‘Ngôi nhà’ của những trẻ em đặc biệt
Nhiều năm nay, tại Thái Bình, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo đã trở thành “ngôi nhà” thứ hai của trẻ đặc biệt.
Bằng nhiệt huyết và lòng yêu nghề, cùng với phương pháp giáo dục phù hợp, các thầy, cô giáo ở Trung tâm đã giúp nhiều trẻ em mắc các hội chứng tự kỷ, chậm phát triển… được can thiệp kịp thời, mở ra tương lai hòa nhập cộng đồng như bạn bè cùng trang lứa.
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo hiện là trung tâm đầu tiên của tỉnh Thái Bình được cấp phép hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ đặc biệt, thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Nghề “đặc biệt”
Dù đã 10 tuổi nhưng nhận thức của H. chỉ như đứa trẻ lên ba. Đang trong giờ học nhưng H. tự do đi lại, la khóc hoặc hát không kiểm soát. Các cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo phải ngừng giờ học, giúp em trấn tĩnh và trở lại trạng thái tâm lý ổn định. Đó là những công việc thường thấy tại Trung tâm.
Hàng ngày, công viêc của cô giáo Mâm non tại Trung tâm bắt đâu từ lúc 6 giờ 30 phút bằng viêc đón trẻ. Chỉ riêng viêc ôn định lớp đê bắt đâu buôi học cũng mất nhiêu thời gian do trẻ khó kiểm soát hành vi và cảm xúc khi phải xa ông bà, bố mẹ. Không bảng đen, phấn trắng như các bậc học khác, giáo viên Mầm non vất vả hơn do không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, phải nắm rõ tính cách, biểu hiện bệnh của trẻ theo khung giờ để có phương pháp can thiệp phù hợp.
Cô giáo Đặng Thị Nga, phụ trách chuyên môn của Trung tâm cho biết, mỗi trẻ đến Trung tâm đều có những khó khăn riêng như: trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động, giảm chú ý; chậm phát triển vận động; chậm phát triển trí tuệ… Em nhỏ nhất mới 14 tháng tuổi, lớn nhất là 14 tuổi. Theo quy trình, khi đến đây, mỗi trẻ đều được sàng lọc ban đầu để đánh giá mốc phát triển so với độ tuổi. Đây là căn cứ quan trọng để giáo viên chuyên môn đưa ra phương pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ tùy theo mức độ bệnh. Định kỳ 1 tháng, 3 tháng, các thầy, cô giáo sẽ thực hiện đánh giá lại để tiếp tục có phương pháp phù hợp với sự phát triển của trẻ dựa trên tham vấn từ bác sỹ chuyên khoa.
Video đang HOT
Một giờ học của nhóm lớp nhỡ tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo.
Chứng kiến những đứa trẻ lên lên 6 – 7 tuổi nhưng chỉ như trẻ vài tháng tuổi không biết các kỹ đơn giản như: nói chuyện, mặc áo quần, đi vệ sinh… mới thấy hết nỗi vất vả của những giáo viên ở đây. Thậm chí, khi trẻ mất kiểm soát hành vi có thể tự làm đau mình hoặc cào, cắn những người xung quanh. Chỉ vào vết thâm tím trên cánh tay, cô Trần Thùy Linh (lớp can thiệp cá nhân) chỉ cười và coi đó là một phần của công việc. Mỗi ngày, cô thực hiện can thiệp cá nhân cho 9 trẻ đặc biệt. Cô Linh chia sẻ, công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng và mỗi giáo viên phải kiên nhẫn để có thể “bước” vào thế giới ấy để cùng chơi, cùng học với trẻ; từng bước đưa các em hòa nhập cộng đồng. Do đó, mỗi tiến bộ nhỏ nhất của trẻ tự kỷ cũng cần quá trình dài; có khi chỉ riêng việc tập luyện cho trẻ ngồi yên từ 10 -15 phút đã mất rất nhiều thời gian.
Lớp can thiệp sớm do cô Trần Thị Liễu phụ trách có 17 bé nhưng chỉ 1-2 bé biết nói. Cô Liễu tâm sự, người bình thường nếu nhìn các bé mắc hội chứng tự kỷ sẽ “giật mình” trước những hành động của các em. Tuy nhiên, giáo viên dạy trẻ đặc biệt chỉ cảm thấy thương, yêu và đau xót bởi những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu.
Niềm vui từ những điều giản dị
Cô giáo Trần Thị Liễu (Giáo viên lớp nhóm) trong giờ học với trẻ đặc biệt.
Hầu hết những giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo đều còn rất trẻ nhưng vẫn chọn con đường gắn bó với trẻ đặc biệt.
Là sinh viên Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, sau khi ra trường, cô Phạm Thị Giang (sinh năm 1990) đã quyết định học thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và trở thành giáo viên Mầm non dạy trẻ đặc biệt. Cô Giang chia sẻ, dạy trẻ đặc biệt là công việc rất vất vả. Hầu hết các giáo viên phải tự nghiên cứu tâm lý và tính cách riêng của từng trẻ để có bài giảng phù hợp. Bởi vì, những kỹ năng thông thường với nhiều trẻ khác như biết “gọi dạ bảo vâng” hay chào cô, chào bố mẹ mỗi khi tới lớp nhưng đối với trẻ đặc biệt là cả quá trình mà cô và trò cùng nhau cố gắng.
Cô giáo Đặng Thị Nga, phụ trách chuyên môn của Trung tâm luôn nhớ đến một cậu học trò mắc hội chứng tự kỷ điển hình. Khi tới Trung tâm, em khá nhút nhát, khả năng tập trung kém, không muốn giao tiếp cùng cô và bạn bè, chỉ thích chơi một mình. Điều may mắn là trẻ được phụ huynh phát hiện sớm và đưa đến Trung tâm để được can thiệp kịp thời. Đều đặn mỗi ngày 1-2 giờ, em được can thiệp 1:1 với giáo viên. Sau 4 năm, đến nay, em đã hòa nhập và trở thành học sinh lớp 2 trong niềm vui của gia đình và giáo viên Trung tâm.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thanh Thảo Trịnh Thị Thanh cho biết, Trung tâm được thành lập năm 2016 thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Sau 6 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm có 7 cơ sở tại Thái Bình và Hà Nội. Cơ sở tại thành phố Thái Bình có 17 giáo viên, 50 trẻ thuộc nhóm lớp và 20 trẻ can thiệp cá nhân với nhiều độ tuổi khác nhau. Trung tâm là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp phép thực hiện nhiệm vụ can thiệp, hỗ trợ trẻ đặc biệt, chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, chuyên môn, Trung tâm sẽ từng bước đưa cơ sở trực thuộc vào hệ thống giáo dục chung, tạo tiền để phát triển trong tương lai, mở ra cơ hội được hỗ trợ, can thiệp của nhiều trẻ đặc biệt.
Quảng Ngãi: Quan tâm trợ giúp trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu mỗi năm có ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội
Muôn nỗi nhọc nhằn
Ông B.P.Q ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) có hai cháu trai sinh đôi đều mắc bệnh tự kỷ. Gần 1 năm qua, ông Q đã cho hai cháu học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh, với mong muốn các cháu mình có thể phát triển như trẻ bình thường. "Cha mẹ hai cháu chia tay từ khi các cháu gần 2 tuổi, để các cháu lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng đến nay. Ông bà lo làm việc để có tiền nuôi các cháu nên cũng không mấy để ý vì vẫn thấy các cháu vui chơi bình thường, chỉ là hơi chậm nói hơn so với trẻ em cùng trang lứa. Đến khi các cháu đi học lớp 1 thì có nhiều biểu hiện lạ, gia đình cho đi khám thì biết 2 cháu đều mắc chứng tự kỷ...", ông Q tâm sự. Đến nay dù chưa thể bình thường như những trẻ khác nhưng qua thời gian được điều trị, hỗ trợ tại Trung tâm, các cháu đã có tiến bộ hơn trước rất nhiều.
Hai cháu của ông Q được điều trị, hỗ trợ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh nên tiến bộ rất nhiều
Còn bà N.T.M ở huyện Mộ Đức dù ở tuổi 80, nhưng hàng ngày vẫn phải chăm nom người con trai đã hơn 40 tuổi mắc bệnh tâm thần nhiều năm nay. "Bình thường cháu nó rất hiền lành, dễ tính nhưng trời nắng nóng cháu hay phát bệnh. Hiện nay cộng đồng xã hội vẫn còn nhiều người có thái độ kỳ thị, chưa thực sự cảm thông với những người mắc chứng bệnh như cháu ...", bà M trải lòng. Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều phụ huynh, gia đình có con em, người thân không may mắc các chứng tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí hiện nay.
"Hiện nay vẫn còn nhiều trẻ tự kỷ, những người mắc các chứng trầm cảm, tâm thần không được phát hiện sớm, không coi trọng hoặc vì nhiều lý do đã bị bỏ qua dẫn tới bỏ lỡ giai đoạn vàng trong can thiệp khiến cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội", Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Hoàng Chi cho hay.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Năm 2022, lần đầu tiên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lớp dạy nghề làm chổi đót cho những người bị bệnh tâm thần, và đây cũng là một trong những cách trị liệu hiệu quả cho người bệnh. Cùng với học nghề, người bệnh còn được nhân viên công tác xã hội chăm sóc tận tình, giúp cải thiện sức khỏe và sớm hòa nhập cộng đồng.
Lớp dạy nghề làm chổi đót cho những người bị bệnh tâm thần
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu mỗi năm có ít nhất 400 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội. Chị Lê Thị Bảy, Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Một số đối tượng khi tinh thần bất ổn mà họ được hoạt động tay chân, họ được làm việc như thế này, thì họ sẽ phát triển về mặt tinh thần sẽ thỏa mái hơn, họ chia sẻ tâm tư nguyện vọng giúp cho các cán bộ ở đây nắm bắt được tâm tư đó và sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các đối tượng này".
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 7.800 người bị bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu mỗi năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Có ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập tỉnh, nơi cung cấp các dịch vụ giáo dục hòa nhập có chất lượng cho học sinh khuyết tật dạng tâm thần, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Mỗi năm Trung tâm nhận chăm sóc và nuôi dạy cho gần 100 trẻ bị khiếm thính và tự kỉ. Bình quân mỗi năm có khoảng 20 em được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Ông Trần Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Bằng các kiến thức và kĩ năng tổ chức cho các cháu rèn luyện ngay tại trung tâm, và thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục, để khuyến khích phụ huynh cũng như nhà trường đón nhận các em cũng như bổ sung kiến thức và tổ chức hoạt động dạy học ngay tại cơ sở, ngay tại gia đình cho các em".
Qua khảo sát, phần lớn các gia đình có người tâm thần, trẻ tự kỉ, người rối nhiễu tâm trí đều có hoàn cảnh khó khăn. Hiện các chương trình, chính sách dành cho những trường hợp này cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, số lượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được trợ giúp kịp thời.
Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và nhân viên làm công tác xã hội
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hữu, Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn cho biết: "Chúng ta cần có sự thay đổi từ nhiều phía, quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước thông qua các văn bản pháp luật để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này trong suốt cuộc đời của họ. Bản thân cộng đồng phải cần nhìn nhận đây là vấn đề của xã hội, giống như các vấn đề khác, chúng ta không có sự khác biệt trong quan hệ đối xử, tạo cơ hội cho họ để họ được hòa nhập theo đúng năng lực của họ, có như vậy thì họ mới có thể hòa nhập cộng đồng một cách bền vững".
Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai thực hiện. Sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng sẽ giúp người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí sớm hòa nhập và có cuộc sống tươi đẹp.
ĐH Y Dược TP.HCM: Hiệu phó bị thu hồi quyết định được bổ nhiệm lại Ông Ngô Quốc Đạt vừa được Hội đồng trường ĐH Y Dược TP.HCM bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Một năm trước Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã bổ nhiệm ông Đạt làm phó hiệu trưởng nhưng bị Bộ Y tế yêu cầu rút quyết định. Trường Đại học Y Dược TP.HCM vừa công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phụ...