lâu đã trở thành một đặc sản dân dã mà đậm đà. Hương vị núi rừng ấy đã tỏa lan đến khắp nhà hàng, phố thị. Còn gì thú vị hơn là nhấm nháp đĩa rau sạch từ rừng!
Cá lóc hấp nước cốt dừa ăn là ghiền Món cá lóc hấp nước cốt dừa khi ăn nóng sẽ cảm nhận vị béo của nước cốt dừa, vị bùi bùi, ngon ngọt của thịt cá lóc. Cuối tuần rồi, bạn của ông xã ghé chơi, tôi định bụng đi siêu thị mua vài món về làm cho các anh vừa lai rai vừa hàn huyên tâm sự. Mới dắt xe ra...