“Ngôi trường xác sống”: Khúc bi ca tưởng niệm về thảm kịch chìm phà Sewol
8 năm trước, Hàn Quốc chấn động và bao trùm không khí đau thương vì thảm kịch chìm phà Sewol khiến hơn 300 người, trong đó có 250 học sinh thiệt mạng. Một lần nữa, khi xem bộ phim zombie “ Ngôi trường xác sống” ( All Of Us Are Dead), khán giả lại nhói lòng vì những tình tiết ẩn ý, nhắc nhớ đến thảm kịch này.
“Ngôi trường xác sống” có nhiều chi tiết ẩn ý, khiến khán giả nhớ đến thảm kịch chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014. Ảnh: Netflix.
Series zombie “Ngôi trường xác sống” (All Of Us Are Dead) của Hàn Quốc đang tiếp tục duy trì sức hút, giữ vững vị trí số 1 chương trình truyền hình hàng đầu của Netflix toàn cầu 13 ngày liên tiếp (kể từ ngày 29.1).
Nhưng không chỉ gây ấn tượng bởi sự hoành tráng của dàn zombie khát máu, “Ngôi trường xác sống” đã vạch trần vấn nạn đau lòng của bạo lực học đường và những góc khuất trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt, khán giả xúc động khi bộ phim có nhiều tình tiết ẩn ý, gợi nhớ thảm họa chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014.
Thảm kịch chìm phà Sewol được nhắc nhớ trong “Ngôi trường xác sống”. Ảnh: Naver
Bạo lực học đường – nguyên nhân của thảm họa
“Ngôi trường xác sống” theo mô-típ của hầu hết phim thể loại zombie, kinh dị Hàn Quốc, nhưng chủ đề chính được nhấn mạnh ngay từ đầu là bạo lực học đường.
Đó là bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của đa số với thiểu số, bạo lực của giáo viên đối với học sinh, của nam giới đối với phụ nữ và bạo lực do sự khác biệt giai cấp tạo ra. Bạo lực học đường là trung tâm của nguồn gốc và sự lây lan virus zombie (thây ma).
Giáo sư Lee Byeong Chan đã nghiên cứu ra virus mới vì đứa con trai Jinsu bị bạn học bắt nạt, đánh đập đến chết. Ông mong con sống lại và có khả năng chống trả. Nhưng không may, đây là virus zombie khiến Jinsu hung hãn, điên cuồng mất kiểm soát, tấn công cả mẹ ruột. Sau đó, một nữ sinh đã vô tình nhiễm virus này khiến chúng lây lan ra toàn trường.
Lee Byeong Chan sai lầm khi phát minh ra thứ virus quá nguy hiểm, nhưng cũng thật đau lòng vì nó xuất phát từ tình cảm dành cho đứa con bị hệ thống giáo dục thối nát bỏ rơi. Ông từng đến trường phản ánh về việc con trai bị bắt nạt, nhưng nhà trường ngó lơ vì cho rằng đó là trò trẻ con.
Mặc dù gây tranh cãi, song phân cảnh nữ sinh Eun Ji bị đám bạn nam cầm đầu bởi Gwi Nam ép cởi đồ để quay “ video nóng” vẫn là chi tiết gây ám ảnh, phản ánh trực diện vấn nạn bắt nạt trong môi trường giáo dục.
Eun Ji sợ hãi đến mức có ý định tự tử và luôn canh cánh nỗi lo video đó bị đăng lên mạng, mặc kệ hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, zombie đang lây lan chóng mặt.
Thật đáng buồn, thay vì trấn an, cô giáo nói với học sinh bị bắt nạt rằng: “Nếu bạn bè làm như vậy, chắc chắn em cũng có vấn đề”.
Không chỉ vậy, một nữ sinh mang thai mà thầy cô, bạn bè không hề biết. Cô bé đã tự sinh con và có ý định bỏ đứa bé vì sợ hãi trách nhiệm.
“Ngôi trường xác sống” đưa ra thông điệp rằng, cách giáo dục sai lầm của giáo viên sẽ hủy hoại nhiều học sinh và xã hội mà họ dày công xây dựng trong tương lai.
Hệ thống giáo dục thối nát gây ức chế đến đỉnh điểm khi ban giám hiệu chỉ tìm cách che giấu, lấp liếm thảm họa mà bỏ mặc các em học sinh trước loại virus chết người.
Nhói lòng khi nhắc nhớ thảm họa chìm phà Sewol
Theo Hankook Ilbo, trong “Ngôi trường xác sống”, các yếu tố phản ánh xã hội như thảm họa chìm phà Sewol và đại dịch cũng rất ấn tượng, khiến khán giả đồng cảm.
Giống như 8 năm trước, những đứa trẻ trường trung học Danwon trên phà Sewol đã chết oan, vì sự tắc trách của thuyền trưởng và các thành viên thuỷ thủ đoàn. Một lần nữa, học sinh trường Hyosan trong phim bị đẩy đến cận kề cái chết vì bị người lớn bỏ rơi, cô lập, mặc kệ tự sinh tự diệt. Tàn nhẫn hơn nữa khi lực lượng quân đội thay vì cứu những đứa trẻ, đã quyết định đánh bom vào ngôi trường để diệt virus lây lan.
Các em đã đặt niềm tin sai chỗ khi trông chờ người lớn đến giải cứu, rồi cuối cùng nhận ra, chỉ có thể tự cứu chính mình: “Tôi không tin người lớn”, “Cháu sẽ không bao giờ nhờ người lớn làm gì nữa”, “Khi trẻ em chết, hy vọng sẽ biến mất. Khi người lớn chết, tri thức sẽ không còn. Hy vọng và tri thức, liệu ta sẽ coi trọng gì hơn?”…
Những đứa trẻ đã sai khi đặt niềm tin vào người lớn.
“Ngôi trường xác sống” càng giống với thảm kịch chìm phà Sewol khi có phân cảnh những đứa trẻ đứng trước máy quay, gửi lời oán trách: “Bố mẹ đã đến tận trường để cứu chúng tôi, nhưng cảnh sát và lính cứu hỏa đã bỏ rơi chúng tôi. Nếu sau này có ai xem video này, hãy trừng phạt những kẻ đích đáng. Không ai cứu chúng tôi cả”.
Tình yêu trong sáng của Cheon Sang – On Jo và Nam Ra – Soo Hyuk vừa chớm nở cũng chóng tàn vì sự ích kỷ của người lớn, như cặp đôi đáng thương được tìm thấy thi thể buộc vào nhau trong phao cứu sinh trên phà Sewol 8 năm trước.
Sau tất cả, những dải ruy băng vàng ở cuối phim khiến khán giả xúc động nhớ về 250 dải ruy băng thắt chặt ước vọng tuổi trẻ của những cô cậu học sinh ngây ngô mãi mãi ra đi sau thảm kịch chìm phà Sewol.
Điều gì khiến series zombie "Ngôi trường xác sống" bùng nổ?
Giống như "Squid Game", series zombie Hàn Quốc - "Ngôi trường xác sống" (All Of Us Are Dead) đang tạo nên "cơn sốt" toàn cầu với loạt thành tích đáng nể. Bộ phim thu hút khán giả bởi đột phá trong bối cảnh, nội dung và màn thể hiện ấn tượng của dàn diễn viên trẻ triển vọng.
Tầm ảnh hưởng của phim truyền hình Hàn Quốc gia tăng
"Ngôi trường xác sống" (All Of Us Are Dead) thu về 124,79 triệu lượt xem trong 3 ngày kể từ 28.1, gấp đôi so với "Squid Game" (63,19 triệu) và 3 lần của "Hellbound" (43,48 triệu).
Theo Flix Patrol, "Ngôi trường xác sống" đang giữ vững vị trí số 1 trong Top 10 chương trình truyền hình hàng đầu của Netflix toàn cầu trong 10 ngày liên tiếp, với 835 điểm. Bên cạnh đó, bộ phim hiện vẫn đứng đầu tại 45 quốc gia.
Deadline cho biết, thành tích của "Ngôi trường xác sống" đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có nhiều nhất các bộ phim không nói tiếng Anh đứng đầu Top 10 Netflix tại Mỹ, củng cố vị thế là nhà cung cấp nội dung địa phương hấp dẫn nhất.
"Ngôi trường xác sống" phá kỷ lục lượt xem tuần đầu tiên của "Squid Game".
Theo Deadline, "Ngôi trường xác sống" được hưởng lợi từ sự quan tâm tăng vọt đối với phim truyền hình Hàn Quốc sau khi "Squid Game" thành công ngoài mong đợi.
Nhưng "cú đấm" có một không hai của "Squid Game" và "Ngôi trường xác sống" không phải bây giờ mới có hiệu lực. Kể từ năm 2019 đến 2021, lượng khán giả quan tâm nội dung K-drama trên Netflix đã có tốc độ gia tăng nhanh chóng, với số người xem ở Mỹ tăng hơn 200%.
Tầm ảnh hưởng của phim truyền hình Hàn Quốc đối với khán giả quốc tế tăng cao, là tiền đề cho "Ngôi trường xác sống" có lượng khán giả tin tưởng nhất định cả trước và sau khi phim lên sóng.
Về sự nổi tiếng liên tiếp của "Squid Game" và "Ngôi trường xác sống", kênh truyền thông điện ảnh Screen Land nhận định, "Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc lớn trong lĩnh vực giải trí và điều đó chứng minh rằng, nó sẽ là nguồn "sức mạnh" khó chống lại trong tương lai".
Bối cảnh học đường và chủ thể học sinh là đột phá của bộ phim.
Những đột phá so với K-zombie thông thường
Dòng phim zombie (thây ma) là một trong những thể loại nổi tiếng của điện ảnh xứ kim chi. The Guardian đánh giá: "Hàn Quốc làm rất tốt ở thể loại này. Bất cứ ai đã xem "Train to Busan" đều biết rằng, Hàn Quốc là quốc gia làm phim về zombie giỏi nhất".
Phim zombie được thực hiện đầu tiên trong phim ảnh phương Tây. Nhưng đến khi Hàn Quốc "nhúng tay" vào, nó mới thực sự tạo thành "hiện tượng". K-zombie được coi là một cuộc cách mạng khi zombie tiến hóa lên phiên bản "made in Hàn Quốc".
Giống như "Train to Busan", "Kingdom" hay "Alive", zombie trong "Ngôi trường xác sống" có vẻ ngoài máu me, ghê rợn và điên cuồng, cải tiến rất nhiều so với các đặc tính cũ.
Ngoài ra, nhà làm phim Hàn Quốc gây ấn tượng khi kết hợp những yếu tố mang tính bản địa, phản ánh hiện trạng xã hội như bạo lực học đường, sự bất công trong hệ thống giáo dục, mặt tối của lòng người... Tuy nhiên, bộ phim cũng có hạn chế khi tham tình tiết và giải quyết các hiện trạng chưa triệt để, mạch phim lê thê ở nửa sau.
Mặc dù vậy, "Ngôi trường xác sống" vẫn thu hút bằng những điểm đột phá so với K-zombie trước đó. Bối cảnh trường học với chủ thể học sinh là một ý tưởng táo bạo.
Không phải những người trưởng thành như "Train to Busan" hay binh lính tinh nhuệ trong "Bán đảo", chính những cô cậu học trò ngây ngô phải tìm cách sinh tồn trước loại virus chết người, vì bị cô lập, bỏ rơi.
Bối cảnh trường học với không gian giới hạn như thư viện, phòng học, hành lang... kết hợp các vũ khí chống zombie "cây nhà lá vườn" như tủ sách, bàn ghế, khay cơm, cửa kính, dụng cụ thể dục... được vận dụng hiệu quả. Vừa phù hợp hoàn cảnh mà vẫn đảm bảo được yếu tố rùng rợn cần thiết.
Diễn xuất ấn tượng, lăn xả của dàn diễn viên trẻ Yoon Chan Young, Yoo In Soo, Park Solomon, Cho Yi Hyun... với ngoại hình sáng, phản ứng quá mức, khiến cuộc đuổi bắt càng trở nên kịch tính.
Cặp đôi diễn viên Cho Yi Hyun và Park Solomon được quan tâm.
Bên cạnh đó, việc đan xen chuyện tình lãng mạn giữa các học sinh là yếu tố giúp "Ngôi trường xác sống" thu hút nhiều hơn đối tượng khán giả. Đạo diễn Lee Jae Kyu chia sẻ: "Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, tình yêu và tình bạn là một phần quan trọng. Không dễ để nói về thanh thiếu niên ngoài hai điều này.
Ngoài ra, người xem sẽ kiệt sức nếu phim chỉ có rượt đuổi, các vấn đề về tình yêu, tình bạn có thể là chủ đề tốt để dẫn dắt mạch phim. Tôi muốn làm một bộ phim về thây ma mà nhiều người có thể xem, hơn là một tác phẩm chỉ có những người cuồng phim kinh dị mới xem".
Trên thực tế, định hướng của đạo diễn đã thành công khi "Ngôi trường xác sống" (All Of Us Are Dead) thuộc thể loại zombie, sinh tồn lại được rất nhiều khán giả trẻ theo dõi. Đặc biệt, các hoạt động bên lề của dàn diễn viên trẻ triển vọng trở thành đề tài được quan tâm, điều này góp phần duy trì sức nóng cho bộ phim.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dòng phim về virus thây ma càng được quan tâm hơn khi khán giả tìm thấy niềm hy vọng, khi con người cùng đoàn kết để chống lại những thảm họa.
Trailer All Of Us Are Dead
'Ngôi trường xác sống': Nơi hoàn toàn không có dấu hiệu của sự giải cứu, tung trailer đầy gay cấn và kịch tính Netflix chính thức tung trailer và hình ảnh cho bộ phim Ngôi trường xác sống ( All of Us Are Dead), với đầy rẫy xác sống đang lây lan khắp ngôi trường, thành phố và càn quét mọi thứ trong hỗn loạn. Tất cả chúng ta đều phải sống sót! Một cuộc trốn chạy đầy mưu trí của nhóm học sinh gan dạ...