Ngon miệng với nằm khau
Mâm cơm ngày tết của đồng bào Tày, Nùng không bao giờ thiếu món nằm khau.
Ngoài thịt gà sống thiến, thịt lợn xá xíu, ba chỉ áp chảo, chân giò kho mác mật, miến măng nấm hương… mâm cơm ngày tết của đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc không bao giờ thiếu món nằm khau.
Món gì tên nghe lạ vậy? Hỏi ra mới biết đó là món thịt heo nấu nhừ, xếp trên bát lùm lùm hình quả đồi nên gọi là nằm khau (tiếng Tày, Nùng nằm là chín nhừ, khau là quả đồi). Món này còn có tên gọi khác là khau nhục (khau: đồi, nhục: thịt).
Nằm khau mới hấp còn nguyên hình bát úp – Ảnh: H.M.Sơn
Nằm khau được làm từ thịt ba chỉ. Nghe vậy hẳn có người sẽ nghĩ món ăn chắc là ngấy. Nhưng không. Với tài nấu nướng của mình, những “đầu bếp gia đình” ở các bản làng đã làm nên món nằm khau khiến người ăn phải gật gù, khen ngợi.
Tôi đã từng tò mò xem người trong bản làm món này. Thịt ba chỉ cắt miếng to chừng bàn tay, cạo rửa sạch sẽ rồi đem luộc. Chỉ luộc sơ, cốt để miếng thịt săn lại. Dùng que tre nhọn đầu xăm kỹ phần bì, xong xoa đều một lượt giấm hoặc nước cốt chanh. Thịt được ướp mắm muối, bột ngọt, để mươi phút cho ngấm. Mới thế thôi đã nghe dậy mùi thơm quyến rũ.
Video đang HOT
Thịt sau đó được đem rán trong chảo mỡ sôi. Khi rán phải quay mặt bì xuống dưới để bì chín vàng. Do đã ngấm giấm chua, lớp bì nở phồng, giòn xốp mà không cứng. Cũng không cần phải rán kỹ quá, chỉ cần bì nở đều, có màu vàng là được.
Nhưng như thế mới chỉ được một nửa công đoạn chế biến. Thịt vớt ra, để đó cho nguội và ráo mỡ. Bắt đầu sang phần làm khoai môn, loại khoai củ to hơn nắm tay, nhiều bột, có vân màu tím, được bà con trồng nhiều trong vườn nhà, không phải môn ngứa. Khoai môn gọt vỏ, bổ dọc, thái lát dày đem chiên giòn. Khoai chiên xong, lát nào lát nấy se vàng, sém cạnh, thơm ngọt và bắt mắt.
Thịt và khoai đã chế biến xong. Bây giờ mới là khâu cuối cùng để cho ra đời món nằm khau. Thịt được thái ra từng miếng dày, lại tẩm ướp một lần nữa với gừng tươi, tỏi bằm và quả mác mật khô giã nhỏ. Chế thêm một chút nước mắm, một thìa rượu trắng. Xếp thịt và khoai vào bát. Khi xếp phải lật ngược miếng thịt cho phần bì quay xuống. Cứ một miếng thịt xen kẽ một miếng khoai. Xong xuôi, úp một chiếc bát khác lên trên làm nắp đậy, lật ngược lại rồi đem hấp cách thủy.
Những miếng nằm khau ngon lành – Ảnh: H.M.Sơn
Mâm cơm ngày tết đã được dọn ra. Rượu xuân đã được rót. Mọi người nâng ly chúc tụng. Lúc đó người nội trợ mới mở vung nồi, bê khay hấp ra. Những bát nằm khau vẫn còn nóng hổi.
Mở nắp đậy, bát thịt đầy có ngọn, những miếng thịt xếp đều chằn chặn còn nguyên hình bát úp. Màu bì vàng ruộm, nâu đỏ. Mùi thơm của mác mật, gừng, tỏi… hòa quyện thành một hương vị đặc biệt, sực nức, ngạt ngào. Gắp một miếng nếm thử. Thịt thơm ngậy, mềm lừ. Khoai vừa bột vừa bùi, dẻo quánh. Hai vị này quyện với nhau thật hài hòa. Béo mà không mỡ, nhừ mà không nát.
Nằm khau ăn nóng, ấm sực cả người. Gắp thêm miếng nữa, nhấp một chút rượu, hơi xuân thêm phần nồng nàn, câu chuyện đầu năm càng thêm rôm rả.
Theo Ba Hưng (tuoitreonline)
Khâu nhục - sự cầu kỳ mang đến món ăn tuyệt hảo
Với người dân Xứ Lạng, món khâu nhục hay còn gọi là "nằm khâu" theo cách gọi của người dân tộc đã không còn xa lạ, nhưng với nhiều vùng miền khác thì việc nghe đến tên cũng là một điều bí mật.
Khâu nhục là món ăn mang văn hóa Trung Quốc, nhưng qua bàn tay của người dân Lạng Sơn nó đã được biến tấu và trở thành món ngon và đôc đáo trong mỗi bữa cơm sang trọng, tiếp đón khách phương xa hay lễ tiệc của người dân vùng này.
Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ với nguyên liệu là thịt ba chỉ và hầm cách thủy trong thời gian khá lâu.
Theo anh Lê Văn Cao (một chủ quán khâu nhục ngon nổi tiếng ở Lạng Sơn): "Bí quyết của món này là phải biết chọn nguyên liệu ngon, nêm gia vị cho phù hợp và làm kỹ trong từng khâu chế biến".
Trước hết là thịt ba chỉ ngon nhất của con lợn 60-70kg là vừa, nếu không sẽ bị béo quá. Ngoài ra cần các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, khoai môn, địa liền, tỏi, ớt, mật ong, xì dầu, rượu, giấm, bột ngọt, hạt tiêu và đặc biệt là phải có loại rau muối mặn của đồng bào dân tộc thì món mới ngon và đặc trưng.
Thịt ba chỉ cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước, cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới. Thịt ba chỉ sau khi luộc sơ được tẩm gia vị là giấm và xì dầu để lên màu bóng mượt rồi dùng tăm tre chọc bì thật kỹ để bì có khả năng hấp thụ nước cho mềm. Càng châm kỹ thì miếng thịt sẽ càng ngon hơn và đem quay, vừa quay vừa quyết mật ong cho vàng bì hoặc cho vào chảo mỡ chao cho vàng miếng thịt rồi vớt ra để nguội.
Khoai môn hoặc khoai lang gọt vỏ, thái miếng cho vào mỡ chao giòn, vớt ra để nguội. Gia vị của món khâu nhục rất cầu kì. Rau muối mặn dùng để làm thức ăn mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang.
Thái thịt thành từng miếng độ dày mỗi miếng khoảng 2 ngón tay rồi xếp thịt lên trên đĩa khoai thành hình tròn, úp bát to vào lật lại để nguyên đĩa, xếp từng bát thịt vào nồi hấp cách thủy độ 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ thì là món ăn đã hoàn thành
Bỏ ra thịt có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng mà không lẫn đi đâu được.
Món khâu nhục đã trở thành món ăn truyền thống của người dân Lạng Sơn và một điều hấp dẫn với khách du lịch. Ở bất cứ đám cưới nào của người dân nơi đây ta cũng dể dàng bắt gặp món ăn này. Tuy đã quá quen thuộc nhưng khâu nhục vẫn là một món ăn mà ai ăn cũng "gật gù" khen ngon.
Theo VNE
Nhớ Lạng Sơn là nhớ khau nhục Khau nhục là món ăn không thể thiếu ở các dịp lễ tết, nhà mới, sinh nhật, đám cưới... của người Nùng, Tày ở Lạng Sơn. Đây là món gia truyền, truyền thống của người Nùng, Tày nên ai cũng biết nấu. Để có được món khau nhục ngon thì phải chọn tảng thịt heo ba chỉ thật ngon, có nhiều mỡ chút...