Ngon hết nấc ve sữa rang nước măng chua Tây Bắc
Những chú ve sữa vàng óng, giòn rụm, sực mùi thơm của nước măng chua và lá chanh hòa quyện đủ khiến bất kì ai yêu thích các đặc sản Tây Bắc phải thòm thèm.
Bên cạnh những khung cảnh thơ mộng và hùng vĩ của núi rừng, vùng đất Tây Bắc còn gây thương nhớ cho du khách bởi những món ăn độc đáo của đồng bào người dân tộc Thái, Mông… Trong đó, ve sữa rang nước măng chua là 1 trong những món ănđược người dân nơi đây rất yêu thích và xem nó là món đặc sản đãi khách quý gần xa.
Để kiếm được những chú ve non béo tròn, bóng bẩy, bà con người Thái ở Sơn La phải đợi lúc trời vừa tối, những chú ong non mới chui lên khỏi mặt đất, thân cánh còn mềm, chưa thể bay đi xa. Lúc này, chỉ cần dùng tay là có thể dễ dàng bắt được chúng rồi thả vào chai nước muối đã pha sẵn.
Càng ở những nơi ẩm ướt, có nhiều cây đại thụ thì càng có nhiều ve. Muốn ăn ve non hơn thì đào những đụn đất nơi ve còn nằm ở phía dưới – bà Lò Thị Nhung (xã Chiềng Cọ, TP.Sơn La) chia sẻ.
Ve non có kích thước bằng đầu ngón tay úi, mình tròn, màu nâu hoặc xanh nhạt, thân và cánh rất mềm.
Theo bà Nhung, ve non sau khi bắt về phải tiếp tục được ngâm nước muối khoảng 1 tiếng và rửa lại vài lần để làm sạch đất và ấu trùng rồi mới đem chế biến. Gia vị để làm món ve non rang nước măng chua khá đơn giản, bao gồm nước măng chua, vài ba quả ớt, củ sả, lá chanh thái sợi và ít dầu (mỡ). Bí quyết nấu ngon nằm ở việc phải chọn được nước măng chua chuẩn – đó là loại nước màu vàng đục mùi rất nồng, được chắt ra trong quá trình ngâm củ măng tươi cùng nước suối tự nhiên.
Video đang HOT
Khác với kiểu rang thông thường là phi thơm hành mỡ rồi mới cho nguyên liệu vào xào, bà con người Thái ở đây sẽ cho ve đã rửa sạch vào 1 cái chảo lớn, đổ nước măng chua vào xâm xấp mình ve rồi đun trên lửa nhỏ cho đến lúc cạn nước. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ các mùi hôi của ve và đảm bảo chúng được nấu chín đều.
Sau khi nước cạn, người Thái mới cho mắm muối, ớt và dầu mỡ vào chảo và đảo đểu. Kinh nghiệm của người Thái là chỉ cần rang đến lúc ve chuyển sang màu nâu cánh gián, bóng bẩy, mình hơi trong là phải tắt bếp ngay. Có như vậy thì ve mới giữ được phần sữa non trong bụng, giúp món ăn ngậy hơn, và không bị xác.
Phần ve sau khi rang xong sẽ nhanh chóng trút ra đĩa rồi rắc ít lá chanh thái sợi lên trên và nhất định phải dùng khi còn nóng. Có như thế mới cảm nhận hết vị giòn tan, béo ngậy và cả mùi thơm nực của nước măng chua và lá chanh hòa quyện.
Ve non sau khi rang cùng nước măng chua sẽ giòn tan, nhai nghe rôm rốp, đặc biệt tỏa ra mùi thơm đặc trưng của sả, lá chanh và nước măng chua hòa quyện.
Với cuộc sống gắn bó chặt chẽ với núi rừng, bà con người Thái ở Sơn La từ lâu đã xem các loại côn trùng là 1 trong những nguồn thức ăn chủ yếu của mình. Họ rất quý và ưa thích chúng vì cho rằng các loại đồ ăn đến từ tự nhiên luôn luôn sạch sẽ và có lợi cho sức khỏe.
Dế, châu chấu, bọ xít, nhộng ong, ve sầu….mùa nào thức nấy, bà con nơi đây đều sáng tạo cho mình những cách nấu ngon nhất, phù hợp với từng loài và biến chúng thành những món ăn đặc sản khó quên cho vùng cao Tây Bắc.
Theo Danviet
Vừa rẻ lại ngon, đặc sản hạt mề gà rừng Tây Bắc khiến 'vạn người mê'
Hạt mề gà không chỉ hấp dẫn bởi vị ngọt thanh, bùi dẻo như hạt dẻ mà còn bởi cái màu vàng óng như lòng đỏ trứng ẩn sau lớp vỏ đen sẫm. Loại đặc sản của núi rừng Tây Bắc này được rất nhiều "thượng đế" mê mẩn.
Hạt mề gà hay còn được gọi là hạt mắc lạng (mác ngoạng), là một trong những loại trái cây đặc sản của vùng núi Sơn La. Tháng 7 hàng năm, tranh thủ lúc nương lúa đang đổ ải, nhiều bà con người Thái ở Sơn La lại rủ nhau lên rừng tìm loại hạt vàng ươm như trứng gà này.
Chị Quàng Thị Ngọc, bản Bó Cón (Chiềng An, TP.Sơn La), người thường xuyên đi tìm hái hạt mề gà chia sẻ: "Cây mề gà sai quả lắm. Nó chỉ mọc hoang ở trong rừng. Cây sống tự nhiên nên cho quả rất ngon và thơm. Mùa này (tháng 7) cây mề gà cho trái nhiều, mỗi ngày tôi cũng kiếm được chục kg. Nhưng phải tranh thủ đi hái nhanh kẻo để già quá nó rụng hết."
Cây mề gà là loại cây thân gỗ, cao chừng 3-5 mét, lá to, tán rộng, cho bóng mát quanh năm. Quả mề gà mọc thành chùm như cánh quạt. Lúc chín có màu đỏ lựng như ớt trông rất đẹp mắt. Bà con người Thái thường đợi lúc quả nở bung lớp vỏ ngoài, để lộ phần hạt bóng thẫm bên trong thì mới tiến hành thu hoạch vì lúc này là thời điểm hạt mề gà cho chất lượng ngon nhất, hạt to, đều và rất dẻo.
Quả mề gà to bằng nắm tay trẻ con, lúc chín lớp vỏ ngoài tách làm đôi, để lộ phần hạt tròn xoe, trông rất đẹp mắt.
Hạt mề gà sau khi được rửa sạch có thế được chế biến thành nhiều món như luộc, nướng, nấu canh xương.... Nhưng với bà con người Thái thì hạt mề gà vùi tro bếp mới là cách thưởng thức chuẩn nhất. Chỉ cần vùi hạt vào lớp tro nóng còn óng ánh đốm lửa, đợi đến lúc ngửi thấy mùi thơm nực ngập tràn trong căn bếp là dấu hiệu hạt đã chín, có thể lấy ra dùng luôn. Cách chế biến này sẽ giúp hạt chín bằng nhiệt mà không bị mất nước, nên sẽ giữ trọn hương vị vốn có của nó.
Hạt mề gà có hình dạng hơi tròn, to bằng ngón tay cái, lớp vỏ ngoài mỏng màu nâu thẫm.
Hạt mề gà không chỉ hấp dẫn bởi vị ngọt thanh, bùi dẻo như hạt dẻ mà còn bởi cái màu vàng óng như lòng đỏ trứng ẩn sau lớp vỏ đen sẫm.
Cũng theo chị Ngọc, hạt mề gà ăn rất ngon, bùi như hạt dẻ, lại lạ mắt nên không chỉ người dân trong bản mà ở thành thị cũng rất ưa chuộng . Những hôm hái nhiều, nhà ăn không hết, chị lại đem ra chợ bán. Mỗi kg hạt mề gà được bán với giá 20.000-30.000 đồng. Mỗi ngày, chị cũng kiếm được vài trăm thêm thắt chi tiêu.
"Bây giờ những loại quả rừng thế này hút khách lắm vì nó không chỉ ngon, rẻ mà còn rất "sạch". Có ngày tôi gom 2 tạ hạt mề gà mà vẫn chưa đủ bán cho khách", chị Trần Thị Hoa, tiểu thương buôn bán hoa quả ở tổ 9 Chiềng Sinh (TP.Sơn La) chia sẻ.
Theo Danviet
Sơn La: Bí quyết muối măng ngon, để được quanh năm của người Thái Từ lâu, các món ăn được chế biến từ măng luôn được rất nhiều người yêu thích và tìm kiếm. Trong đó, măng muối là món ăn phổ biến, đơn giản nhưng kích thích vị giác vô cùng. Là những người có đời sống gắn bó chặt chẽ với cây măng, bà con người Thái ở Sơn La đã tìm ra bí quyết...