Ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường bị cháy
Ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường, với tuổi thọ hơn 100 năm đã bị thiêu huỷ trên 90%, cùng 200 hiện vật quý trong bảo tàng đã bị cháy hoàn toàn. Đây là hậu quả từ việc làm vô ý thức của 4 du khách người Việt.
Theo thông tin từ Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tỉnh Hoà Bình, ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn trong một vụ cháy. Vụ cháy diễn ra vào lúc 19h ngày 24/10 vừa qua đã khiến nhà Lang – ngôi nhà sàn của vị quan Lang duy nhất còn sót lại và đang được bảo tồn tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường – đã bị thiêu hủy hơn 90%, chỉ còn trơ lại cột.
Thông tin từ phía ông Vũ Đức Hiếu – Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cho biết: Vụ việc xẩy ra do một nhóm khách tại Hòa Bình, gồm 2 nam 2 nữ đi trên hai ôtô, vào Bảo tàng Mường tham quan và sử dụng dịch vụ ăn uống trên nhà Lang. Trong thời gian chờ đợi món ăn, nhóm khách tự ý đốt lửa ở bếp Mường trong nhà Lang để… nướng ngô. Khi ngọn lửa bùng lên, khách hoảng loạn, không kêu trợ giúp từ nhân viên Bảo tàng mà bỏ chạy, hậu quả là toà nhà Lang cuối cùng đã bị phá huỷ. Không những gây nên vụ cháy khiến một trong những di sản văn hoá cực kỳ quan trọng bị phá huỷ, trong khi lên xe ôtô tháo chạy, 4 người kể trên còn dùng xe húc thẳng vào ba nhân viên Bảo tàng khi các nhân viên này muốn ngăn họ lại.
Ông Vũ Đức Hiếu cho biết, khi đám cháy bùng lên các nhân viên, cán bộ Bảo tàng Mường đã làm mọi công tác và biện pháp khống chế, khắc phục họa hoạn: sử dụng bình cứu hỏa sẵn có, gọi cứu trợ Cứu hỏa 114, gọi trợ giúp 113… tuy nhiên, do tuyến đường từ thành phố Hòa Bình dẫn vào Bảo tàng Mường đang trong quá trình sửa chữa, xe cứu hỏa sau 30 phút mới tới được nơi xảy ra cháy. Trong khi ngôi nhà Lang, chủ yếu kết cấu bằng hệ khung gỗ, sàn vách gỗ, mái cọ, là những vật liệu rất dễ cháy, hậu quả là ngôi nhà cùng gần 200 hiện vật nhiều chủng loại bằng đồng, gỗ, gốm, tre, vải… nguyên bản từ nền văn hóa Mường đã bị thiêu hủy hoàn toàn.
Nói về hậu quả của vụ cháy, phía bảo tàng cho biết: Ngôi nhà Lang, với tuổi thọ hơn 100 năm, của gia đình quan Lang nhà bà Hà Thị Lợi thuộc địa phận Mường Chậm, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, một công trình kiến trúc nguyên bản của nhà Lang – tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường – được gia đình lưu giữ qua nhiều đời, và được Bảo tàng Mường bảo tồn như một hiện vật văn hóa giá trị nhất đã bị thiêu hủy trên 90%, chỉ còn lại bộ khung cột.
Gần 200 hiện vật được lưu giữ bên trong tái hiện nguyên bản đời sống sinh hoạt của nhà Lang, bao gồm: bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, bộ sưu tập đồ đồng sinh hoạt gồm sanh, ninh, mâm, chậu, nồi các cỡ, đèn đồng; các loại đồ gốm bát, đĩa, bình, lọ; các loại đồ gia dụng mây tre đan, rương, chăn, gối… được Bảo tàng Mường tìm kiếm và sưu tập trong thời gian gần 15 năm, đã bị thiêu hủy toàn bộ.
Ông Vũ Đức Hiếu, giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, nhận định: “Đây là một thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ riêng với Bảo tàng Mường về giá trị vật chất và tinh thần, mà còn là sự tổn hại của cả nền văn hóa Mường, bởi sự độc nhất của ngôi nhà Lang và các hiện vật là không thể tái hiện lại”.
Mất mát này còn là hồi chuông cảnh báo về thái độ và hành vi ứng xử của con người đối với các giá trị di sản văn hóa. Những công trình, hiện vật được lưu giữ, bảo vệ và chăm sóc của cả xã hội trong nhiều năm, bỗng chốc hóa thành mây khói chỉ vì hành vi thiếu ý thức và thái độ của một số cá nhân.
Ngôi nhà của của cụ Hà Thị Hợi, hiện cụ đã gần 114 tuổi
Ngôi nhà Lang trước khi bị cháy
Video đang HOT
Các hiện vật có trong ngôi nhà cũng đã bị cháy hoàn toàn
Những gì còn sót lại của nhà Lang sau đám cháy
Phan Anh
Theo Dantri
"Vén màn" bí ẩn về "sức mạnh" của nèm chú người Mường
Những câu chuyện huyền bí về nèm bùa xứ Mường gắn với những danh từ kỳ bí "bùa yêu" "ngải tình"... từ lâu đã trở thành nỗi sợ hãi của bao người, đặc biệt với những ai coi trọng yếu tố tâm linh. Thực, hư về công dụng thần kỳ của loại bùa ngải này như thế nào?
Ảo chứ không như đồn thổi
Để tìm hiểu về khả năng ảo diệu của nèm, chúng tôi đã tìm về huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là một huyện thuộc diện miền núi tập trung đông đảo người Mường sinh sống. Qua chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm đến nhà ông Thư - 72 tuổi, thuộc xóm Mịn, xã Mỹ Thuận, một người Mường chính gốc.
Bức màn bí ẩn về nèm chú đã được vén lên, câu chuyện về nèm yêu, nèm vay nợ, trả nợ... mà chúng tôi chỉ được nghe qua những lời kể lúc "trà dư, tửu hậu" được hé lộ đôi phần.
Nơi ông Thư thực hiện nghi lễ nèm chú.
Tỉ tê một lúc, chúng tôi hỏi ông Thư về cách làm nèm. Thông tin chúng tôi nghe mọi người kể lại thì nèm chú có thể làm cho người mình thích yêu mình, người đi đòi nợ có thể lấy được nợ, người vay nợ trả được nợ... Ông Thư chia sẻ:
"Tôi có thể làm cho người cháu thích mà bị người khác yêu mất yêu lại cháu được. Tôi cũng có thể làm cho vợ bỏ chồng". Ông Thư còn cho chúng tôi biết thêm về một số khả năng "thần thánh" khác như người đi đòi nợ lấy lại được tiền, người mắc nợ trả được nợ. Một khả năng siêu nhiên khác nữa khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ đó là việc ông có thể làm chớp nhoáng để giúp người đi làm nèm chú... trúng số đề.
Để khẳng định cho những lời nói chắc như đinh đóng cột của mình cũng như xóa tan những hoài nghi của chúng tôi, ông Thư vào nhà lấy một quyển sổ trông bề ngoài khá cũ kỹ, nham nhở. Ông nói: "Đây là quyển sổ có tên, danh sách những người tôi đã làm thành công, từ Nam chí Bắc đều có cả". Thấy chúng tôi vẫn có vẻ chưa tin, ông Thư giở đến trang có ghi tên của một anh ở Hà Nội từng đến xin nèm chú đòi nợ 100 triệu. Theo chia sẻ của ông thì sau đó, anh ta đã đòi được nợ.
Ông bảo, khách đến nhờ ông nèm chú bình thường rất đông, tuy nhiên trò chuyện đến gần trưa chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng một vị khách nào đến nhờ vả. Nhận thấy chúng tôi còn do dự, ông Thư giục: "Bây giờ làm một người, chiều quay lại làm một người".
Viện cớ không mang đủ tiền nhưng vị thầy nèm vẫn gặng đưa đẩy: "Làm đi, chiều làm tiếp". Giá tiền mà ông đưa ra lúc đầu để tôi có thể ở bên người mình yêu là sáu đến bảy trăm nghìn, trong chốc lát số tiền ấy giảm xuống chỉ cón hai, ba trăm nghìn. Khi được hỏi tại sao giảm thì vị thầy nèm cố tình nói lảng sang chuyện khác.
Ông Thư hỏi tên tuổi chúng tôi cũng như ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại và ghi tất vào sổ. Là sổ ghi chép những người từng đến nhờ ông nèm chú thành công nhưng sự thực là "danh bạ" của tất cả những ai đã một lần đến gặp ông. Còn ai thành công thì ảo đến mức... không thể biết.
Bà Muốn - vợ ông Thư chia sẻ với chúng tôi về cách thức làm nèm chú. Bà nói: "Thời gian thực hiện nghi lễ mất 20 phút cháu ạ. Ông lấy nước vuốt mặt, sau đó uống nước với gừng để giữ chân mình, sau đó bỏ gừng vào túi áo, thế là xong". Trong quá trình nèm chú, người thực hiện nghi lễ phải đọc những câu thuộc lòng đã được các bậc cha chú truyền lại. Nói đoạn, bà Muốn cho biết không phải ai cũng có thể học được nèm chú, chỉ trong dòng tộc mới truyền lại, không truyền cho người lạ, làm được hay không còn do tổ tiên phù hộ nữa.
Những gì vợ ông Thư chia sẻ càng trở nên nghịch lý khi chúng tôi nói lời chào tạm biệt. Trước đó, ông Thư cũng khăng khăng nhất quyết rằng tiền tỷ cũng không truyền, đến cả con cái ông cũng còn phải suy nghĩ. Tuy nhiên, đúng phút cuối khi chúng tôi ngỏ lời muốn học nèm chú: "Bác dạy cho cháu được không, bao tiền cũng được" thì ông Thư nói to: "Mang tiền đến đây, tôi làm cho lấy 20 triệu thôi". Để chúng tôi yên tâm hơn, ông khẳng định: "Đến đây tôi làm, hứa chắc chắn".
Nèm chú hay trò bịp kiếm tiền?
Chưa tận mắt chứng kiến thực, hư và tính chân thật của nèm chú, chúng tôi quyết đi tìm lời giải đáp. Cách nhà ông Thư khoảng 300m, chúng tôi tìm gặp anh Minh (trú tại xóm Mịn, xã Mỹ Thuận). Khi được hỏi, anh Minh cho biết: "Ông này làm nèm chỉ cho người lạ, người ở xa đến, chứ chúng tôi thì không làm cho đâu. Mà chúng tôi có bao giờ làm điều đó đâu".
Danh bạ những người mà ông Thư cho là nèm chú thành công.
Chỉ qua những lời đồn thổi thế nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, khả năng nèm chú thần kỳ của ông Thư đã vang xa khắp chốn. Anh Minh tuy chưa chứng kiến sự thật về nèm chú nhưng vẫn khảng khái bộc bạch: "Tôi tin nèm chú có thật". Anh nói thêm: "Bà nội tôi cũng có thể làm được". Vùng đất xứ Mường, theo chia sẻ của hai người con anh Minh thì ở đây nhiều người biết làm nèm chú, ai học cũng được.
Sau lần ông Thư cho chúng tôi xem sổ ghi chép về những người ông đã từng nèm chú thành công, chúng tôi may mắn có được mấy số điện thoại, địa chỉ của những người đến từ Hà Nội. Đầu tiên là chị Lê Thị Thu Hòa, 33 tuổi, trú tại Lạc Long Quân, Hà Nội. Kết nối với chị Hòa, chúng tôi nhận được những thông tin không nằm ngoài dự đoán.
Chị Hòa cho biết sau một lần tình cờ lên mạng chị có quen một bạn, nghe bạn ấy kể, khá tò mò nên chị xin số điện thoại của ông này. Xin được số điện thoại, chị Hòa gọi ngay cho vị thầy bí ẩn. Vài ngày sau chị gặp ông tại bến xe Mỹ Đình, tên ông ấy là Thư. Nghe chị Hòa chia sẻ: "Cháu có thích một anh, vì gặp chuyện trắc trở nên không đến được với nhau, Bác có thể làm giúp cháu được không?".
Ông Thư gật đầu và tiến hành nghi lễ nèm chú. Chị Hòa kể: "Ông ấy lấy chai nước lavie, hà hơi vào đấy, sau đó ông ấy đưa cho mình, bảo ngày nào cũng phải rửa mặt bằng nước ấy, tuy nhiên mình rửa cả tháng rồi mả chả thấy gì". Chi phí cho lần nèm chú ấy, chị Hòa mất 300 nghìn đồng.
Để chắc chắn thông tin vị thầy nèm chú nọ chỉ giở những trò bịp bợm, chúng tôi kết nối đến một số điện thoại khác cũng nằm trong danh sách ông Thư ghi chép. Đó là chị Thu Ngà, sinh năm 1972, cũng ở Hà Nội. Sau khi nghe chúng tôi trình bày câu chuyện, chị Ngà rất bức xúc: "Tôi không hề biết chuyện này, sao lại có số điện thoại của tôi ở trong danh sách ấy". Nói đoạn, chị Ngà tỏ vẻ tức giận cúp máy...
Chắc chỉ cần vậy, bạn đọc sẽ hình dung và có câu trả lời về những đồn đại, huyễn hoặc vào những thầy nèm chú bịp bợm với những câu thần chú... không bao giờ màu nhiệm.
Theo PLVN
Tìm vết "Bánh xe khổng lồ" Có ai từng lên biên giới mà không xao xuyến với những bóng thướt tha của người con gái Thái gánh đôi bương nước qua cây cầu tre lắt lẻo. Có ai từng lên biên giới mà khi trở về lại không có những giây phút lắng mình nhớ về những bánh xe quay bên dòng nước, quay suốt một đời mà không...