Ngồi thuyền khám phá vẻ đẹp hòa quyện của Tràng An
Như lạc bước vào xứ sở thần tiên với sự thoắt ẩn, thoắt hiện của mây trời, non nước là cảm nhận chung của nhiều du khách khi đặt chân đến Tràng An.
Theo quốc lộ 1A tìm về khu danh thắng Tràng An, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rất đỗi thanh bình của mây trời non nuớc nơi đây. Bỏ lại sau lưng những con phố ồn ào, chen lấn, du khách bước lên thuyền từ bến Tràng An sẽ bắt đầu chuyến hành trình khám phá đầy bất ngờ và thú vị.
Du khách ngồi thuyền ngao du trên sông Sào Khê. Ảnh: Mèo gi
Con thuyền nhỏ nhẹ lướt trên dòng sông Sào Khê xanh biếc, hai bên hoa súng nở bung. Dưới làn nước trong vắt là những thân rong mềm mại đung đưa theo nhịp chèo khua. Khi còn đang mải mê với những đàn dê trên sườn núi hay câu chuyện của người lái đò chở khách tham quan, chiếc thuyền sẽ bất ngờ chậm lại để luồn qua khe núi – hang Địa Linh.
So với ngồi thuyền trên dòng suối Yến ở chùa Hương hay Ngô Đồng ở Bích Động, điểm thích thú nhất của hành trình xuôi dòng khám phá Tràng An là du khách được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc khi qua 12 động xuyên thuỷ nối với nhau bởi các thung. Đó là cảm giác cúi gập người khi đi qua hang tối và hơi nóng bủa vây vì mạch nước nóng giữa lòng hang. Trái ngược hoàn toàn là cảm giác thoải mái thẳng lưng đi qua hang Sáng. Do lòng hang cao, lại khá ngắn nên ánh sáng lúc nào cũng ngập tràn từ hai phía cửa hang, khiến các nhũ đá hình thù kỳ lạ bừng lên sắc màu lung linh, huyền ảo.
Thuyền xuyên lòng hang rộng ngập tràn ánh sáng. Ảnh: Mèo gi
Không chỉ mang trong mình một vẻ đẹp riêng, mỗi hang lại gắn liền với một truyền thuyết. Câu chuyện được biết đến nhiều nhất có lẽ là hang Nấu Rượu. Tương truyền, do phát hiện trong hang có giếng nước ngon nên người xưa đã vào đây lấy nước nấu rượu tiến vua. Tên gọi của hang cũng ra đời từ đó. Cùng với đó là những sự tích hấp dẫn của hang Si, hang Sính, hang Ba Giọt, hang Quy Hậu… lần lượt được kể bởi những người lái đò kiêm “hướng dẫn viên”.
Với lộ trình gần như khép kín một chiều, nên du khách không hề cảm thấy nhàm chán trong khoảng ba giờ ngồi thuyền khám phá Tràng An. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa hoa cỏ, những dãy núi đá vôi và dòng nước hiền hòa, dịu nhẹ đã biến cảnh sắc vốn hết sức thân quen trở thành kiệt tác muôn màu, biến đổi sau mỗi thung, hang.
Video đang HOT
Đền Trần linh thiêng giữa rừng Tràng An. Ảnh: Nguyên Anh
Nhưng đó chưa phải là tất cả ở Tràng An, bởi hành trình về danh thắng của đất Cố đô sẽ không trọn vẹn nếu du khách bỏ qua các di tích lịch sử ở đây. Trước tiên là đền Trình nằm ngay cửa vào hang Địa Linh, nơi thờ hai vị giám quan từng canh gác ở khu vực này. Nằm giữa rừng cây, theo lối lên với hàng trăm bậc đá là đền Trần, nơi thờ Quý Minh Đại Vương, viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18. Sau cùng là Phủ Khống, nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo này còn đồng điệu với thiên nhiên, tạo nên khung cảnh linh thiêng, huyền bí. Để rồi chỉ cần thời gian ngắn trong ngày, du khách có thể vừa ngồi thuyền ngao du sơn thủy, vừa đi bộ leo núi, khám phá cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng kho tàng văn hóa, lịch sử Tràng An.
Bạn cũng có thể kết hợp chuyến đi Tràng An với các điểm du lịch khác trong quần thể danh thắng được UNESCO công nhận như Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư hay xa hơn là khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long, vườn Quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm…
Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới gồm 3 khu vực bảo tồn chính là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư.
Theo VNE
5 điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động... Ninh Bình còn được biết đến bởi rất nhiều khu di tích lịch sử và điểm du lịch tâm linh.
Hiện nay Ninh Bình có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa gắn với các triều Đinh, Tiền Lê, Lý... Một số điểm di tích nổi tiếng nay đã được đưa vào các tour du lịch tâm linh như cố đô Hoa Lư, chùa Bích Động...
Chùa Bích Động
Được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", chùa Bích Động nằm cách bến thuyền Đình Các 3 km về phía tây nam và tọa lạc trên sườn núi Bích Động. Công trình kiến trúc cổ này được xây dựng theo kiểu "Tam" Hán tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp theo sườn núi, dựa vào thế núi từ dưới lên tạo thành ba ngôi chùa riêng biệt là Hạ, Trung và Thượng. Nhờ vậy chùa, núi và động kết hợp hài hòa với nhau, ẩn hiện giữa những vòm cây đại thụ xanh biếc.
Những nét chạm trổ đắp nổi trên vòm mái của cổng chùa Bích Động.
Đền thờ Đức Thánh Nguyễn
Đền thờ Đức Thánh Nguyễn thờ Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không (hay Lý Quốc Sư) thuộc địa phận huyện Gia Viễn. Đền được xây dựng trên nền ngôi chùa Viên Quang do chính Nguyễn Minh Không dựng vào năm 1121. Sau khi ông mất người dân đã thờ ông tại đây. Đền Thánh Nguyễn đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tháng 2/1989.
Đền thờ Đức Thánh Nguyễn ở xã Văn Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính có diện tích khoảng 700 ha được xây dựng tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Không chỉ có vẻ đẹp uy nghiêm, trầm mặc, chùa Bái Đính còn vô cùng nguy nga, hoành tráng. Đây là một địa điểm du lịch tâm linh xác lập được nhiều kỷ lục bậc nhất, không chỉ trong mà cả ngoài nước: bộ Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, hành lang La Hán dài nhất, chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất, chuông đồng lớn nhất... Ngoài ra, tại đây đang lưu giữ nhiều viên ngọc xá lợi, báu vật quý của Phật.
Bái Đính hiện nơi sở hữu rất nhiều tượng Phật có kích thước lớn.
Cố đô HoaLư
Cho đến ngày nay cố đô Hoa Lư vẫn còn gìn giữ được nhiều công trình kiến trúc văn hóa lịch sử có giá trị như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê...Bên cạnh đó là cả những dấu tích thành trì cổ xưa còn sót lại, những núi non, hang động kỳ thú.
Cổng vào cố đô Hoa Lư.
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn có diện tích khoảng 22 ha. Đây được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Điều đặc biệt ở kiến trúc của nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình Công giáo nhưng lại mang những nét đặc trưng của kiến trúc triều đình, chùa truyền thống của Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá nên mọi người quen gọi là Nhà thờ đá. Đây không chỉ là công trình bằng đá đặc sắc nhất Việt Nam mà cũng rất hiếm thấy trên cả thế giới.
Cảnh chính diện của nhà thờ đá Phát Diệm.
Theo VNE
Ghé thăm Tràng An - di sản văn hóa thế giới 'kép' Điều gì khiến Tràng An, Ninh Bình được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới kép với hai hạng mục nổi bật về văn hóa và thiên nhiên? Non nước Việt Nam đẹp tự nhiên thuần túy có tiếng từ bao đời, trải dài từ nam ra bắc mỗi nơi mang một vẻ đẹp khác nhau: nơi thì hoang sơ,...